Đa dạng hóa danh mục đầu tư trên thị trường chứng khoán là gì? Có những hình thức đa dạng hóa danh mục đầu tư trên thị trường chứng khoán nào? Hãy tìm câu trả lời trong bài viết sau đây của tailuanvan.com.
1. Khái niệm đa dạng hóa danh mục đầu tư trên thị trường chứng khoán
Để làm rõ khái niệm dạng hóa danh mục đầu tư trên TTCK là gì? Có thể tóm lược một vài định nghĩa cơ bản được phát triển, thừa nhận một cách phổ biến bởi các học giả, học thuyết chính cũng như nhà quản lý danh mục đầu tư trên TTCK chuyên nghiệp. Cụ thể:
Theo định nghĩa trên cổng thông tin điện tử của Sàn Giao dịch chứng khoán của Mỹ – NASDAQ: “đa dạng hóa danh mục đầu tư trên TTCK được hiểu là đầu tư vào các lớp/loại tài sản/chứng khoán khác nhau do các chủ thể phát hành khác nhau nhằm giảm thiểu rủi ro tổng thể của danh mục đầu tư trên TTCK và tránh làm thương tổn hoặc ảnh hưởng bất lợi đến kết quả sinh lợi của danh mục đầu tư trên TTCK từ kết quả yếu kém của một chứng khoán, hoặc một ngành hoặc một quốc gia.”
Theo Fidelity – một công ty quản lý danh mục đầu tư trên TTCK hàng đầu thế giới – trên cổng thông tin điện tử của công ty thì “mục tiêu của đa dạng hóa danh mục đầu tư trên TTCK không nhất thiết là để tăng cường kết quả sinh lợi của danh mục, nó cũng không đảm bảo một mức sinh lợi hay một mức tổn thất nhất định nào. Nhưng khi nhà quản lý danh mục đã xác định một mức rủi ro nhất định dựa trên mục tiêu đầu tư dài hạn của mình cũng như căn cứ vào khẩu vị rủi ro của mình thì việc đa dạng hóa danh mục đầu tư trên TTCK có thể mang lại tiềm năng để cải thiện kết quả sinh lợi của danh mục từ mức rủi ro được xác định đó.”
Từ những khái niệm và quan điểm đồng thuận nêu trên, Ủy ban Chứng khoán và Thị trường Chứng khoán Mỹ (SEC) đã chính thức tổng kết và “luật hóa” khái niệm về đa dạng hóa danh mục đầu tư trên TTCK và đăng trên cổng thông tin điện tử của SEC, cụ thể: Qui định về phân bổ tài sản (Asset Allocation 101), yêu cầu “việc phân bổ tài sản liên quan đến hành vi chia một danh mục đầu tư trên TTCK theo các tiêu thức phân loại tài sản khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt. Quá trình quyết định việc phân bổ, kết hợp các loại tài sản khác nhau được nắm giữ trong danh mục phụ thuộc phần lớn vào khoảng thời gian nhà đầu tư sẵn sàng nắm giữ chứng khoán (time horizon) và khẩu vị tiếp nhận rủi ro (risk tolerance) của nhà đầu tư”.
Từ đó SEC đưa ra qui định về đa dạng hóa (Diversification 101): “Một danh mục đa dạng hóa nên được đa dạng hóa tại hai mức: giữa các nhóm tài sản và trong các nhóm tài sản. Bên cạnh việc phân bổ các khoản đầu tư của mình vào các nhóm tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, tiền mặt và các tài sản khác, nhà đầu tư cũng cần phải phân bổ đầu tư của mình trong các nhóm tài sản đó”.
Để xây dựng được một danh mục đa dạng hóa, nhà quản lý phải tìm kiếm các tài sản (cổ phiếu, trái phiếu, tiền mặt…) mà mức sinh lợi trong quá khứ của các tài sản này không biến động cùng hướng và cùng mức độ với nhau; lý tưởng nhất là trường hợp mức sinh lợi của các tài sản này biến động ngược hướng nhau. Với định hướng như vậy, nhà quản lý có thể bù đắp/bù trừ tác động tiêu cực của một lớp/loại tài sản đối với toàn bộ danh mục.
Chính vì vậy, không có số lượng tài sản xác định nào được khuyến nghị trong lý thuyết này để khẳng định được việc đa dạng hóa danh mục là đủ. Nhiều nghiên cứu thực chứng chỉ ra số lượng cổ phiếu tối ưu được lựa chọn xây dựng trong một danh mục được đa dạng hóa là từ 10 đến 30 cổ phiếu. Các khuyến nghị này dựa trên kết quả nghiên cứu của James Lorie, Peter Dodd, Mary Kimpton (1985) với kết luận về mức độ biến thiên giá cổ phiếu thấp hơn khi số lượng cổ phiếu được đưa vào danh mục nhiều hơn. Tuy nhiên, cả lý thuyết lẫn thực chứng đều đi đến kết luận (đã được Meir Statman (1987) làm rõ) là không có ngưỡng tối đa về số lượng tài sản trong danh mục cho đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Như vậy, dự báo và tính toán được mức sinh lợi và rủi ro tương ứng của một danh mục đầu tư trên TTCK là nhiệm vụ cơ bản trong việc xây dựng và phân bổ tài sản nhằm đa dạng hóa một danh mục đầu tư. Quyết định phân bổ tài sản nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư trên TTCK trong thực tế là sự lựa chọn quyền số tối ưu phân bổ cho từng tài sản trong danh mục dựa trên tầm nhìn dài hạn; trong khi đo lường rủi ro của danh mục dựa trên quan điểm và tầm nhìn ngắn hạn. Do đó, Luận án sẽ làm rõ luận điểm này đã được các lý thuyết và mô hình kinh tế trong lĩnh vực tài chính giải thích và chứng minh dưới các cách tiếp cận và phương pháp khác nhau về phân bổ tài sản và đa dạng hóa danh mục đầu tư trên TTCK kể từ thập niên 60 của thế kỷ XX trở lại đây, với một nguyên lý chung được Markowitz tổng kết lại, đó là “không bỏ trứng vào một rỏ”.
2. Khái niệm về xây dựng và quản lý danh mục đầu tư trên thị trường chứng khoán
Việc xây dựng và quản lý danh mục đầu tư trên TTCK đa dạng hóa sao cho có kết quả về mức sinh lợi và rủi ro “đánh bại” được kết quả chung của thị trường là nhu cầu và định hướng nghiên cứu của nhiều thuyết gia, xét cả về kinh tế học chuẩn tắc lẫn kinh tế học thực chứng. Do đó, các phân tích và kiến giải xoay quanh việc đa dạng hóa danh mục đầu tư trên TTCK cả trong kinh tế học chuẩn tắc lẫn kinh tế học thực chứng sẽ được Luận án rà soát và tổng kết một cách khoa học, có hệ thống để có được bức tranh tổng thể, chi tiết về vấn đề này. Đặc biệt, từ kết quả rà soát các nền kinh tế mới nổi (emerging economies) và thị trường biên (frontier markets) – là các nền kinh tế có mức độ phát triển tương đồng như Việt Nam, Luận án rút ra các bài học kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách nhằm áp dụng thành công các lý thuyết và mô hình đa dạng hóa danh mục đầu tư trên TTCK tại Việt Nam.
Theo Frank và Keith (2012), quản lý danh mục đầu tư trên TTCK (gọi tắt là quản lý danh mục đầu tư) là việc xây dựng một danh mục các loại chứng khoán, tài sản đầu tư đáp ứng tốt nhất nhu cầu của chủ đầu tư và sau đó thực hiện theo dõi, điều chỉnh và quản trị danh mục này nhằm tối ưu hóa danh mục để đạt được các mục tiêu đầu tư đề ra. Yếu tố quan trọng đầu tiên mà nhà đầu tư quan tâm là mức độ rủi ro mà họ chấp nhận, và đây là cơ sở để công ty quản lý danh mục đầu tư/quản lý quỹ xác định danh mục đầu tư trên TTCK sao cho lợi tức thu được là tối ưu với rủi ro không vượt quá mức chấp nhận đã định trước. Bản chất của nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư trên TTCK là định lượng mối quan hệ giữa rủi ro và lợi suất kỳ vọng thu được từ danh mục đó. Việc phân bổ tài sản là việc lựa chọn một tỷ lệ đầu tư trong danh mục phân bổ cho các loại tài sản chính nhằm đạt được mức lợi nhuận dài hạn cao nhất với mức độ rủi ro thấp nhất có thể chấp nhận được.
Tóm lại, nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư trên TTCK là quá trình quản lý tài sản của một định chế tài chính hoặc của một nhà đầu tư chuyên nghiệp bao gồm từ việc định giá, phân tích chứng khoán, lựa chọn tài sản đầu tư, phân bổ vốn đầu tư, lập danh mục tối ưu và đánh giá kết quả đầu tư.
3. Các hình thức đa dạng hóa danh mục đầu tư trên thị trường chứng khoán
3.1. Đa dạng hóa giữa các tài sản
Danh mục đầu tư trên TTCK không giới hạn chỉ trong cổ phiếu. Thực tế, danh mục đầu tư trên TTCK đa dạng gồm nhiều loại tài sản khác nhau, đây cũng là hình thức đa dạng hóa phổ biến nhất. Một số loại tài sản đầu tư phố biến được phân bổ, nắm giữ trong danh mục: Cổ phiếu, Trái phiếu chính phủ, Trái phiếu doanh nghiệp, Bất động sản, Ngoại hối, Kim loại quý, Hàng hóa. Sự tương quan ngược trong xu thế biến động giá giữa các loại tài sản (ví dụ: vàng và cổ phiếu, ngoại hối và trái phiếu chính phủ…) cho phép danh mục được tối ưu hóa.
3.2. Đa dạng hóa giữa các loại hình trong từng tài sản
Trong từng loại tài sản, danh mục đầu tư trên TTCK có thể được đa dạng hóa theo thành phần trong loại tài sản đấy. Nguyên nhân do kết quả sinh lợi và biến động giá giữa các nhóm tương đối khác nhau. Một số cách thức phân loại phổ biến nhất: đối với cổ phiếu có thể được phân loại thành cổ phiếu doanh nghiệp lớn và cổ phiếu doanh nghiệp nhỏ, cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu giá trị. Đối với trái phiếu có thể được phân loại trái phiếu lãi suất cố định, trái phiếu lãi suất thả nổi. Đối với bất động sản có thể được phân loại thành bất động sản thương mại, bất động sản công nghiệp và bất động sản nhà ở.
3.3. Đa dạng hóa giữa các ngành và lĩnh vực trong nền kinh tế
Việc quá tập trung vào một ngành và/hoặc một lĩnh vực trong nền kinh tế sẽ đem lại rủi ro cho danh mục đầu tư, đặc biệt ngành, lĩnh vực có tính chu kỳ cao. Danh mục đầu tư trên TTCK có thể đa dạng hóa, kết hợp giữa các ngành nghề, lĩnh vực có tính chu kỳ cao (bất động sản, chứng khoán, ngân hàng…) và những ngành nghề, lĩnh vực có tính chu kỳ thấp (nông phẩm, dược,…) để tạo ra danh mục phù hợp và có mức độ đa dạng hóa cao.
3.4. Đa dạng giữa các quỹ đầu tư
Nhà đầu tư có thể ủy thác đầu tư cho các quỹ đầu tư thay vì đầu tư trực tiếp. Tuy nhiên khẩu vị rủi ro và cách thức quản lý đầu tư của từng quỹ có thể khác nhau, dẫn tới kết quả đầu tư khác nhau. Nếu tập trung danh mục đầu tư trên TTCK vào một quỹ đầu tư có thể đem lại lợi nhuận lớn nhưng cũng có thể đem lại rủi ro cao và phụ thuộc vào kết quả đầu tư một quỹ duy nhất. Theo đó, bằng cách đa dạng hóa danh mục ủy thác đầu tư cho phép nhà đầu tư hạn chế được rủi ro quỹ đầu tư có kết quả kém.
3.5. Đa dạng giữa các nền kinh tế
Phương pháp đa dạng danh mục đầu tư trên TTCK truyền thống chỉ bao gồm trái phiếu và cổ phiếu trong một nền kinh tế; phương pháp đa dạng danh mục đầu tư trên TTCK hiện đại không chỉ giới hạn trong một nền kinh tế mà có thể đầu tư vào các nền kinh tế bên ngoài. Mối tương quan giữa các nhóm nền kinh tế đã phát triển, đang phát triển, mới nổi… thấp hơn tương quan giữa bản thân các nền kinh tế trong nhóm trên.
Theo cách tiếp cận truyền thống, những nền kinh tế đang phát triển hoặc mới nổi thường có mức độ tương quan thấp với nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình toàn cầu hóa, giảm thiểu rào cản thuế quan và phi thuế quan hiện nay, sự tương tác giữa các nền kinh tế tăng cao. Lợi ích việc đa dạng hóa giữa các nền kinh tế vẫn đáng để cân nhắc do lợi ích về việc đa dạng hóa đầu tư có thể giảm trong bối cảnh khủng hoảng chung nhưng trong nhiều trường hợp vẫn thể hiện được vai trò giảm thiểu rủi ro, thị trường nước ngoài có thể đem lại lợi nhuận bất thường.
3.6. Đa dạng giữa các đồng tiền
Khi danh mục đầu tư trên TTCK bao gồm các tài sản nước ngoài, kết quả đầu tư của danh mục sẽ không chỉ phản ánh kết quả đầu tư của tài sản nước ngoài mà bao gồm kết quả diễn biến của đồng tiền nước sở tại. Các nhà quản lý danh mục đầu tư trên TTCK có thể quản lý rủi ro tỷ giá tách biệt hoặc bao gồm tỷ giá như một loại hình tài sản nằm trong danh mục đầu tư. Xu hướng hiện nay, phương pháp thứ 2 đang được ưa chuộng hơn vì thực tế có mối tương quan giữa diễn biến tài sản và tỷ giá giữa các đồng tiền. Cụ thể, trong trường hợp thị trường cổ phiếu, trái phiếu tăng mạnh, tỷ giá của đồng tiền bản tệ có xu hướng tăng giá do thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Danh mục đầu tư trên TTCK trong trường hợp có bao gồm tài sản nước ngoài nên cân nhắc coi đồng ngoại tệ như một loại tài sản nằm trong danh mục; trường hợp danh mục chỉ bao gồm tài sản trong nước có thể cân nhắc bổ sung đầu tư thêm đồng ngoại tệ nhằm tăng cường hiệu quả danh mục.
3.7. Đa dạng giữa các khoảng thời gian đầu tư
Tùy thuộc vào khoảng thời gian đầu tư của danh mục (investment horizon) và nhu cầu sử dụng vốn của nhà đầu tư. Danh mục đầu tư trên TTCK có thể đa dạng hóa theo từng phân khúc thời gian khác nhau: ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Phương pháp trên áp dụng cụ thể với đầu tư trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng tương lai, quyền chọn… các sản phẩm có ngày đáo hạn rõ ràng và chủ trương đầu tư theo trường phái “bị động”, giữ đến ngày đáo hạn. Đối với các loại tài sản không có ngày đáo hạn (như cổ phiếu, bất động sản), danh mục cần đa dạng hóa liên quan tới thanh khoản của tài sản.
3.8. Đa dạng giữa thanh khoản của các loại tài sản
Danh mục đầu tư trên TTCK cần cân đối giữa lợi nhuận và rủi ro, trong đó có rủi ro thanh khoản, đặc biệt với các loại tài sản không có ngày đáo hạn. Những tài sản có mức độ thanh khoản thấp có thể đem lại lợi nhuận đột biến do giá cả trên thị trường chưa phản ánh hoàn toàn giá trị của tài sản. Tuy nhiên, thanh khoản thấp dẫn tới chênh lệch giá mua – bán (bid – ask spread) của tài sản cao; quan trọng hơn, khả năng đóng trạng thái tài sản khó khăn, đặc biệt trong trường hợp thị trường lao dốc.
3.9. Đa dạng giữa chất lượng tín dụng của tài sản đầu tư
Việc phân bổ rủi ro tín dụng giữa các tài sản đầu tư đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đa dạng hóa danh mục đầu tư. Thực tế, các quỹ đầu tư đều có quy định đảm bảo trạng thái của tất cả các tài sản (trái phiếu, cổ phiếu, phái sinh…) đối với một doanh nghiệp nằm trong hạn mức tín dụng cho phép. Danh mục có thể cho phép nới lỏng khẩu vị rủi ro ở một tỷ trọng nhất định để đem lại lợi nhuận cao hơn nhưng quan trọng nhất, rủi ro tín dụng cần được phân bổ, đa dạng hóa giữa nhiều chủ thể, tránh đa dạng các loại hình tài sản trong cùng một rủi ro tín dụng đối tác.
3.10. Đa dạng giữa các công cụ tài chính
Hình thức đa dạng hóa danh mục chỉ bao gồm các công cụ tài chính truyền thống; tuy nhiên, các công cụ tài chính ngày càng đa dạng, phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của tài sản, nhất là với các sản phẩm phái sinh mà kết quả tương quan chặt chẽ với diễn biến tăng/giảm của tài sản cơ sở. Đối với sản phẩm quyền chọn, giá của quyền chọn phản ánh mức độ biến động của tài sản cơ sở. Với cùng một tài sản cơ sở, khi sử dụng thêm các công cụ tài chính khác nhau cho phép danh mục tối ưu hóa được các khía cạnh khác nhau của tài sản.
Để lại một bình luận