Pháp luật bán đấu giá tài sản là gì? Đặc điểm và nội dung cơ bản của pháp luật bán đấu giá tài sản ra sao? Hãy cùng tailuanvan.com trả lời những câu hỏi này trong bài viết dưới đây.
1. Khái niệm bán đấu giá tài sản và pháp luật bán đấu giá tài sản
Khái niệm về pháp luật bán đấu giá tài sản trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật là một lĩnh vực mới mẻ rất phức tạp.
Theo lý luận chung hệ thống pháp luật được hiểu là tập hợp tất cả các quy phạm pháp luật, văn bản pháp luật tạo thành một cấu trúc tổng thể, được phân chia thành các bộ phận có sự thống nhất nội tại theo những tiêu chí nhất định như bản chất, nội dung, mục đích. Theo đó hệ thống pháp luật bao gồm hệ thống cấu trúc bên trong và hệ thống cấu trúc bên ngoài
Hệ thống cấu trúc bên trong là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau, được phân chia thành các ngành luật, mỗi ngành luật lại được tạo nên bởi một bộ phận các quy phạm pháp luật có sự thống nhất nội tại, có chung đối tượng và phương pháp điều chỉnh. Trong mỗi bộ phận quy phạm pháp luật lại được phân bổ thành những bộ phận nhỏ hơn hợp thành các chế định pháp luật và mỗi chế định pháp luật lại được hình thành từ các quy phạm pháp luật.
Hệ thống cấu trúc bên ngoài là tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự luật định nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản quan trọng. Hệ thống cấu trúc bên ngoài được phân định thành các văn bản luật và văn bản dưới luật [10, tr.173].
Theo quan niệm này, pháp luật về bán đấu giá tài sản chưa phải là một ngành luật độc lập có phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh riêng biệt. Mặc dù pháp luật về bán đấu giá tài sản cũng bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội về bán đấu giá tài sản được thể hiện trong các văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và có mối quan hệ thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, do đặc điểm của loại tài sản được đưa ra bán đấu giá theo cách phân định của pháp luật, mà pháp luật về bán đấu giá tài sản không thuộc một ngành luật chuyên biệt nào. Các quy định của pháp luật về bán đấu giá nằm rải rác trong các quy định của luật, pháp lệnh, nghị định như Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Đăng ký giao dịch đảm bảo, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh thi hành án, Nghị định về kê biên đấu giá quyền sử dụng đất trong thi hành án, Quyết định về việc ban hành quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, Nghị định về xử lý hàng hoá do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam… Vì vậy, cần thấy rằng pháp luật về bán đấu giá tài sản vừa đang là những quan hệ bổ trợ tư pháp giúp cho hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan tư pháp thực hiện nhiệm vụ của mình trong xử lý các tài sản để thi hành án, tịch thu sung công quỹ nhà nước, trong các khoản bồi hoàn, tiền phạt hoặc bán tài sản nhà nước vừa là các quan hệ pháp luật về giao dịch dân sự khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu bán đấu giá tài sản thuộc sở hữu của họ.. Tại Điều 1, Nghị định số 05/2005/NĐCP quy định phạm vi điều chỉnh đó là: quy định về nguyên tắc, thủ tục bán đấu giá tài sản, người bán đấu giá tài sản và quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản. Về đối tượng điều chỉnh Điều 34 của Nghị định này cũng quy định rõ đó là Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và Hội đồng bán đấu giá tài sản (đối với tài sản dưới mười triệu đồng mà không phải là Hội đồng đấu giá tài sản theo Quyết định 216/2005/QĐ-TTg). Do đó, pháp luật về bán đấu giá hiện nay so với các quy định pháp luật nói chung còn chưa hợp lý nhất là về nội dung pháp luật, hình thức pháp luật và tổ chức thực hiện của hệ thống pháp luật này.
Tuy nhiên, xem xét pháp luật về bán đấu giá trong mối quan hệ với các ngành luật trong hệ thống pháp luật có thể đưa ra khái niệm pháp luật về bán đấu giá tài sản như sau: Pháp luật về bán đấu giá tài sản là toàn bộ các quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực bán đấu giá tài sản bao gồm những quy định về nguyên tắc, thủ tục bán đấu giá tài sản, người bán đấu giá và quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Điều cần thấy rằng, khung pháp luật về bán đấu giá tài sản ở nước ta đang trong quá trình hình thành chưa thể tạo thành một trật tự pháp luật đầy đủ và ổn định. Chưa có một văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao như Luật để điều chỉnh và tổ chức hoạt động bán đấu giá tài sản nhằm đưa tổ chức và hoạt động này ngày càng có hiệu quả hơn trong tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp cũng như hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch và phát huy được các lợi ích kinh tế do bán đấu giá tài sản đem lại. Với ý nghĩa đó chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản và các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan.
2. Đặc điểm của pháp luật bán đấu giá tài sản
Nói đến đặc điểm của pháp luật bán đấu giá chính là muốn nói đến những dấu hiệu đặc trưng để phân biệt pháp luật bán đấu giá với những quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác. Ở góc độ này chúng ta thấy pháp luật về bán đấu giá có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, trước đổi mới và những năm đầu sau khi đổi mới và cho đến nay số lượng văn bản pháp luật về bán đấu giá tài sản còn ít, chủ yếu là trong lĩnh vực Dân sự, thi hành án dân sự và trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính. Đó là các quy định của Bộ luật dân sự năm 1995, Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1989…
Thứ hai, những văn bản pháp luật về bán đấu giá tài sản chỉ có hình thức pháp lý là văn bản dưới luật hoặc được quy định dưới các hình thức là các chế định pháp luật trong các văn bản luật chuyên ngành. Chẳng hạn như Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản; Chế định pháp luật về đấu giá hàng hóa theo quy định của Luật Thương mại năm 2005; Chế định pháp luật về bán đấu giá tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005; Các quy định về bán đấu giá trong Pháp lệnh Thi hành án Dân sự năm 2004…
Thứ ba, pháp luật về bán đấu giá còn rất tản mạn, phức tạp chưa có tính hệ thống. Đặc biệt là trong thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế nhiều văn bản pháp luật trên nhiều lĩnh vực ban hành có liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản như Luật đất đai năm 2003 (sửa đổi), Luật đăng ký giao dịch bảo đảm năm 2005, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008… Nếu chúng ta xem pháp luật về bán đấu giá tài sản là những quy định chung thì trong mối quan hệ với những văn bản luật trên có ý nghĩa như là những quy định của pháp luật chuyên ngành. Ở đặc điểm này của pháp luật về bán đấu giá cho thấy cũng giống như đặc điểm của pháp luật xã hội chủ nghĩa nói chung nó tồn tại không phải bởi “ tổng số cộng” đơn giản các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành mà phải là một chỉnh thể thống nhất với sự phối hợp cùng tác động điều chỉnh các quan hệ pháp luật về bán đấu giá tài sản hết sức linh hoạt và phong phú, trải rộng trên nhiều lĩnh vực.
Thứ tư, pháp luật bán đấu giá có đặc điểm quy định về người bán đấu giá tài sản rất rộng gồm nhiều loại chủ thể tham gia. Đó là Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và Hội đồng bán đấu giá tài sản.
Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản được tiến hành kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản khi có đủ các điều kiện sau đây: Có đăng ký kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản; Có ít nhất một đấu giá viên; Có cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện bán đấu giá tài sản.
3. Nội dung của pháp luật bán đấu giá tài sản
Nội dung của pháp luật bán đấu giá tài sản bao gồm nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá, người bán đấu giá tài sản và quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản. Những nội dung trên được pháp luật quy định hoặc do thỏa thuận của các bên về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý được thể hiện bằng những hình thức cụ thể đó là Hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản và Văn bản bán đấu giá tài sản.
Hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản là sự thoả thuận giữa bên có tài sản bán đấu giá và trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản. Nội dung của hợp đồng uỷ quyền về cơ bản quy định trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của bên có tài sản bán đấu giá, một số điều khoản có liên quan đến người thứ ba trong hợp đồng uỷ quyền như: người giữ tài sản, người tham gia đấu giá tài sản.
Chủ thể tham gia hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản: Một bên là tổ chức, cá nhân có yêu cầu bán đấu giá tài sản, bên kia là trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản [6, tr.55].
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 05/2005/NĐ/CP thì hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản phải được lập thành văn bản và có các nội dung chủ yếu sau đây: Họ, tên, địa chỉ của người có tài sản bán đấu giá; tên, địa chỉ của người bán đấu giá tài sản; Thời hạn, địa điểm bán đấu giá tài sản; Liệt kê, mô tả tài sản bán đấu giá; Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá; Thời hạn, địa điểm, phương thức giao tài sản để bán đấu giá; Việc thanh toán tiền bán tài sản trong trường hợp bán đấu giá thành; Các chi phí thực tế, hợp lý cho việc bán đấu giá tài sản; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Các thỏa thuận khác.
Văn bản bán đấu giá tài sản hay hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá là sự thoả thuận giữa người bán đấu giá tài sản là trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá. Nội dung của hợp đồng này chủ yếu quy định trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của người đấu giá và người mua được tài sản bán đấu giá. Văn bản bán đấu giá tài sản có giá trị xác nhận việc mua bán tài sản, là cơ sở pháp lý để chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản bán đấu giá. Văn bản bán đấu giá tài sản phải có chữ ký của đấu giá viên chịu trách nhiệm về việc bán đấu giá tài sản và của người mua được tài sản bán đấu giá. Đối với văn bản bán đấu giá bất động sản thì phải có chứng nhận của công chứng viên nơi có bất động sản. Quy định này phù hợp với pháp luật về đất đai và Luật nhà ở
Chủ thể tham gia hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá tài sản gồm một bên là trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, bên kia là người mua được tài sản bán đấu giá.
Nội dung của hợp đồng này có các nội dung chủ yếu sau đây: Tên, địa chỉ của người bán đấu giá tài sản; Họ, tên của người điều hành cuộc bán đấu giá tài sản; Họ, tên, địa chỉ của người có tài sản bán đấu giá; Họ, tên, địa chỉ của người mua được tài sản bán đấu giá; Thời gian, địa điểm bán đấu giá tài sản; Tài sản bán đấu giá; Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá; Giá bán tài sản; Thời hạn, phương thức, địa điểm thanh toán tiền mua tài sản đã bán đấu giá; Thời hạn, địa điểm giao tài sản đã bán đấu giá cho người mua được tài sản bán đấu giá; Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ của các bên [9, tr.9].
Sự khác nhau giữa hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá và hợp đồng bán đấu giá tài sản ở các chủ thể tham gia của hai hợp đồng này là khác nhau, hai hợp đồng này là hai hợp đồng tách biệt. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản là hợp đồng gốc, khi các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng này thì sẽ dẫn đến hợp đồng thứ hai là hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá. Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá cần phải chuyển cho người có tài sản để họ biết và làm các thủ tục chuyển giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá. Trong trường hợp tài sản bán đấu giá là bất động sản thì văn bản bán đấu giá tài sản còn được gửi cho cơ quan thuế.
Tuy nhiên, tùy theo các loại tài sản được đưa ra bán đấu giá mà có thể có hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá hoặc hợp đồng bán đấu giá tài sản. Đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thì người bán đấu giá tài sản lập phương án bán đấu giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khi tổ chức đấu giá thì lập biên bản đấu giá của mỗi vòng đấu giá được quy định tại Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg. Trong chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu để bán đấu giá được tiến hành trên cơ sở của pháp luật và người có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm không được quyền lựa chọn người bán đấu giá để tiến hành bán đấu giá các loại tài sản này.
Bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án theo quy định tại Điều 23 của Nghị định 164/2004/NĐ-CP có quy định: Trường hợp người được thi hành án không đồng ý nhận quyền sử dụng đất hoặc người phải thi hành án không đồng ý cho người được thi hành án nhận quyền sử dụng đất để thi hành án kể cả quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất thì trong thời hạn không quá mười ngày làm việc, kể từ ngày định giá chấp hành viên phải làm thủ tục ký Hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá với tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản để đấu giá quyền sử dụng đất. Nếu người phải thi hành án có chung quyền sử dụng đất đối với người khác thì người có chung quyền sử dụng đất đối với người phải thi hành án có văn bản đề nghị nhận quyền sử dụng đất đã kê biên. Nếu trong thời hạn thực hiện quyền ưu tiên không quá mười ngày làm việc, nếu người có chung quyền sử dụng đất với người phải thi hành án có văn bản đề nghị không nhận quyền sử dụng đất đó [39, tr.56].
Nội dung quản lý Nhà nước về bán đấu giá tài sản quy định tại Nghị định số 05/2005/NĐ/CP có nêu nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước thống nhất về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản trong phạm vi cả nước, có nhiệm vụ, quyền hạn soạn thảo, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động bán đấu giá; hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật đó. Ban hành, quản lý và hướng dẫn theo thẩm quyền việc sử dụng các mẫu văn bản, giấy tờ trong lĩnh vực bàn đấu giá tài sản, Sổ đăng ký bán đấu giá tài sản. Kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản theo thẩm quyền. Tổng hợp và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác được Chính phủ giao.
Bộ Tài chính có nhiệm vụ, quyền hạn hướng dẫn về chế độ tài chính trong hoạt động bán đấu giá tài sản. Hướng dẫn, kiểm tra việc chuyển giao tài sản Nhà nước để bán đấu giá. Hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá là tài sản nhà nước. Hướng dẫn chung về mức thu, việc quản lý, sử dụng phí đấu giá thuộc nguồn thu của ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý hoạt động bán đấu giá tài sản tại địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định thành lập Trung tâm; bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc Trung tâm. Bảo đảm biên chế, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho Trung tâm. Quy định cụ thể về mức phí đấu gía tại địa phương căn cứ vào quyết định của Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản trong phạm vi địa phương theo thẩm quyền.
Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bán đấu giá tài sản tại địa phương theo quy định của Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 29/9/2004 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sở Tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn sau: Phối hợp với Sở Nội vụ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Đề án thành lập Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; Phối hợp với Sở Nội vụ đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; Bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; Trực tiếp quản lý Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản theo thẩm quyền; Kiểm tra về tổ chức và hoạt động của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản; Định kỳ hàng năm báo cáo Uỷ ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Tư pháp về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản tại địa phương; Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (Mục 9 Thông tư số 03/2005/TT- BTP).
Trả lời