Trong bài viết sau đây, tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn nội dung tổng quan về điều kiện giao dịch chung trong kinh doanh quốc tế. Bao gồm: Khái niệm, lịch sử hình thành, khả năng áp dụng và một số nội dung điển hình.
1. Khái niệm điều kiện giao dịch chung
Trong giao dịch thương mại quốc tế, điều kiện giao dịch chung (General terms and conditions) thường được hiểu là những điều khoản có tính ổn định trong hợp đồng, được sử dụng chung cho các đối tác khác nhau, do một hoặc một số chủ thể cùng ấn định nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu lực chung khi ký các hợp đồng trong lĩnh vực tương ứng.
Điều kiện giao dịch chung là một bộ phận của nội dung hợp đồng đã được sử dụng khá phổ biến trong hoạt động kinh doanh nhưng hiện tại vẫn chưa có khái niệm chính thức nào về điều kiện giao dịch chung trong các văn bản pháp lý hay trong các nguyên tắc quốc tế. Với cách hiểu như trên, chúng ta có thể tìm thấy những đề cập sơ bộ về Điều kiện giao dịch chung trong các tài liệu nghiên cứu và trong các văn bản pháp luật.
Ví dụ, tại Điều 2.19 của PICC nêu:
“Điều 2.19: (Hợp đồng có các điều khoản đã được soạn sẵn)
- Khi một hoặc cả hai bên sử dụng các điều khoản mẫu soạn sẵn để giao kết hợp đồng, các qui định chung về giao kết hợp đồng sẽ được áp dụng theo các Điều 2.20 – Điều 2.22 dưới đây.
- Hợp đồng soạn sẵn là những hợp đồng có những điều khoản được chuẩn bị từ trước cho việc sử dụng lại nhiều lần và nhìn chung được tiến hành không qua đàm phán với phía bên kia.”
Như vậy, theo khái niệm này, điều quan trọng ở đây không phải là hợp đồng được trình bày dưới dạng nào (ví dụ hợp đồng được trình bày trong văn bản soạn riêng, hoặc hợp đồng được in sẵn, hoặc được lưu trữ trong máy tính …), hoặc do bên nào soạn thảo (một bên đối tác, hiệp hội thương mại hay nghề nghiệp ,…), hoặc số lượng những điều khoản cần thiết cấu thành hợp đồng, hoặc một vài điều khoản điển hình (điều khoản về trọng tài, hoặc điều khoản miễn trừ trách nhiệm,…). Điều quan trọng là những điều khoản này được soạn thảo trước để một bên sử dụng chung và làm nhiều lần, kể cả khi sử dụng chung cho bên kia, mà không có sự thoả thuận lại. Yêu cầu sau rõ ràng chỉ liên quan đến những điều khoản soạn sẵn, mà đối tác phải chấp nhận toàn bộ, trong khi các điều khoản khác của cùng hợp đồng có thể được thoả thuận lại giữa các bên.
Thông thường, có những nguyên tắc chung áp dụng cho việc soạn thảo mọi loại hợp đồng, cho dù các bên có ý định sử dụng các điều khoản soạn sẵn hay không. Các điều khoản soạn sẵn do một bên đề nghị sẽ có giá trị ràng buộc với bên kia, chỉ khi được bên kia chấp nhận, và điều này tuỳ thuộc vào hoàn cảnh từng vụ việc cụ thể, chẳng hạn như hai bên có thể có thể viện dẫn đến các điều khoản soạn sẵn trong hợp đồng, hoặc sự viện dẫn này có thể được các bên tự hiểu. Vì vậy, các điều khoản soạn sẵn trong hợp đồng thường có giá trị ràng buộc, khi có chữ ký của các bên nói chung; cũng như các điều khoản này phải được ghi phía trên của chữ ký và không được ghi ở phía dưới chữ ký nói riêng. Mặt khác, những điều khoản soạn sẵn trong một văn bản riêng biệt thường chỉ có giá trị ràng buộc khi bên có ý định sử dụng chúng nêu rõ vấn đề này trong hợp đồng chính. Việc sáp nhập một cách ngầm hiểu các điều khoản soạn sẵn chỉ có thể được công nhận nếu như hai bên đối tác đã có mối quan hệ từ trước và đã tạo thành một thói quen hay tập quán sử dụng các điều khoản soạn sẵn.
Hiện tại pháp luật về hợp đồng của Việt Nam hiện hành chưa có những quy định điều chỉnh riêng về Điều kiện giao dịch chung. Liên quan tới loại hợp đồng có điều khoản soạn sẵn, Bộ luật Dân sự Việt Nam đưa ra khái niệm về hợp đồng mẫu tại khoản 1 Điều 407: “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra”. Với cách quy định này, pháp luật Việt Nam mới chỉ đề cập tới hợp đồng mẫu và nội dung của nó chỉ có giá trị pháp lý nếu bên được đề nghị đã chấp nhận. Trong thực tiễn, điều kiện giao dịch chung đã được sử dụng khá phổ biến để giao kết hợp đồng, tuy nhiên chưa được điều chỉnh bởi pháp luật. Nhiều tài liệu có liên quan vẫn chỉ thừa nhận khái niệm hợp đồng mẫu trong hoạt động thương mại và không sự phân biệt giữa hợp đồng mẫu và Điều kiện giao dịch chung. Phần tiếp theo đây của luận văn xin được đề cập tới sự giống và khác nhau giữa hai khái niệm này và cách hiểu theo quan điểm quốc tế và quan điểm của pháp luật Việt Nam.
2. Phân biệt điều kiện giao dịch chung với hợp đồng mẫu
(1). Giống nhau
Hợp đồng mẫu và Điều kiện giao dịch chung đều là những tiền đề về nội dung do một bên soạn sẵn, đưa ra làm cho việc giao kết hợp đồng trở nên dễ dàng và trở thành nội dung của hợp đồng nếu được phía bên kia chấp nhận.
(2). Khác nhau
+ Về tính chất:
Trong thực tiễn, hợp đồng mẫu thông thường gồm hai bộ phận: một là, những điều khoản để trống những thông tin thay đổi theo từng thương vụ (ví dụ: trị giá hợp đồng, số lượng hàng hoá, thời gian và địa điểm giao hàng…); hai là, những điều khoản được soạn sẵn đầy đủ nội dung.
Trong giai đoạn đầu của việc sử dụng những điều khoản soạn sẵn, vì mục tiêu đảm bảo lợi ích cho các thành viên của mình, các tập đoàn, hiệp hội đã đưa ra những điều kiện riêng trong hoạt động thương mại và dành cho các thành viên của mình áp dụng. Sau đó, nhằm tăng tính thuận tiện trong đàm phán, các điều khoản rời rạc này được tập hợp thành một bản các điều khoản soạn sẵn mang tính tham khảo. Khi bản các điều khoản này được soạn thảo đầy đủ hơn với những điều khoản soạn sẵn toàn bộ nội dung và những điều khoản để ngỏ để điền thông tin riêng của từng thương vụ thì hợp đồng mẫu ra đời.
Như vậy, hợp đồng mẫu ra đời trước hết nhằm mục đích tham khảo và tạo điều kiện dễ dàng cho việc giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp đã tiếp tục phát triển, cá biệt hoá các hợp đồng tham khảo này và tách phần điều khoản soạn sẵn đầy đủ nội dung thành một bản điều kiện không thay đổi qua các thương vụ, điều kiện giao dịch chung dần được hình thành. Chính vì những điều khoản được lựa chọn đưa vào bản điều kiện giao dịch chung đã được lựa chọn kỹ, ít thay đổi và được soạn thảo cẩn thận nên thường các doanh nghiệp sẽ đề nghị đối tác chấp nhận toàn bộ nội dung. Có thể nói, điều kiện giao dịch chung mới là bản mang tính bắt buộc áp dụng trong các thương vụ trong khi hợp đồng mẫu chỉ vẫn mang tính tham khảo nhiều hơn. Với cách hiểu này hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung là hai khái niệm độc lập.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 407 Bộ luật dân sự Việt Nam thì hợp đồng mẫu lại được hiểu trong phạm vi hẹp hơn. Nghĩa là hợp đồng mẫu chính là nội dung gợi ý của doanh nghiệp đưa ra trước khi các giao dịch được thực hiện. Nội dung soạn thảo sẵn sẽ không thay đổi nếu bên được đề nghị đã hoàn toàn chấp nhận. Có thể thấy, Bộ luật Dân sự chưa đề cập tới (về mặt bản chất) điều kiện giao dịch chung mà chỉ đề cập tới hợp đồng mẫu.
Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn, khái niệm điều kiện giao dịch chung được hiểu theo quan điểm phổ biến.
+ Về hình thức:
Với cách hiểu theo quan điểm quốc tế, hợp đồng mẫu gồm hai bộ phận: một là, các điều khoản để trống những thông tin thay đổi theo từng thương vụ (ví dụ: trị giá hợp đồng, số lượng hàng hoá, thời gian và địa điểm giao hàng…); hai là, các điều khoản được soạn sẵn đầy đủ nội dung, thường là các điều khoản không thay đổi qua các thương vụ (ví dụ: điều khoản về bồi thường, khiếu nại, điều khoản luật áp dụng…).
Điều kiện giao dịch chung gồm những điều khoản được soạn sẵn với đầy đủ nội dung, không thay đổi qua các thương vụ.
3. Lịch sử hình thành
Trên thị trường thế giới, các bên mua và bên bán thường có mâu thuẫn về quyền lợi. Trong một số thương vụ nếu bên bán có lợi, ắt hẳn bên mua ở vào thế bất lợi. Ngược lại, nếu bên mua có lợi, bên bán lại rơi vào thế bất lợi. Tham vọng giành giật thêm điều lợi hoặc, chí ít, bảo vệ quyền lợi cho mình đã tập hợp những doanh nghiệp có cùng lợi ích lại thành các tập đoàn. Những tập đoàn đó có thể là những tổ chức lũng đoạn như: cartel, trust, syndicat, consortium, conglomerate… cũng có thể là những tổ chức xã hội có tính chất nghề nghiệp như các hiệp hội (association), hội liên hiệp (federation). Chỉ có những doanh nghiệp nào có nhiều lợi thế, có tiềm năng dồi dào thì mới đứng độc lập trong kinh doanh quốc tế, gọi là những doanh nghiệp “ngoài rìa” (outsider).
Để bảo vệ quyền lợi của các thành viên của mình, các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn thường đưa ra những điều quy định, những cách ứng xử cho việc mua bán hàng hoá. Khoảng giữa thế kỷ 19, đó còn là những điều khoản mẫu để vận dụng vào các hợp đồng mua bán như: cơ sở của giá cả, thanh toán, điều kiện giao hàng, khiếu nại, phạt bội ước, trọng tài… Nhận thấy điều khoản mẫu chưa phải là biện pháp có tính chất tổng thể cho việc ký hợp đồng, người ta tập hợp các điều khoản này vào một văn bản có tính tổng quát hơn gọi là hợp đồng mẫu hoặc hợp đồng sử dụng những điều khoản soạn sẵn.
Thời kỳ này, các hợp đồng mẫu được các tập đoàn, hiệp hội soạn thảo để các thành viên của mình tham khảo và sử dụng. Ví dụ, Hiệp hội buôn bán ngũ cốc Luân đôn (The London Corn Trade Association) có tới trên dưới 60 loại hợp đồng mẫu; Hiệp hội đường của Luân đôn (The Sugar Association of London) cũng có hàng chục loại hợp đồng mẫu để các hội viên tuỳ ý sử dụng.
Các hợp đồng mẫu có thể được trình bày dưới dạng bản điều kiện chung của doanh nghiệp hoặc của tập đoàn kinh doanh. Đó là các bản điều kiện giao dịch chung bán hàng (General conditions of sales) hoặc điều kiện giao dịch chung mua hàng (General conditions of purchases). Các bản điều kiện giao dịch chung này có thể là những văn bản độc lập, cũng có thể là bản quy định nằm ở mặt sau của hợp đồng. Điều kiện giao dịch chung trở thành bộ phận không tách rời của hợp đồng, trong hợp đồng thường có một lời dẫn chiếu đến chúng, ví dụ như: “Theo bản điều kiện chung bán hàng kèm theo đây” (As per the herein attached General conditions of Sales).
Trong nhiều trường hợp, điều kiện giao dịch chung được các bên trong hợp đồng thoả thuận trước và trở thành bản hợp đồng khung, bao gồm những nguyên tắc căn bản và những điều quy định chung làm cơ sở cho những hợp đồng cụ thể. Những nguyên tắc này khi đã được các bên chấp nhận thì sẽ không có những thay đổi về nội dung.
Lĩnh vực áp dụng
Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, các hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung chỉ được áp dụng đối với hàng nguyên liệu nông sản và khoáng sản. Đây là những mặt hàng chưa được chế biến hoặc có mức độ chế biến thấp, có khối lượng lớn, thường là những hàng đồng loại, chưa được đặc định hóa vào lúc ký kết hợp đồng.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung được áp dụng đối với hầu hết các mặt hàng có nguồn cung ổn định, kể cả những loại hàng hóa vô hình như dịch vụ tư vấn kỹ thuật, mua bán sang chế và bí quyết kỹ thuật…Tuy nhiên, lĩnh vực áp dụng phổ biến vẫn là những mặt hàng có khối lượng lớn và đối tượng khách hàng nhỏ lẻ nhiều.
4. Khả năng áp dụng điều kiện giao dịch chung trong kinh doanh quốc tế
Khi các doanh nghiệp lớn mạnh thì các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng đa dạng và phức tạp hơn. Chính sự đa dạng, phức tạp này lại ẩn chứa nhiều hơn những rủi ro đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt cho các thương vụ trước khi tiến hành giao dịch; đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hoá trong nghiệp vụ giao dịch kinh doanh quốc tế. Trong đó, một mục đích quan trọng đặt ra của bên soạn thảo (thường là có thế mạnh) là làm sao xây dựng được hợp đồng hoàn hảo tránh được những rủi ro pháp lý cho mình. Thông thường, việc soạn thảo hợp đồng thương mại quốc tế yêu cầu khá nhiều kỹ năng. Người soạn thảo phải dự tính được những rủi ro sẽ xảy ra trong tương lai để có thể điều chỉnh các điều khoản cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn. Vai trò của hợp đồng trong các giao dịch thương mại quốc tế lại càng quan trọng; phần vì đối tác là những doanh nhân chuyên nghiệp, rất am hiểu luật trong việc giải quyết tranh chấp; phần vì các hợp đồng kinh doanh quốc tế không mặc nhiên được luật Việt Nam điều chỉnh. Từ đó có thể thấy việc làm quen với luật và tập quán quốc tế là rất cần thiết.
Do điều kiện giao dịch chung là những điều khoản đã được soạn sẵn phù hợp với tiềm lực, đặc điểm và lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn thị trường, có tính ổn định cao nên được sử dụng là công cụ rất hữu hiệu đối với mỗi doanh nghiệp.
Sự chuyên nghiệp hoá nghiệp vụ kinh doanh quốc tế ở đây không phải thành lập ra một bộ máy chuyên soạn thảo hợp đồng theo thời vụ mà tập trung nghiên cứu những biến động thị trường, nghiên cứu luật pháp, quy tắc điều chỉnh hợp đồng để đưa ra được những điều kiện giao dịch chung phù hợp với chuẩn mực quốc tế và phù hợp với doanh nghiệp.
5. Một số nội dung điển hình trong điều kiện giao dịch chung
5.1. Điều kiện giao hàng
Thời gian giao hàng
Về thời hạn giao hàng, điều kiện giao dịch chung thường dẫn chiếu tới hoặc quy định giống như Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hoá quốc tế “Người bán phải giao hàng đúng vào ngày mà hợp đồng đã quy định cho việc giao hàng” hoặc “vào bất cứ thời điểm nào trong khoảng thời gian được hợp đồng ấn định”. Vì vậy, khi quy định ngày giao hàng, người bán phải giao trước 24 giờ ngày đó, còn khi quy định tháng giao hàng, người án phải tiến hành việc giao hàng vào một ngày trong tháng đó (tính từ ngày đầu đến ngày cuối cùng).
Thông báo giao hàng
Trong các bản điều kiện giao dịch chung, người ta thường có quy định hai lần thông báo giao hàng: Thông báo trước khi giao hàng và thông báo kết quả giao hàng.
Việc thông báo trước khi giao hàng có mục đích báo cho người mua biết về việc hàng đã sẵn sàng để giao, nhằm giúp người mua có thể thuê tàu chở hàng. Vì vậy, người bán không được làm thông báo này trước khi mình đã thực sự có khả năng giao hàng phù hợp với các điều kiện của hợp đồng.
Việc hoàn thành nghĩa vụ giao hàng
Việc hoàn thành nghĩa vụ giao hàng là nội dung khá được quan tâm trong điều khoản giao hàng của bản điều kiện giao dịch chung. Phần lớn các hợp đồng quy định ngày giao hàng được xác định “bằng ngày vận đơn được cấp hoặc sẽ được cấp” (As Bill of Lading dated or to be dated). Đa số các hợp đồng loại này còn quy định rằng, nếu không có bằng chứng khác thì vận đơn đường biển được công nhận là bằng chứng ngày bốc hàng lên tàu. Một số hợp đồng còn đề cao giá trị này của vận đơn bằng cách quy định rằng nếu muốn phủ nhận bằng chứng của vận đơn thì phải đưa ra bằng chứng có “khả năng thuyết phục” (conclusive). Những hợp đồng khác không công nhận những bằng chứng khác ngoài vận đơn về ngày bốc hàng.
Vì ngày của vận đơn quan trọng như thế nên để xác định thời gian hoàn thành việc giao hàng, các hợp đồng thường quy định khi nào thì ghi ngày vào vận đơn. Đa số hợp đồng ngũ cốc của London quy định vận đơn phải đề ngày hàng thực sự đã nằm trên tàu biển, các vận đơn nhận hàng để xếp không được công nhận là bằng chứng hoàn thành nghĩa vụ giao hàng.
Hầu hết bản điều kiện giao dịch chung đều có một hay nhiều điều khoản cho hoãn hoặc miễn giao hàng nếu gặp những trở ngại khách quan cản trở việc giao hàng đó. Điều khoản này có thể mang tên là điều khoản “Trường hợp bất khả kháng”, điều khoản “Ngoại lệ”, điều khoản “Miễn trách”…
Thông thường, thời hạn giao hàng được hoãn trong một thời gian tương ứng với thời gian diễn biến của trở ngại cộng với thời gian khắc phục hậu quả của nó để thực hiện hợp đồng. Khi trở ngại lại kéo dài, quá một thời gian đã được quy định thì, với những điều kiện nhất định, một bên có thể yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng.
Một số hợp đồng không quy định cụ thể thời hạn để sau đó có thể yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng, mà chỉ quy định đó là một khoảng thời gian hợp lý. Cũng có hợp đồng mà, nếu ta suy diễn từng chữ trong đó, lại không cho huỷ hợp đồng, không kể tới thời gian dài hay ngắn của sự việc trở ngại, đương sự vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ giao hàng.
Ngoài nguyên nhân khách quan trên đây, việc giao hàng còn phụ thuộc vào chủ quan của đương sự. Ở một vài bản điều kiện giao dịch chung, chúng ta thấy có một điều khoản đặc biệt, gọi là “điều khoản gia hạn” (extension clause), cho đương sự được quyền hoãn giao trong một vài ngày (có thể tối đã là 8 ngày), miễn là phải trả cho đối tác của mình một khoản tiền thích ứng. Như vậy, người bán có quyền lựa chọn việc giao hàng đúng hạn với việc hoãn giao hàng và chịu phạt. Nhưng khi sử dụng quyền hoãn giao hàng, người bán phải thông báo cho người mua biết.
5.2. Điều kiện vận tải
Trong thương mại quốc tế, 70% thương vụ sử dụng vận tải đường biển. Theo thống kê của J.Zielenewski (Balan) thì trong số 295 hợp đồng mẫu thu thập được thì có tới 239 mẫu hợp đồng (theo CFR, CIF, DES, DDU, DDP) đều buộc người bán tổ chức chuyên chở và do khối lượng hàng lớn nên hàng thường được chở bằng tàu chuyến. Vì vậy, quy định của các hợp đồng soạn thảo sẵn cũng thường theo hướng này.
Nếu điều kiện giao dịch chung được soạn thảo cho nghiệp vụ mua hàng và quy định người bán lo việc chuyên chở thì điều khoản này quy định rằng tàu chở hàng phải có khả năng đi biển, chưa quá tuổi sử dụng (ví dụ chưa quá tuổi sử dụng) hoặc được xếp hạng tốt bởi một công ty đăng kiểm có tín nhiệm. Quy định này là cần thiết cho việc bảo vệ quyền lợi của người mua vì theo Incoterms, người bán không buộc phải thuê tàu có khả năng đi biển (seaworthy vessel) mà chỉ cần thuê tàu đi biển (seagoing vessel) để chở hàng.
Tuỳ theo loại hàng hoá, nội dung điều khoản này cũng sẽ thay đổi. Ví dụ, điều kiện giao dịch chung về buôn bán gỗ cho phép hàng được xếp trên boong (on deck). Điều kiện giao dịch chung về hàng ngũ cốc cũng cho phép chở hàng trên boong, nhưng đó là hợp đồng theo điều kiện Rye terms, nghĩa là người bán phải chịu trách nhiệm về hàng bị hư hỏng vì nước biển.
5.3. Điều kiện giá cả và thanh toán
Đồng tiền của hợp đồng
Thông thường sự lựa chọn đồng tiền thuộc quyền của bên soạn thảo hợp đồng. Chính vì thế bên soạn thảo hợp đồng thường muốn tranh thủ điều kiện có lợi cho mình. Nếu đó là người bán thì đồng tiền sử dụng sẽ là đồng tiền ổn định hoặc đang lên giá. Còn nếu là người mua thì ngược lại muốn chuyển đổi nhanh chóng giá trị hợp đồng thành tài sản do đó họ muốn sử dụng đồng tiền mất giá, không ổn định.
Điều khoản bảo đảm hối đoái (Exchange Provide clause) đôi khi được các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng trong hợp đồng để bảo vệ lợi ích của họ. Hiện nay, theo những tài liệu thu thập được thì chưa có doanh nghiệp nào lựa chọn điều khoản này đưa vào Điều kiện giao dịch chung. Điều này có thể được giải thích là do sự biến động của tỷ giá hối đoái ngày nay rất nhanh chóng mà Điều kiện giao dịch chung lại được sử dụng trong một thời gian dài nên không phải lúc nào cũng đem lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Giá cả của hợp đồng
Điều khoản về giá cả trong bản điều kiện giao dịch chung không phải để ghi mức giá cố định của hợp đồng mà là điều khoản quy định về đặc điểm của giá, những yếu tố tác động tới giá chính thức của hợp đồng.
Bên soạn thảo hợp đồng có rất nhiều lợi thế trong việc quy định những nguyên tắc làm thay đổi mức giá đặc biệt là trong một số ngành hàng đặc trưng. Ví dụ như một số mặt hàng (như quặng, kim loại, lương thực, thực phẩm…) giá cả được xác định theo hàm lượng của chất hữu ích trong hàng hoá mua bán. Nếu hàm lượng chất đó càng giàu thì giá cả càng cao, ngược lại chất hữu ích giảm thì giá cả giảm. Trong không ít hợp đồng, giá cả lại được xác định ngay khi ký kết, nhưng kèm theo giá đó có điều khoản về mức tăng giá khi hàng được giao có hàm lượng chất hữu ích cao hơn quy định của hợp đồng. Mức tăng giá đó gọi là tăng giá về chất lượng hàng (bonification). Ngược lại, khi hàm lượng chất hữu ích trong hàng được giao thấp hơn so với quy định mức giảm giá tương ứng gọi là giảm giá về chất lượng hàng (refaction). Trong một số hợp đồng mẫu về quặng, người mua còn đề ra những quy định bất lợi cho người bán như: Nếu hàm lượng chất hữu ích thấp hơn quy định, người bán chẳng những phải hạ giá mà còn phải hoàn lại một phần tiền cước mà người bán đã phải trả cho người vận tải. Phần cước phải hoàn lại này tương ứng với phần tạp chất vô ích đã có trong khối lượng chuyên chở.
Thanh toán
Nếu giao hàng là nghĩa vụ quan trọng của người bán thì thanh toán là nghĩa vụ không kém phần quan trọng của người mua. Bên cạnh điều khoản giao hàng, các bên rất chú trọng tới điều khoản thanh toán và đây cũng là điều khoản điển hình của Điều kiện giao dịch chung
Nội dung của điều khoản này khá phong phú theo từng đối tượng của hợp đồng hoặc nghiệp vụ giao dịch kinh doanh quốc tế.
Trong nghiệp vụ xuất khẩu hàng ngũ cốc, các hợp đồng thường buộc người mua trả tiền sớm, thậm chí trả tiền trước khi giao hàng (CBD – cash before delivery) hoặc trả tiền ngay khi ký hợp đồng (CWO – cash with order) hoặc trả tiền trước với ý nghĩa đặt cọc (down payment). Hay như trong lĩnh vực da sống, có hợp đồng quy định là trả ngày nhưng điều khoản trả tiền vẫn bất lợi cho người bán, ví dụ: “trả ngay vào lúc giao hàng ở cảng đến” (cash on delivery at port of destination).
Trong không ít trường hợp, hợp đồng nhập khẩu cho bên mua được quyền chọn thời hạn trả tiền trong phạm vi thời hạn quy định. Nếu trả tiền sớm, trước hạn thì người mua được hưởng một khoản giảm giá, gọi là “giảm giá trả tiền sớm” (cash discount). Cũng có những hợp đồng chỉ đề chung chung về thời hạn trả tiền: trả tiền trong thời hạn thích đáng (in due course hoặc due days) hay trả gấp (promt)… mà hợp đồng không giải thích gì thêm về thuật ngữ này. Cách quy định này dễ gây tranh cãi trong việc giải thích hợp đồng, do vậy các doanh nghiệp nên thận trọng trong việc lựa chọn cách thức này để quy định về thời hạn trả tiền.
Cơ sở của việc thanh toán được quy định trên cơ sở chứng từ. Chứng từ hàng hoá làm cơ sở để thanh toán tiền hàng là vận đơn, chứng chỉ lưu kho, giấy chứng nhận phẩm chất, giấy chứng nhận số lượng, giấy chứng nhận kiểm dịch.
Phương thức thanh toán được quy định trong điều kiện giao dịch chung phổ biến nhất vẫn là phương thức tín dụng chứng từ. Một số hợp đồng quy định tiền hàng trả bằng phương thức nhờ thu, hối phiếu dùng trong phương thức này có thể không kèm chứng từ hoặc có kèm chứng từ. Phương thức ghi sổ cũng được sử dụng trong trường hợp về buôn bán đối lưu.
5.4. Nội dung liên quan đến luật áp dụng và giải quyết tranh chấp
Luật điều chỉnh hợp đồng
Hợp đồng dù soạn thảo đầy đủ tới đâu cũng không bao trùm được tất cả các tình tiết xảy ra, không thể quy định được tất cả những cách xử trí cụ thể cho từng trường hợp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Vì vậy, hợp đồng thường dẫn chiếu đến một nguồn luật nào đó có thể được áp dụng vào quan hệ hợp đồng.
Đa số các điều khoản luật điều chỉnh soạn sẵn là luật của nước người bán hoặc của nước người mua, cũng có trường hợp người ta quy định luật áp dụng luật của nơi ký kết hợp đồng. Nhưng nhìn chung bên soạn thảo Điều kiện chung luôn luôn muốn áp dụng luật của nước mình vào hợp đồng. Ví dụ, tại Khoản “Những điều khoản chung” của hợp đồng mua/bán của tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) quy định: “Về mọi khía cạnh hợp đồng này phải được điều chỉnh và giải thích phù hợp với luật của nước Nhật Bản” (This contract shall be, in all respects, governed by and construed in accordance with the laws of Japan)
Trường hợp bất khả kháng (Force majeure)
Trong khi thực hiện hợp đồng, một trong hai bên ký kết có thể gặp những hiện tượng khách quan khác thường, không lường trước được và không thể khắc phục được, cản trở việc thi hành nghĩa vụ hợp đồng. Những trường hợp xảy ra như thế, trong thương mại, vẫn thường gọi là trường hợp bất khả kháng (Force majeure). Ghi điều khoản trường hợp bất khả kháng vào hợp đồng, các bên ký kết có mục đích cho phép đương sự lâm vào trường hợp đó có quyền miễn hoặc hoãn thi hành nghĩa vụ hợp đồng trong một thời gian, tương ứng với thời gian xảy ra bất khả kháng, cộng với thời gian khắc phục hiện tượng đó.
Ví dụ điển hình của việc hạn chế rủi ro cũng như giành lợi thế nhờ việc đưa nội dung này vào phần điều kiện giao dịch chung là tập đoàn Sumitomo:
Với hợp đồng bán, điều khoản Bất khả kháng được quy định chi tiết: “Nếu khi thực hiện nghĩa vụ của mình, Bên Mua trực tiếp hay gián tiếp bị ảnh hưởng hoặc bị cản bởi trường hợp bất khả kháng, kể cả nhưng không bị giới hạn bởi thiên tai, lũ lụt, bão, động đất, sóng thần, sạt lở đất, hoả hoạn, bệnh dịch, hạn chế về kiểm dịch, mối nguy hiểm trên biển, chiến tranh có tuyên bố hoặc không tuyên bố, bạo động dân sự, bế quan, sự bắt giữ hay ngăn cấm của chính phủ, nhà cầm quyền hoặc nhân dân, trưng dụng tàu biển hoặc máy bay, đình công, ngăn không cho vào, sự phá hoại hoặc các tranh chấp lao động khác, sự nổ, tai nạn hoặc sự phá huỷ toàn bộ hay một phần máy móc, nhà xưởng, phương tiện vận chuyển bốc dỡ, yêu cầu, chỉ dẫn, lệnh hoặc quy định của chính phủ, sự không sẵn có của phương tiện vận chuyển bốc dỡ, phá sản hoặc mất khả năng thanh toán của nhà sản xuất hoặc người cung cấp hàng hoá, hoặc bất kể nguyên nhân hay tình trạng nào khác nằm ngoài sự kiểm soát hợp lý của Bên Bán hoặc người sản xuất hoặc người cung cấp Hàng hoá, thì Bên Bán sẽ không chịu trách nhiệm đối với những mất mát hoặc tổn thất hoặc sự không thực hiện hay thực hiện chậm trễ các nghĩa vụ của mình trong Hợp đồng này và có thể, theo sự lựa chọn của mình gia hạn cho việc giao Hàng hoá hoặc chấm dứt vô điều kiện và không chịu trách nhiệm đối với phần chưa hoàn thành của Hợp đồng trong chừng mực bị ảnh hưởng hoặc cản trở như vậy” (Điều khoản bằng tiếng Anh xem tại Phụ lục 1: Sumitomo Corporation – Sales Contract)
Tuy nhiên, tại hợp đồng mua lại chỉ quy định rất ngắn gọn: “Nếu việc thực hiện các nghĩa vụ của Bên Bán trực tiếp hay gián tiếp bị ảnh hưởng hoặc bị cản trở bởi trường hợp bất khả kháng, kể cả nhưng không bị giới hạn bởi thiên tai, hoả hoạn, chiến tranh có tuyên bố hoặc không tuyên bố hoặc sự đe dọa nghiêm trọng tương tự, bạo động dân sự, đình công hoặc các tranh chấp lao động, lệnh hoặc quy định của chính phủ hay các nguyên nhân nằm bên ngoài tầm kiểm soát hợp lý của Bên Bán hoặc một (hay nhiều) khách hàng của Bên Bán thì Bên Bán sẽ không có trách nhiệm pháp lý về những mất mát hoặc tổn thất hoặc không thực hiện hoặc chậm trễ trong việc thực hiện những nghĩa vụ đã nêu trong Hợp đồng này và có thể, hoàn toàn tuỳ thuộc theo sự quyết định của mình, chấm dứt toàn bộ hay một phần nào đó của Hợp đồng này” (Điều khoản bằng tiếng Anh xem tại Phụ lục 2: Sumitomo Corporation – Purchase Contract).
Việc soạn thảo và sử dụng điều kiện giao dịch chung đã tạo ra lợi thế nhất định cho Sumitomo trong các thương vụ. Đây là một điều khoản phức tạp và khó lường những rủi ro có thể xảy ra khi áp dụng những điều khoản này. Đó chính là lý do mà các doanh nghiệp ngần ngại trong việc đưa vào soạn thảo điều khoản này, còn các doanh nghiệp khi là đối tác của Sumitomo thì lại càng khó kiểm soát được những rủi ro từ nội dung soạn thảo trên.
Chế tài
Nghiên cứu về Điều kiện giao dịch chung thường gặp các loại chế tài về việc không thực hiện hợp đồng. Đó là phạt, giảm giá và bồi thường thiệt hại.
Chế tài phạt được ghi ở các hợp đồng mẫu của Lục địa Châu Âu là “Phạt bội ước” (penalty) và ở các hợp đồng của Anh-Mỹ là “tiền bồi thường định trước” (liquidated damages). Mức phạt được quy định ở mỗi một hợp đồng một khác tuỳ theo mặt hàng, người soạn thảo hợp đồng mẫu và tình hình thị trường.
Chế tài giảm giá hàng được áp dụng trong trường hợp người bán giao hàng có phẩm chất kém hơn phẩm chất quy định trong hợp đồng hoặc giao hàng chậm trễ… Mức phần trăm giảm giá được quy định mỗi lúc một khác. Hợp đồng mẫu cũng có khi quy định việc bồi thường thiệt hại nếu một bên thực hiện không nghiêm chỉnh nghĩa vụ của mình, gây nên thiệt hại cho đối phương, chẳng hạn như chậm hoặc không giao hàng, chậm hoặc không trả tiền hàng …
Giải quyết tranh chấp
Đối với những tranh chấp hoặc bất đồng ý kiến, các hợp đồng có cách nhiều cách giải quyết khác nhau.
Có hợp đồng quy định việc hai bên trước hết phải thương lượng với nhau, nếu thương lượng không thành công thì tranh chấp mới được đưa ra trọng tài hoặc toà án. Ví dụ điều khoản này có thể quy định: “Mọi tranh chấp và bất đồng có thể xảy ra từ hợp đồng này hoặc có liên quan đến hợp đồng này phải được giải quyết bằng cách hữu nghị, nếu có thể. Nếu không thể giải quyết bằng cách hữu nghị, hai bên sẽ đưa ra Trọng tài tại Phòng Thương mại quốc tế tại Paris”. Có hợp đồng quy định việc giải quyết tranh chấp bằng toà án. Ví dụ điều khoản này có thể quy định: “Mọi tranh chấp và bất đồng có thể xảy ra từ hợp đồng này hoặc có liên quan đến hợp đồng này sẽ phải đưa ra và xác định bởi Toà án Anh quốc và các bên phải tuân theo quyền tài phán duy nhất của các toà án Anh” 1.
Như phân tích ở trên, việc lựa chọn luật điều chỉnh rất quan trọng đối với các bên tham gia hoạt động thương mại quốc tế, do vậy việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc quốc gia nào cũng có vai trò quan trọng tương tự. Nghiên cứu Điều kiện giao dịch chung trong hợp đồng của các tập đoàn lớn cho thấy: hầu hết bên soạn thảo hợp đồng lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là Trọng tài hoặc Toà án của nước mình. Ví dụ: phần điều kiện giao dịch chung của Hợp đồng bán và mua Tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản đều quy định rằng: “Mọi tranh chấp, mâu thuẫn hoặc sự khác biệt nảy sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng này hoặc sự vi phạm Hợp đồng này nếu không thể được giải quyết bởi sự nhất trí giữa các bên mà không gây nên sự chậm trễ quá mức thì sẽ được giải quyết bởi trọng tài tại Tokyo, Nhật Bản phù hợp với các quy tắc tố tụng của Hiệp hội Trọng tài Thương mại Nhật Bản…”. Hoặc phần điều kiện giao dịch chung trong hợp đồng bán của Tập đoàn Mitsubishi, Nhật Bản quy định: “Mọi đơn kiện do Bên Mua chống lại Bên Bán đều được đưa ra thụ lý tại một Toà án Nhật Bản có thẩm quyền xét xử Bên Bán, tuy nhiên, Bên Mua có thể đưa việc tranh chấp giữa mình và Bên Bán ra một cơ quan trọng tài ở Nhật Bản theo quy tắc tố tụng của Hiệp hội Trọng tài Thương mại Nhật Bản…”
Có thể thấy, khi đứng ở vị trí soạn thảo hợp đồng, doanh nghiệp sẽ lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp của nước mình. Điều này sẽ đem lại thuận lợi về ngôn ngữ trong xét xử và giải thích những luận điểm tranh chấp, thuận lợi về địa điểm, không phải tốn những chi phí sang nước khác để giải quyết tranh chấp…
Trả lời