Trong bài viết sau đây, tailuanvan.com sẽ chia sẻ đến bạn những vấn đề cơ bản của hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế. Gồm: Quá trình phát triển và khuôn khổ chung.
1. Quá trình phát triển của hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế
Hệ thống CMKT quốc tế được thiết lập mang tính nền tảng, khuôn mẫu. Những nguyên tắc, phương pháp có tính chất cơ bản của hệ thống CMKT quốc tế được chấp thuận rộng rãi trên toàn thế giới cho tất cả các quốc gia.
Ủy Ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC) là cơ quan đầu tiên xây dựng và ban hành hệ thống CMKT quốc tế. Tổ chức độc lập này được thành lập năm 1973, gồm đại diện của 13 nước thành viên trực thuộc Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC), đại diện của 03 tập đoàn kinh tế lớn và một số quan sát viên độc lập (IASC, 1998b).
Những nghiên cứu từ những năm 1960 (Mueller, 1967) về những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển hệ thống CMKT quốc tế, rất quan trọng để hiểu tầm quan trọng của những yếu tố hình thành báo cáo kế toán và những chuẩn mực được công bố để dự báo quy trình hòa hợp kế toán quốc tế. Những yếu tố như là văn hóa thay đổi rất ít theo thời gian và có thể ẩn đi, không thấy ảnh hưởng của yếu tố này, trong khi đó những yếu tố khác như là kinh tế ảnh hưởng đến phát triển hệ thống CMKT quốc tế (Doupnik & Salter, 1995).
2. Khuôn khổ chung và chuẩn mực trình bày báo cáo tài chính theo hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế
2.1. Khuôn khổ chung (Bộ khung của Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế – The IASB framework)
Khuôn khổ chung không được xem là một CMKT quốc tế. Khuôn khổ chung giúp ban lãnh đạo của IASB trong việc phát triển các CMKT quốc tế và xem xét các chuẩn mực kế toán hiện tại; Giúp các cơ quan lập CMKT quốc gia trong việc phát triển kế toán quốc gia; Giúp áp dụng CMKT quốc tế để lập BCTC; Giúp các kiểm toán viên tạo ra các ý kiến trong việc đánh giá BCTC phù hợp với CMKT quốc tế; Giúp giải thích các thông tin BCTC được lập theo chuẩn mực BCTC quốc tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi có xung đột giữa các chuẩn mực cụ thể và quy định chung thì thực hiện theo các chuẩn mực cụ thể.
Các đặc điểm chất lượng của BCTC trong Khuôn khổ chung:
Tính có thể hiểu được; Tính thích hợp, yêu cầu trình bày tính trọng yếu trong BCTC; Tính đáng tin cậy, yêu cầu trình bày BCTC trung thực, bản chất hơn hình thức, khách quan, thận trọng, đầy đủ; Tính có thể so sánh; Tính kịp thời.
Các cấu phần của BCTC trong Khuôn khổ chung
– Các BCTC phản ánh ảnh hưởng tài chính của các giao dịch hoặc các sự kiện khác bằng cách chia các giao dịch và sự kiện này vào các phân nhóm lớn hơn theo đặc tính kinh tế.
– Các cấu phần liên quan trực tiếp đến việc đo lường tình hình tài chính trên BCĐKT bao gồm tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.
– Các cấu phần liên quan trực tiếp đến việc đo lường tình hình và kết quả kinh doanh trên BCKQHĐKD là doanh thu và chi phí.
2.2. Chuẩn mực trình bày báo cáo tài chính (IAS 1)
Chuẩn mực trình bày báo cáo tài chính (IAS 1) đưa ra khuôn khổ chung cho việc trình bày mục tiêu chung BCTC bao gồm các hướng dẫn cấu trúc và nội dung tối thiểu.
Hệ thống báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo IAS 1 gồm:
Bảng cân đối kế toán (BCĐKT); Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (BCKQHĐKD) và thu nhập toàn diện trong kỳ, có thể trình bày kết quả hoạt động kinh doanh trong hai báo cáo là BCKQHĐKD và Báo cáo thu nhập toàn diện khác; Báo cáo thay đổi vốn nguồn chủ sở hữu (BCTĐNVCSH); Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (BCLCTT); Các thuyết minh báo cáo tài chính (TMBCTC), bao gồm thuyết minh về các chính sách kế toán chủ yếu và các thuyết minh khác; Thông tin so sánh với các kỳ trước; BCĐKT tại thời điểm đầu của kỳ so sánh gần nhất khi đơn vị áp dụng hồi tố chính sách kế toán hoặc thực hiện việc điều chỉnh hồi tố đối với một số khoản mục trên BCTC hoặc khi đơn vị thực hiện phân loại lại các khoản mục trên BCTC.
Nguyên tắc lập và trình bày BCTC bao gồm: Hoạt động liên tục, cơ sở dồn tích, nhất quán, trọng yếu và tập hợp, bù trừ và có thể so sánh.
Kết cấu và nội dung chủ yếu của báo cáo tài chính:
– Những thông tin chung về doanh nghiệp
– Kỳ báo cáo
– BCĐKT (Phụ lục 2.3: Yêu cầu các thông tin phải trình bày trên Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Chuẩn mực trình bày báo cáo tài chính (IAS 1)
– BCKQHĐKD (Phụ lục 2.3: Yêu cầu các thông tin phải trình bày trên Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Chuẩn mực trình bày báo cáo tài chính (IAS 1)
– BCTĐNVCSH: IAS1 yêu cầu các đơn vị phải có BCTĐNVCSH (Statement of changes in equity). Đơn vị phải trình bày những thông tin phản ánh thay đổi nguồn vốn chủ sở hữu:
- Lãi / lỗ thuần của niên độ
- Các nghiệp vụ giao dịch về vốn với các chủ sở hữu và việc phân phối lợi nhuận cho các chủ sở hữu
- Số dư các khoản mục lãi, lỗ lũy kế vào thời điểm đầu và cuối niên độ và những biến động trong niên độ
- Đối chiếu giữa giá trị ghi sổ của mỗi loại vốn góp, vốn thặng dư ,vốn cổ phần, các khoản dự phòng vào đầu niên độ và cuối niên độ và trình bày riêng biệt từng sự biến động
– BCLCTT: được lập và trình bày theo quy định của IAS7 “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”. BCLCTT yêu cầu trình bày thông tin về sự thay đổi của tiền và các khoản tương đương tiền của đơn vị. BCLCTT phân chia dòng tiền trong kỳ theo các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Chuẩn mực IAS7 có thêm khái niệm tương đương tiền: thông thường không bao gồm các khoản đầu tư vốn trừ khi, về bản chất, các khoản đầu tư vốn này là các khoản tương đương tiền. Các khoản vay Ngân hàng được xem là hoạt động tài chính. Các khoản thấu chi cũng được xem là tương đương tiền nếu các khoản thấu chi này là một bộ phận không thể tách rời của chính sách quản lý tiền của đơn vị.
– TMBCTC của một doanh nghiệp, yêu cầu các thông tin phải trình bày:
- Đưa ra các thông tin về cơ sở dùng để lập BCTC và các chính sách kế toán cụ thể được chọn và áp dụng đối với các giao dịch và các sự kiện quan trọng;
- Trình bày các thông tin theo quy định của các CMKT quốc tế mà chưa được trình bày trong các BCTC khác;
- Cung cấp thông tin bổ sung chưa được trình bày trong các BCTC khác, nhưng lại cần thiết cho việc trình bày trung thực và hợp lý.
- Bản TMBCTC phải được trình bày một cách có hệ thống. Mỗi khoản mục trong BCĐKT, BCKQHĐKD, BCTĐNVCSH và BCLCTT cần được đánh dấu dẫn tới các thông tin liên quan trong Bản TMBCTC.
Để lại một bình luận