Trong bài viết sau đây, tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn cơ sở lý thuyết về tác động của đa dạng hóa và cạnh tranh đến ổn định ngân hàng.
1. Cơ sở lý thuyết về tác động của đa dạng hóa đến ổn định ngânhàng
Các lý thuyết về trung gian tài chính hàm ý việc ngân hàng gia tăng lợi nhuận theo quy mô có liên quan đến hoạt động ĐDH. Khi ngân hàng mở rộng cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ sẽ tạo ra nhiều nhu cầu và từ đó giúp gia tăng thu nhập cho ngân hàng. Cụ thể hơn thông qua ĐDH, L.Baele (2000) chỉ ra mối quan hệ tích cực giữa giá trị thương hiệu và mức độ ĐDH, điều đó có nghĩa là ĐDH có thể cải thiện lợi nhuận ngân hàng trong tương lai. Các ngân hàng được phép ĐDH bằng cách kết hợp kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm và các hoạt động tài chính khác (được coi như một tập đoàn tài chính). Trong thực tế, các nhà nghiên cứu nhìn vào các nguồn thu nhập ngoài lãi để đo lường mức độ ĐDH trong hoạt động ngân hàng. Đây là nguồn thu nhập từ việc cung cấp hàng loạt các dịch vụ tài chính từ bảo lãnh phát hành, phân phối chứng khoán, các chính sách bảo hiểm, các quỹ hỗ tương,… Điều này giúp làm giảm chi phí hoạt động, ngoài ra việc chia sẻ các yếu tố đầu vào cũng giúp tiết kiệm chi phí tiềm năng, từ đó giúp lợi nhuận ngân hàng gia tăng (Beaele, 2007; Stiroh, 2004).
Việc ủng hộ cho luận điểm về tác động tích cực của ĐDH đến ổn định ngân hàng còn được giải thích bởi hoạt động ngân hàng lan rộng sang các lĩnh vực phi truyền thống là do các hoạt động này thường ít nhạy cảm với biến động lãi suất trong nền kinh tế. Hơn nữa, các ngân hàng trước khi ĐDH sẽ xem xét tiềm lực về vốn, con người và công nghệ của mình để làm sao hoạt động ĐDH được thực hiện hiệu quả, tạo ra thêm lợi nhận đủ bù đắp các chi phí đã bỏ ra.
Tuy nhiên, tồn tại quan điểm trái chiều cho rằng ĐDH không mang lại lợi ích cho ngân hàng mà còn làm ngân hàng trở nên bất ổn hơn. Lập luận này phân tích các chi phí liên quan làm gia tăng mức độ phức tạp của ngân hàng có thể không được bù đắp bởi lợi ích do ĐDH mang lại. Ngoài ra, khi các nguồn thu nhập từ các hoạt động phi truyền thống có mối tương quan với biến động lãi suất cũng làm cho hoạt động ĐDH không hiệu quả dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho ngân hàng.
Xem thêm: Dịch vụ cung cấp tài liệu làm luận văn theo yêu cầu |
2. Cơ sở lý thuyết về tác động của cạnh tranh đến ổn định ngân hàng
Cạnh tranh trong ngành ngân hàng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đến sự bình ổn khu vực tài chính và cả nền kinh tế với hướng tác động chưa rõ ràng. Theo quan điểm thuyết vị thế thị trường (Market power view) (Boyd và De Nicolo, 2005), vị thế cao trên thị trường cho phép ngân hàng đặt lãi suất vay cao hơn, dẫn đến tăng khả năng xuất hiện rủi ro đạo đức (moral hazard) và lựa chọn bất lợi (adverse selection) vì chỉ có các công ty có rủi ro cao mới chấp nhận mức lãi suất cho vay cao, nên cũng có thể gia tăng rủi ro thu hồi vốn/lợi nhuận cho ngân hàng.
Mối quan hệ giữa cạnh tranh và ổn định ngân hàng đã thảo luận trong giới học thuật và các TCTC trong hai thập kỷ qua, đặc biệt kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây vào năm 2007. Tuy nhiên, vấn đề cạnh tranh giữa các NHTM luôn luôn gây ra nhiều tranh cãi. Có hai quan điểm đối lập trong các nghiên cứu trước về cạnh tranh và ổn định ngân hàng. Quan điểm cạnh tranh – dễ tổn thương: tranh luận rằng có mối quan hệ ngược chiều giữa cạnh tranh và ổn định ngân hàng, vì cạnh tranh cao làm giảm sức mạnh thị trường của ngân hàng và lợi nhuận biên. Do đó, nó sẽ làm tăng rủi ro cho ngân hàng. Còn quan điểm cạnh tranh-ổn định: lập luận rằng sự cạnh tranh càng nhiều dẫn đến sự ổn định càng cao.
Stiglitz và Weiss (1981) tìm thấy mối quan hệ ngược chiều giữa cạnh tranh (đo bằng số lượng ngân hàng tham gia) và mức độ rủi ro trong ngành ngân hàng. Ngoài ra còn có tranh luận về khả năng các ngân hàng lớn được nhận ưu tiên “quá lớn để sụp đổ” (too big to fail) mà các ngân hàng nhỏ không có được. Sự bảo hộ này làm tăng hành vi chấp nhận rủi ro tại các ngân hàng lớn (Mishkin, 1999).
Mặt khác, khi xảy ra bất cân xứng thông tin, cạnh tranh càng cao làm giảm khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp do làm các ngân hàng mất động lực xây dựng mối quan hệ tín dụng (Petersen và Rajan, 1994) và thu thập thông tin (Hauswald và Marquez, 2006). Ngược lại, khi cạnh tranh thấp, các ngân hàng có vị thế cao có xu hướng đầu tư tìm hiểu, tạo lập quan hệ cho vay thân thiết với các doanh nghiệp vì khi đó các ngân hàng này dễ khai thác các lợi ích từ việc hỗ trợ các doanh nghiệp. Besanko và Thakor (2004) cho thấy tăng cạnh tranh làm giảm lợi thế thông tin từ quan hệ cho vay và làm tăng hành vi chấp nhận rủi ro (risk taking) của ngân hàng.
Ngoài ra, môi trường cạnh tranh cũng làm cho các ngân hàng nhận được ít thông tin hơn về các khách hàng vay vốn. Nghiên cứu của Boot và cộng sự (1993), Allen và Gale (2000, 2004) cho thấy ngân hàng vì thế sẽ gặp khó khăn khi kiểm tra hồ sơ tín dụng của khách hàng. Kết quả là gia tăng rủi ro tín dụng hơn cho ngân hàng và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cao.
Ngược lại, trong môi trường ít cạnh tranh, ngân hàng cung cấp tín dụng dễ dàng hơn cho các khoản vay lớn, điều này làm gia tăng xác suất ngân hàng bị sụp đổ (Caminal và Matutes, 2002). Nguyên nhân có thể lý giải rằng hệ thống ngân hàng độc quyền cao cho phép các ngân hàng áp dụng lãi vay cao, đồng nghĩa khuyến khích người dân chấp nhận rủi ro lớn hơn, làm cho nợ xấu có thể gia tăng. Tuy nhiên, lãi vay cao cũng mang lại thu nhập từ lãi cao cho các ngân hàng (Martinez – Miera và Repullo, 2010). Chính mối tương quan bù trừ này có thể tạo ra quan hệ phi tuyến giữa cạnh tranh và ổn định ngân hàng.
Bên cạnh đó, khi ít cạnh tranh các ngân hàng có mức lợi nhuận cao, tạo điều kiện tích lũy vốn để ngăn ngừa các đợt sốc bất thường, giảm động cơ chấp nhận dự án rủi ro cao, làm giảm biến động tăng trưởng kinh tế (Matutes và Vives, 2000). Ngược lại, khi ngành ngân hàng cạnh tranh khốc liệt, các ngân hàng có mức lợi nhuận biên thấp, dự trữ vốn không đủ và dễ bị tổn thương trong các cuộc khủng hoảng. Ngoài ra, với sự gia tăng trong số lượng các ngân hàng sẽ làm tăng số lượng ngân hàng bị thua lỗ khi cho vay các doanh nghiệp theo lý thuyết “Lời nguyền cho người thắng cuộc” (Winner’s curse). Nghiên cứu thực nghiệm của Jimezez và cộng sự (2013) cho thấy mức tập trung ngân hàng cao (vị thế cao) gắn liền với khả năng khủng hoảng và mức độ rủi ro ngành thấp hơn.
3. Tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm
3.1. Tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của đa dạng hóa đến ổn định ngân hàng
Còn nhiều tranh cãi về việc liệu ĐDH có thực sự mang lại lợi nhuận và nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh, hạn chế được rủi ro hay phát sinh thêm rủi ro và chiến lược ĐDH có phải là giống nhau đối với mỗi quốc gia khác nhau có những diễn biến khác nhau.
Về quan điểm đa dạng hóa thật sự mang lại lợi ích cho ngân hàng:
Nhóm tác giả Aisha Mohammed, Sissy Mohammed, Amodu Joshua, Yindenaba Abor (2016) đã tiến hành nghiên cứu về ảnh hưởng của ĐDH thu nhập và địa lý đến rủi ro và lợi nhuận ngân hàng tại các ngân hàng ở các quốc gia Châu Phi. Nhóm tác giả đã cho thấy kết quả thú vị về việc ĐDH giúp cải thiện lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng này. Cụ thể, khi các ngân hàng tại các quốc gia Châu Phi ĐDH địa lý sẽ giúp tạo ra cơ hội ĐDH thu nhập bởi cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ ở các quốc gia bên ngoài lãnh thổ. Từ đó rủi ro ngân hàng được cải thiện rõ rệt.
Tương tự, trong nghiên cứu về ảnh hưởng của ĐDH thu nhập đến rủi ro và lợi nhuận của các ngân hàng ở Philippin giai đoạn 1999-2005, Meslier và cộng sự (2013) nhận thấy khi các ngân hàng gia tăng các hoạt động phi lãi sẽ làm giảm rủi ro cho ngân hàng, đồng thời lợi nhuận ngân hàng cũng được cải thiện. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng giúp HQKD ngân hàng tăng thay vì tập trung quá nhiều vào hoạt động cho vay vốn là hoạt động truyền thống của ngân hàng trước đây.
Tiếp theo đó, năm 2016, Meslier và cộng sự thực hiện nghiên cứu đo lường tác động của ĐDH thu nhập đến HQKD ngân hàng ở các nền kinh tế mới nổi. Kết quả nhấn mạnh khi các ngân hàng chuyển đổi sang hoạt động phi lãi sẽ làm tăng lợi nhuận cho ngân hàng và điều chỉnh giảm rủi ro, đặc biệt khi ngân hàng tiếp cận với các doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng gia tăng thu nhập khi tham gia vào thị trường chứng khoán. Nghiên cứu trên cũng gợi ý định hướng về mặt chính sách nhằm thúc đẩy ĐDH, giảm thiểu rủi ro, tăng cường chính sách cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một nghiên cứu tương đồng với nhóm tác giả Meslier và cộng sự (2013) được tìm thấy là của Lee và cộng sự (2013) về mối quan hệ giữa ĐDH thu nhập với HQKD ngân hàng, trong đó có xét đến ảnh hưởng bởi yếu tố cấu trúc tài chính và hàng loạt cải cách tài chính như: kiểm soát tín dụng, kiểm soát về lãi suất, giám sát ngân hàng,…Nghiên cứu sử dụng mẫu dữ liệu bảng từ 29 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương trong khoảng từ 1995 – 2009 cho tổng số 2.372 ngân hàng. Qua đó, hiệu quả ngân hàng được gia tăng thông qua hoạt động ĐDH.
Một nghiên cứu khác bổ sung cho luận điểm cho rằng ĐDH thật sự mang lại lợi ích cho ổn định tài chính của Mathuva (2015). Tác giả nghiên cứu trên 212 tổ chức tín dụng và tiết kiệm ở Kenya giai đoạn 2008 – 2013 về tác động của ĐDH thu nhập đến hoạt động tài chính. Nghiên cứu cung cấp bằng chứng thực nghiệm về việc lợi nhuận ngân hàng gia tăng phần lớn dựa vào các hoạt động phi lãi. Ngoài ra, quy mô ngân hàng cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa ĐDH thu nhập và hiệu quả tài chính. Nghiên cứu hàm ý nên có một chiến lược ĐDH thu nhập thận trọng dựa trên quy mô vì sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến HQKD và ổn định ngân hàng.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu giai đoạn khủng hoảng 2007-2009, Fang và Van Lelyveld (2014) lại hoài nghi về việc liệu ngân hàng có gia tăng thu nhập từ ĐDH phạm vi địa lý (Geographic diversification) hay không, mặc dù việc này đóng vai trò quan trọng đối với một số tập đoàn ngân hàng xuyên quốc gia. Hai tác giả sử dụng mẫu nghiên cứu là 49 tập đoàn ngân hàng nhưng số liệu được lấy từ các công ty con của các tập đoàn này ở các quốc gia khác nhau. Các công ty con được xem là tài sản của ngân hàng và thể hiện mức độ ĐDH phạm vi địa lý. Mục đích của nghiên cứu là nhắm đến việc xem xét liệu việc ĐDH có hay không giảm thiểu rủi ro tín dụng, là loại rủi ro đáng kể nhất trong hoạt động ngân hàng. Kết quả thực nghiệm nêu ra tỷ lệ giảm của rủi ro tín dụng là 1.1% và các loại rủi ro khác từ 0% đến 8%.
Bên cạnh đó, một số tác giả khá đồng tình với việc ngân hàng khai thác thế mạnh về ĐDH. Elsas và cộng sự (2010) cho thấy kết quả trong nghiên cứu của mình về ảnh hưởng của ĐDH thu nhập đến giá trị ngân hàng rằng ĐDH làm gia tăng lợi nhuận của các ngân hàng ở 9 quốc gia trong giai đoạn 1996-2008, kể cả trải qua khủng hoảng kinh tế.
Một nghiên cứu của nhóm tác giả Claudi Curi, Ana Lozano-Vivas, Valentin Zelenyuk (2015) lại xem xét ảnh hưởng của ĐDH mà các ngân hàng nước ngoài thực hiện trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đến HQKD. Phát hiện ở đây là trong cuộc khủng hoảng, việc các chi nhánh ngân hàng này tiến hành ĐDH lại khai thác được lợi thế gia tăng HQKD. Tuy nhiên, điều này lại không đúng trong giai đoạn trước khủng hoảng đối với các ngân hàng nước ngoài tại Luxembourg.
Bằng cách đưa ra các giả thuyết khác nhau dựa trên mô hình có điều chỉnh của Berger và De Young (1997), nhóm tác giả Rossi và cộng sự (2009) phân tích ĐDH trên quy mô và lĩnh vực ngành có ảnh hưởng đến rủi ro, chi phí, lợi nhuận và vốn của ngân hàng Úc hay không? Với số liệu do NHTW Úc cung cấp từ 1997-2003, kết quả chỉ ra rằng mặc dù ĐDH ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí ngân hàng, nhưng lại làm tăng lợi nhuận, hiệu quả và có tác động tích cực đến vốn của ngân hàng.
Về quan điểm đa dạng hóa không tạo ra lợi ích, có thể dẫn đến rủi ro cho hoạt động kinh doanh ngân hàng:
Một nghiên cứu thú vị của Garcia – Kuhnert và cộng sự (2015) khi nghiên cứu về việc ĐDH cổ đông trong ngân hàng. Phát hiện đáng kể của nhóm tác giả là việc 62% các cổ đông nắm giữ tỷ lệ lớn cổ phần là những nhà đầu tư ưa thích ĐDH danh mục đầu tư của họ. Chính vì điều này ảnh hưởng đến hành vi chấp nhận rủi ro của họ trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Kết quả là ngân hàng do các cổ đông này sở hữu luôn phải ở mức độ rủi ro cao hơn, hàm ý rằng ĐDH làm gia tăng rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Cũng đồng tình với việc ĐDH làm giảm lợi nhuận và gia tăng rủi ro là nhóm tác giả Berger và cộng sự (2010). Nghiên cứu thực nghiệm các ngân hàng Nga và Trung Quốc giai đoạn 1996-2006 bằng cách xây dựng phương pháp mới đo lường ĐDH trong hoạt động cho kết quả ĐDH làm giảm lợi nhuận và gia tăng chi phí cho ngân hàng. Nghiên cứu cũng chỉ ra những ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài không lựa chọn ĐDH trong hoạt động của mình. Từ đó đưa ra các hàm ý chính sách cho các nhà quản lý Nga cũng như ở các thị trường mới nổi.
Nhóm tác giả Acharya và cộng sự (2006) đã kết luận trong nghiên cứu của mình về hai hoạt động chuyên môn hóa và ĐDH của ngân hàng. Các tác giả so sánh liệu các hoạt động này ảnh hưởng như thế nào đến thu nhập và rủi ro ngân hàng. Mẫu nghiên cứu bao gồm 105 ngân hàng ở Ý giai đoạn 1993 – 1999. Lĩnh vực nghiên cứu bao gồm: huy động vốn, cho vay và quy mô tài sản. Kết quả cho thấy các ngân hàng Ý thực hiện ĐDH không mang lại HQKD cho ngân hàng, mặt khác, rủi ro gia tăng đối với các khoản vay. Mặt khác, không có sự đảm bảo việc ĐDH tài sản ngân hàng sẽ mang lại hiệu quả cao hoặc an toàn hơn cho các ngân hàng.
Bõninghausen và Kõhler (2015) khi nghiên cứu về ĐDH danh mục tín dụng quốc tế nhận thấy rằng mặc dù việc mở rộng sang các thị trường nước ngoài tạo ra nhiều tiềm năng cho các ngân hàng trong việc ĐDH danh mục cho vay nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào đặc điểm các TCTC và các quy định ngân hàng liên quan. Điều này dẫn đến kết quả việc ĐDH doanh mục cho vay của các ngân hàng Đức chỉ thực sự mang lại hiệu quả ngân hàng khi tập trung vào các nước phát triển hay khu vực tư nhân ở 10 quốc gia trong danh mục.
Bổ sung vào luận điểm về việc ĐDH thật sự không mang lại lợi ích cho ngân hàng, nghiên cứu của Hayden và cộng sự (2006) khảo sát mối liên hệ giữa khả năng sinh lợi (ROA) và sự ĐDH danh mục đầu tư của ngân hàng trên các ngành công nghiệp, khu vực kinh tế và các vùng địa lý (đo bằng chỉ số Herfindahl). Kết quả cho thấy rằng trên mẫu nghiên cứu là 983 ngân hàng ở Đức giai đoạn 1996 – 2002, ĐDH có xu hướng làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng trong mối tương quan với mức độ rủi ro vừa phải.
Tương tự, ĐDH danh mục đầu tư của ngân hàng mang lại lợi nhuận nhưng đồng thời cũng làm gia tăng rủi ro cho ngân hàng (Gulmhussen và cộng sự, 2014). Nghiên cứu được thực hiện trên mẫu gồm 384 ngân hàng niêm yết từ 56 quốc gia, số liệu được lấy trong giai đoạn 2001-2007, tức là trước giai đoạn khủng hoảng, cho kết quả hàm ý rõ ràng rằng ĐDH hoạt động trên phạm vi quốc tế làm gia tăng đáng kể rủi ro cho ngân hàng.
Ngoài ra, khi nghiên cứu về lợi nhuận và rủi ro từ ĐDH thu nhập của NHTM Việt Nam, Võ Xuân Vinh và Trần Thị Phương Mai (2015) đã chỉ ra lợi ích của việc gia tăng thu nhập khi ngân hàng tiến hành ĐDH hoạt động. Tuy nhiên, khi đề cập đến yếu tố rủi ro thì ngân hàng càng ĐDH thu nhập thì lợi nhuận điều chỉnh rủi ro sẽ bị giảm. Kết luận từ tác giả cho rằng ĐDH thu nhập không mang lại lợi ích cho các NHTM Việt Nam trong suốt giai đoạn nghiên cứu 2006-2013.
Có nhiều công trình nghiên cứu về ĐDH của các NHTM trong nước đã được một số tác giả tiếp cận ở các góc độ, phạm vi, đối tượng nghiên cứu khác nhau. Một số công trình nghiên cứu tiêu biểu liên quan đến nghiên cứu này trong thời gian vừa qua có thể kể đến:
Ngô Thị Liên Hương (2011) về “Đa dạng hóa dịch vụ tại NHTM Việt Nam”: khái quát về các vấn đề cơ bản của ĐDH trong lĩnh vực ngân hàng như khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa, các chỉ tiêu đánh giá mức độ ĐDH. Từ việc phân tích các nhân tố tác động đến việc ĐDH, tác giả chỉ ra bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam từ một số quốc gia trên thế giới. Qua đó đề xuất các kiến nghị để phát triển ĐDH sản phẩm dịch vụ ngân hàng Việt Nam dựa trên nền tảng chiến lược phát triển ngân hàng đến năm 2020.
Nguyễn Thanh Phong (2011) về “Đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh của NHTM Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế”: nghiên cứu trình bày một cách hệ thống toàn bộ các vấn đề lý luận cơ bản về ĐDH, kinh nghiệm của các nước về ĐDH sản phẩm và bài học rút ra cho Việt Nam. Thành công của nghiên cứu ở chỗ đánh giá một cách rõ ràng và đầy đủ về thực trạng ĐDH sản phẩm của hệ thống NHTM Việt Nam, từ đó chỉ ra những mặt đạt được, hạn chế và rủi ro trong quá trình thực hiện ĐDH. Từ đó đề xuất giải pháp chi tiết cho từng nhóm sản phẩm, dịch vụ,…
3.2. Tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của cạnh tranh đến ổn định ngân hàng
Có hai quan điểm chính đã được phát triển về vấn đề này: quan điểm thứ nhất: cho thấy rằng sự cạnh tranh trong ngành ngân hàng dẫn đến mất ổn định, trong khi quan điểm thứ hai cho rằng có mối quan hệ tích cực tồn tại giữa cạnh tranh và ổn định của các NHTM.
Quan điểm thứ nhất: cạnh tranh – dễ tổn thương, được đề xuất bởi Keeley (1990). Ý tưởng chính của quan điểm này là sự cạnh tranh của ngân hàng cao sẽ làm gia tăng rủi ro của ngân hàng và mất ổn định ngân hàng. Ví dụ, trong trường hợp cạnh tranh hoàn hảo, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bằng không, và không có tiềm năng tạo ra lợi nhuận trong tương lai (giá trị thương hiệu bằng không). Ngân hàng sẽ hạ thấp các tiêu chuẩn để lựa chọn đầu tư, vì họ không có gì để mất. Ngược lại, nếu các ngân hàng có một ít sức mạnh thị trường và có được giá trị thương hiệu tích cực, các nhà quản lý ngân hàng cũng như các cổ đông sẽ thận trọng hơn trong việc chấp nhận rủi ro. Để hỗ trợ cho mô hình giá trị thương hiệu, Allen và Gale (2004) sử dụng mô hình đại diện. Họ cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính sẽ có nhiều khả năng xảy ra trong các ngân hàng ít tập trung. Ý tưởng chính đằng sau quan điểm này là sự cạnh tranh quá mức làm suy giảm giá trị thương hiệu của các ngân hàng bằng cách giảm tiền thuê độc quyền của họ và do đó buộc họ phải thực hiện hoạt động có nhiều rủi ro hơn. Matutes và Vives (2000) cho rằng ngân hàng có sức mạnh thị trường cao hơn sẽ giảm được rủi ro phá sản của ngân hàng trong môi trường cạnh tranh không hoàn hảo. Hellmann và cộng sự (2000) cũng khẳng định cạnh tranh có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi thận trọng của các ngân hàng.
Để kiểm định cho quan điểm này, nhóm tác giả Allen N. Berger, Leora F. Klapper, Rima Turk-Ariss (2009) đã thực hiện nghiên cứu trên mẫu là 8.235 ngân hàng ở 23 quốc gia phát triển. Kết quả cho thấy cạnh tranh làm giảm sức mạnh thị trường ngân hàng, giảm lợi nhuận và giá trị thương hiệu ngân hàng, đồng thời gia tăng nguy cơ rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là rủi ro danh mục đầu tư và danh mục cho vay.
Nhóm tác giả Boyd và cộng sự (2006) cung cấp bằng chứng thực nghiệm hỗ trợ mối quan hệ tích cực giữa cạnh tranh và rủi ro phá sản của các ngân hàng. Sử dụng chỉ số HHI để đo mức cạnh tranh ngân hàng tính toán rủi ro ngân hàng bằng cách sử dụng chỉ số Z-score, Nghiên cứu kiểm tra hai mẫu: mẫu 2500 ngân hàng nông thôn hoạt động tại Hoa Kỳ và một mẫu gồm 2700 các ngân hàng từ 134 quốc gia, không bao gồm các quốc gia phát triển. Trong cả hai mẫu này, nghiên cứu đều tìm thấy mối quan hệ ngược chiều và có ý nghĩa thống kê giữa ổn định và cạnh tranh ngân hàng.
Đồng quan điểm trên, nghiên cứu của Fu và cộng sự (2014) phân tích sự đánh đổi giữa cạnh tranh và ổn định tài chính với dữ liệu từ được thu thập từ 14 nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng mức độ tập trung ngân hàng lớn hơn gây ra rủi ro ngân hàng lớn hơn.
Quan điểm thứ hai: Cạnh tranh – ổn định của Boyd và De Nicolo (2005) cho rằng có một mối quan hệ tích cực giữa cạnh tranh và ổn định. Ý tưởng chính cho rằng ít cạnh tranh hơn dẫn đến lãi suất cho vay cao hơn, từ đó có thể làm tăng khả năng vỡ nợ của khách hàng và vấn đề rủi ro đạo đức của khách hàng. Do đó, các ngân hàng sẽ đối diện với vấn đề gia tăng nợ xấu.
Fiordelisi và Mare (2014) cũng bày tỏ rõ quan điểm ủng hộ cho kết quả nghiên cứu của Boyd và De Nicolo (2005) trong bài nghiên cứu của mình về ảnh hưởng của cạnh tranh đến ổn định của các ngân hàng hợp tác Châu Âu. Hai tác giả nhận thấy có mối quan hệ tích cực giữa cạnh tranh và ổn định. Ngoài ra, nghiên cứu thực hiện trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2007 – 2009 cho thấy rủi ro gia tăng nhưng không làm thay đổi mối quan hệ trên trong thời kỳ khủng hoảng.
Đồng quan điểm trên, Jeon và Lim (2013) đã thực hiện nghiên cứu để tìm mối quan hệ giữa cạnh tranh và ổn định ngân hàng của các NHTM và ngân hàng tiết kiệm (Mutual Savings Banks) ở Hàn Quốc. Kết quả cho thấy cạnh tranh có ảnh hưởng tích cực đến ổn định của các ngân hàng này. Nghiên cứu cũng mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng về mặt chính sách trong hoạt động cạnh tranh của ngân hàng.
Ủng hộ cho lập luận cạnh tranh làm gia tăng ổn định của ngân hàng, Goetz (2017) khai thác cách thức mà ở đó chính quyền tiểu bang ở Mỹ gỡ bỏ những quy định là rào cản đối với việc gia nhập thị trường của các NHTM đô thị giai đoạn từ năm 1976 đến năm 2006. Chính điều này làm gia tăng sự cạnh tranh giữa các NHTM nhưng cũng đặt ra e ngại cho ổn định của hệ thống ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy cạnh tranh lớn hơn làm tăng tính ổn định cho ngân hàng và làm giảm các hoạt động không hiệu quả, qua đó chất lượng tài sản ngân hàng cũng được cải thiện.
Martinez-Miera và Repullo (2010) kết hợp hai quan điểm này và chứng minh tồn tại mối quan hệ phi tuyến giữa cạnh tranh và rủi ro ngân hàng. Đặc biệt, gia tăng cạnh tranh có thể làm giảm khả năng vỡ nợ của người đi vay (đây được gọi là hiệu ứng rủi ro chuyển dịch), nhưng cũng trả lãi vay từ các khoản nợ xấu, dự trữ như một khoản đệm để bù lỗ cho các khoản vay (đây gọi là hiệu ứng margin). Họ tìm thấy bằng chứng hình chữ U về mối quan hệ giữa cạnh tranh và rủi ro ngân hàng. Do đó, đầu tiên khả năng phá sản đi xuống nhưng sau đó tăng lên sau một điểm nhất định giống như sự gia tăng cạnh tranh của ngân hàng.
Bên cạnh đó, có nhiều bằng chứng nghiên cứu thực nghiệm khác nhau về mối quan hệ giữa cạnh tranh và ổn định ngân hàng. Ariss (2010) kiểm tra mức độ khác nhau về sức mạnh thị trường ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả và ổn định của ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng sức mạnh thị trường gia tăng dẫn đến ổn định của ngân hàng lớn hơn và nâng cao hiệu quả ngân hàng.
Yeyati và Micco (2007) sử dụng dữ liệu của 8 nước Châu Mỹ Latinh, nghiên cứu tìm thấy mối quan hệ tích cực giữa cạnh tranh và ổn định của ngân hàng. Berger và cộng sự (2009) sử dụng nhiều phương pháp để đo lường rủi ro và cạnh tranh của ngân hàng tại 23 quốc gia. Các kết quả tìm thấy cho thấy sự hạn chế trong việc hỗ trợ mối quan hệ cạnh tranh – dễ tổn thương và cạnh tranh – ổn định. Trong đó sức mạnh thị trường làm gia tăng rủi ro tín dụng, nhưng các ngân hàng có sức mạnh thị trường lớn hơn lại phải đối mặt với rủi ro thấp hơn.
Để kiểm định hai quan điểm trên, hai tác giả Fernandez và Garza-Garcia (2017) đã nghiên cứu tại các ngân hàng Mexico sau cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế. Xem xét tác động của cạnh tranh đến ổn định tài chính và rủi ro ngân hàng, các tác giả nhận thấy cạnh tranh mang lại ổn định cho ngân hàng, đồng thời cũng gây ra rủi ro danh mục. Tuy nhiên lợi ích về ổn định đối với hệ thống lớn hơn sự gia tăng rủi ro danh mục.
Một nghiên cứu khác thực hiện trên quy mô lớn cũng ủng hộ lập luận cạnh tranh mang lại nhiều lợi ích của Schaeck và cộng sự (2009). Các tác giả sử dụng dữ liệu từ 38 quốc gia trong khoảng 1978 – 2003 để phân tích mối quan hệ giữa hành cạnh tranh và tính linh hoạt của hệ thống ngân hàng. Nghiên cứu cung cấp bằng chứng cho thấy ngân hàng cạnh tranh hơn sẽ ít bị rủi ro khủng hoảng hệ thống, tức là ổn định sẽ bền vững hơn.
Agoraki và cộng sự (2011) xem xét các mối quan hệ giữa quy định, cạnh tranh và rủi ro ở các ngân hàng tại thị trường Đông Âu. Kết quả của họ cho thấy rằng sức mạnh thị trường có liên quan tiêu cực với các hành vi nguy hiểm của ngân hàng.
Liu và cộng sự (2012) nghiên cứu mối quan hệ tương tự với dữ liệu thu thập từ 5 quốc gia Đông Nam Á, sử dụng một số chỉ số để đo lường rủi ro của ngân hàng. Kết quả của họ chỉ ra rằng sự cạnh tranh có mối quan hệ ngược chiều với hầu hết các chỉ số đo lường rủi ro. Điều này cho thấy sự cạnh tranh không làm suy giảm ổn định của ngân hàng. Kết quả này cũng được khẳng định trong nghiên cứu của Soedarmono và Tarazi (2016). Từ mẫu là các NHTM khu vực Châu Á Thái Bình Dương (1994 – 2009), nghiên cứu chỉ ra rằng các ngân hàng ít cạnh tranh sẽ có sự tăng trưởng tín dụng thấp hơn và sự không ổn định cao hơn, kéo theo đó là sự suy giảm tiền gửi.
Võ Xuân Vinh và Đặng Bửu Kiếm (2016) khi nghiên cứu về năng lực cạnh tranh, lợi nhuận và ổn định của các ngân hàng Việt Nam trong suốt giai đoạn từ 2006-2014 cho thấy việc nâng cao năng lực cạnh tranh giúp các ngân hàng tạo ra lợi nhuận (được điều chỉnh bởi rủi ro) càng cao và ổn định hơn. Nghiên cứu cũng xem xét các yếu tố liên quan đến đặc trưng của ngân hàng như tỷ lệ huy động vốn, tỷ lệ cho vay và niêm yết cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận và ổn định ngân hàng.
3.3. Tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của đa dạng hóa và cạnh tranh đến ổn định ngân hàng
Có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của cạnh tranh hay ĐDH đến ổn định ngân hàng. Tuy nhiên, khi ngân hàng đồng thời thực hiện chiến lược cạnh tranh và ĐDH thì ổn định ngân hàng có thật sự gia tăng? Trong xu thế phát triển hoạt động kinh doanh đa dạng như hiện nay, các ngân hàng cần thiết nên thực hiện nhiều chiến lược nhằm giúp gia tăng hơn nữa hoạt động của mình, đồng thời cũng đảm bảo ổn định bền vững. Thực tế, không có nhiều các nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ đồng thời của ba yếu tố trên trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, trong hầu hết các nghiên cứu đã thực hiện cũng làm nổi bật được ảnh hưởng đồng thời của cạnh tranh và ĐDH đến ổn định. Đây là minh chứng vững chắc cho lập luận các ngân hàng nên kết hợp hai chiến lược này để mang lại kết quả tối ưu trong quá trình kinh doanh của mình.
Nghiên cứu gần đây nhất về mối quan hệ giữa cạnh tranh, ĐDH và ổn định ngân hàng là của Amidu và Wolfe (2014) thực hiện trên mẫu là 978 ngân hàng ở 55 quốc gia đang phát triển trong 8 năm (2000 – 2007). Kết quả nghiên cứu cho rằng cạnh tranh làm tăng tính ổn định trong mối tương quan với ĐDH thu nhập. Phân tích của hai tác giả xác định ĐDH thu nhập như là một kênh thông qua đó cạnh tranh ảnh hưởng mạnh đến ổn định ngân hàng.
Một nghiên cứu thực hiện tương tự như Amidu và Wolfe (2016) là của Mensi và Labidi (2015). Hai tác giả đưa ra mục tiêu xem xét ảnh hưởng của ĐDH sản phẩm trong mối quan hệ giữa cạnh tranh và ổn định tài chính trong hệ thống ngân hàng. Mẫu dữ liệu được lựa chọn là 157 ngân hàng thuộc 18 quốc gia trong khu vực Trung Đông – Bắc Phi suốt từ năm 2000 – 2013. Kết quả nghiên cứu cung cấp bằng chứng thực nghiệm một cách rõ ràng về việc các ngân hàng ở khu vực này không ổn định khi hoạt động kinh doanh kém đa dạng. Hơn nữa, bất ổn tài chính còn xuất phát từ sự cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng khi nỗ lực trong việc cung cấp các sản phẩm phi truyền thống khác nhưng lại thiếu kinh nghiệm trong việc kiểm soát rủi ro của mình.
Để lại một bình luận