Trong bài viết sau đây, tailuanvan.com xin trình bày các nội dung liên quan đến tín dụng ưu đãi. Bao gồm: Khái niệm, phân loại, đặc điểm và vai trò.
1. Khái niệm tín dụng và tín dụng ưu đãi
1.1. Khái niệm về tín dụng
Về bản chất, tín dụng là quan hệ vay mượn lẫn nhau và có hoàn trả cả gốc và lãi trong một khoảng thời gian nhất định đã được thỏa thuận giữa người đi vay và người cho vay. Hay tín dụng là một phạm trù kinh tế, trong đó mỗi cá nhân hay tổ chức nhường quyền sử dụng một khối lượng giá trị hay hiện vật cho một các nhân hay tổ chức khác với thời hạn hoàn trả cùng với lãi suất, cách thức vay mượn và thu hồi món vay… Tín dụng ra đời, tồn tại và phát triển cùng với nền sản xuất hàng hóa. Trong điều kiện nền kinh tế còn tồn tại song song hàng hóa và quan hệ hàng hóa tiền tệ thì sự tồn tại của tín dụng là một tất yếu khách quan.
1.2. Khái niệm tín dụng ưu đãi
Là những khoản tín dụng chỉ dành riêng cho những người nghèo và các đối tượng chính sách, có sức lao động, nhưng thiếu vốn để phát triển sản xuất trong một thời gian nhất định phải hoàn trả số tiền gốc và lãi; tuỳ theo từng nguồn vốn có thể hưởng theo lãi suất ưu đãi khác nhau nhằm giúp người vay mau chóng vươn lên hoà nhập cùng cộng đồng. Loại tín dụng này hoạt động theo những mục tiêu, nguyên tắc, điều kiện riêng, nó chứa đựng những yếu tố cơ bản riêng biệt về mục tiêu, nguyên tắc cho vay, điều kiện cho vay….
Theo Nghị định số 78/2002/NĐ – CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác ban hành ngày 04/10/2002 thì tín dụng ưu đãi được hiểu như sau: Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, là việc sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội.
Cũng tại Nghị định 78/2002/NĐ – CP có nêu:
– Thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo được thành lập theo Quyết định số 230/QĐ-NH5, ngày 01 tháng 9 năm 1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán; tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% (không phần trăm); không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi; được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước.
Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện các nghiệp vụ: Huy động vốn, cho vay, thanh toán, ngân quỹ và được nhận vốn uỷ thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị – xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho các chương trình dự án phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Như vậy có thể thấy, việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội là để thực hiện tốt công tác sử dụng vốn ưu đãi do Ngân sách nhà nước cấp cho vay ưu đãi với người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm hoàn thành chiến lược phát triển đất nước bền vững theo hướng Công nghiệp hóa hiện đại.
2. Phân loại tín dụng ưu đãi
Theo Nghị định số 78/2002/NĐ – CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác ban hành ngày 04/10/2002, vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội bao gồm:
Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước:
- Vốn điều lệ;
- Vốn cho vay xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm và thực hiện chính sách xã hội khác;
- Vốn trích một phần từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách các cấp để tăng nguồn vốn cho vay trên địa bàn;
- Vốn ODA được Chính phủ giao.
Vốn huy động:
- Tiền gửi có trả lãi của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Tiền gửi của các tổ chức tín dụng Nhà nước bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam có trả lãi theo thoả thuận;
- Tiền gửi tự nguyện không lấy lãi của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá khác;
- Tiền tiết kiệm của người nghèo.
Vốn đi vay:
- Vay các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước;
- Vay Tiết kiệm Bưu điện, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam;
- Vay Ngân hàng Nhà nước.
Vốn đóng góp tự nguyện không hoàn trả của các cá nhân, các tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, tín dụng và các tổ chức chính trị – xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước.
Vốn nhận ủy thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị – xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước.
Và các vốn khác.
3. Đặc điểm tín dụng ưu đãi
Đối tượng cho vay: Là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo các quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định trong Nghị định của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Giá trị các món vay: Các món vay có giá trị nhỏ do đều phục vụ nhu cầu cải thiện nhu cầu đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Lãi suất cho vay: Thấp hơn lãi suất của các Ngân hàng thương mại, do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội. Chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay được Bộ Tài chính cấp bù, những tổn thất trong cho vay, sau khi bù đắp bằng quỹ dự phòng, chi phí hoạt động của Ngân hàng Chính sách sẽ được Bộ Tài chính cấp…Như vậy đây là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng (huy động và cho vay) song dựa vào nguồn chi ngân sách hàng năm, tức là Nhà nước thực hiện bao cấp một phần cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách.
Phương thức cấp tín dụng ưu đãi: Việc cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện theo phương thức uỷ thác cho các tổ chức tín dụng, tổ chức chính trị – xã hội theo hợp đồng uỷ thác hoặc trực tiếp cho vay đến Người vay.
4. Vai trò của tín dụng ưu đãi
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, có nguyên nhân chủ yếu và cơ bản là do thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn. Vốn, kỹ thuật, kiến thức làm ăn là “chìa khoá” để người nghèo vượt khỏi ngưỡng nghèo đói. Do không đáp ứng đủ vốn nhiều người rơi vào tình thế luẩn quẩn làm không đủ ăn, phải đi làm thuê, vay nặng lãi, bán lúa non, cầm cố ruộng đất mong đảm bảo được cuộc sống tối thiểu hàng ngày, nhưng nguy cơ nghèo đói vẫn thường xuyên đe dọa họ. Mặt khác do thiếu kiến thức làm ăn nên họ chậm đổi mới tư duy làm ăn, bảo thủ với phương thức làm ăn cũ cổ truyền, không áp dụng kỹ thuật mới để tăng năng suất lao động làm cho sản phẩm sản xuất ra kém hiệu quả. Thiếu kiến thức và kỹ thuật làm ăn là một cản lực lớn nhất hạn chế tăng thu nhập và cải thiện đời sống hộ gia đình nghèo. Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ V (khóa VII), Đảng ta đã đề ra chủ trương về xóa đói giảm nghèo: “…phải hỗ trợ giúp người nghèo bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, tranh thủ các nguồn tài trợ nhân đạo trong và ngoài nước, phấn đấu tăng hộ giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo…”. Cùng với chủ trương của Nhà nước về xóa đói giảm nghèo nhằm phát triển kinh tế bền vững, tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang phát huy tác dụng của nó.
Đối với hộ nghèo
Là động lực giúp người nghèo vượt qua nghèo đói: Khi có vốn trong tay, với bản chất cần cù của người nông dân, bằng chính sức lao động của bản thân và gia đình, họ có điều kiện mua sắm vật tư, phân bón, cây con giống để tổ chức sản xuất thực hiện thâm canh tạo ra năng suất và sản phẩm hàng hoá cao hơn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được sử dụng vốn vay ưu đãi để:
– Mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi, thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh;
– Góp vốn thực hiện các dự án hợp tác sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về: nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch, học tập.
Giúp người nghèo nâng cao kiến thức tiếp cận với thị trường, có điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Cung ứng vốn cho người nghèo theo chương trình, với mục tiêu đầu tư cho sản xuất kinh doanh để XĐGN, thông qua kênh tín dụng thu hồi vốn và lãi đã buộc những người vay phải tính toán trồng cây gì, nuôi con gì, làm nghề gì và làm như thế nào để có hiệu quả kinh tế cao. Để làm được điều đó họ phải tìm hiểu học hỏi kỹ thuật sản xuất, suy nghĩ biện pháp quản lý từ đó tạo cho họ tính năng động sáng tạo trong lao động sản xuất, tích luỹ được kinh nghiệm trong công tác quản lý kinh tế. Mặt khác, khi số đông người nghèo đói tạo ra được nhiều sản phẩm hàng hoá thông qua việc trao đổi trên thị trường làm cho họ tiếp cận được với kinh tế thị trường một cách trực tiếp.
Góp phần trực tiếp vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, thực hiện việc phân công lại lao động xã hội. Trong nông nghiệp vấn đề quan trọng hiện nay để đi lên một nền sản xuất hàng hoá lớn đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Đó là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ,vật nuôi và đưa các loại giống mới có năng suất cao vào áp dụng trong thực tiễn sản xuất và phải được thực hiện trên diện rộng. Để làm được điều này đòi hỏi phải đầu tư một lượng vốn lớn, thực hiện được công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư….những người nghèo phải được đầu tư vốn họ mới có khả năng thực hiện. Như vậy, thông qua công tác tín dụng ưu đãi đầu tư cho người nghèo đã trực tiếp góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra các ngành nghề dịch vụ mới trong nông nghiệp đã trực tiếp góp phần vào việc phân công lại lao động trong nông nghiệp và lao động xã hội.
Cung ứng vốn cho người nghèo góp phần xây dựng nông thôn mới. Xoá đói giảm nghèo là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành. Tín dụng cho người nghèo thông qua các quy định về mặt nghiệp vụ cụ thể của nó như việc bình xét công khai những người được vay vốn, việc thực hiện các tổ tương trợ vay vốn, tạo ra sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể chính trị xã hội, của cấp uỷ, chính quyền đã có tác dụng:
– Tăng cường hiệu lực của cấp uỷ, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo kinh tế ở địa phương.
– Tạo ra sự gắn bó giữa hội viên, đoàn viên với các tổ chức hội, đoàn thể của mình thông qua việc hướng dẫn giúp đỡ kỹ thuật sản xuất, kinh nghiệm quản lý kinh tế của gia đình, quyền lợi kinh tế của tổ chức hội thông qua việc vay vốn.
– Thông qua các tổ tương trợ tạo điều kiện để những người vay vốn có cùng hoàn cảnh gần gũi, nêu cao tính tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau tăng cường tình làng, nghĩa xóm, tạo niềm tin ở dân đối với Đảng, Nhà nước.
Kết quả phát triển kinh tế đã làm thay đổi đời sống kinh tế ở nông thôn, an ninh, trật tự an toàn xã hội phát triển tốt, hạn chế được những mặt tiêu cực, tạo ra được bộ mặt mới trong đời sống kinh tế xã hội và nông thôn.
Đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sử dụng vốn vay để mua sắm phương tiện học tập và các chi phí khác phục vụ cho việc học tập tại trường.
Người vay là đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, sử dụng vốn vay để trả phí đào tạo, phí dịch vụ, tiền đặt cọc, vé máy bay…
Đối với mục tiêu của Nhà nước: tín dụng ưu đãi là công cụ giúp Nhà nước thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội bền vững, giảm khoảng cách giàu nghèo góp phần xây dựng nông thôn mới , đảm bảo an sinh xã hội.
Đối với xã hội: góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, thực hiện việc phân công lại lao động xã hội.
Đối với nền kinh tế: Tạo điều kiện cho người nghèo không phải vay nặng lãi, nên hiệu quả hoạt động kinh tế được nâng cao hơn.
Để lại một bình luận