Trong bài viết dưới đây, tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn nội dung cơ sở lý thuyết về chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bao gồm: Khái niệm, vai trò, phân loại, các giai đoạn và quy trình.
1. Khái niệm chiến lược sản xuất kinh doanh
Chiến lược và chiến lược SXKD được hiểu dưới các góc độ khác nhau theo quan điểm của nhiều nhà khoa học trên thế giới và trong nước. Chiến lược là việc xác định định hướng và phạm vi hoạt động của tổ chức trong dài hạn ở đó tổ chức phải giành được lợi thế thông qua việc kết hợp các nguồn lực trong một môi trường nhiều thử thách, nhằm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của thị trường và đáp ứng mong muốn của các tác nhân có liên quan đến tổ chức: theo Gay D.Smith, Dany R.Anold, Bobby G.Bizzll (1997) [11]. Dưới góc độ marketing, M.Porter định nghĩa chiến lược là nghệ thuật tạo lập các lợi thế cạnh tranh. Theo góc độ quản lý, chiến lược SXKD bao hàm việc ấn định các mục tiêu cơ bản dài hạn của đơn vị kinh doanh, đồng thời lựa chọn cách thức hoặc tiến trình hành động và phân bổ các nguồn lực thiết yếu để thực hiện các mục tiêu đó. Về cơ bản, chiến lược là việc xác định những mục tiêu cơ bản dài hạn của DN, thiết lập chương trình hành động và phân bổ các nguồn lực cần thiết để đạt được những mục tiêu kinh doanh. Có thể hiểu chiến lược là phương thức mà các DN sử dụng để định hướng tương lai nhằm đạt được và duy trì những thành công. Mỗi DN cần có chiến lược SXKD cụ thể nhằm hoạch định, kiểm soát và sử dụng các nguồn lực bảo đảm đạt được mục tiêu phát triển trong khoảng thời gian nhất định. Căn cứ quan trọng để hoạch định chiến lược là DN phải xác định được điểm mạnh và yếu của DN trong bối cảnh có những cơ hội và đe dọa của môi trường kinh doanh.
Đối với lĩnh vực dịch vụ nói chung và vận tải nói riêng, không có sự tách rời riêng biệt giữa quá trình sản xuất và dịch vụ chúng thường song hành cùng nhau cho nên khi hoạch định chiến lược kinh doanh nó gắn liền với chiến lược SXKD. Quan niệm chiến lược kinh doanh trong sản xuất và bán sản phẩm- Chiến lược kinh doanh trong kỹ thuật vận tải, vì thế trong thực tế được gọi là chiến lược SXKD. Cách tiếp cận này lấy điểm xuất phát chiến lược là các đội xe; tiêu điểm chiến lược là tối đa hóa công suất vận tải; công cụ chiến lược chủ yếu là xúc tiến và bán sản phẩm vận tải, thông qua tận dụng tải trọng các phương tiện để đạt mục tiêu chiến lược là lợi nhuận thông qua doanh số. Mối quan tâm hàng đầu tức là tối ưu hóa quá quá trình cung cấp dịch vụ mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất.
Chiến lược SXKD là chương trình hành động tổng quát hướng tới việc thực hiện những mục tiêu phát triển của DN trong tương lai: theo N.T.Độ và N.N.Huyền (2003)[8].
Xuất phát từ nhiều quan điểm khác nhau, các nhà khoa học đều thống nhất một số đặc trưng chủ yếu về chiến lược, gồm:
Chiến lược phác thảo các mục tiêu và phương hướng phát triển của DN trong thời gian dài. Tính định hướng của chiến lược nhằm đảm bảo cho DN phát triển liên tục và bền vững trong MTKD thường xuyên biến động. Việc kết hợp mục tiêu chiến lược với mục tiêu tình thế là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo hiệu quả kinh doanh và khắc phục các sai lệch do tính định hướng của chiến lược gây ra.
Các quyết định chiến lược do lãnh đạo cao cấp của DN đề ra nhằm đảm bảo tính toàn diện, bí mật và chỉ có những người chủ sở hữu mới có quyền thay đổi.
Chiến lược luôn có tư tưởng tiến công, giành thắng lợi trên thương trường. Chiến lược được hoạch định và thực thi dựa trên cơ sở phát hiện, tận dụng cơ hội, các lợi thế so sánh nhằm đạt hiệu quả kinh doanh.
Như vậy, chiến lược phác thảo các mục tiêu và giải pháp dài hạn, bao gồm cả chiến lược ngắn hạn. Nếu chỉ xét về mặt hình thức, kế hoạch và chiến lược đều mô tả mục tiêu phải đạt được trong một thời kỳ nào đó và những giải pháp cần thiết để thực hiện. Thuật ngữ chiến lược SXKD thể hiện trên ba khía cạnh: xác lập mục tiêu dài hạn của DN, các chương trình hành động tổng quát và lựa chọn các phương án hành động, triển khai phân bổ nguồn lực để thực hiện mục tiêu đó. Như vậy, chiến lược SXKD gồm kế hoạch, mưu lược, dạng thức, vị thế và triển vọng mà DN có được hoặc muốn đạt được trong quá trình hoạt động kinh doanh với xu thế biến động của môi trường. Tiếp cận từ góc độ này, chiến lược gồm chiến lược có chủ định (chiến lược được dự định trước – intented strategy) và chiến lược khởi phát (chiến lược mới xuất hiện – mới nổi emergent strategy). Trong quá trình thực hiện, ngoài dự kiến ban đầu của nhà hoạch định chiến lược, bao gồm một loạt những quyết định và hành động trong một mô thức tương quan động.
Tóm lại, chiến lược của DN là một sản phẩm của quá trình phân tích môi trường kinh doanh (bên ngoài và bên trong) và mong muốn của DN. Trong quá trình phát triển của DN, chiến lược SXKD là một nghệ thuật thiết kế, tổ chức các phương tiện nhằm đạt tới các mục tiêu dài hạn trong quan hệ với môi trường cạnh tranh liên tục thay đổi.
2. Vai trò của chiến lược sản xuất kinh doanh
Chiến lược đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của DN. Chiến lược phát triển đúng đắn sẽ định hướng hoạt động dài hạn làm cơ sở vững chắc cho triển khai hoạt động tác nghiệp, đảm bảo cho sự thành công và phát triển bền vững của DN. Ngược lại, nếu không hoạch định được một chiến lược phát triển đúng, DN có thể bị sa lầy vào kế hoạch kinh doanh ngắn hạn mà bỏ qua mục tiêu phát triển trong tương lai. Tầm quan trọng của chiến lược SXKD được thể hiện trên một số khía cạnh sau:
– Chiến lược SXKD giúp DN định hướng cho hoạt động kinh doanh của mình trong tương lai thông qua việc phân tích và dự báo MTKD trên cơ sở tận dụng các cơ hội, tránh được các rủi ro, phát huy các lợi thế của DN trong kinh doanh.
Chiến lược SXKD thể hiện tính nhất quán và sự tập trung cao độ trong đường lối kinh doanh của công ty, tránh lãng phí nguồn lực vào các hoạt động không trọng tâm. Nó là công cụ quản lý trong việc đánh giá tính khả thi/xác định mức ưu tiên, phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh chiến lược.
Chiến lược SXKD là công cụ cạnh tranh giúp các DN nắm bắt được các cơ hội thị trường và tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường bằng cách vận dụng các nguồn lực có hạn của DN với kết quả cao nhằm đạt được mục tiêu đề ra, giúp cho DN phải xem xét và xác định nên đi theo hướng nào.
Chiến lược SXKD tốt đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của DN, tạo cơ sở tăng sự liên kết và sự gắn bó của nhân viên quản trị trong việc thực hiện mục tiêu DN. Chiến lược SXKD giúp tăng doanh thu, tăng năng suất lao động và tăng hiệu quả quản trị, tránh rủi ro về tài chính, tăng khả năng phòng ngừa, ngăn chặn các vấn đề khó khăn của các DN, qua đó tăng cường và nâng cao hơn nữa nội lực của DN.
Với ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích đem lại thì việc hoạch định Chiến lược SXKD đúng đắn, phù hợp với từng lộ trình phát triển của các DNVT là một vấn đề rất cần thiết và cấp bách đối với sự tồn tại và phát triển của từng DN.
3. Phân loại chiến lược sản xuất kinh doanh
3.1. Phân loại theo tính thực tiễn của chiến lược sản xuất kinh doanh
Căn cứ vào tính thực tiễn, Chiến lược SXKD của DN được chia thành Chiến lược SXKD dự kiến và Chiến lược SXKD hiện thực.
Chiến lược SXKD dự kiến kết hợp tổng thể của các mục tiêu, các chính sách và kế hoạch hành động nhằm vươn tới mục tiêu dự kiến của DN. Chiến lược này được xây dựng nhằm thể hiện ý chí và kế hoạch hành động dài hạn của một DN do người lãnh đạo, quản lý đưa ra.
Chiến lược SXKD hiện thực điều chỉnh chiến lược SXKD dự kiến phù hợp với các yếu tố của MTKD diễn ra trên thực tế khi tổ chức thực hiện. chiến lược SXKD dự kiến sẽ trở thành chiến lược SXKD hiện thực khi nhiều điều kiện và hoàn cảnh thực tế phù hợp với chiến lược SXKD dự kiến.
3.2. Phân loại theo cấp chiến lược
Theo cách phân loại này, chiến lược SXKD gồm 3 cấp:
Chiến lược cấp DN (Corporate Strategy) là chiến lược định hướng hoạt động của DN và cách thức phân bổ nguồn lực để đạt mục tiêu chung của DN.
Chiến lược cấp đơn vị kinh doanh (SBU – Strategic Business Unit) nhằm xây dựng lợi thế cạnh tranh và cách thức thực hiện nhằm định vị DN trên thị trường. Chiến lược cấp đơn vị kinh doanh gọi tắt là chiến lược kinh doanh.
Chiến lược cấp chức năng liên quan đến các hoạt động chức năng riêng biệt của DN nhằm hỗ trợ cho chiến lược SXKD cấp DN và cấp đơn vị kinh doanh chiến lược, gồm: chiến lược tài chính, chiến lược marketing, chiến lược phát triển nguồn nhân lực, chiến lược quản lý và sử dụng nguyên vật liệu… Tùy theo quy mô và hình thức hoạt động của doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp lại có các bộ phận chức năng khác nhau để thực hiện chiến lược cấp chức năng, hỗ trợ cho chiến lược cấp SBU và chiến lược cấp DN.
3.3. Phân loại theo phạm vi thực hiện chiến lược sản xuất kinh doanh
Chiến lược SXKD trong nước là những mục tiêu dài hạn và kế hoạch hành động riêng biệt của DN nhằm phát triển hoạt động của mình trên thị trường trong nước. chiến lược SXKD quốc tế là tổng thể mục tiêu nhằm duy trì và tạo vị thế cạnh tranh của DN trên thị trường quốc tế.
3.4. Phân loại theo tầm quan trọng của chiến lược sản xuất kinh doanh
– Chiến lược SXKD kết hợp bao gồm các loại: kết hợp phía trước, kết hợp phía sau, kết hợp theo chiều ngang, kết hợp theo chiều dọc;
– Chiến lược SXKD theo chiều sâu định hướng mục tiêu thâm nhập thị trường, phát triển thị trường và phát triển sản phẩm;
– Chiến lược SXKD mở rộng nhằm đa dạng hoá đồng tâm, đa dạng hoá theo chiều ngang, đa dạng hoá hoạt động theo kiểu hỗn hợp;
– Chiến lược SXKD đặc thù thực hiện mục tiêu liên doanh, liên kết, thu hẹp hoạt động hay thanh lý.
4. Các giai đoạn và quy trình xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp
4.1. Các giai đoạn
Giai đoạn 1. Xác lập hệ thống dữ liệu thông tin từ MTKD bên ngoài và bên trong DN làm cơ sở cho xây dựng chiến lược. Sử dụng các kỹ thuật phân tích đã được tổng kết như ma trận đánh giá các yếu tố bên ngoài (EFE – External Factors Environmental), ma trận đánh giá các yếu tố bên trong (IFE – Internal Factors Environmental), ma trận hình ảnh cạnh tranh (CPM – Competitive Picture Matrix).
Giai đoạn 2. Phân tích, xác định các kết hợp giữa thời cơ, cơ hội, đe dọa của MTKD với các điểm mạnh, điểm yếu… của DN để thiết lập các kết hợp có thể làm cơ sở xây dựng các phương án chiến lược của DN. Sử dụng các kỹ thuật phân tích như ma trận SWOT (Strengths – Weakness – Opportunities – Threats), ma trận BCG (Boston Consulting Group),…
Giai đoạn 3. Xác định các phương án, đánh giá, lựa chọn và quyết định chiến lược. Từ các kết hợp ở giai đoạn 2, có thể hình thành một hoặc nhiều phương án chiến lược. Doanh nghiệp cần phân tích, đánh giá các thế mạnh của các phương án chiến lược và lựa chọn chiến lược dựa vào hệ thống các mục tiêu theo thứ tự ưu tiên.
Quy trình 3 giai đoạn trong xây dựng chiến lược chỉ rõ cách thức vận dụng các ma trận để tiến hành xây dựng chiến lược, tuy nhiên lại chưa chỉ rõ các bước, các công việc cần thực hiện để xây dựng chiến lược kinh chiến lược SXKD cho DN.
4.2. Quy trình
Bước 1. Nghiên cứu triết lý kinh doanh, mục tiêu và nhiệm vụ của DN
Thực hiện việc nghiên cứu triết lí kinh doanh, các mục tiêu và các nhiệm vụ cụ thể của DN. Bên cạnh việc nghiên cứu triết lí kinh doanh của DN còn phải thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ý đồ, quan điểm cũng như những mong muốn của lãnh đạo DN ở thời kỳ kinh doanh chiến lược.
Bước 2. Phân tích môi trường bên ngoài doanh nghiệp
Mục tiêu của bước này là xác định được mọi cơ hội và đe dọa có thể xuất hiện trong thời kỳ kinh doanh chiến lược. Muốn vậy, DN phải sử dụng các công cụ, phương tiện, kỹ thuật phân tích và dự báo thích hợp.
Bước 3. Phân tích môi trường bên trong doanh nghiệp.
Phân tích bên trong nhằm xác định các điểm mạnh, điểm yếu của DN so với các đối thủ cạnh tranh trong thời kỳ kinh doanh chiến lược. Muốn vậy, phải sử dụng các công cụ, kỹ thuật thích hợp và tập trung vào những điểm chủ yếu nhằm xác định chính xác DN điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát huy những điểm mạnh hoặc hạn chế, khắc phục những điểm yếu trong nội bộ DN.
Bước 4. Xét lại mục tiêu, nhiệm vụ của DN trong thời kì chiến lược.
Có nhiệm vụ dựa trên kết quả nghiên cứu ở các bước, để đánh giá mục tiêu, nhiệm vụ của DN trong thời kỳ chiến lược có còn phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ đã xác định khi xây dựng DN hay không? Nếu phải thay đổi, cần xác định mức độ thay đổi nhiều hay ít.
Bước 5. Quyết định chiến lược SXKD.
Quyết định chiến lược SXKD chính là bước xác định và lựa chọn chiến lược SXKD cụ thể cho thời kỳ chiến lược. Tùy theo phương pháp xây dựng chiến lược cụ thể mà DN sử dụng các kỹ thuật xây dựng và đánh giá để đưa ra quyết định chiến lược tối ưu cho thời kỳ chiến lược.
Bước 6. Tiến hành phân bổ các nguồn lực.
Một cách chung nhất, đó chính là việc phân bổ các nguồn lực sản xuất cần thiết trong quá trình tổ chức thực hiện chiến lược đã xác định. Việc phân bổ nguồn lực phụ thuộc vào cơ cấu bộ máy tổ chức cũng như quy mô các nguồn lực của doanh nghiệp.
Bước 7. Xây dựng các chính sách kinh doanh.
Nội dung của bước này là xây dựng các chính sách kinh doanh phù hợp với các điều kiện của thời kỳ chiến lược. Các chính sách kinh doanh được quan niệm là các chính sách gắn trực tiếp với từng lĩnh vực hoạt động chức năng như Marketing, sản phẩm, sản xuất. Chính sách kinh doanh là cơ sở để thực hiện chiến lược SXKD.
Bước 8. Xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch ngắn hạn hơn.
Tùy theo độ dài ngắn của thời kỳ chiến lược mà triển khai xây dựng các kế hoạch kinh doanh cho thích hợp. Điều kiện cơ bản của kế hoạch này là phải có thời gian ngắn hơn thời gian của thời kỳ chiến lược.
Đây là bước các nhà quản trị phát huy năng lực cá nhân, tính sáng tạo, nhằm đưa ra các biện pháp, giải pháp hiệu quả nhất. Đây cũng là bước cần động viên và tập trung nỗ lực mọi nguồn lực của DN, đặc biệt là nguồn lực con người.
Bước 9. Kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược SXKD nhằm xác định sự thay đổi của MTKD. Dựa vào phân tích các thay đổi để ra quyết định thay đổi, điều chỉnh chiến lược SXKD, chính sách kinh doanh và kế hoạch kinh doanh phù hợp, xem xét khả năng sửa chữa sai lầm khi thực thi chiến lược.
Quy trình 9 bước trong xây dựng chiến lược đã chỉ rõ được các bước công việc cần thực hiện trong xây dựng chiến lược; tuy nhiên, khi thực hiện theo 9 bước này sẽ làm tính linh hoạt của chiến lược bị giảm sút, chưa khuyến khích việc đưa ra nhiều phương án chiến lược để so sánh, lựa chọn; đồng thời không làm rõ ranh giới giữa chiến lược với kế hoạch.
Để lại một bình luận