Ở bài viết dưới đây, tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn đọc những khái niệm và đặc điểm tài nguyên du lịch nhân văn.
1. Khái niệm tài nguyên du lịch nhân văn
Tài nguyên du lịch nhân văn là nhóm tài nguyên du lịch có nguồn gốc nhân tạo, nghĩa là do con người sáng tạo ra. Theo quan điểm chung được chấp nhận hiện nay, toàn bộ những sản phẩm có giá trị về vật chất cũng như tinh thần do con người sáng tạo ra đều được coi là những sản phẩm văn hóa. Tuy nhiên, không phải sản phẩm văn hóa nào cũng đều là những TNDLNV mà chỉ những sản phẩm văn hóa nào có giá trị phục vụ du lịch mới được coi là TNDLNV. Hay nói cách khác, những TNDLNV cũng chính là những giá trị văn hóa tiêu biểu cho mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Thông qua những hoạt động du lịch dựa trên việc khai thác các TNDLNV, khách du lịch có thể hiểu được những đặc trưng cơ bản về văn hóa của dân tộc, địa phương nơi mình đến.
Theo Điều 13 của Luật Du lịch (2005):“Tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hoá, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch” [55, tr.19].
Tài nguyên du lịch nhân văn có tác dụng nhận thức nhiều hơn, tác dụng giải trí không thật điển hình hoặc chỉ có ý nghĩa thứ yếu.
2. Đặc điểm tài nguyên du lịch nhân văn
Tài nguyên du lịch nhân văn có một số đặc điểm chủ yếu sau:
– Mang tính phổ biến
Cho đến nay dù có rất nhiều khái niệm khác nhau về văn hóa, song hầu hết các ý kiến đều thừa nhận văn hóa là những sản phẩm sáng tạo của con người. Như vậy ở đâu có con người, ở đó có các sáng tạo văn hóa. Sinh hoạt bao trùm toàn bộ hoạt động của con người, và bởi vì sinh hoạt là thuộc tính của bất cứ dân tộc nào, nên dân tộc nào cũng có văn hóa, chỉ khác nhau về trình độ. Suy rộng ra, TNDLNV là thuộc tính của tất cả các dân tộc, các quốc gia vì vậy nó mang tính phổ biến.
– Mang những giá trị đặc sắc riêng
Điều kiện và đặc điểm của môi trường sống là những yếu tố chi phối, nuôi dưỡng việc hình thành đặc điểm sinh hoạt và truyền thống văn hóa ở mỗi vùng miền. Vì điều kiện tự nhiên và kinh tế – xã hội ở mỗi địa phương, mỗi quốc gia không giống nhau nên TNDLNV ở mỗi khu vực, mỗi quốc gia có những giá trị đặc sắc riêng, tạo nên sức thu hút, hấp dẫn du khách tới tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu hoặc đơn thuần chỉ để chiêm ngưỡng.
Vì những đặc điểm riêng, đặc sắc của TNDLNV góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo có sức cạnh tranh và hấp dẫn du khách riêng của mỗi quốc gia, vùng miền. Lúc nào bản sắc văn hóa riêng của các dân tộc còn được giữ gìn, bảo vệ, lúc đó chúng còn giá trị khai thác phục vụ du lịch. Do vậy, trong quá trình khai thác TNDLNV cần coi trọng việc bảo vệ, phát huy giá trị độc đáo của tài nguyên.
– Rất phong phú và đa dạng
Khác với nhiều loại tài nguyên khác, tài nguyên du lịch nhân văn rất phong phú và đa dạng bởi vì nó là sản phẩm sáng tạo của con người, gắn liền với sinh hoạt, đời sống và sự phát triển của nhân loại. TNDLNV bao gồm cả tài nguyên dưới dạng vật thể lẫn tài nguyên phi vật thể, hoặc kết hợp cả hai dạng trên. Đặc điểm này là cơ sở để tạo nên sự phong phú của các sản phẩm du lịch văn hóa.
– Mang những giá trị hữu hình và vô hình
Đây có thể được xem là một trong những đặc điểm quan trọng của TNDLNV. Trong thực tế, tài nguyên là phương tiện vật chất trực tiếp tham gia vào việc hình thành các sản phẩm du lịch và đó chính là những giá trị hữu hình của tài nguyên du lịch nhân văn. Tuy nhiên, nếu chỉ hiểu ở khía cạnh vật chất này của TNDLNV thì chưa đầy đủ bởi ngoài yếu tố hữu hình thì giá trị của tài nguyên còn được đóng góp bởi các yếu tố “vô hình”. Các giá trị vô hình này được khách du lịch cảm nhận thông qua những cảm xúc tâm lý, làm thỏa mãn nhu cầu tinh thần (thẩm mỹ, văn hóa) – một nhu cầu đặc biệt của khách du lịch. Giá trị vô hình của TNDLNV nhiều khi còn được thể hiện thông qua những thông tin (nghe kể lại, qua báo chí, truyền hình, quảng cáo,…) mà khách du lịch cảm nhận được, ngưỡng mộ và mong muốn được đến tận nơi để thưởng thức.
– Thời gian khai thác khác nhau
Thời gian khai thác TNDLNV được hiểu theo hai nghĩa là thời lượng và mùa vụ. Các TNDLNV có thời gian khai thác rất khác nhau phụ thuộc vào loại tài nguyên và phương thức khai thác tài nguyên phục vụ du lịch.
Theo thời lượng khai thác, những TNDLNV mà hoạt động du lịch được tổ chức bên trong công trình thì gần như ít phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và có khả năng khai thác quanh năm như tham quan bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế,… Trong khi những TNDLNV mà hoạt động du lịch được tổ chức ngoài trời thì việc khai thác chịu sự chi phối của điều kiện tự nhiên, đặc biệt là yếu tố thời tiết, khí hậu, ví dụ như tham quan cầu ngói Thanh Toàn,…
Theo mùa vụ, những TNDLNV gắn liền với sinh hoạt và đời sống con người như các lễ hội, các hoạt động sản xuất, các sự kiện văn hóa… nên tính mùa vụ trong khai thác du lịch rất rõ nét, ví dụ như lễ hội điện Hòn Chén,…
– Có thể tôn tạo, thay đổi và tạo mới
Tài nguyên du lịch nhân văn là sản phẩm của con người tạo nên. Vì vậy, con người có thể tái tạo, thay đổi và tạo mới cùng với sự phát triển.
Tài nguyên du lịch nhân văn, đặc biệt là những di tích lịch sử văn hóa do đã hình thành từ lâu, nên rất dễ bị tổn thương bởi các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người. Vì vậy, cần sự bảo vệ, trùng tu và tôn tạo các di tích để lưu giữ cho thế hệ mai sau. Đồng thời, trong quá trình phát triển, với sự sáng tạo không ngừng của con người, nhiều công trình, giá trị văn hóa có thể thay đổi hoặc tạo mới.
Do vậy, trong hoạt động khai thác TNDLNV để phục vụ du lịch, vấn đề quan trọng là phải bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích, công trình kiến trúc… nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành du lịch. Ở chừng mực nào đó, sức thu hút, hấp dẫn của TNDLNV đối với du khách phụ thuộc vào mức độ bảo tồn của các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống. Mặt khác, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị TNDLNV không chỉ có ý nghĩa cho hoạt động du lịch, mà còn có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội, góp phần duy trì các đặc điểm văn hóa, các giá trị truyền thống của đất nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
– Mang tính tập trung dễ tiếp cận
Các TNDLNV thường gắn liền với con người và tập trung ở các điểm quần cư, bởi nó được sinh ra trong quá trình phát triển xã hội và là sản phẩm do con người sáng tạo ra. Chính vì vậy, các TNDLNV mang tính tập trung dễ tiếp cận nên đây là điều kiện thuận lợi để khai thác tài nguyên, đồng thời tạo ra hiệu quả về mặt kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Tuy nhiên, do phân bố tập trung trong các khu dân cư nên cũng dễ chịu những tác động của con người và nếu không quản lý tốt thì các nguồn tài nguyên du lịch nhân văn rất dễ bị xâm hại.
– Mang tính nhận thức nhiều hơn là giải trí, nghỉ dưỡng
Trong hoạt động du lịch, những TNDLNV có tác dụng nhận thức trực tiếp và rõ ràng hơn so với tài nguyên tự nhiên. Để đến với một sản phẩm du lịch văn hoá, du khách thường có ý niệm trước về sản phẩm này và mong muốn tìm hiểu, trải nghiệm những đặc điểm văn hóa của nơi đến. Mục đích tiếp cận ban đầu với hai đối tượng là tài nguyên tự nhiên và TNDLNV cũng khác nhau. Đối với tài nguyên du lịch nhân văn, mục đích ban đầu bao giờ cũng mang tính nhận thức. Bằng hành vi tiếp xúc trực tiếp với những tài nguyên, du khách mong muốn kiểm chứng lại những nhận thức của mình về các tài nguyên đó, nhờ vậy làm giàu thêm kiến thức của mình.
Trả lời