Trong bài viết dưới đây tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn những lý luận về rủi ro trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Bao gồm; Khái niệm, phân loại, ảnh hưởng và nguyên nhân dẫn đến rủi ro.
1. Khái niệm về hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu
Luật thương mại 2005 của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2006, quy định rõ: “Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật. Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, XNK hàng hoá là hoạt động buôn bán hàng hoá ở phạm vi quốc tế, bao gồm nhiều khâu, từ nghiên cứu tiếp cận thị trường trong và ngoài nước để lựa chọn được mặt hàng XNK, đối tác kinh doanh sau đó tiến hành giao dịch ký kết hợp đồng, tổ chức thực hiện hợp đồng, cuối cùng là hoàn thành các thủ tục thanh toán và thanh lý hợp đồng.
Xuất khẩu mang lại nguồn thu nhập ngoại tệ quan trọng, góp phần đáng kể trong việc cải thiện cán cân ngoại thương và cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, đẩy mạnh nhập khẩu, phát huy được lợi thế so sánh, là một tiền đề quan trọng giúp chuyển dịch về chất từ cơ cấu nông – công nghiệp sang cơ cấu công – nông nghiệp…đưa nền kinh tế nước ta hoà nhập vào sự phát triển chung của kinh tế khu vực và thế giới.
Nhập khẩu làm cho thị trường trong nước dồi dào, phong phú hơn, giải quyết được tình trạng khan hiếm hàng hoá trên thị trường, điều hoà quan hệ cung cầu tạo môi trường cạnh tranh, kích thích người sản xuất trong nước phải cải tiến, hoàn thiện chất lượng mẫu mã bao bì của sản phẩm đáp ứng được nhu cầu cao của người tiêu dùng…
Xem thêm: Dịch vụ cung cấp tài liệu làm luận văn theo yêu cầu |
2. Khái niệm về rủi ro trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu
Hoạt động kinh doanh XNK là hoạt động luôn biến động, chứa đựng nhiều rủi ro và mạo hiểm. Do có sự tách biệt về môi trường địa lý, sự khác biệt về môi trường văn hoá – xã hội, phong tục tập quán cũng như môi trường chính trị giữa các quốc gia nên rủi ro trong kinh doanh XNK rất đa dạng và phức tạp. Bên cạnh những điểm chung về rủi ro như đã nêu ở phần 1.1.2.1, rủi ro kinh doanh XNK còn có những đặc điểm riêng.
Về cơ bản, rủi ro trong kinh doanh XNK là sự bất trắc có thể đo lường được, nó có thể tạo ra những tổn thất, mất mát, thiệt hại hoặc làm mất đi những cơ hội sinh lời, nhưng cũng có thể đưa đến những lợi ích, những cơ hội thuận lợi trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.
3. Các loại rủi ro trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu
Có nhiều tiêu chí để phân loại rủi ro trong hoạt động kinh doanh XNK như:
Theo tính chất của rủi ro: Rủi ro suy đoán và Rủi ro thuần tuý
Theo phạm vi ảnh hưởng của rủi ro: Rủi ro cơ bản và Rủi ro riêng biệt
Theo nguyên nhân của rủi ro: Rủi ro do các yếu tố khách quan và Rủi ro do các yếu tố chủ quan
Theo đối tượng của rủi ro: Rủi ro được bảo hiểm và Rủi ro không được bảo hiểm
Theo tác động của môi trường gây nên rủi ro: Rủi ro do điều kiện tự nhiên, Rủi ro chính trị, Rủi ro kinh tế, Rủi ro luật pháp, Rủi ro văn hoá
Theo hoạt động kinh doanh XNK: Rủi ro trong thanh toán, Rủi ro vận chuyển, bảo hiểm, Rủi ro do điều khoản trong hợp đồng…
Thực tiễn hoạt động kinh doanh XNK cho thấy, các rủi ro phân chia theo tác động của môi trường và theo hoạt động kinh doanh XNK là những rủi ro thường mang lại nhiều tổn thất, mất mát nhất. Do vậy, luận văn chủ yếu tập trung phân tích các loại rủi ro này.
3.1. Căn cứ vào tác động của môi trường
Rủi ro do điều kiện tự nhiên
Những điều kiện tự nhiên có nhiều khả năng tác động đến hoạt động kinh doanh XNK chính là thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, động đất, sóng thần…Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp mà hàng hoá xuất khẩu hay nhập khẩu mang tính thời vụ và chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện tự nhiên như nông sản, hải sản…, thì khi xảy ra những sự cố thiên tai, giá trị sử dụng và giá trị thương mại của hàng hoá sẽ giảm nhanh chóng.
Rủi ro do môi trường văn hoá
Theo định nghĩa về văn hoá của UNESCO, “Văn hoá bao gồm tất cả những gì làm dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động”.
Rủi ro do môi trường văn hoá là những rủi ro do sự thiếu hiểu biết về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lối sống, nghệ thuật, đạo đức… của dân tộc khác, từ đó dẫn đến cách hành xử không phù hợp, gây ra những thiệt hại, mất mát, mất cơ hội kinh doanh. Ví dụ: Một doanh nhân chuyên sản xuất và buôn bán dao kéo phương Tây, khi đến thăm nhà một đối tác ở Quảng Đông (Trung Quốc) đã đem tặng gia chủ một bộ dao quý gồm 4 chiếc. Sau này khi thương vụ không thành, nhà doanh nghiệp mới vỡ lẽ ra chỉ tại món quà ông ta đã tặng cho đối tác. Bởi tuyệt đối không tặng đồng hồ, dao kéo… cho người Trung Quốc, vì họ cho rằng những món quà đó mang lại xui xẻo.
Rủi ro do môi trường chính trị
Môi trường chính trị có ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh. Rủi ro chính trị sẽ làm đảo lộn mọi dự đoán của doanh nghiệp. 3 loại rủi ro chính trị thường gặp là:
Rủi ro liên quan đến quyền sở hữu (như sung công tài sản, tịch thu tài sản, nội địa hoá…)
Rủi ro do nhà nước can thiệp quá sâu vào quá trình hoạt động của tổ chức (quy định về cấp giấy phép kinh doanh; hạn ngạch sản xuất, hạn ngạch XNK; giấy phép XNK…)
Rủi ro về chuyển giao.
Rủi ro do môi trường kinh tế
Trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng của môi trường kinh tế chung của thế giới đến từng nước là rất lớn. Mặc dù hoạt động của một chính phủ (đặc biệt là chính phủ của các siêu cường quốc) có thể ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường thế giới, nhưng họ cũng không thể kiểm soát nổi toàn bộ thị trường thế giới.
Một số rủi ro kinh tế thường gặp:
Rủi ro do nền kinh tế phát triển không ổn định. Khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, rủi ro quốc gia là không thể tránh khỏi và do đó, độ an toàn trong kinh doanh của các doanh nghiệp KD XNK cũng bị ảnh hưởng mạnh. Chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á giai đoạn 1997-1998 đã khiến rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, đối tác KD mới cũng như xây dựng lại chiến lược KD ngắn và dài hạn.
Rủi ro do cấm vận kinh tế. Một nước bị cấm vận kinh tế thì mọi hoạt động TMQT với đối tác tại nước đó đều bị kiểm soát gắt gao. Ví dụ, khi IRAQ bị cấm vận, tất cả các hoạt động thanh toán chuyển qua các tài khoản NOSTRO của IRAQ đều bị kiểm soát và theo dõi chặt chẽ, do đó, việc thanh toán cho các doanh nghiệp XK hàng vào IRAQ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Rủi ro hối đoái. Trong XNK, rủi ro hối đoái xảy ra khi tỷ giá hối đoái vào thời điểm thanh toán tăng hoặc giảm so với tỷ giá lúc ký kết HĐNT.
Rủi ro do lạm phát: lạm phát ngoài tầm kiểm soát của chính phủ sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường KD, làm cho hoạt động KD không hiệu quả.
Rủi ro do sự biến động giá cả. Biến động về giá cả hàng hoá, dịch vụ và yếu tố đầu vào nhiều khi rất khó dự đoán. Các doanh nghiệp ký xong hợp đồng thì giá cả lại biến động mạnh, khi đó doanh nghiệp sẽ buộc phải lựa chọn hoặc phá hợp đồng và chịu phạt, hoặc tiếp tục thực hiện hợp đồng và chịu lỗ.
Rủi ro do môi trường pháp luật
Có rất nhiều rủi ro phát sinh từ hệ thống luật pháp. Trong KD quốc tế, môi trường luật pháp phức tạp hơn rất nhiều, bởi chuẩn mực luật pháp của các nước khác nhau là khác nhau. Nếu không am hiểu luật pháp nước đối tác, thì sẽ gặp rủi ro. Rủi ro pháp lý có nguồn gốc từ:
Vi phạm luật quốc gia như luật chống độc quyền, chống phân biệt chủng tộc…
Thiếu kiến thức, hiểu biết về pháp luật
Do sự thay đổi về luật pháp liên quan đến KD như quy định về nhãn hiệu hàng hoá, môi trường, lao động.
Ví dụ, các công ty khi XK hàng hoá sang Mỹ, nếu không hiểu biết kỹ về luật liên bang và luật các tiểu bang của Mỹ, sẽ có thể bị kiện vì vi phạm Luật về sở hữu trí tuệ, Luật chống phá giá, Luật bảo vệ người tiêu dùng…
Rủi ro do môi trường hoạt động của doanh nghiệp
Loại hình rủi ro này có thể xuất hiện dưới rất nhiều dạng.
Đó có thể là rủi ro do thiếu thông tin hoặc có những thông tin không chính xác dẫn đến bị lừa đảo; cũng có thể là rủi ro do máy móc thiết bị bị sự cố, doanh nghiệp quan hệ với khách hàng không tốt, không xác định rõ sức mạnh của đối thủ cạnh tranh, thị trường phù hợp…
3.2. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của hoạt động kinh doanh XNK
Rủi ro trong đàm phán
Đàm phán là hành vi và quá trình, mà trong đó, hai hay nhiều bên tiến hành thương lượng, thảo luận về các mối quan tâm chung và những điểm còn bất đồng, để đi đến một thoả thuận thống nhất.
Có rất nhiều hình thức đàm phán như đàm phán qua thư tín, đàm phán qua điện thoại, đàm phán trực tiếp…. Tuỳ từng hình thức đàm phán khác nhau mà rủi ro đối với các doanh nghiệp XNK cũng khác nhau.
Đối với hình thức đàm phán qua thư tín (gián tiếp), rủi ro sẽ xảy ra nếu hai bên đối tác chuẩn bị không tốt về hình thức và nội dung thư từ, văn bản trao đổi, ngôn ngữ và cách thức diễn đạt không rõ ràng, không đúng nội dung cần trao đổi hoặc thậm chí sai lệch ý muốn của một trong hai bên đối tác…
Đối với hình thức đàm phán qua điện thoại, doanh nghiệp có thể gặp rủi ro nếu không thông thạo ngôn ngữ đàm phán và diễn đạt sai…, dẫn đến đối tác hiểu nhầm, mất lòng, từ chối giao dịch và do đó, mất đi cơ hội kinh doanh có lợi cho doanh nghiệp.
Đối với hình thức đàm phán trực tiếp (gặp gỡ trực tiếp), rủi ro rất dễ xảy ra nếu trước khi gặp gỡ đối tác, doanh nghiệp không chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung đàm phán, tìm hiểu đối tác và có tình huống dự phòng. Rủi ro càng nhiều nếu cán bộ thực hiện đàm phán không có đủ năng lực và không tạo được thế chủ động khi đàm phán.
Đàm phán hợp đồng ngoại thương gồm nhiều giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị, Giai đoạn tiếp xúc, Giai đoạn đàm phán, Giai đoạn kết thúc-ký kết hợp đồng, Giai đoạn rút kinh nghiệm. Rủi ro có thể xuất hiện trong tất cả các giai đoạn của quá trình đàm phán, hơn nữa, rủi ro trong giai đoạn trước sẽ kéo theo những thất bại, thua thiệt trong các giai đoạn sau. Chẳng hạn, tại giai đoạn chuẩn bị, nếu doanh nghiệp tập hợp thông tin sai lệch về đối tác, khi tiếp xúc đàm phán không xây dựng chiến lược đàm phán phù hợp thì tất yếu hợp đồng sẽ không thể được ký kết theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.
Rủi ro trong soạn thảo, ký kết hợp đồng
Hợp đồng XNK về bản chất là một hợp đồng mua bán quốc tế, là sự thoả thuận giữa các bên mua bán ở các nước khác nhau, trong đó quy định bên bán phải cung cấp hàng hoá, chuyển giao các chứng từ có liên quan đến hàng hoá và quyền sở hữu hàng hoá, bên mua phải thanh toán tiền hàng và nhận hàng.
Một hợp đồng XNK thường gồm các nội dung chủ yếu: Phần mở đầu (tên và số hợp đồng, thời gian, địa điểm ký kết hợp đồng), Những thông tin về chủ thể hợp đồng (tên, địa chỉ, người đại diện ký kết), Điều khoản, điều kiện (tên hàng, chất lượng, số lượng, giá cả, giao hàng, thanh toán, bảo hiểm, phạt, trọng tài, khiếu nại…), Phần ký kết hợp đồng (số bản, ngôn ngữ hợp đồng, thời hạn hiệu lực-nếu có).
Trong khâu soạn thảo hợp đồng, có thể xuất hiện rất nhiều rủi ro, do hợp đồng chứa đựng nhiều sơ hở, gây bất lợi, thiệt hại cho doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với Việt Nam, do mở cửa muộn, chưa có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, nên hợp đồng thường để phía đối tác nước ngoài soạn thảo, hoặc nếu bên Việt Nam soạn thảo thì cũng dựa trên mẫu hợp đồng của nước ngoài, vì vậy hợp đồng thường chứa đựng những điều khoản bất lợi.
Hơn nữa, trước khi ký kết, nếu các doanh nghiệp không kiểm tra lại các điều khoản ghi trong hợp đồng thì sau khi hợp đồng đã được ký, việc sửa chữa lại những điều khoản bất lợi cho mình là rất khó khăn, và phải cần có sự đồng ý của tất cả các bên tham gia.
Rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng XNK
Trong quá trình thực hiện hợp đồng XNK, rủi ro có khả năng xuất hiện tất cả các khâu. Cụ thể là:
Rủi ro trong thanh toán. Có rất nhiều kiểu thanh toán như thanh toán đặt cọc trước khi nhận hàng, thanh toán nhờ thu, thư tín dụng chứng từ, thanh toán trả sau khi nhận hàng hoặc khi có các biên bản nghiệm thu, bảo lãnh bảo hành….
Mỗi hình thức thanh toán lại có những đặc trưng riêng, và do đó, mức độ và hình thức của rủi ro cũng khác nhau. Chẳng hạn:
Nếu là thanh toán TTR trả trước: rủi ro có thể là người bán nhận tiền rồi không giao hàng, giao hàng chậm tiến độ hoặc giao thiếu hàng.
Nếu là thanh toán nhờ thu trả ngay D/P: người NK chuyển tiền thanh toán nhưng người XK (câu kết với đại lý vận tải) không cung cấp D/O (lệnh giao hàng) để người NK đi nhận hàng.
Nếu là thanh toán L/C: Rủi ro có thể phát sinh nếu người bán lập bộ chứng từ giả để đòi tiền theo L/C, người XK lập bộ chứng từ có lỗi nên bị từ chối không được thanh toán…
Rủi ro trong khâu làm thủ tục XNK (xin giấy phép, làm thủ tục hải quan…).
Doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro nếu việc xin giấy phép kéo dài quá lâu hoặc thủ tục hải quan bị ách tắc, gián đoạn, dẫn đến việc chậm thời hạn cung cấp hàng cho người mua hoặc mất tính thời vụ của hàng hoá. Ví dụ như mặt hàng đường tạm nhập tái xuất sang Trung Quốc. Đây là mặt hàng NK phải xin giấy phép liên bộ giữa Bộ Thương Mại và Bộ Nông nghiệp. Nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương giữa hai bộ thì doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội KD vì giá đường NK thay đổi liên tục và đối tác Trung Quốc cũng rất dễ đi tìm nhà cung cấp khác.
Rủi ro trong khâu chuẩn bị hàng XK, đặc biệt đối với các doanh nghiệp XK nông, thuỷ sản. Phần lớn các doanh nghiệp KD những mặt hàng này đều phải thu gom hàng và điều kiện thanh toán thường là trả tiền trước. Do đó, nếu doanh nghiệp không chủ động về vốn và thương lượng được giá mua hợp lý, nguy cơ không có hàng để XK là rất lớn và rất dễ bị phạt theo HĐNT. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp không đàm phán cẩn thận, chi tiết về khâu bảo quản, bao gói trước khi hàng hoá được xếp lên phương tiện vận tải, thì rủi ro hàng bị trả về hoặc giảm giá là không thể tránh khỏi.
Rủi ro trong khâu thuê phương tiện vận tải, giao nhận hàng hoá
Đối với việc thuê tàu, doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro đắm, chìm tàu, hàng rơi xuống biển, đi chệch hướng… nếu thuê tàu già, không đủ khả năng đi biển, hãng vận chuyển không có uy tín, thuỷ thủ đoàn không có năng lực, hoặc cước phí thấp dẫn đến việc xếp hàng trên tàu không an toàn. Ngoài ra, yếu tố thời tiết cũng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận chuyển hàng hoá và thường xuyên là nguyên nhân gây ra rủi ro.
Đối với việc giao nhận, doanh nghiệp có thể gặp rủi ro nếu trọng tải tàu quá lớn so với mớn nước cho phép tại cảng dỡ hàng hoặc nhận hàng, do đó, sẽ phải kéo dài thời gian vận chuyển bằng các tàu, xà lan nhỏ, và như vậy, chi phí cũng tăng lên tương ứng. Mặt khác, nếu doanh nghiệp không chủ động nắm vững thông tin về việc giao hàng và kịp thời có chứng từ để nhận hàng, doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí lưu kho, bãi và chậm tiến độ nhận hàng.
Rủi ro trong khâu mua bảo hiểm
Doanh nghiệp có thể sẽ không được hưởng lợi từ hợp đồng bảo hiểm hoặc nếu có, bảo hiểm không đủ giá trị và không hết rủi ro. Nguyên nhân có thể do doanh nghiệp đã không mua đủ giá trị với điều kiện bảo hiểm mọi rủi ro, tổn thất. Đó cũng có thể là do chứng từ bảo hiểm xuất trình theo quy định của hợp đồng không đảm bảo đúng quyền lợi của người được hưởng bảo hiểm, không được chuyển giao quyền hưởng lợi hoặc đã hết hạn bảo hiểm, tổn thất xảy ra trước khi hàng hoá được bảo hiểm.
Rủi ro trong khâu lập chứng từ
Đây là một rủi ro rất dễ xảy ra và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp XK ký kết hợp đồng với điều kiện thanh toán dựa trên chứng từ xuất trình phù hợp với thư tín dụng. Trong quá trình lập chứng từ, có thể sẽ có những sai sót chứng từ thực sự gây ảnh hưởng đến việc giao nhận chứng từ, nhưng có khi chỉ là những sai sót về mặt câu chữ hoặc thời hạn của chứng từ, nhưng tất cả đều thể hiện trên bề mặt là không phù hợp với thư tín dụng, và như vậy, doanh nghiệp đều rất dễ bị từ chối thanh toán. Thậm chí, khi giá cả trên thị trường thế giới biến động bất lợi, người mua sẽ vin vào bộ chứng từ sai biệt để từ chối cả lô hàng. Thực tiễn cho thấy, chứng từ do bên thứ ba lập là những chứng từ dễ gây sai biệt và ảnh hưởng đến việc giao nhận, thanh toán nhất.
Rủi ro trong khâu kiểm tra, giám định hàng hoá. Doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro nếu đối tác câu kết với cơ quan giám định hàng hoá, cung cấp kết quả giám định sai khác so với thực tế. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp NK, nếu chấp nhận kết quả giám định tại cảng đi có giá trị quyết định cuối cùng thì rủi ro sẽ xảy ra khi hàng hoá tại cảng đến có trọng lượng, chất lượng hao hụt, sai biệt với kết quả giám định nhưng doanh nghiệp không thể kiện đối tác. Tương tự với doanh nghiệp XK khi chấp nhận kết quả giám định tại cảng đến có giá trị quyết định cuối cùng.
4. Ảnh hưởng của rủi ro trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu
4.1. Đối với Nhà nước và các cấp quản lý
Về bản chất, rủi ro trong hoạt động kinh doanh XNK là rủi ro xảy ra với từng doanh nghiệp XK, NK và để lại hậu quả về kinh tế, nhân lực, trí lực cho bản thân doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, xét trên góc độ xã hội, nếu rủi ro xảy ra thường xuyên, kéo dài sẽ có ảnh hưởng, tác động không tốt tới toàn bộ nền kinh tế của quốc gia mà tại đó doanh nghiệp hoạt động.
Thứ nhất, rủi ro trong hoạt động KD XNK sẽ góp phần làm suy giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia, giảm uy tín và mức độ hấp dẫn của quốc gia đó trong thương mại và đầu tư quốc tế. Chẳng hạn như rủi ro pháp lý do HĐNT vô hiệu, điều khoản “trọng tài khuyết tật”, rủi ro do bị kiện bán phá giá, ngoài những thiệt hại, tổn thất mà bản thân doanh nghiệp phải gánh chịu, sẽ là một căn cứ để các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài đánh giá về năng lực, trình độ và tính chuyên nghiệp của hệ thống doanh nghiệp nước đó.
Thứ hai, rủi ro XK hay NK phát sinh cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận của doanh nghiệp bị suy giảm hay triệt tiêu, và do đó, gián tiếp làm giảm nguồn thu NSNN từ thuế và tác động xấu tới cán cân TTQT của quốc gia đó. Ví dụ, rất nhiều doanh nghiệp XK gạo sang IRAQ nhưng do toàn bộ tài khoản NOSTRO của IRAQ tại Mỹ bị phong toả, nên việc thanh toán bị kiểm soát chặt chẽ và kéo dài, thậm chí bị ngưng trệ. Kết quả là, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp XK đó cũng giảm mạnh và đóng góp của họ vào NSNN cũng bị cắt giảm tương ứng và nguồn thu ngoại tệ của quốc gia đó bị thu hẹp lại.
Thứ ba, việc các doanh nghiệp KD XNK thường xuyên gặp rủi ro, tổn thất, sẽ chính là một bằng chứng sống động, rõ ràng về một môi trường KD và hỗ trợ KD của nước đó còn nhiều bất cập, chưa thực sự thông thoáng. Đồng thời, đây cũng là một trong những cơ sở để khẳng định các cấp quản lý vĩ mô chưa thực sự phát huy vai trò quản lý, định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp.
4.2. Đối với doanh nghiệp kinh doanh XNK
Rủi ro trong kinh doanh XNK có thể xuất hiện ở mọi nơi, mọi doanh nghiệp, không phân biệt đó là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hay tư nhân, doanh nghiệp có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực KD XNK hay doanh nghiệp non trẻ mới vào nghề…
Hậu quả của rủi ro thật khôn lường, có thể hết sức trầm trọng, làm cho doanh nghiệp suy yếu, mất đi khả năng cạnh tranh, thậm chí dẫn đến sự phá sản của doanh nghiệp. Rủi ro không chỉ mang lại những tổn thất về vật lực, tài lực, mà còn có thể gây ra tổn thất về con người. Nếu doanh nghiệp không kịp thời có biện pháp phòng tránh, hạn chế ngay khi rủi ro mới bắt đầu xảy ra, mà để rủi ro phát triển theo hệ thống thì sẽ rất khó xử lý và tổn thất sẽ mang tính dây chuyền, ảnh hưởng tới mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp.
5. Nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu
Có rất nhiều kiểu nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong hoạt động XNK, trong đó, có 3 loại nguyên nhân chính, bao gồm: nguyên nhân khách quan; nguyên nhân do những yếu tố bất khả kháng, ngoài tầm kiểm soát và nguyên nhân chủ quan.
5.1. Nguyên nhân khách quan
Nguyên nhân khách quan là những nguyên nhân bên ngoài tác động vào hoạt động của doanh nghiệp. Chẳng hạn:
Tỷ giá hối đoái biến động. Trong XNK, rủi ro hối đoái xảy ra khi tỷ giá hối đoái vào thời điểm thanh toán, tất toán tăng hoặc giảm so với tỷ giá lúc ký kết HĐNT. Như công ty cổ phần Vinamilk, khoảng 50% nguyên vật liệu đầu vào là nhập khẩu và khoảng 30% doanh thu của công ty là XK. Do đó, những biến động về tỷ giá đều ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty.
Lạm phát ngoài tầm kiểm soát của chính phủ, sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường KD, làm cho hoạt động KD không hiệu quả. Ví dụ, khủng hoảng kinh tế – tài chính mang tính dây chuyền ở Châu Á giai đoạn 1997-1998; nguy cơ phá sản nợ của chính phủ Argentina… là một nhân tố quan trọng gây nên rủi ro quốc gia.
Rủi ro do sự biến động giá cả: Biến động về giá cả hàng hoá, dịch vụ cũng như yếu tố đầu vào nhiều khi rất khó dự đoán. Chẳng hạn, các doanh nghiệp ký xong hợp đồng thì giá cả lại biến động mạnh, do đó doanh nghiệp buộc phải lựa chọn, hoặc phá hợp đồng và chịu phạt, hoặc tiếp tục thực hiện hợp đồng và chịu lỗ.
5.2. Nguyên nhân bất khả kháng
Nguyên nhân bất khả kháng là những nguyên nhân mà bản thân các doanh nghiệp không thể lường trước được, không thể vượt qua được và do khách quan gây ra. Ví dụ như bão lụt nặng nề làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nông nghiệp, chất lượng nông sản XK, nhu cầu NK… Một minh chứng rõ ràng là trong đợt dịch cúm gia cầm, giá gia cầm xuống thấp quá mức dự đoán của các doanh nghiệp.
Những bất ổn về chính trị, luật pháp, mối quan hệ bang giao giữa các quốc gia cũng là một nguyên nhân tiềm ẩn và không thể lường trước được. Ví dụ, một lệnh cấm NK sản phẩm từ một quốc gia khác vì những nguyên nhân chính trị (Nhật Bản tạm dừng không nhập thịt bò từ Mỹ) sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến hàng loạt các doanh nghiệp Mỹ đang KD trong lĩnh vực này.
5.3. Nguyên nhân chủ quan
Từ phía các cấp quản lý
Tham gia vào hoạt động KD XNK, các doanh nghiệp chịu sự quản lý trực tiếp từ các bộ ngành với rất nhiều cơ chế, chính sách, các văn bản luật và dưới luật. Hơn nữa, chủ thể KD XNK có thể là DNNN, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn ĐTNN,… do đó, cách tiếp cận và vận dụng các chủ trương, chính sách cũng khác nhau và mức độ được hưởng ưu đãi trên thực tế cũng khác nhau. Chính vì vậy, một cơ chế, chính sách quản lý, điều hành hoạt động XNK thống nhất, minh bạch và công bằng là hết sức cần thiết. Nếu không, các doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu những rủi ro không đáng có và khó tránh khỏi, kể cả khi đã lường trước được.
Từ bản thân doanh nghiệp
Có rất nhiều nguyên nhân nội tại từ bản thân doanh nghiệp KD XNK sẽ đem lại rủi ro cho doanh nghiệp. Đó có thể do hạn chế về năng lực, trình độ quản trị, vận hành. Đó cũng có thể là do chính sách quản lý, đánh giá, phân tích rủi ro của doanh nghiệp chưa thực sự theo kịp xu thế biến động hàng ngày của thị trường KD XNK.
Việt Nam XK hàng sang Nhật Bản là một ví dụ. Từ 2006, phía Nhật sẽ kiểm tra ngẫu nhiên các mẫu hàng NK tôm. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm bơm tạp chất sẽ trả hàng về và có thể tạm ngưng NK đối với đơn vị đó, thậm chí có thể ngưng toàn bộ tôm NK của Việt Nam vào thị trường Nhật. Như vậy, nếu các doanh nghiệp KD tôm XK không có hệ thống kiểm nghiệm sản phẩm theo quy chuẩn từ khâu đầu vào thì rủi ro do bị khách hàng Nhật dừng NK là rất lớn, thậm chí còn ảnh hưởng tới cả những doanh nghiệp cùng ngành khác.
Để lại một bình luận