Trong bài viết này, tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn các khái niệm chung và tác dụng của tái bảo hiểm.
1. Lịch sử ra đời tái bảo hiểm
Tái bảo hiểm (TBH) ra đời muộn hơn so với bảo hiểm. Những dấu hiệu cổ xưa nhất về bảo hiểm đã xuất hiện từ thế kỷ thứ V trước công nguyên, nhưng TBH với vị trí là một ngành bổ trợ chỉ hình thành khi bảo hiểm đã phát triển đến một mức độ nhất định. Vào cuối thời trung cổ, hoạt động giao thương bằng thuyền vượt đại dương đã diễn ra khá sôi nổi tại Châu Âu. Những chuyến đi biển dài ngày chứa đựng vô vàn rủi ro và vì vậy các ông chủ thuyền buôn đã có thói quen mua bảo hiểm cho tàu và hàng trước mỗi chuyến đi, các tổ chức kinh doanh bảo hiểm vào thời này cũng đã xuất hiện và hoạt động kinh doanh của họ đều tập trung vào bảo hiểm hàng hải.
Bản giao ước cổ nhất có tính chất pháp lý như một hợp đồng bảo hiểm được ký kết vào năm 1370 tại Genoa – Italy. Khi đó, một nhà bảo hiểm có tên Guilano Grillo sau khi nhận bảo hiểm cho một con tàu chở hàng đi từ Genoa đến Sluys đã ký tiếp một hợp đồng TBH toàn bộ đoạn hành trình nguy hiểm nhất từ Cadiz qua vịnh Biscay dọc bờ biển nước Pháp cho hai nhà bảo hiểm khác là Gofferdo Benaina và Martino Sacco.
Trong những năm sau đó, những thỏa thuận kiểu này xuất hiện ngày càng nhiều đặc biệt là trong đầu thế kỷ XVIII khi trung tâm thương mại chuyển dần từ Địa Trung Hải đến Bắc Âu, ngành hàng hải Anh lớn mạnh nhanh chóng, kéo theo nhu cầu về bảo hiểm và TBH hàng hải gia tăng. TBH trong thời kỳ này đã bị các nhà bảo hiểm gốc lạm dụng đến mức chính phủ Hoàng Gia Anh phải ra lệnh cấm hoạt động TBH hàng hải từ năm 1746 đến năm 1864. Tuy nhiên các hoạt động TBH vẫn phát triển ở những mảng nghiệp vụ khác như bảo hiểm cháy, bảo hiểm nhân thọ; TBH hàng hải cũng chuyển phạm vi sang các nước khác như Đức, Áo, Thụy Sỹ…
Và cũng chính trong thời kỳ này, tại nước Đức, hợp đồng TBH cố định đầu tiên (treaty) được ra đời vào năm 1825 cho nghiệp vụ TBH cháy. Trước đó, các hợp đồng TBH tạm thời, và đồng bảo hiểm vẫn chiếm ưu thế. Các nhà bảo hiểm gốc thường cũng chính là những nhà TBH, họ cung cấp dịch vụ TBH cho các nhà bảo hiểm trong và cả ngoài nước Đức. Cho đến năm 1852, Công ty TBH đầu tiên là Cologne Reinsurance mới được thành lập bởi ông Mevissen. Chỉ trong 3 năm đầu thành lập, công ty này đã nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh của mình ra các nước Đức, Áo, Thụy Sỹ, Bỉ, Hà Lan…. Sự ra đời của Cologne đã đánh dấu một bước ngoặt trong việc kinh doanh tái bảo hiểm. Từ thời điểm này, TBH đã chính thức trở thành một ngành kinh doanh độc lập và có hệ thống. Sau Cologne là sự ra đời của hàng loạt các công ty TBH chuyên nghiệp khác:
Công ty TBH Thụy Sĩ (Swiss Re) năm 1863.
Công ty TBH London (London Guarantee Reinsurance Co.,Ltd) năm 1869.
Công ty TBH Munich (Munchenes Ruck AG) năm 1880.
Việc thành lập các công ty TBH chuyên nghiệp là một sự kiện có tính chất quan trọng trong việc phát triển của ngành bảo hiểm. Bằng cách TBH, các công ty bảo hiểm đã có sẵn trong tay nguồn đảm bảo đắc lực cho hoạt động kinh doanh của họ. Do đó, khả năng cạnh tranh của các công ty bảo hiểm gốc và khả năng phục vụ của các công ty TBH cũng được cải tiến bằng việc mở rộng TBH cho các loại hình bảo hiểm với các thị trường bảo hiểm nước ngoài. Hai cuộc chiến tranh thế giới làm ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành bảo hiểm nói chung và TBH nói riêng, nhất là các công ty TBH ở Đức.
Đặc biệt là chiến tranh thế giới lần thứ II đã ảnh hưởng đến nền kinh tế các nước là rất lớn, làm cho hoạt động bảo hiểm và TBH bị ngưng trệ, thậm chí ở một số nước, nhà cầm quyền còn trưng dụng cả quỹ bảo hiểm để phục vụ chiến tranh. Vì vậy mà hoạt động TBH gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hoạt động bảo hiểm và TBH ở Thụy Sĩ vẫn rất phát triển.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, cục diện Thế giới đã thay đổi, hệ thống xã hội chủ nghĩa đã ra đời và phát triển, phong trào giải phóng dân tộc các nước thuộc địa giành nhiều thắng lợi, kinh tế các nước tư bản chủ nghĩa bị khủng hoảng đã ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động TBH. Cụ thể là thời kỳ này hoạt động TBH trên thế giới có 3 đặc điểm sau:
Sự phục hồi các công ty TBH của cộng hoà liên bang Đức.
Thành lập các công ty TBH của các nước xã hội chủ nghĩa với đặc điểm thực hiện độc quyền về TBH và hạn chế các mối quan hệ với các nước tư bản.
Các nước chậm phát triển mới giành độc lập cũng thực hiện độc quyền TBH như Achentina, Brazil, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và một số nước ở Châu Phi, Đông Nam Á… làm thu hẹp thị trường TBH quốc tế.
Ngày nay, đã phát triển rất mạnh mẽ, rộng khắp và trở thành một hệ thống mang tính quốc tế cao cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chắc chắn rằng với những đặc điểm riêng có của mình, hoạt động TBH trên phạm vi toàn cầu nói chung sẽ ngày càng phát triển hơn nữa cũng như ngày càng biến chuyển phù hợp hơn với yêu cầu đặt ra của một nền kinh tế toàn cầu hội nhập, cởi mở nhưng cũng hết sức khó tính.
2. Sự cần thiết khách quan của tái bảo hiểm
Trước tiên người viết xin khẳng định lại vai trò của bảo hiểm trong nền kinh tế hiện nay. Ngay từ khi con người biết sản xuất và có của cải thặng dư, người ta đã có nhu cầu đảm bảo tài sản của họ khỏi những rủi ro không lường trước được và điều đó chính là tiền đề cho sự xuất hiện của ngành bảo hiểm trong hơn một thiên niên kỷ trước. Ngày nay, khi lượng của cải xã hội ngày càng nhiều, và sản xuất không ngừng mở rộng, nhu cầu này trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, tình hình kinh tế xã hội toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang tiềm ẩn những bất ổn từ nhiều phía: bất ổn chính trị, khủng bố, thiên tai…. Trong thời đại toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, một tổn thất dù xảy ra tại bất kỳ điểm nào trên thế giới ngày càng phẳng này cũng có thể làm ngưng trệ cả chuỗi giá trị toàn cầu. Điều đó lý giải tại sao quỹ bảo hiểm tại các nước phát triển nhất thế giới hiện nay lên đến 10% GDP.
Bảo hiểm và TBH có mối liên hệ rất chặt chẽ. Bảo hiểm là tiền đề của TBH, và ngược lại TBH giúp bảo hiểm mở rộng phạm vi của mình. Trong quá trình kinh doanh các công ty bảo hiểm thường xuyên bị đe dọa phá sản bởi nhiều nguyên nhân như:
– Do đối tượng tham gia bảo hiểm có giá trị quá lớn mà khả năng tài chính của công ty bảo hiểm lại có hạn. Điều này đặc biệt phổ biến ở các nền kinh tế đang phát triển, nơi có hệ thống tài chính còn yếu kém.
– Do nhiều tổn thất lớn xảy ra liên tục trong một thời gian ngắn vì tác động của thiên tai, lũ lụt, đặc biệt là trong bối cảnh khí hậu toàn biến chuyển ngày càng xấu, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
– Do phương pháp và kỹ thuật xác định phí bảo hiểm không chính xác, thu không đủ bù chi dẫn đến phá sản.
– Do đối tượng tham gia bảo hiểm hoạt động ở địa bàn quá xa, công ty không đủ khả năng kiểm soát và quản lý rủi ro.
Để đối phó với nguy cơ phá sản mà vẫn tiếp tục nhận được các đơn bảo hiểm với giá trị lớn, các công ty bảo hiểm đã phải tìm cách chia sẻ rủi ro với nhau. Có hai phương pháp được các nhà bảo hiểm áp dụng là đồng bảo hiểm và TBH.
Đồng bảo hiểm là việc nhiều công ty bảo hiểm cùng bảo hiểm cho một đối tượng tham gia, như vậy mỗi công ty chỉ phải chịu một phần rủi ro nếu đối tượng tham gia bảo hiểm gặp tổn thất. Tuy nhiên hình thức này có hai nhược điểm lớn là:
Việc kí hợp đồng thường kéo dài do đặc thù của loại hợp đồng này là hợp đồng đa bên nên đòi hỏi đàm phán nhiều, gây khó khăn và tốn kém, làm mất cơ hội kinh doanh của người tham gia.
Nếu tổn thất xảy ra, việc bồi thường rất khó tập trung dẫn đến tình trạng đối tượng tham gia bảo hiểm nghi ngờ khả năng tài chính của công ty bảo hiểm.
TBH đã khắc phục được hai nhược điểm trên của đồng bảo hiểm. Trong hình thức này công ty bảo hiểm ban đầu là công ty gốc (hay công ty nhượng TBH) đóng vai trò người tham gia bảo hiểm trong hợp đồng TBH, các công ty còn lại là các công ty TBH (hay công ty nhận TBH). Nhờ có hình thức TBH này mà các công ty bảo hiểm sẽ được đảm bảo an toàn tài chính và có thể bảo hiểm cho các rủi ro có giá trị lớn thông qua việc chuyển bớt trách nhiệm bảo hiểm và rủi ro sang công ty TBH. Ngoài ra các công ty bảo hiểm tiến hành TBH để nhận được sự trợ giúp của công ty bảo hiểm về mặt kỹ thuật tính phí, đánh giá rủi ro, giải quyết bồi thường và hỗ trợ nhân viên của mình….
Như vậy, sự ra đời của TBH là một tất yếu khách quan nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của thị trường bảo hiểm, góp phần đảm bảo cho nền kinh tế toàn cầu giữ được ổn định và phát triển
3. Khái niệm tái bảo hiểm
TBH là một loại nghiệp vụ mà người bảo hiểm sử dụng để chuyển một phần trách nhiệm đã chấp nhận với người được bảo hiểm cho người bảo hiểm khác, trên cơ sở nhượng lại cho người bảo hiểm đó một phần phí bảo hiểm thông qua hợp đồng TBH.
Thực tế TBH được hình thành trên cơ sở bảo hiểm gốc nên nó luôn gắn liền với nghiệp vụ bảo hiểm gốc.
Như vậy, nếu như bảo hiểm là hình thức dàn trải tổn thất của một ít người cho nhiều người cùng chịu thì TBH là hình thức dàn trải một lần nữa những tổn thất mà các công ty bảo hiểm phải gánh chịu. Nói cách khác, TBH là bảo hiểm cho các nhà bảo hiểm.
TBH được chia thành hai phần tùy theo góc độ nghiên cứu là: TBH đi và TBH nhận.
TBH đi (Outward Reinsurance): hay còn gọi là nhượng TBH tức là một công ty bảo hiểm gốc (là công ty khai thác dịch vụ bảo hiểm trực tiếp từ khách hàng) phân tán rủi ro cho các công ty TBH . Trong trường hợp này công ty bảo hiểm gốc phải chuyển bớt một phần phí cho các công ty TBH và nhận được từ họ yếu tố đảm bảo và ổn định kinh doanh của mình.
Quá trình ngược lại được gọi là TBH nhận (Inward Reinsurance) hay còn gọi là nhận TBH.
4. Tác dụng của tái bảo hiểm
4.1. Với công ty nhượng tái bảo hiểm
Tác dụng đầu tiên là TBH giúp cho công ty nhượng TBH tăng khả năng nhận bảo hiểm và có thể nhận bảo hiểm những rủi ro lớn mà không cần tăng thêm vốn. Công ty nhượng TBH có thể kinh doanh dựa vào vốn của công ty nhận TBH. Nếu không có TBH thì công ty nhượng chỉ có thể nhận bảo hiểm cho những rủi ro tương đương với số vốn của mình.
Thứ hai, TBH giúp công ty nhượng có thể phân tán rủi ro một cách rộng rãi, đặc biệt là các thảm họa tự nhiên có thể đe dọa cho nền kinh tế quốc dân như động đất, bão lụt …
Thứ ba, là TBH giúp đảm bảo khả năng thanh toán tiền bồi thường trong trường hợp xảy ra những thiệt hại lớn hay những rủi ro mang tính thảm họa. Nhờ đó tình hình tài chính cả công ty nhượng TBH được đảm bảo tính ổn định hơn.
Thứ tư, TBH có thể giúp người bảo hiểm sửa chữa tính bất thường, đột biến của rủi ro. Người bảo hiểm cũng có thể nhận được sự tư vấn nghiệp vụ từ những nhà nhận TBH.
Cuối cùng, sau khi chuyển phần phí TBH cho công ty nhận TBH, công ty bảo hiểm gốc còn nhận được một khoản tiền hoa hồng cho các dịch vụ mà mình khai thác được. Nhiều khi đây là yếu tố quan trọng để các công ty bảo hiểm gốc quyết định sẽ ký hợp đồng TBH với công ty TBH nào.
4.2. Với người được bảo hiểm
Người được bảo hiểm sẽ được đảm bảo rằng số tiền tổn thất sẽ được thanh toán khi số tiền bảo hiểm và số tiền tổn thất là quá lớn.
Nghiệp vụ TBH sẽ hạn chế xu hướng gia tăng phí bảo hiểm vì nếu không có TBH thì công ty bảo hiểm gốc sẽ phải thu một khoản phí bảo hiểm rất lớn để đề phòng bị phá sản khi có thảm họa xảy ra.
4.3. Với công ty nhận tái bảo hiểm
Đối với công ty nhận TBH chuyên nghiệp: Một công ty nhận TBH chuyên nghiệp thường có một nhóm các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực bảo hiểm và TBH khác nhau. Đối với các công ty này, việc nhận TBH là vấn đề sống còn của họ và đó cũng là công việc chính để họ sử dụng nguồn vốn và kỹ thuật chuyên môn nhằm mục đích thu lợi nhuận.
Nhận TBH cũng là nghiệp vụ không thể thiếu đối với bất kỳ một công ty bảo hiểm nào vì:
- Nhận TBH giúp cho công ty bảo hiểm có thể tăng thêm thu nhập
- Giảm tỷ trọng chi phí quản lý
- Có thể dùng phí TBH thu được để đầu tư thu lợi nhuận
Việc nhận TBH xét trên phương diện quốc tế có thể coi là chiếc cửa sổ mà thông qua đó công ty nhận TBH biết được sự phát triển của thị trường bảo hiểm và thị trường TBH Thế giới.
4.4. Với nền kinh tế quốc dân
Hoạt động TBH diễn ra giữa nhiều tổ chức TBH của nhiều nước. Như vậy, một thiệt hại có tính thảm họa ở một nước thông qua TBH sẽ được bù đắp từ những khoản tiền bồi thường mang tính quốc tế. Tổn thất được phân tán trên một phạm vi rộng, việc gánh chịu trở nên dễ dàng hơn.
Để lại một bình luận