Kinh tế biển là gì? Tại sao phải phát triển kinh tế biển trong hội nhập kinh tế quốc tế? Những câu hỏi này sẽ được tailuanvan.com trả lời cặn kẽ trong bài viết sau đây.
1. Kinh tế biển là gì?
Về mặt khái quát, kinh tế biển có thể hiểu là bao gồm:
Thứ nhất, toàn bộ các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển như kinh tế hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), đánh bắt và nuôi trồng hải sản, khai thác dầu khí ngoài khơi, du lịch biển, làm muối, dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, kinh tế đảo…
Thứ hai, nó bao gồm cả các hoạt động trực tiếp liên quan đến khai thác biển, mặc dù không hoàn toàn diễn ra trên biển nhưng hoạt động kinh tế này lại liên quan đến yếu tố của biển hay trực tiếp phục vụ cho kinh tế biển ở vùng ven biển – thông thường đó là hoạt động đóng và sửa chữa tàu biển (hoạt động này cũng được xếp vào kinh tế hàng hải), công nghiệp chế biến dầu, khí, công nghiệp chế biến thuỷ, hải sản, cung cấp dịch vụ biển, thông tin liên lạc (biển), nghiên cứu khoa học – công nghệ biển, đào tạo nhân lực phục vụ kinh tế biển, điều tra cơ bản về tài nguyên – môi trường biển …
Khác với kinh tế biển, kinh tế vùng ven biển lại bao gồm toàn bộ các hoạt động kinh tế ở dải ven biển (có thể tính theo địa bàn các xã ven biển, các huyện ven biển hay các tỉnh tiếp giáp biển – có địa giới tiếp giáp biển) bao gồm cả lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp; công nghiệp và dịch vụ trên phạm vi địa bàn đó.
Như vậy, kinh tế biển là toàn bộ các hoạt động kinh tế được diễn ra trên biển và ở đất liền nhưng có liên quan trực tiếp cho hoạt động khai thác các nguồn lợi kinh tế từ biển.
Xem thêm: Dịch vụ cung cấp tài liệu làm luận văn theo yêu cầu |
2. Sự cần thiết phát triển kinh tế biển trong hội nhập kinh tế quốc tế
2.1. Những tất yếu bên trong
Nước ta với diện tích đất liền không lớn, mật độ dân số cao, đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Hồng và các đô thị; có khoảng 1/3 dân số cả nước sinh sống ở vùng ven biển và trực tiếp chịu ảnh hưởng của biển, nhưng chỉ có gần 40% số này sống nhờ hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến biển [1, tr.52].
Trước yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH phát triển kinh tế nhằm thoát khỏi nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, khoa học… trong khi nguồn tài nguyên trên đất liền đang ngày một cạn kiệt và không có khả năng tái tạo. Để đảm bảo khả năng tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững với tốc độ hàng năm từ 8% trở lên… thì các lĩnh vực kinh tế liên quan đến biển và kinh tế ven biển phải được coi trọng và đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế [2, tr.53].
Hướng phát triển ra biển càng cần thiết hơn nữa khi nước ta mở cửa hội nhập trong điều kiện xuất phát điểm thấp. Mặc dù kinh tế biển nước ta chưa phát triển, chưa bắt kịp xu thế của thế giới, thì những hạn chế trong việc khai thác vùng gần bờ lại thể hiện càng rõ hơn khi vươn ra vùng biển quốc tế. Là một quốc gia có biển, một nhân tố được xem như là đắc địa, Việt nam cần tăng cường hơn nữa những khả năng vươn ra biển và xác định đây là nhân tố thúc đẩy các vùng trong đất liền phát triển.
Từ vị trí địa – kinh tế, địa – chính trị rất quan trọng của biển Việt Nam nên trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH vì mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đảng ta xác định một nhiệm vụ, một phương hướng, một quyết tâm chiến lược: “Việt Nam phải trở thành một quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển” [3, tr.19].
Quốc gia mạnh về biển là quốc gia xây dựng được tiềm lực mọi mặt khai thác hiệu quả và bảo vệ vững chắc vùng biển của mình. Tiềm lực ở đây là tiềm lực chính trị, tinh thần, văn hoá, tiềm lực kinh tế – xã hội, tiềm lực khoa học- công nghệ, tiềm lực quốc phòng, an ninh- đối ngoại.
Về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, với việc một số quốc gia ven Biển Đông chưa đạt được thoả thuận về phân định vùng biển, hải đảo đang tiềm ẩn những bất ổn, dễ dẫn đến xung đột, tác động không nhỏ đến ổn định của khu vực.
Thực tiễn phát triển của đất nước đòi hỏi phải xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển một cách khoa học và hợp lý, cần phải có một chương trình hành động toàn diện về biển và vùng ven biển, nhanh chóng xây dựng một Việt Nam quốc gia mạnh về biển. Giàu lên từ biển là khai thác hiệu quả cao mọi tiềm năng kinh tế biển đem lại sự giàu có cho đất nước, cho địa phương vùng ven biển và cho từng gia đình làm kinh tế biển đảo.
Lợi ích kinh tế biển không chỉ xuất từ một địa phương, một ngành mà cần có sự liên kết một cách khoa học sự phát triển các ngành các lĩnh vực trên toàn vùng, trên địa bàn cụ thể thành một chương trình đồng bộ thống nhất. Đặc biệt phát triển phải chú trọng mọi mặt ở những vùng ven biển.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần X của Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định cần phải xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, trọng tâm, trọng điểm. Sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế. Phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, khai thác và chế biến dầu khí, hải sản, dịch vụ biển, đẩy nhanh công nghiệp đóng tàu biển và công nghiệp khác, chế biến hải sản. Phát triển mạnh, đi trước một bước, một số vùng kinh tế ven biển và hải đảo [4, tr.93].
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực… thì một khuynh hướng cơ bản là phải phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển. Trước mắt cần tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực: Thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, hải sản, rà soát và bổ sung quy hoạch hệ thống cảng biển, các cơ sở đóng tàu, hệ thống vận tải và các dịch vụ hàng hải, phát triển du lịch biển đảo, với cơ cấu ngành, nghề phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, đạt hiệu quả cao. Kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, tăng cường hợp tác quốc tế, vừa phát triển góp phần vào bảo vệ quốc gia. Trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán nước ta, đồng thời khai thác tài nguyên ở hải phận quốc tế. Xây dựng các trung tâm kinh tế, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất lớn ở vùng duyên hải gắn với các hoạt động kinh tế biển làm động lực quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Kết hợp chặt chẽ với phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển nội địa…
Để đạt được mục tiêu và nhiệm vụ to lớn đó, trước hết cần phải có chính sách tạo sức hấp dẫn thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế biển trên tinh thần chủ động, tích cực hội nhập. Phát huy triệt để các nguồn lực bên trong, tranh thủ sự hợp tác các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia.
2.2. Những tác động từ bên ngoài
Toàn cầu hoá kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ dưới tác động thúc đẩy của cách mạng khoa học – công nghệ và kinh tế tri thức đã làm tăng sức ép cạnh tranh và tác động sâu sắc đến các nền kinh tế. Cùng với đó là tiến trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng trong mọi lĩnh vực; các công ty xuyên quốc gia không ngừng điều chỉnh lại, và hình thành nên các tập đoàn khổng lồ chi phối nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên phạm vi toàn thế giới; nền kinh tế thế giới cũng như mỗi quốc gia ngày càng trở nên năng động, liên kết với nhau chặt chẽ hơn; liên kết thương mại toàn cầu, khu vực và việc hình thành hệ thống tài chính quốc tế… đã mang lại những triển vọng phát triển kinh tế tri thức…
Việc hình thành thị trường mang tính toàn cầu đã đem lại nhiều cơ hội, đồng thời cũng nhiều thách thức và nguy cơ đối mặt với các nước tham gia thị trường toàn cầu, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam.
Trong bối cảnh đó nước ta phải phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, vươn lên để hội nhập kinh tế quốc tế, bằng nhiều cách điều chỉnh chiến lược, chính sách theo hướng mở cửa, giảm và tiến tới dỡ bỏ các rào cản thương mại hàng hoá, dịch vụ, luân chuyển vốn, lao động và kỹ thuật giữa nước ta và các nước khác ngày một dễ dàng hơn. Thị trường thế giới ngày một trở nên thống nhất và sự tác động qua lại của các quốc gia cao lên, từ đó làm cho các nước thường xuyên phải điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt thích ứng với xu thế chung của quá trình hội nhập kinh tế. Vì vậy, hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh phức tạp, đặc biệt là đấu tranh chống lại sự chi phối, áp đặt của các cường quốc kinh tế và các công ty xuyên quốc gia, không ngừng mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, góp phần phát triển kinh tế, củng cố an ninh, chính trị, độc lập tự chủ về kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của mỗi quốc gia, thông qua việc thiết lập chặt chẽ với nhau, trong sự tác động qua lại, đan xen nhiều chiều. Các nước đang phát triển trong đó có nước ta chủ động lựa chọn phát triển ngành, nghề có lợi thế cao trong quá trình cạnh tranh, phát triển và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ tham gia có hiệu quả vào phân công lao động quốc tế.
Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh, biển đóng một nhân tố vô cùng quan trọng của mỗi quốc gia có biển trong quá trình phát triển của mình. Nhiều quốc gia có biển đã có những chính sách giữ gìn tài nguyên khoáng sản trong vùng biển của nước mình rất nghiêm ngặt, và coi đó là một nguồn dữ trữ quan trọng, bên cạnh đó lại khai thác ở những vùng biển khác. Và có chiến lược đầu tư cho khoa học – công nghệ biển, đặc biệt chú trọng vào công nghệ khai thác, bảo vệ tài nguyên biển và được xem là một trong bốn mũi nhọn quan trọng của thế kỷ XXI.
Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số, nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền, nhất là tài nguyên không còn khả năng tái tạo được ngày càng cạn kiệt đã đem lại lợi thế vô cùng lớn cho các quốc gia có biển, từ đó cũng nảy sinh ra nhiều mâu thuẫn về quyền lợi giữa các nước có biển và những quốc gia không có biển gây nên những tranh chấp phức tạp và gay gắt về chủ quyền, và quyền lợi từ biển.
Trước tiên là sức ép về dân số đang gây một áp lực ngày càng mạnh trong quá trình tính toán để phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia trên thế giới. Dân số tăng khó kiểm soát bên cạnh đó nguồn tài nguyên trên đất liền ngày một cạn dần, trong tình trạng đói nghèo vẫn là sự thách thức của mỗi quốc gia ngày một gay gắt không những về đói nghèo mà mật độ không gian để sinh tồn ngày càng thu hẹp. Chỉ còn một cách là nhìn ra biển với tư duy kinh tế đang được hình thành ở những quốc gia có biển, cách nhìn về biển cũng khác đi rất nhiều và đề cập nhiều hơn từ một vài thập kỷ gần đây.
Không những về không gian sinh tồn, mà môi trường sống cũng xuống cấp, môi trường sống liên quan trực tiếp đến sự sống của con người đặt ra yêu cầu cấp bách cần phải có thái độ ứng xử mới đối với trái đất, tồn tại hay không tồn tại, trong đó rừng và biển phải như thế nào?
Mặc dù vậy sức ép không dừng ở đó, vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm, ở biển được coi như một giải pháp lâu dài và quan trọng trong tương lai của mỗi quốc gia.
Cuối cùng, là sự phát triển kinh tế (nóng) của nhiều quốc gia trong những năm gần đây, việc thiếu hụt năng lượng đã đặt ra cho những quốc gia này đang nỗ lực vào nghiên cứu, tìm kiếm những nguồn năng lượng mới. Như sức gió, thuỷ triều, địa nhiệt…ở trên mặt biển và trong lòng Đại Dương.
Cùng với xu hướng toàn cầu hoá, cùng với đấu tranh và hợp tác quốc tế trong khai thác phát triển kinh tế biển ngày một phát triển. Hiện nay những nước có biển, trên thế giới và trong khu vực có chiến lược phát triển biển rõ ràng, tăng cường tiềm lực khai thác và khống chế biển.
Sự nổi lên của kinh tế Trung Quốc, đã đưa ra một chiến lược phát triển kinh tế biển, từ khi cải cách nền kinh tế, mở cửa, kinh tế nước này đã phát triển năng động của dải ven biển; trong sự thành công đó là lấy các thành phố ven biển làm cửa ngõ giao lưu thương mại quốc tế và làm đầu tàu kéo toàn bộ nền kinh tế phát triển, đây là những bài học phát huy yếu tố lợi thế của biển và vùng ven biển. Bên cạnh đó một số nước có chiến lược phát triển kinh tế biển như:
Chiến lược biển của Mỹ:
Hoa Kỳ, xem biển là đường vận tải hàng hoá, hành khách, là nguồn năng lượng, nguồn dược liệu. Hàng năm, các cảng biển quốc gia đạt doanh thu hơn 700 tỷ USD. Từ dịch vụ vận tải hàng hoá, vụ vận chuyển hành khách đã thu 12 tỷ USD mỗi năm. Các dịch vụ này tạo ra 13 triệu việc làm. Hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi mở rộng tới các vùng nước sâu hàng năm tạo ra 25 – 40 tỷ USD. Việc khai thác Đại Dương ngày càng tăng và thu về cho nước Mỹ hàng tỷ USD từ các ngành công nghiệp biển như các chế phẩm sinh học và các dược liệu biển. Thuỷ sản là một nguồn lợi mang lại thu nhập và nhiều việc làm cho nền kinh tế, đồng thời hình thành nên di sản văn hoá cho cộng đồng ngư dân. Tổng giá trị thương mại của ngành đánh bắt cá hàng năm đạt hơn 28 tỷ USD, dịch vụ câu cá biển giải trí hàng năm đạt khoảng 20 tỷ USD, dịch vụ bán cá cảnh hàng năm đạt khoảng 3 tỷ USD. Hàng năm, hàng trăm triệu khách đến du lịch ở những bãi biển nước Mỹ, tiêu hàng tỷ USD tạo ra hàng triệu việc làm. Trên thực tế, ngành du lịch và giải trí là những ngành tăng nhanh nhất, làm giàu cho nền kinh tế, tạo việc làm cho những người dân ven biển nước Mỹ.
Nhận thức được điều này, chính phủ Mỹ đã xác định một khung chính sách mới về biển, khung chính sách này mang tính cách mạng, ở cấp quốc gia, được xây dựng và tăng cường vai trò của nhà nước, của các vùng, các cộng đồng các địa phương.
Tăng cường công tác phối hợp lãnh đạo ở cấp quốc gia. Ở cấp liên bang, các bộ ngành thuộc chính phủ và cơ quan độc lập có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách biển. Cần tăng cường các hoạt động phối hợp với nhau và với chính quyền trung ương, vùng và cộng đồng địa phương, việc tăng cường khả năng trao đổi và phối hợp sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả của chính sách biển quốc gia.
Tăng cường tiếp cận vùng. Việc đảm bảo đầy đủ tham gia của nhà nước, các vùng, các cộng đồng và chính quyền địa phương vào xây dựng triển khai chính sách biển là một yếu tố cơ bản của khung chính sách biển Quốc gia. nhiều vấn đề về biển và vùng biển nổi lên hiện nay, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của những nhà làm chính sách ở trung ương, địa phương, cũng như đông đảo của những bên liên quan.
Phối hợp quản lý các vùng ngoài khơi. Khu vực biển ngoài khơi rộng lớn của Hoa Kỳ ngày càng trở nên hấp dẫn cho các hoạt động kinh tế, nhiều hệ thống cơ sở được thành lập nhằm phục vụ các hoạt động khai thác Đại Dương trong thời gian dài, các hoạt động đánh bắt và khai thác các nguồn năng lượng. Tuy nhiên, phải xác định rõ các chức năng quản lý mới, thành lập các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, khai thác các nguồn năng lượng gió…
Ngoài những chính sách trên, khung chính sách biển Quốc gia mới của Mỹ còn đề cập đến việc tăng cường tổ chức, tăng cường đầu tư khoa học công nghệ và thăm dò, xây dựng một kỷ nguyên mới về thu thập dữ liệu và hệ thống thông tin, các chính sách thúc đẩy công tác giáo dục, đào tạo làm nền tảng tương lai về biển [8, tr.18-21].
Chiến lược biển của Liên bang Nga
Hiện nay, Liên bang Nga đang ở vị thế mới trong việc phục hồi vị thế của mình trong lòng Đại Dương, và đây được coi là nhiệm vụ quan trọng. Để giải quyết những vấn đề có tính chiến lược, việc thống nhất mọi nỗ lực của các cấp khác nhau trong nước Nga là hết sức cần thiết. Nhiệm vụ này được đề cập trong chương trình định hướng mục tiêu toàn diện Liên bang về (Đại dương, gọi tắt là chương trình Đại dương) nhằm tạo ra những chương trình cần thiết về vật chất hoá các lợi ích quốc gia và vị thế địa chính trị nước Nga trên biển.
Chương trình Đại Dương nhằm đưa ra một giải pháp toàn diện với vấn đề thăm dò và khai thác hiệu quả Đại Dương nhằm phục vụ hiệu quả kinh tế và bảo vệ an ninh của nước Nga.
Chương trình Đại Dương là một công cụ điều hoà sự phối hợp giữa các chương trình liên bang và khu vực để đưa ra các giải pháp cho từng vấn đề riêng lẻ cho Đại Dương, và định hướng cho các chương trình này cho mục tiêu chung của chính sách quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo vệ lợi ích quốc gia vị thế địa chính trị. Cụ thể là:
Làm cho nước Nga trở nên năng động hơn trên Đại Dương gắn liền với mục tiêu phát triển quốc gia:
Định hướng các hoạt động của nước Nga trên Đại Dương nhằm đạt được những kết quả cụ thể có tính khả thi trong một tương lai gần nhất;
Tạo điều kiện tối đa cho việc nâng cao hợp tác hiệu quả các hoạt động của các cấp chính quyền liên bang cũng như chính quyền các nước cộng hoà liên bang trên Đại Dương.
Chiến lược biển của Canada.
Canada đã đưa một chiến lược biển rất ngắn gọn, có phụ đề rất gợi cảm: “Biển của chúng ta, tương lai của chúng ta” , phản ánh những quan điểm, tư tưởng chủ đạo, những nét định hướng chính và những giải pháp chủ yếu nhất nhằm thực hiện chiến lược này.
Đối với Canada, trong các vùng biển đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử đất nước và trong tương lai, biển cũng tiếp tục đem lại cho quốc gia nhiều hứa hẹn và triển vọng hơn nữa. Chiến lược biển của nước này kêu gọi tất cả mọi người cùng phối hợp, cộng tác để đem lại cho biển ngày một trong lành, an toàn và thịnh vượng, đem lại lợi ích cho tất cả mọi người Canada hôm nay và mai sau.
Các nguyên tắc xây dựng chiến lược hoạch định chính sách gồm: phát triển bền vững, quản lý hội nhập và tiếp cận thận trọng.
Phát triển nguồn tài nguyên biển hiện tại và trong tương lai phải được tiến hành sao cho không tổn hại đến việc thoả mãn nhu cầu của các thế hệ trong tương lai.
Quản lý hội nhập là việc cam kết cho hoạch định và quản lý tổng thể của con người, trong đó xem xét các yếu tố cần thiết nhằm duy trì và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển, cùng chia sẻ không gian biển.
Tiếp cận thận trọng là cam kết bảo tồn, quản lý khai thác nguồn tài nguyên biển để bảo vệ nguồn tài nguyên này và giữ gìn môi trường, hệ sinh thái biển. Mục tiêu chiến lược là thúc đẩy hoạt động quản lý biển, tìm kiếm nguồn tài nguyên biển, và thực hiện các hoạt động kinh doanh.
Các nước ở vùng Đông và Đông Nam Á cũng đang khởi động chương trình về biển xây dựng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ thành một cực tăng trưởng mới trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc. Trước xu thế toàn cầu hoá và sự phát triển của đất nước thì nền kinh tế biển đóng một vài trò quan trọng quá trình phát triển.
Hy vọng với bài viết trên, bạn đã có thể hiểu được kinh tế biển là gì?
Để lại một bình luận