Trong bài viết dưới đây, tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn khái niệm về thu hồi đất nông nghiệp và sự cần thiết của pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp.
1. Khái niệm và vai trò của đất nông nghiệp
1.1. Khái niệm đất nông nghiệp
Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá của mọi quốc gia, là tư liệu sản xuất chủ yếu và đặc biệt của sản xuất nông nghiệp, là một trong các yếu tố quan trọng nhất của môi trường sống, là địa bàn phân bố dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng; có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Như vậy, đất đai được dùng hầu hết vào các ngành sản xuất, các lĩnh vực đời sống. Theo từng ngành sản xuất, từng lĩnh vực đời sống, đất đai được phân thành các loại khác nhau và gọi tên theo ngành, lĩnh vực chung được sử dụng.
Với ý nghĩa đó, đất nông nghiệp là đất được sử dụng chủ yếu vào sản xuất các ngành nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hoặc để sử dụng nghiên cứu thí nghiệm về nông nghiệp. Ngoài tên gọi đất nông nghiệp, đất sử dụng vào sản xuất nông nghiệp còn được gọi là ruộng đất.
Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu của đất đai, tại Điều 10 luật đất đai 2013 có ghi: Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất.
– Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
– Đất trồng cây lâu năm;
– Đất rừng phòng hộ;
– Đất rừng sản xuất;
– Đất nuôi trồng thủy sản;
– Đất rừng đặc dụng;
– Đất làm muối;
– Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh;
1.2. Vai trò đất nông nghiệp
Đất đai là tài nguyên thiên nhiên của mỗi quốc gia, có vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người, nó là cơ sở tự nhiên, là tiền đề cho mọi quá trình sản xuất nhưng vai trò của đất đối với mỗi ngành sản xuất có tầm quan trọng khác nhau. Theo William Petty: “Lao động là cha, đất là mẹ sinh ra mọi của cải vật chất của thế giới này” .
Trong sản xuất nông nghiệp, đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu và đặc biệt không thể thay thế, đóng vai trò quan trọng; ngoài ra, đất đai là thành phần không thể thiếu được trong việc hình thành quốc gia, thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, dưới giác độ chính trị, pháp lý: lãnh thổ xác định (trong đó có đất đai, đất nông nghiệp) cùng với dân cư ổn định, chính quyền và khả năng tham gia vào mối quan hệ quốc tế là một trong những bộ phận hợp thành các yếu tố cấu thành quốc gia theo Điều 1 Công ước Montevideo 1933 . Nhà nước là đại diện cho chủ quyền quốc gia có quyền và trách nhiệm thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ đất đai, trong đó đất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng và là một trong những điều kiện đảm bảo cho sự ổn định, tồn tại và phát triển của đất nước.
Thứ hai, đất đai là nguồn lực quan trọng trong bất kỳ ngành sản xuất nào. Nếu như trong sản xuất công nghiệp, đất đai chỉ là nơi để xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình nhà, xưởng và việc sản xuất các sản phẩm công nghiệp hầu như không phụ thuộc đến các yếu tố gắn với thuộc tính của đất,…; trong khi đó, sản xuất nông nghiệp có liên quan mật thiết đến các yếu tố đặc thù của đất nông nghiệp như tính chất lý hóa của đất, độ phì, khí hậu… đóng vai trò quan trọng, quyết định đến sản lượng, chất lượng sản phẩm của cây trồng, vật nuôi.
Thứ ba, cho dù khoa học kỹ thuật ngày càng trên đà phát triển, nhưng chỉ tác động qua việc nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, đưa ra các biện pháp kỹ thuật trong quá trình nuôi trồng nhằm nâng cao năng suất sinh học và hiệu quả kinh tế, chứ khó có thể sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp mà không cần đến đất đai.
Thứ tư, thông qua đất đai, và lao động, con người đã sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp, để nuôi sống chính mình. Sản xuất nông nghiệp là ngành sản xuất được ra đời tương đối lâu nhất trong xã hội loài người, và ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, đảm bảo an ninh lương thực cho loài người.
Thứ năm, đối với nước ta, tỷ lệ nông dân chiếm hơn 70% dân số, do vậy đất đai còn là nguồn tài sản quan trọng, không những là thành phần không thể thiếu được trong việc sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống loài người, là phương tiện để tạo việc làm cho chính họ, mà còn là tài sản để lại cho con cháu, truyền qua các thế hệ mà người dân coi như là “loại tài sản đặc biệt”. Ngoài yếu tố tài sản, đất đai, trong đó có đất nông nghiệp còn là không gian sống, là yếu tố tinh thần không thể thiếu được trong đời sống văn hóa nông thôn.
2. Khái niệm về thu hồi đất nông nghiệp
Ngược lại với giao đất, cho thuê đất là những hình thức pháp lý làm hình thành một quan hệ pháp luật đất đai thì thu hồi đất biện pháp pháp lý làm chấm dứt quan hệ pháp luật đất đai. Hình thức pháp lý này là một quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giao đất, cho thuê đất. Biện pháp này thể hiện quyền lực nhà nước trong tư cách là người đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Vì vậy, để thực thi nội dung này, quyền lực nhà nước được thể hiện nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước, của xã hội đồng thời lặp lại trật tự kỷ cương trong quản lý Nhà nước về đất đai.
Thu hồi đất phải được hiểu dưới các khía cạnh sau đây:
– Là một quyết định hành chính của người có thẩm quyền nhằm chấm dứt quan hệ sử dụng đất của người sử dụng;
– Quyết định hành chính thể hiện quyền lực nhà nước nhằm thực thi nội dung của quản lý nhà nước về đất đai;
– Việc thu hồi đất xuất phát từ nhu cầu của Nhà nước và xã hội hoặc là biện pháp chế tài được áp dụng nhằm xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai của người sử dụng.
Từ đó ta có thể định nghĩa thu hồi đất như sau: Là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm chấm dứt một quan hệ pháp luật đất đai để phục vụ lợi ích của Nhà nước, của xã hội hoặc xử lý hành chính hành vi vi phạm pháp luật đất đai của người sử dụng đất.
Hoạt động thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được ghi nhận (định nghĩa) tại Điều 62 Luật Đất đai 2013. Phương pháp định nghĩa là liệt kê các trường hợp, diện thu hồi được thu hẹp so với Luật Đất đai 2003 trước đây.
3. Sự cần thiết của pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp
Về mặt lý luận, pháp luật có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội mà Nhà nước xét thấy cần phải điều chỉnh, nhằm đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa các chủ thể; đồng thời việc ban hành pháp luật cũng nhằm mục đích định hướng các hoạt động xã hội theo các tiêu chí nhất định. Các Mác đã từng viết: “Pháp luật phải lấy xã hội làm cơ sở, pháp luật phải là sự biểu hiện của lợi ích và nhu cầu chung của xã hội”, “chừng nào bộ luật không còn thích hợp với xã hội nữa thì nó sẽ biến thành mớ giấy lộn” ; hay nói cách khác, với tư cách là phạm trù thuộc kiến trúc thượng tầng, pháp luật phải phản ánh phù hợp với cơ sở hạ tầng đang tồn tại. Như vậy, thu hồi đất nông nghiệp cho dù với mục đích gì và trong trường hợp nào thì bản chất của nó cũng thể hiện mối quan hệ có liên quan đến tài sản giữa một bên là Nhà nước và một bên là NSDĐ, cần thiết phải được điều chỉnh bằng pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên.
Dưới giác độ kinh tế, đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng là loại tài sản đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, đất nông nghiệp là loại đất chiếm tỷ trọng lớn trong toàn bộ diện tích đất cả nước hiện nay, và lẽ đương nhiên đó là loại đất bị thu hồi nhiều nhất, ảnh hưởng lớn đến bộ phận dân cư sống bằng nghề nông. Bên cạnh đó, do thời hạn sử dụng đất nông nghiệp bị giới hạn trong khoảng thời gian nhất định, nên giá quyền sử dụng đất thường thấp hơn so với đất phi nông nghiệp – loại đất có thời hạn sử dụng đất ổn định, lâu dài gấp nhiều lần. Chính vì vậy, bằng ý chí của Nhà nước trong việc thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tự bản thân giá trị của đất nông nghiệp đã thay đổi, tăng lên rất lớn mà không nhất thiết phải qua quá trình đầu tư nào cả. Điều này đã tạo nên sự xung đột lợi ích giữa người có đất bị thu hồi, Nhà nước và nhà đầu tư nếu như pháp luật điều chỉnh không “tiệm tiến” với lợi ích của các bên. Đó là chưa xem xét đến, người sử dụng đất ít khi muốn thay đổi nơi sinh sống và sinh kế hiện tại, bởi lẽ, đất nông nghiệp đã gắn bó với người nông dân từ ngàn xưa và nghề nông của họ đã được đào tạo, truyền nghề từ thuở ấu thơ qua kinh nghiệm tích lũy được của biết bao thế hệ.
Như vậy, đất nông nghiệp không chỉ là tài sản của người sử dụng đất, mà còn là phương tiện để sinh sống, tạo việc làm, tạo sản phẩm để nuôi sống cho gia đình họ, và hơn thế nữa, nó đảm bảo điều kiện sống của cả xã hội. Điều đó cho thấy, khác với các loại tài sản thường yêu cầu trao đổi ngang giá; còn đối với đất nông nghiệp, khi thu hồi cần phải xem xét dưới các khía cạnh: (i) Đó là loại tài sản, nhưng là loại tài sản đặc biệt không có gì thay thế được; (ii) Là loại phương tiện để người nông dân sinh sống, làm việc; (iii) Đất nông nghiệp còn đóng vai trò đảm bảo lương thực, thực phẩm không chỉ cho chính người sản xuất, mà còn đối với cả cộng đồng, hay nói cách khác đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh số lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta đứng vào hàng nhất, nhì thế giới.
Khi nào pháp luật đáp ứng được những yêu cầu khách quan nói trên, chắc rằng người có đất bị thu hồi sẽ được đồng tình với chủ trương, chính sách của Nhà nước, ngoài việc được bồi thường giá trị tài sản, họ còn được bù đắp thu nhập và làm việc tại chính vùng đất họ đã từng sinh sống. Ngược lại, khi thu nhập của một bộ phận dân cư chịu tác động của việc thu hồi đất sẽ bị giảm sút, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước khi nguồn ngân sách phải đảm bảo cho công tác chi xã hội tăng lên.
Bên cạnh đó, pháp luật còn là công cụ đặc biệt quan trọng, là hình thức chủ yếu để thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và thực hiện công bằng xã hội,… Như vậy, việc Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp không được xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người có đất bị thu hồi. Nếu chúng ta xét người sử dụng đất trong mối quan hệ: Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng đất thì rõ ràng, người sử dụng đất ở vào nhóm yếu thế nhất trên tất cả các lĩnh vực: trình độ học vấn, sự am hiểu pháp luật; khả năng kinh tế và cả về mặt quyền lực, dẫu rằng về mặt lý luận, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhưng trên thực tế có thể bị các nhóm lợi ích chi phối. Lúc này, tính khách quan của pháp luật thu hồi đất nông nghiệp thể hiện ở chỗ, nó là phương tiện ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, công dân, và để pháp luật thực sự làm được điều này thì yêu cầu tất cả các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp cần phải được phát hiện, xử lý nghiêm minh.
Điều đó có nghĩa là, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cần được nhìn nhận từ phía Nhà nước – người đại diện cho chủ sở hữu đất đai và phía tổ chức, hộ gia đình, cá nhân – người bị thu hồi đất. Việc xử lý mối quan hệ đất đai thiên về phía bên nào đều không đảm bảo yêu cầu pháp chế xã hội chủ nghĩa, sẽ làm cho vai trò của đất đai với tư cách là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước không được phát huy nếu sự chấp hành pháp luật của người sử dụng đất chưa đảm bảo các quy định pháp luật; hoặc việc áp dụng pháp luật của cơ quan của Nhà nước, của người được Nhà nước trao quyền đã vượt quá giới hạn cho phép.
Từ những phân tích trên cho thấy, sự hiện hữu của pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp mang tính cấp thiết và cũng là yêu cầu khách quan, nhằm đảm bảo lợi ích của đất nước, của người sử dụng đất và cho cả người bỏ vốn đầu tư. Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, đây là nội dung vừa mang tính hành chính, vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu; đồng thời mang tính thị trường vì nguồn gốc hình thành quyền sử dụng đất nông nghiệp phần lớn từ việc Nhà nước công nhận, còn việc giao đất không thu tiền sử dụng đất chưa phải là hình thức phổ biến đối với hộ gia đình, cá nhân nếu xét đến yếu tố lịch sử. Bên cạnh việc điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật, còn cần xem xét áp dụng cả những quy phạm đạo đức, tập quán sinh hoạt văn hóa,…; trong đó quy phạm pháp luật là chủ yếu.
Để lại một bình luận