Trong bài viết sau đây, tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn khái niệm và đặc điểm của hệ thống bán lẻ hiện đại.
1. Tổng quan về bán lẻ
1.1. Khái niệm
Hiện nay có nhiều định nghĩa khác nhau về bán lẻ, trong đó có 2 định nghĩa được thừa nhận rộng rãi như sau:
Trong cuốn “Quản trị Marketing”, Philip Kotler đã đưa ra định nghĩa:
Bán lẻ là mọi hoạt động nhằm bán hàng hóa hay dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng để họ sử dụng cho cá nhân, không mang tính thương mại.
Trong cuốn “Retail management”, Michael Levy định nghĩa:
Bán lẻ là một loạt các hoạt động kinh doanh làm gia tăng giá trị cho sản phẩm dịch vụ được bán cho người tiêu dùng vì mục đích sử dụng cho cá nhân hoặc gia đình.
Như vậy có thể hiểu nhà bán lẻ hay công ty bán lẻ là nhà một công ty thương mại mà tổng doanh thu của nó chủ yếu từ hoạt động bán lẻ mang lại. Bất kể tổ chức nào (nhà sản xuất, nhà bán buôn, nhà bán lẻ) bán cho người tiêu dùng cuối cùng đều làm chức năng bán lẻ.
1.2. Vị trí và chức năng của bán lẻ trong kênh phân phối
Các nhà sản xuất thường đưa hàng hóa của mình ra thị trường thông qua các kênh phân phối. Các nhà bán lẻ nằm ở vị trí cuối cùng trong kênh phân phối. Họ mua lại hàng hóa từ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc nhà bán buôn để bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng. Người bán lẻ không những là những người quan hệ trực tiếp với người tiêu dùng ma còn hoạt động như một đại lý mua hàng cho công chúng bằng cách xác định, lựa chọn hàng hóa, thỏa thuận mức giá với nhà cung cấp nhằm thỏa mãn nhu cầu về hàng hóa dịch vụ cho tất cả mọi người trong xã hội.
Chức năng của bán lẻ
Bán lẻ là một khâu của quá trình phân phối nên nó cũng đảm nhiệm đầy đủ chức năng cơ bản của phân phối. Tuy nhiên do đặc thù là kênh cuối cùng đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng nên bán lẻ mang một số đặc điểm riêng.
Thứ nhất là nghiên cứu, thu thập thông tin cần thiết để lập kế hoạch và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi. Nhà bán lẻ là người trực tiếp tiếp xúc với người tiêu dùng nên có thể thu thập những thông tin về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng… để thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Những thông tin này của nhà bán lẻ là rất cần thiết để người sản xuất có thể nắm bắt được phản hồi từ phía khách hàng, kịp thời cải tiến hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Thứ hai là kích thích tiêu thụ, cung cấp các thông tin về hàng hóa cho người tiêu dùng. Các nhà bán lẻ có thể tự tiến hành các biện pháp xúc tiến bán hàng riêng của mình để tăng doanh thu bán lẻ. Đồng thời, họ có thể đóng vai trò là người chuyển thông điệp quảng cáo hoặc các thông tin khuyến nghị của nhà sản xuất đến người tiêu dùng.
Thứ ba là hoàn thiện hàng hóa, làm cho hàng hóa đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người mua. Tại các cửa hàng bán lẻ như siêu thị, số mặt hàng có thể lên tới 15.000 từ hơn 500 nhà sản xuất khác nhau. Việc sắp xếp và phân loại này giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn phong phú các sản phẩm với đủ mọi thương hiệu, kiểu dáng, giá cả… Bên cạnh đó, dù các nhà bán lẻ có thể nhận hàng hóa đã hoàn thiện từ người sản xuất hay nhà bán buôn nhưng do đặc thù ngành bán lẻ, nhà bán lẻ phải tiến hành sơ chế, đóng gói…để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong điều kiện tốt nhất và hình thức phù hợp nhất.
Thứ tư là lưu kho bãi: Đây là chức năng quan trọng của người bán lẻ để đảm bảo luôn có hàng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được nhiều hàng hóa vào mọi nơi mọi lúc. Ngoài ra, một số hoạt động sản xuất có tính thời vụ, còn tiêu dùng diễn ra quanh năm, do đó cần tới chức năng dự trữ hàng hóa của người bán lẻ.
Thứ năm là cung cấp các dịch vụ hỗ trợ: nhà bán lẻ cung cấp các dịch vụ giúp cho người tiêu dùng dễ dàng mua và sử dụng sản phẩm hơn, bằng các biện pháp như cho người mua trả chậm, mời sử dụng hàng thử, tư vấn và sẵn sàng cung cấp thêm thông tin về sản phẩm.
1.3. Phân loại các nhà bán lẻ
Kinh tế xã hội ngày càng phát triển, hoạt động bán lẻ được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau rất đa dạng nên việc phân loại chúng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dựa vào các tính chất như các chủng loại hàng hóa được bán, sự quan tâm tương đối về giá cả, tính chất phục vụ, loại cửa hàng và mức độ tập trung đối với cửa hàng có thể phân loại các mô hình cửa hàng bán lẻ như sau:
2. Khái niệm và đặc điểm của hệ thống bán lẻ hiện đại
2.1. Khái niệm
Cho đến nay tại Việt Nam chưa có tài liệu chính thức nào đưa ra khái niệm của hệ thống bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên dựa vào tính chất của kênh phân phối bán lẻ có thể chia ra làm 2 loại hệ thống bán lẻ là hệ thống bán lẻ truyền thống và bán lẻ hiện đại. Hệ thống bán lẻ hiện đại có mô hình tiêu biểu là cửa hàng tiện dụng (convenience store), siêu thị nhỏ (mini-super), siêu thị (supermarket), đại siêu thị (hypermarket), cửa hàng bách hoá lớn (department store), cửa hàng bách hoá thông thường, cửa hàng đại hạ giá (hard discounter), trung tâm thương mại (commercial center, shopping mall)…
Như vậy hệ thống bán lẻ hiện đại khác biệt với hệ thống bán lẻ truyền thống ở phương pháp quản lý kinh doanh, cách bài trí cửa hàng, phong cách phục vụ.
2.2. Đặc điểm
- Hệ thống bán lẻ áp dụng phương thức tự phục vụ (self-service) hoặc tự chọn:
Điển hình nhất trong hệ thống bán lẻ hiện đại là mô hình siêu thị. Khi nói đến siêu thị người ta không thể không nghĩ tới “tự phục vụ”, một phương thức bán hàng do siêu thị sáng tạo ra, được ứng dụng trong nhiều loại cửa hàng bán lẻ khác và là phương thức kinh doanh chủ yếu của xã hội văn minh công nghiệp. Ta cũng cần phân biệt giữa phương thức tự chọn và tự phục vụ:
Tự phục vụ: khách hàng xem xét và chọn mua hàng, bỏ vào giỏ hoặc xe đẩy đem đi và thanh toán tại quầy tính tiền đặt gần lối ra vào. Người bán vắng bóng trong quá trình mua hàng.
Tự chọn: khách hàng sau khi chọn mua được hàng hoá sẽ đến chỗ người bán để trả tiền hàng, tuy nhiên trong quá trình mua vẫn có sự giúp đỡ, hướng dẫn của người bán. Tại các trung tâm thương mại hoặc cửa hàng bách hóa có nhân viên giúp đỡ và sẵn sàng cung cấp thông tin cho khách hàng. Tuy nhiên điểm khác biệt của phương thức bán hàng hiện đại là tính tự chủ và sự thoải mái lựa chọn của khách hàng luôn được đặt lên trên hết.
Chính thức ra đời từ những năm 1930, tự phục vụ đã trở thành công thức chung cho ngành công nghiệp phân phối ở các nước phát triển. Tự phục vụ đồng nghĩa với văn minh thương nghiệp hiện đại. Nó có nhiều ưu điểm so với cách bán hàng truyền thống: doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí bán hàng, đặc biệt là chi phí tiền lương cho nhân viên bán hàng (thường chiếm tới 30% tổng chi phí kinh doanh). Tự phục vụ giúp người mua cảm thấy thoải mái khi được tự do lựa chọn, ngắm nghía, so sánh hàng hóa mà không cảm thấy bị ngăn trở từ phía người bán.
Do áp dụng phương thức tự phục vụ, giá cả trong các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi được niêm yết rõ ràng để người mua không phải tốn công mặc cả, tiết kiệm được thời gian. Ngoài ra, phương thức thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ hiện đại rất thuận tiện. Hàng hóa gắn mã vạch, mã số được đem ra quầy tính tiền ở cửa ra vào, dùng máy quét scanner để đọc giá, tính tiền bằng máy và tự động in hóa đơn. Hình ảnh các quầy tính tiền tự động luôn là biểu tượng cho các cửa hàng tự phục vụ. Đặc điểm này đem đến cảm giác thoải mái, hài lòng, tự tin và sự thỏa mãn cao nhất cho người mua sắm…
Có thể khẳng định rằng phương thức tự phục vụ là điểm ưu việt nhất của hình thức bán lẻ hiện đại và là cuộc “đại cách mạng” trong lĩnh vực thương mại bán lẻ.
- Hệ thống bán lẻ hiện đại áp dụng nghệ thuật trưng bày hàng hoá (Merchandising)
Các siêu thị cũng là những nhà bán lẻ đầu tiên nghĩ đến tầm quan trọng của nghệ thuật trình bày hàng hoá và nghiên cứu cách thức vận động của người mua hàng khi vào cửa hàng. Nhiều cửa hàng bán lẻ khác, dựa trên cơ sở các nghiên cứu của siêu thị để tiến hành các hoạt động nghiên cứu khách hàng sâu sắc hơn nhằm tối đa hoá hiệu quả của không gian bán hàng.
Do người bán không có mặt tại các quầy hàng nên hàng hóa phải có khả năng “tự quảng cáo”, lôi cuốn người mua. Các cửa hàng hiện đại làm được điều này thông qua các nguyên tắc sắp xếp, trưng bày hàng hóa, nhiều khi được nâng lên thành những thủ thuật. Chẳng hạn, hàng có tỷ suất lợi nhuận cao được ưu tiên xếp ở những vị trí dễ thấy nhất, được trưng bày với diện tích lớn; những hàng hóa có liên quan đến nhau được xếp gần nhau; hàng khuyến mại phải thu hút khách hàng bằng những kiểu trưng bày bắt mắt; hàng có trọng lượng lớn phải xếp ở bên dưới để khách hàng dễ lấy; các mặt hàng tiêu dùng có liên quan được sắp xếp cạnh nhau để khách hàng mua sắm được thuận tiện…
- Các đặc trưng của hàng hóa
Hàng hóa trong siêu thị và cửa hàng tiện lợi chủ yếu là hàng tiêu dùng thường ngày như thực phẩm, quần áo, bột giặt, đồ gia dụng điện tử… với chủng loại rất phong phú, đa dạng. Điều này tạo sự thuận tiện khi người mua chỉ cần đến 1 nơi là có thể mua đủ những mặt hàng thiết yếu hàng ngày. Với loại hình siêu thị, theo quan niệm của nhiều nước, đó phải là nơi người mua có thể tìm thấy mọi thứ họ cần ở “dưới một mái nhà” và với một mức giá phải chăng. Thông thường, một siêu thị có thể đáp ứng được 70-80% nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng về ăn uống, trang phục, mỹ phẩm, đồ làm bếp, chất tẩy rửa, vệ sinh…
Chất lượng hàng hóa bán trong hệ thống bán lẻ hiện đại được đảm bảo. Do bản thân những người bán lẻ cũng là một doanh nghiệp nên họ có ý thức bảo vệ thương hiệu của mình, tạo uy tín với khách hàng. Hơn nữa, việc kinh doanh của các siêu thị, trung tâm thương mại hay cửa hàng tiện lợi lại chịu sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng chứ không được buông lỏng như với các chợ hay cửa hàng tạp hóa. Do đó hàng hóa trong các siêu thị và cửa hàng hiện đại được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Để lại một bình luận