Trong bài viết sau đây, tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn nội dung cơ lược về chương trình SPSS/PC+.
Ngày nay, các cuộc điều tra Xã hội học mang tính định lượng thường được xử lý trên máy vi tính bằng chương trình (phần mềm) SPSS/PC+. SPSS là tên viết tắt tiếng Anh của Statistical Package For Social Science, nghĩa là Bộ chương trình thống kê cho Khoa học xã hội.
Chương trình SPSS có khả năng tính được tần số, tần suất, trung vị, mốt, trung bình số học, phương sai, sai số tiêu chuẩn … của từng biến riêng lẻ của toàn mẫu cũng như của từng phân nhóm trong mẫu một cách đồng thời. Ví dụ cùng một lúc ta có thể tính được tuổi kết hôn trung bình của nhóm Nam và Nữ , hoặc tuổi kết hôn của những người ở các độ tuổi khác nhau… SPSS cho phép ta tính được tương quan (mối liên hệ) của hai biến. Điểm ưu việt của chương trình này là ở chỗ: nó không chỉ cung cấp cho chúng ta bảng tương quan giữa hai biến (hoặc ba biến) mà còn cung cấp cho chúng ta hệ số tương quan, mà các chương trình khác như FOX , FOXBASE, LOTUS… không có được. Hệ số tương quan biểu thị mối liên hệ mạnh hay yếu của hai biến. Thông qua hệ số tương quan này chúng ta có thể biết được tác động của biến khác nhau đến một biến nào đó (chẳng hạn xem tác động của biến học vấn và biến mức sống đến biến đánh giá chính sách đối với chính sách đổi mới) thì biến nào mạnh hơn. Hệ số tương quan có đặc tính chung là chúng biến thiên trong khoảng từ 0 đến 1. Khi hệ số tương quan bằng 0 giữa hai biến không có mối liên hệ. Khi nó bằng 1 thì giữa 2 biến có mối liên hệ hàm số (mối liên hệ rất chặt), nghĩa là ta có thể biểu thị mối liên hệ đó bằng một hàm số, chẳng hạn hàm số tuyến tính có dạng:
Y= ax + b
Trong đó x, y là các biến cần đo, còn a, b là các hằng số. Khi hệ tương quan khác 0 thì ta nói rằng giữa hai biến có mối liên hệ tương quan. Hệ số tương quan càng lớn (càng gần 1) thì mối liên hệ càng chặt. Nói cách khác ảnh hưởng của biến số độc lập đến biến số phụ thuộc càng mạnh. Chẳng hạn hệ số tương quan giữa biến học vấn và biến đánh giá chính sách đổi mới bằng 0.25 còn giữa biến mức sống và biết đánh giá chính sách đổi mới là 0.40 thì lúc đó ta có thể kết luận được rằng: học vấn và mức sống của người dân có ảnh hưởng đến cách đánh giá của họ về chính sách đổi mới, song mức sống của những người được hỏi có ảnh hưởng mạnh đến nhận thức của họ về chính sách đổi mới hơn học vấn của họ.
Ngoài ra với hai biến định lượng, chương trình SPSS còn tính được mối liên hệ hồi quy tuyến tính, nghĩa là đưa ra được sự phụ thuộc dạng hàm số của hai biến này.
Môt ưu điểm khác của chương trình SPSS là ở chỗ nó có thể tạo ra cho ta các biến mới từ hai hoặc ba biến trở nên đã có sẵn bằng các phép tính số học, logic.
Chương trình SPSS là chương trình sử dụng các công cụ thống kê – toán, bởi vậy các tính toán của nó được thực hiện trên các ngôn ngữ số. Chính vì lẽ đó các thông tin sơ cấp thu được từ các cuộc điều tra Xã hội học bằng phương pháp phỏng vấn tiêu chuẩn (có bảng hỏi) ăng két cần phải được chuyển qua ngôn ngữ số. Công việc chuyển các thông tin bằng lời sang thông tin bằng số được gọi là mã hóa (code). Các thông tin bằng số trong ngôn ngữ máy được gọi là các giá trị (Value) còn thông tin bằng lời ứng với các giá trị đó là tên của giá trị (Value Label). Sau khi mã hóa (chuyển ngôn ngữ lời sang ngôn ngữ số) các thông tin này sẽ được chương trình SPSS /PC+ xử lý và phân tích theo yêu cầu của người nghiên cứu đối với từng câu hỏi (từng biến) cụ thể nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra cho từng câu hỏi phù hợp với dạng thang đo của câu hỏi đó.
Thông thường, chương trình SPSS cho ta các dạng kết quả sau:
Bảng tần số, tần suất (Frequency) của từng biến riêng lẻ. Khi tính toán tần số (Frequency) chương trình SPSS còn có thể cho ta biết thêm một số thông số hỗ trợ như: Trung bình số học (Mean), Mốt (Mode): giá trị có tần số cao nhất, Trung vị (Median): giá trị phân chia mẫu thành hai phần bằng nhau theo biến đang tính, Phương sai, Độ lệch chuẩn … Ngoài ra khi tần số máy cũng có thể vẽ được đồ thị phân bố của các giá trị theo kiểu hình cột hoặc đa giác.
Bảng giá trị trung bình số học (Mean) của một biến nào đó ( thường là các biến đo bằng thang đo định lượng, ví dụ: tiền lương, tuổi, số thóc thu được…) với một biến nào đó. Chẳng hạn với câu hỏi: “ Trung bình mỗi năm gia đình ta thu được bao nhiêu thóc”. Lúc đó bảng này cho ta không những tiêu chí (biến) khác nhau mà ta cần tính cho nó như: mức sống, quy mô gia đình, nghề nghiệp của gia đình… Bên cạnh đó khi tính trung bình số học Chương trình còn cho ta thêm thông tin về độ lệch tiêu chuẩn ( phương sai) theo từng phân nhóm và số người (case) của phân nhóm được đưa vào tính giá trị trung bình số học.
Hướng dẫn đọc kết quả xử lý số liệu
Bảng tương quan của hai biến, Bảng này thường có dạng bảng hai chiều với k hàng và l cột. Số lượng hàng và cột phụ thuộc vào số lượng các phương án trả lời của các biến mà ta cần tính tương quan. Ví dụ: Biến A có 3 phương án trả lời, còn biến B có 5 phương án trả lời thì số K =3 còn số l = 5. Chương trình SPSS chỉ tính tương quan cho hai biến là hai câu hỏi tuyển (mỗi người chỉ được chọn 1 phương án trả lời trong số phương án vạch ra) chứ không tính được cho các câu hỏi hội. Trong bảng ngoài số lượng tuyệt đối (tần số), còn có số lượng tương đối (phần trăm). Số phần trăm có thể tính được theo hang (Row Percent), theo cột (Column Percent) hoặc cả hai tùy theo yêu cầu và ý nghĩa của cách tính.
Ở cuối bảng có đưa ra hệ tương quan của hai biến. Có nhiều loại hệ số tương quan khác nhau như: Phi, Cramer, Persson… Tùy theo từng dạng thang đo của các biến mà chúng ta yêu cầu máy tính hệ số thuộc dạng nào cho phù hợp. Thông thường hệ số tương quan Cramer hay được dùng nhất , bởi vì hệ số này dùng được cho tất cả các dạng thang đo, từ thang định tính đến thang đo định lượng.
Để lại một bình luận