Trong bài viết sau đây, tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn nội dung cơ sở lý luận chung về kiểm tra sau thông quan. Bao gồm: Khái niệm, đặc điểm và nguyên tắc thực hiện.
1. Khái niệm về kiểm tra sau thông quan
Kiểm tra sau thông quan là phương pháp quản lý hiện đại của bộ máy quản lý Nhà nước về Hải quan dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, được tiến hành trên cơ sở phân tích thông tin, đánh giá rủi ro đối với những hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX, Hội đồng hợp tác Hải quan thế giới đã bắt tay vào nghiên cứu các biện pháp tiến hành kiểm tra sau khi hàng hóa đã được thông quan. Và KTSTQ là một trong những biện pháp đấu tranh chống gian lận thương mại có hiệu quả nhất. vì vậy hiện nay Hải quan nhiều nước, khu vực thuộc tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã áp dụng các biện pháp KTSTQ [17], [19].
Theo định nghĩa của UNCTAD, kểm tra sau thông quan là việc kiểm tra Hải quan trên cơ sở kiểm toán sau khi Hải quan giải phóng hàng nhằm kiểm tra tính chính xác và hợp lệ của các tờ khai, các dữ liệu thương mại, hệ thống kinh doanh, hồ sơ, sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Kết quả kiểm tra sau thông quan là một trong những nguyên liệu đầu vào cho công tác quản lý rủi ro và là tiêu chí đánh giá doanh nghiệp ưu tiên [19].
Trình tự, thủ tục, hồ sơ và nội dung của quy trình kiểm tra sau thông quan được quy định các bước công việc tiến hành từ thu thập thông tin, xác định đối tượng kiểm tra, thực hiện kiểm tra, xử lý kết quả kiểm tra và giải quyết các công việc có liên quan đến kết quả kiểm tra của cơ quan Hải quan, công chức/ nhóm công chức Hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan.
Theo Pháp luật Hải quan Việt Nam thì khái niệm kiểm tra sau thông quan là hoạt động kiểm tra của cơ quan Hải quan nhằm thẩm định tính chính xác, trung thực của nội dung các chứng từ mà chủ hàng hóa hoặc người được ủy quyền, tổ chức, các nhân trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan Hải quan, nhằm ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về Hải quan, gian lận thuế, vi phạm chính sách quản lý xuất nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan [26].
Kiểm tra sau thông quan gồm có: Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan Hải quan và kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Doanh nghiệp.
Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan Hải quan là hoạt động thường xuyên của cơ quan Hải quan nhằm đánh giá việc chấp hành pháp luật về thuế và pháp luật về Hải quan của doanh nghiệp. Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan Hải quan được thực hiện theo kế hoạch đã được xác định cho từng giai đoạn, của từng đơn vị hoặc khi có thông tin, dấu hiệu vi phạm pháp luật Hải quan, pháp luật về thuế liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu. Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan Hải quan được thực hiện bằng việc thu thập, tổng hợp, phân tích, xử lý thông tin từ các cơ sở dữ liệu của ngành về doanh nghiệp, mặt hàng, loại hình xuất nhập khẩu được kiểm tra.
Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp là hoạt động kiểm tra của cơ quan Hải quan nhằm thẩm định tính chính xác, trung thực các khai báo Hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được thông quan và được thực hiện tại trụ sở doanh nghiệp.
Các trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp bao gồm: kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra chọn mẫu, kiểm tra khi có dấu hiệu doanh nghiệp vi phạm pháp luật hoặc có khả năng vi phạm pháp luật về thuế, pháp luật về Hải quan.
2. Đặc điểm của hoạt động kiểm tra sau thông quan
Tính chủ động: Đối với kiểm tra sau thông quan, cơ quan Hải quan chủ động kiểm tra và doanh nghiệp không thể biết lúc nào bị kiểm tra và chỉ khi nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan thực hiện thì doanh nghiệp mới biết mình có thực sự tuân thủ pháp luật hay không.
Tính vô hình: Kiểm tra sau thông quan thường là một kinh nghiệm nên rất dễ dàng bị sao chép, bắt chước và việc làm khác biệt hóa nghiệp vụ mang tính khó khăn hơn so với trong thông quan.
Tính tách biệt giữa hàng hóa và sổ sách: Vì kiểm tra sau thông quan thực hiện kiểm tra hàng hóa sau khi thông quan nên thực tế cơ quan Hải quan kiểm tra thì hàng hóa thường đã được bán, xuất kho hoặc đã lưu thông ra ngoài thị trường.
3. Nguyên tắc thực hiện kiểm tra sau thông quan trong trạng thái hải quan hiện tại
Nguyên tắc: Phải áp dụng quản lý rủi ro trong việc lựa chọn đối tượng, phạm vi, nội dung kiểm tra sau thông quan.
Khi thực hiện kiểm tra sau thông quan, các đơn vị có trách nhiệm phối hợp chia sẻ thông tin với các đơn vị trong ngành Hải quan, đảm bảo hoạt động kiểm tra đúng quy định, hiệu quả, tránh trùng lặp, không gây phiền hà cho người khai Hải quan. Đồng thời phản hồi các hệ thống thông tin, dữ liệu của ngành Hải quan để thực hiện biện pháp quản lý, kiểm tra theo quy định.
Lãnh đạo các cấp, công chức liên quan trực tiếp cuộc kiểm tra phải có trách nhiệm: bảo mật thông tin liên quan đến cuộc kiểm tra, không được cung cấp thông tin cho bất kỳ tổ chức, cá nhân không liên quan khi chưa được sự phê duyệt của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan/ Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan/ Cục trưởng Cục Hải quan/ Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan/ Chi cục trưởng các Chi cục Hải quan.
Việc thu thập xử lý thông tin phục vụ kiểm tra sau thông quan là công việc chủ động thường xuyên hàng ngày của công chức/ nhóm công chức được giao thực hiện công tác kiểm tra sau thông quan tại các Chi cục Hải quan, Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Cục kiểm tra sau thông quan để đảm bảo phân tích theo dõi, đánh giá phân loại người khai Hải quan có hồ sơ đã được thông quan tại Chi cục (đối với Chi cục Hải quan), người khai Hải quan nằm trong địa bàn quản lý (đối với Chi cục Kiểm tra sau thông quan).
Để lại một bình luận