Trong bài viết sau đây, tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn nội dung cơ sở lý luận về quan hệ công chúng. Bao gồm: Khái niệm, vai trò, lợi ích, nhiệm vụ và những hoạt động chủ yếu.
1. Khái niệm quan hệ công chúng
Theo Business Edge [1]: “Quan hệ công chúng là một khái niệm được nhắc đến khá thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian gần đây. Khái niệm này còn có các tên gọi khác như “quan hệ cộng đồng”, “quan hệ đối ngoại”, “giao tế công cộng”, “giao tế nhân sự” hay đơn giản là “PR” (là cách gọi ngắn gọn từ nguyên gốc tiếng Anh – Public Relations). Tuy đây là một khái niệm khá quen thuộc nhưng quan hệ công chúng được hiểu và sử dụng rất khác nhau.”
Hiện nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về PR như:
Theo Từ điển bách khoa toàn thư thế giới:” PR là hoạt động nhằm mục đích tăng cường khả năng giao tiếp và hiểu biết lẫn nhau giữa một tổ chức hoặc cá nhân với một hoặc nhiều nhóm công chúng”.
Theo Frank Jefkins (1995): “PR bao gồm tất cả các hình thức giao tiếp được lên kế hoạch cả bên trong và bên ngoài tổ chức, giữa một tổ chức và công chúng của nó nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể liên quan đến sự hiểu biết lẫn nhau.”
Theo Viện quan hệ công chúng Anh – IPR: “PR là những nỗ lực được hoạch định và thực hiện bền bỉ nhằm mục tiêu hình thành và duy trì mối quan hệ thiện cảm và thông hiểu lẫn nhau giữa một tổ chức và công chúng của nó.”
Các định nghĩa trên tuy được trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng đều có cùng chung một số điểm:
PR là một chương trình hành động được hoạch định đầy đủ, duy trì liên tục và dài hạn với mục tiêu nhằm xây dựng và phát triển bền vững mối quan hệ giữa một tổ chức và công chúng mục tiêu của tổ chức đó.
Chương trình hành động PR dựa trên hệ thống truyền thông và hệ thống này không chỉ chú trọng vào tuyên truyền, quảng bá đến công chúng bên ngoài mà cả công chúng nội bộ của tổ chức.
Tất cả những nỗ lực đó nhằm thiết lập và duy trì mối thiện cảm và sự thông hiểu lẫn nhau giữa tổ chức và công chúng.
Các chiến dịch PR không chỉ mang lại lợi ích cho tổ chức mà còn đem lại lợi ích cho xã hội.
Mối quan hệ giữa công chúng với một doanh nghiệp là mối quan hệ qua lại giữa doanh nghiệp đó và công chúng của nó. Quan hệ công chúng được định nghĩa là chức năng quản lý giúp xây dựng và duy trì mối quan hệ cùng có lợi giữa một doanh nghiệp với công chúng của nó.
Người ta thường hay nhầm lẫn giữa quan hệ công chúng và mối quan hệ với công chúng. Mối quan hệ tốt đẹp với công chúng là kết quả mà doanh nghiệp mong muốn nhận được khi thực hiện chức năng quan hệ công chúng.
Để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và cùng có lợi với công chúng, trước tiên doanh nghiệp phải thực sự quan tâm tới lợi ích của công chúng thông qua những việc làm cụ thể. Đồng thời doanh nghiệp cũng phải làm cho công chúng hiểu được điều đó để họ quan tâm và ủng hộ doanh nghiệp. Vì thế hoạt động quan hệ công chúng có thể được định nghĩa một cách đơn giản là hãy làm việc tốt và nói cho công chúng biết điều doanh nghiệp đã làm.
2. Vai trò của quan hệ công chúng
PR quảng bá sự hiểu biết về tổ chức cũng như dịch vụ, dịch vụ và hoạt động của tổ chức. Nhờ thế, PR khắc phục sự hiểu lầm hoặc định kiến của công chúng đối với tổ chức, thay đổi tình thế bất lợi.
Đối với công chúng nội bộ, PR thu hút và giữ chân được người tài qua việc quan hệ nội bộ tốt.
Đối với công chúng bên ngoài, PR tạo ra mối thiện cảm về trách nhiệm xã hội của tổ chức đối với cộng đồng qua các hoạt động xã hội, tài trợ, từ thiện, văn hoá, thể thao, gây quỹ,..
Vai trò của người làm PR được thể hiện ở 4 phương diện chính:
Quản lý: Quản lý hình ảnh của tổ chức và quy trình chuyển tải hình ảnh này đến công chúng; Quản lý các hoạt động nội bộ, các vấn đề nhân sự, các hoạt động đào tạo và phát triển, tạo ra bầu không khí làm việc thân thiện, tích cực trong tổ chức. Từ đó tạo ra động lực làm việc cho nhân viên.
Thực thi: Tổ chức thực hiện các chương trình hoạt động theo kế hoạch đã đề ra bao gồm cả các hoạt động PR bên trong và bên ngoài tổ chức.
Tư duy: Nhận thức và phân tích những chuẩn mực và giá trị hiện hữu hoặc đang thay đổi trong xã hội để tổ chức kịp thời thích ứng, cùng có được sự đồng cảm giữa công chúng và tổ chức.
Giáo dục: Liên quan đến các hoạt động huấn luyện, đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng truyền thông của các nhân viên PR trong tổ chức.
3. Lợi ích của quan hệ công chúng
Theo Business Edge, mối quan hệ công chúng tốt đẹp đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cụ thể:
Làm cho mọi người biết đến doanh nghiệp: Có hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang tồn tại trên thị trường, vậy doanh nghiệp chúng ta làm thế nào để công chúng biết đến? Quảng cáo có thể là một cách tốt. Nhưng trong thời đại thông tin ngày nay khi mà quảng cáo tràn ngập khắp mọi nơi thì công chúng có thể không bị hấp dẫn bởi quảng cáo nữa. Một cách tốt hơn để tiếp cận khách hàng tiềm năng là thông qua những câu chuyện thú vị, những thông tin hữu ích, những đề tài mà công chúng đang quan tâm để gián tiếp giới thiệu về doanh nghiệp và dịch vụ của doanh nghiệp.
Làm cho mọi người hiểu về doanh nghiệp: Doanh nghiệp không chỉ muốn công chúng biết đến sự hiện diện của doanh nghiệp mình mà muốn họ hiểu rõ tôn chỉ hoạt động của doanh nghiệp và các giá trị mà doanh nghiệp hướng tới. Quan hệ công chúng sẽ giúp doanh nghiệp truyền tải những thông điệp thể hiện tôn chỉ và giá trị của doanh nghiệp tới công chúng.
Xây dựng hình ảnh và uy tín cho doanh nghiệp: Ở bất cứ cương vị nào, dù là khách hàng, nhân viên hay đối tác, chúng ta đều mong muốn giao dịch với những doanh nghiệp có uy tín. Hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp dưới con mắt công chúng được xây dựng trên những cảm nhận của công chúng về doanh nghiệp đó. Các hoạt động quan hệ công chúng giúp chuyển tải tới công chúng một cách chân thật những thông điệp mà doanh nghiệp mong muốn.
Củng cố niềm tin của khách hàng đối với doanh nghiệp: Hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp giúp củng cố niềm tin của khách hàng. Nếu doanh nghiệp luôn thể hiện quan tâm đến khách hàng thì họ cũng sẽ gắn bó với doanh nghiệp hơn.
Doanh nghiệp có thể thường xuyên cập nhật thông tin về mình và những thông tin liên quan đến loại dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng. Việc này một mặt giúp khách hàng hiểu doanh nghiệp hơn, mặt khác, làm cho họ thấy rằng doanh nghiệp luôn quan tâm đến họ.
Khuyến khích và tạo động lực cho nhân viên: Nếu nhân viên nghĩ rằng họ là những người làm công ăn lương, thì doanh nghiệp cũng chỉ hi vọng họ làm tốt những việc mà họ được giao. Làm thế nào để doanh nghiệp nhận được nhiều hơn từ năng lực tiềm tàng của họ? Để làm được điều này, doanh nghiệp cần làm cho nhân viên cảm thấy họ là một thành viên của doanh nghiệp bằng cách thể hiện sự quan tâm và luôn cập nhật thông tin về doanh nghiệp cho họ. Các hoạt động quan hệ công chúng giúp tăng cường sự hiểu biết giữa doanh nghiệp và nhân viên trên cơ sở đó thúc đẩy mối quan hệ này thêm bền chặt.
Bảo vệ doanh nghiệp trước những cơn khủng hoảng: Một dịch vụ không đạt chất lượng trên thị trường, một sai lầm của nhân viên cũng có thể đặt doanh nghiệp trước những tình huống khủng hoảng. Những tin đồn thất thiệt có thể gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cũng như công chúng. Quan hệ công chúng là một công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp ngăn ngừa và giải quyết khủng hoảng. Một mặt các hoạt động quan hệ công chúng dự đoán nguy cơ khủng hoảng và đưa ra giải pháp phòng ngừa. Mặt khác, khi khủng hoảng thật sự xảy ra quan hệ công chúng giúp xử lý khủng hoảng một cách có hiệu quả nhất. Thực tế cho thấy những doanh nghiệp có quan hệ công chúng tốt thì khi khủng hoảng xảy ra họ cũng dễ dàng vượt qua hơn.
4. Nhiệm vụ của quan hệ công chúng
Truyền thông các ý tưởng, ý kiến, thông điệp của tổ chức đến công chúng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Quảng bá, kích thích sự quan tâm của công chúng vào một nhân vật, sự kiện, dịch vụ, tổ chức hoặc một vấn đề nào đó.
Quan hệ và tạo thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo chí, những câu chuyện, tin tức, thời sự,… nhằm hướng dẫn dư luận vào một vấn đề nào đó.
Phối hợp cùng với marketing trong các hoạt động quảng cáo, tiếp thị hoặc tuyên truyền nhằm phục vụ mục tiêu của tổ chức.
Quản trị các vấn đề phức tạp nảy sinh, cung cấp các giải pháp nhằm xoay chuyển tình thế bất lợi của tổ chức.
5. Những hoạt động chủ yếu của quan hệ công chúng
5.1. Họp báo
Theo Business Edge, họp báo là buổi họp mà khách mời là báo chí (gồm đài truyền hình, đài phát thanh, báo viết, báo điện tử). Tại đây, chúng ta sẽ thông báo một tin quan trọng liên quan đến doanh nghiệp (khai trương, động thổ, đổi tên, giới thiệu logo, mở văn phòng, chi nhánh mới…), đến hoạt động kinh doanh (tung ra dịch vụ mới….) hay các hoạt động xã hội mà doanh nghiệp tham gia (góp quỹ cho người nghèo, xây nhà tình thương…).
Chỉ khi nào doanh nghiệp có một thông tin quan trọng thì họp báo mới hiệu quả. Đơn giản vì họp báo cũng tốn thời gian hơn nữa nếu thông tin không quan trọng thì sẽ khó thu hút được sự quan tâm của báo chí. Thông tin quan trọng là những thông tin thực sự mới mẻ thu hút được sự quan tâm của báo chí (vì bạn đọc của báo chí quan tâm).
Họp báo là sự kiện tuy dễ tổ chức về mặt hình thức (tổ chức, trang trí) nhưng lại rất quan trọng về mặt nội dung. Một cuộc họp báo thành công tạo nên hình ảnh tốt đẹp hơn về doanh nghiệp cũng như thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông theo chiều hướng tích cực. Để tổ chức một cuộc họp báo hiệu quả cần nên lưu ý:
Phải có những mục tiêu và thông điệp cụ thể: Càng nhiều thông điệp sẽ làm thông tin dàn trải, không tập trung dẫn đến việc đưa thông tin không theo mong muốn. Nhiều trường hợp, cuộc họp báo sẽ bị lạc đề.
Chuẩn bị trước thông tin cho báo chí: Không nên dựa vào việc báo chí tự ghi lại bởi lẽ khả năng sai sót sẽ rất lớn. Vì vậy, những thông tin mà doanh nghiệp muốn nói thì nên viết ra cụ thể. Những thông tin này thường nằm trong tập tài liệu dành cho báo chí bao gồm thông cáo báo chí, bài phát biểu, thông tin hỗ trợ thêm (tính năng dịch vụ, kỹ thuật mới…), hình ảnh đi kèm (dịch vụ, toàn cảnh nhà máy, dây chuyền sản xuất…).
Lập danh sách và chỉ mời những phóng viên, tờ báo, tạp chí, đài phù hợp với nội dung của cuộc họp báo.
Chương trình họp báo nên tập trung và cô đọng, tránh vòng vo bởi báo chí rất bận rộn, nên bỏ qua những bài phát biểu dài dòng, đi thẳng vào vấn đề cần nói.
Chuẩn bị trước những câu hỏi liên quan mà báo chí có thể hỏi, đặc biệt là những câu hỏi hóc búa nhất. Chỉ có thế thì doanh nghiệp mới tự tin khi điều hành cuộc họp báo.
Hạn chế số lượng người ngồi tại bàn chủ tọa: Càng nhiều người càng trở nên rắc rối, chỉ cần 1 hoặc 2 người là đủ, nhiều nhất là 4 người. Khi đó, chúng ta nên họp trước với những người này và phân công cụ thể ai sẽ trả lời những vấn đề nào nếu được phóng viên hỏi.
Cẩn thận với những câu trả lời với báo chí, nếu trả lời không gãy gọn và gây hiểu lầm sẽ dẫn đến thông tin lệch lạc, có khi còn ảnh hưởng đến hình ảnh công ty sau này.
Người chịu trách nhiệm thuyết trình phải thật am hiểu về dịch vụ hay dịch vụ. Nếu gặp câu hỏi mà bạn không chắc có thể trả lời xác đáng hãy chuyển cho người nào đủ khả năng, hoặc ghi nhận lại và có phản hồi sớm nhất.
Bố trí phiên dịch viên trong trường hợp người trả lời của doanh nghiệp là người nước ngoài.
Hãy giữ không khí thoải mái như một cuộc trò chuyện (trừ các họp báo dạng xử lý khủng hoảng, bạn nên giữ khoảng cách và thận trọng).
Cần chủ động tạo chủ đề cho nhà báo khai thác. Không nên để không khí rơi vào khoảng lặng quá lâu, nhất là trường hợp dịch vụ của bạn không gây được chú ý cao đối với giới truyền thông là những người luôn thích sự nóng hổi và mới mẻ.
Đừng bao giờ nói: “Chúng tôi không thể cung cấp số liệu/ thông tin này hoặc chúng tôi không có thông tin” trong khi nhà báo biết bạn hoàn toàn có thể mà hãy hướng họ sang một câu trả lời khác, đại loại như “Chúng tôi ước tính…” Bạn cũng có thể nói “Cho đến bây giờ, chúng tôi chưa có con số chính xác, chúng tôi sẽ cung cấp ngay khi có thể…” để hoãn binh hoặc đưa ra con số tương đối mà không ảnh hưởng đến bí mật thông tin của công ty.
Sau cùng điều quan trọng nhất là: các thông tin trả lời phải trung thực, rõ ràng và nhất quán.
5.2. Sự kiện
Theo Business Edge, trong nhiều trường hợp, thông tin không đủ lớn để họp báo thì chúng ta có thể mời báo chí tham dự sự kiện mà doanh nghiệp tổ chức. Đó có thể là lễ giới thiệu dịch vụ mới, lễ chứng nhận chứng chỉ ISO hay cuộc họp mặt khách hàng…Tất nhiên trong trường hợp này sẽ không có chương trình hỏi đáp dành riêng cho báo chí nhưng doanh nghiệp cũng nên chuẩn bị tài liệu riêng (có thể là thông cáo báo chí) cho các phóng viên.
Tuy nhiên, nếu các vấn đề truyền tải trong buổi lễ hoặc cuộc họp mà mang tính chất “nhạy cảm” thì tốt nhất chúng ta không nên mời phóng viên tham dự. Ví dụ cuộc họp mặt khách hàng đề cập đến chính sách bán hàng mới như chiết khấu, phương thức thanh toán, đặt hàng…Bởi vì trong những buổi họp này có thể có những phản hồi, chỉ trích, khiếu nại…và đương nhiên là công chúng không nên biết những điều này.
5.3. Hội nghị khách hàng
Một doanh nghiệp có đủ tiềm lực cạnh tranh với các đối thủ trên thương trường là một doanh nghiệp luôn biết tạo ra những cái mới trong chiến lược kinh doanh của mình. Sự sáng tạo này không nằm ngoài mục đích mong muốn khách hàng đến với dịch vụ hay dịch vụ của mình. Thực tế, có rất nhiều cách giúp các doanh nghiệp tiếp cận và từ đó thu hút khách hàng đến với doanh nghiệp của mình như gửi tờ rơi, gửi tin nhắn, qua thư,…nhưng có một phương thức tỏ ra khá hiệu quả hiện nay đó là tổ chức những buổi hội nghị khách hàng – những cuộc đối thoại với khách hàng.
Từ những cuộc giao dịch đơn giản nhất như tại quầy bán hàng, lời chào hàng… đều cần những cuộc đối thoại khéo léo của nhân viên với khách hàng. Mỗi một cuộc giao dịch này, doanh nghiệp đều mong muốn có được sự hưởng ứng nhiệt tình của khách hàng. Tuy nhiên, để nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình này đối với các doanh nghiệp không phải dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp cho rằng chỉ cần gửi thật nhiều thư, email hay tin nhắn để quảng cáo hay để mời chào khách hàng tham gia một chương trình nào đó của công ty thì có thể thu hút được khách hàng về phía mình. Thực tế không phải như vậy, các doanh nghiệp muốn giữ chân được khách hàng lâu năm cũng như có được nhiều hơn khách hàng tiềm năng cần chủ động sáng tạo trong quá trình giao dịch với khách hàng. Chúng ta không chỉ đơn thuần gửi thư, tin nhắn đến là được, thậm chí đôi khi có những khách hàng khó tính họ sẽ cho đây như một sự “phiền phức”. Do đó, tổ chức những buổi hội nghị khách hàng là một ý tưởng rất hay, đang được các doanh nghiệp hay các nhà cung cấp các dịch vụ áp dụng khá phổ biến và hiệu quả. Có được những cuộc hội nghị khách hàng thành công giúp các doanh nghiệp tự tin cạnh tranh trên thương trường, nhằm mục đích củng cố lòng trung thành của những khách hàng lâu năm và thu hút nhiều hơn nữa những khách hàng tiềm năng đến với dịch vụ của doanh nghiệp mình.
Tuy nhiên, để khách hàng đến với những buổi đối thoại kiểu này lại là cả một nghệ thuật trong chiến lược marketing của mỗi công ty. Các doanh nghiệp luôn cần phải hiểu khách hàng của mình là ai và họ muốn gì? Không phải dễ dàng gì để một khách hàng bỏ một buổi đi làm hay một cuộc làm ăn nào đó để đến với một buổi hội nghị khách hàng mà chỉ đơn thuần nghe doanh nghiệp đó quảng bá cho dịch vụ hay dịch vụ của mình và muốn họ tham gia vào dịch vụ hay mua dịch vụ cho doanh nghiệp đó. Tâm lý con người nói chung và của khách hàng nói riêng sẽ rất hứng thú đến với những buổi hội nghị khách hàng mà ở đó họ có được những cơ hội cho mình hay có lợi ích cho họ như được sở hữu những giải thưởng giá trị hay những chương trình khuyến mãi hấp dẫn từ phía nhà cung cấp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp luôn phải hiểu rõ mối quan hệ hai chiều này, muốn khách hàng tham gia dịch vụ hay mua sản phẩm của mình, doanh nghiệp trước tiên phải tâm lý với khách hàng của mình, đánh trúng vào thị hiếu của họ.
Hơn nữa để có được những buổi hội nghị khách hàng thành công, các doanh nghiệp cần nắm rõ những thông tin liên quan đến khách hàng. Những nguồn thông tin đó có ở đâu chính là ở hệ thống CRM – hệ thống quản lý quan hệ khách hàng mà các doanh nghiệp cần có. Trên cơ sở, những nguồn thông tin đã có về khách hàng, các nhân viên- người trực tiếp giao dịch với khách hàng, mới có thể xác định nhân tố, cơ sở cần thiết để xây dựng nên những cuộc đối thoại với khách hàng- hội nghị khách hàng. Trên thực tế, chúng ta có thể xây dựng những buổi hội nghị với khách hàng cho những mục đích sau:
- Muốn thu hút khách hàng.
- Muốn tỏ lòng cảm ơn.
- Khi một khách hàng muốn chấm dứt quan hệ giao dịch hay làm ăn, doanh nghiệp sẽ tổ chức những cuộc đối thoại dạng này nhằm giữ chân khách hàng.
- Thuyết phục những khách hàng tiềm năng đến với doanh nghiệp của mình.
- Muốn quảng bá cho hoạt động marketing.
- Muốn phát triển dịch vụ hoặc dịch vụ: hoạch định những chiến lược kinh doanh mới thông qua sự ý kiến trực tiếp của khách hàng.
Hiện nay, để tổ chức những buổi hội nghị khách hàng ở Việt Nam vẫn là điều mơ ước đối với nhiều doanh nghiệp. Bởi nó đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tiềm lực mạnh và quy mô phát triển lớn – điều còn hạn chế ở rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận một điều rằng đây là cách thức tiếp cận khách hàng thực sự hiệu quả.
5.4. Quản lý khủng hoảng
Quản trị khủng hoảng là phần quan trọng và phức tạp nhất của nghề nghiệp PR. Tính chất quan trọng của nó không thua kém gì việc nghĩ ra các ý tưởng hay và độc đáo trong lĩnh vực marketing.
Bộ phận PR, ngoài việc đảm trách các hoạt động quan hệ công chúng, còn phải gánh vác việc xử lý các tình huống khủng hoảng. Đôi khi, trước những biến cố lớn, các công ty còn phải nhờ đến sự trợ giúp từ các công ty PR chuyên nghiệp.
Việc giải quyết và khắc phục các tình huống khủng hoảng cũng là yếu tố để so sánh mức độ chuyên nghiệp và đẳng cấp của những người làm PR.
5.5. Tài trợ
Kinh doanh không chỉ đơn thuần là làm ăn tạo ra lợi nhuận mà còn hướng tới những giá trị lâu bền. Doanh nghiệp tạo uy tín của mình trên thương trường nhưng đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm đối với xã hội.
Tài trợ là một trong những hoạt động PR của doanh nghiệp hướng tới công chúng để xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp thông qua việc bỏ tiền vào một chương trình, sự kiện do một tổ chức khác thực hiện. Thông qua tài trợ doanh nghiệp sẽ tranh thủ được những cơ hội quảng bá trên các phương tiện truyền thông với chi phí rẻ hơn tự mình quảng cáo mà vẫn đạt được hiệu quả cao.
Trao quà cho các gia đình nghèo nhân dịp lễ tết; quỹ cho học sinh nghèo hiếu học; hỗ trợ các chương trình phúc lợi xã hội; v.v… là những ví dụ về hoạt động tài trợ. Qua đó, doanh nghiệp tài trợ có thể vươn tới hai mục đích, vừa góp phần xây dựng xã hội, vừa thúc đẩy công việc kinh doanh được thuận lợi hơn cụ thể như:
- Tăng cường hình ảnh của doanh nghiệp, định hình thái độ của người tiêu dùng.
- Tạo động lực cho hoạt động bán hàng.
- Tài trợ được coi là hình thức quảng bá đáng tin cậy và tăng cường khả năng nhận biết của khách hàng.
- Tìm ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh.
- Tạo được sự thân thiện.
Hiện nay, thuật ngữ CSR (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) đang ngày càng trở thành một tiêu chí để đánh giá sự thành công của doanh nghiệp. CSR được hiểu là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, phát triển cộng đồng, v.v… theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của cộng đồng, xã hội.
Để lại một bình luận