Đối với các doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu sẽ có loại kho bảo thuế. Đây là một loại kho với yêu cầu đặc biệt và chỉ được sở hữu bởi những doanh nghiệp này. Vậy kho bảo thuế là gì? Quy định về kho bảo thuế ra sao? Để có câu trả lời hãy cùng Tải Luận Văn theo dõi bài viết sau.
Khái niệm kho bảo thuế là gì?
Theo quy định tại Khoản 9, điều 4 của Luật Hải quan 2014, kho bảo thuế được định nghĩa là: “Kho bảo thuế là kho dùng để chứa nguyên vật liệu, vật tư nhập khẩu đã được thông quan nhưng chưa nộp thuế để sản xuất hàng hóa xuất khẩu của chủ kho bảo thuế.”
Bạn có thể hiểu đơn giản rằng kho bảo thuế là loại kho dành cho những doanh nghiệp khi có số lượng hàng hóa xuất khẩu tương đối lớn hoặc họ chuyên về các loại hình sản xuất để xuất khẩu thì sẽ xin phép được xây dựng kho bảo thuế. Loại kho này chỉ dùng để lưu trữ những nguyên vật liệu chưa nộp thuế và có tác dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp này.
Các nội dung về kho bảo thuế
Khi đã nắm được khái niệm kho bảo thuế là gì các bạn cần phải tìm hiểu về nội dung của kho bảo thuế như sau:
Thời hạn hàng hóa được gửi tại kho bảo thuế
Thời gian gửi nguyên vật liệu tại kho bảo thuế nhằm phục vụ quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu là không quá 12 tháng tính từ ngày gửi vào kho. Đối với các trường hợp có lý do chính đáng phù hợp với chu trình sản xuất sẽ được chi cục trưởng chi cục Hải quan gia hạn thêm thời gian gửi.
Điều kiện để thành lập kho bảo thuế
Để thành lập kho bảo thuế cần phải đảm bảo được các điều kiện sau:
+ Kho bảo thuế cần được thiết lập trong khu vực nhà máy của doanh nghiệp.
+ Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan sẽ là người đưa ra các quyết định thành lập, gia hạn về thời gian hoạt động, thời gian tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động của kho bảo thuế.
+ Kho bảo thuế sẽ được phía chính phủ quy định một cách chi tiết nhất về việc thành lập và hoạt động của nó.
Hàng hóa gửi trong kho bảo thuế gồm những loại hàng gì?
Hàng hóa kho bảo thuế là gì? Khi làm công việc liên quan tới kế toán quản lý số liệu, xuất nhập tồn kho bảo thuế thì bạn sẽ gặp phải khái niệm tài khoản 158 – Hàng hóa kho bảo thuế.
Tài khoản 158 – hàng hóa kho bảo thuế được dùng để theo dõi về sự biến động của hàng hóa được đưa vào kho bảo thuế. Đồng thời doanh nghiệp sẽ có nhiệm vụ mở sổ chi tiết nhằm mục đích là giám sát về số lượng cũng như giá trị của chi tiết các loại nguyên liệu, vật tư trong mỗi lần xuất ra và nhập khẩu vào.
Những loại hàng hóa được gửi vào kho bảo thuế sẽ có đặc trưng đó là không phải đóng thuế phục vụ cho các hoạt động sản xuất ra thành phẩm rồi tái xuất khẩu ra khỏi thị trường Việt Nam. Trong trường hợp khác, các loại hàng hóa này được tiêu thụ trong nước thì sẽ phải nộp thuế như bình thường dựa theo đúng quy định.
Ngoài các danh mục hàng hóa có quy định cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu thì những hàng hóa được xem là nguyên liệu, vật liệu phục vụ cho quá trình sản xuất và xuất khẩu thì sẽ được gửi vào kho bảo thuế.
Khi đưa hàng hóa vào kho bảo thuế và bị hư hỏng hay giảm về chất lượng phẩm chất và không đáp ứng được những yêu cầu sản phẩm thì sẽ phải tái xuất khẩu hoặc tiêu hủy. Đối với việc tiêu hủy cần thực hiện dựa theo các quy định của pháp luật về hải quan và pháp luật thuế, môi trường. Lúc này, doanh nghiệp sở hữu kho bảo thuế cần đề xuất tiêu hủy bằng văn bản rõ ràng từng mục như chủng loại, nguyên liệu, số lượng, lý do tiêu hủy đến cục hải quan. Khi đã đc sự đồng ý thì doanh nghiệp sẽ trực tiếp tiêu hủy trước sự chứng kiến, giám sát của cục hải quan, môi trường và cơ quan thuế. Cuối cùng sẽ có biên bản chứng nhận sau khi tiêu hủy.
Các quy định khác về kho bảo thuế
Các loại hàng hóa được gửi vào kho bảo thuế chỉ được sử dụng cho mục đích sản xuất trong doanh nghiệp và không được mang ra bán lại vào thị trường ở trong nước. Hàng hóa này sẽ phải nộp thuế nhập khẩu chỉ khi được Bộ thương mại cho phép và nộp theo đúng quy định.
Chủ kho bảo thuế sẽ có trách nhiệm thường xuyên thực hiện thống kê, kế toán và phải trang bị đầy đủ về những cơ sở thiết bị, các phương tiện điện tử và cần nối mạng với cơ quan Hải Quan nhằm phục vụ hoạt động kiểm tra và giám sát khi hàng hóa tại kho bảo thuế được xuất khẩu.
Nếu như đã có kế hoạch đưa các loại nguyên, vật liệu ở trong kho phục vụ quá trình sản xuất thì phía chủ kho thuế sẽ thông báo tới cơ quan hải quan trong định kỳ là 3 tháng 1 lần. Khi đó chủ kho sẽ gửi văn bản thông báo và báo cáo về tình hình hàng hóa và tình hình hoạt động trong kho.
Sự khác nhau giữa kho ngoại quan và kho bảo thuế là gì?
Kho ngoại quan và kho bảo thuế là hai loại kho hoàn toàn khác nhau. Để phân biệt được 2 loại kho này chúng ta cần dựa vào một số điểm sau:
Định nghĩa
+ Kho ngoại quan là kho để lưu trữ các loại hàng hóa đã được làm thủ tục hải quan và được gửi tới để chờ xuất khẩu hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.
+ Kho bảo thuế là kho lưu giữ nguyên vật tư nhập khẩu đã thông quan nhưng chưa nộp thuế.
Thủ tục hải quan
– Đối với kho ngoại quan
+ Hàng hóa đưa vào kho phải làm thủ tục nhập kho tại chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan.
+ Hàng hóa từ kho ngoại quan đưa ra nước ngoài thì chủ hàng hay người quản lý chủ hàng ủy quyền cần kê khai các thông tin liên quan tới hàng hóa xuất kho ngoại quan với chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan.
+ Hàng hóa gửi kho ngoại quan thuộc vào diện bắt buộc phải tái xuất dựa theo những quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì sẽ không được phép nhập khẩu quay lại thị trường Việt Nam.
+ Hàng hóa vận chuyển từ cửa khẩu tới kho ngoại quan, từ kho ngoại quan ra cửa khẩu, từ nội địa vào kho ngoại quan sẽ làm thủ tục hải quan như các loại hàng hóa vận chuyển chịu sự quản lý hải quan.
– Đối với kho bảo thuế
+ Thủ tục nhập kho được thực hiện như thủ tục hải quan đối với các loại hàng hóa nhập khẩu sản xuất hàng xuất khẩu. Tuy nhiên sẽ không phải làm thủ tục nộp thuế.
+ Hàng hóa đưa vào kho chỉ được sử dụng với mục đích sản xuất hàng xuất khẩu của chủ kho.
+ Doanh nghiệp cần quản lý, theo dõi các nguyên vật liệu được đưa vào dựa theo đúng quy định của pháp luật thống kê và luật kế toán.
Thẩm quyền cấp phép
Cả hai kho sẽ được tổng cục trưởng tổng cục Hải quan cấp phép hoạt động.
Các dịch vụ được thực hiện
– Đối với kho ngoại quan
+ Đóng gói, chia gói, phân loại phẩm cấp hàng hóa.
+ Lấy mẫu hàng hóa phục vụ cho công tác quản lý hay làm những thủ tục liên quan đến hải quan.
+ Chuyển quyền sở hữu các loại hàng hóa.
– Đối với kho bảo thuế
+ Hàng hóa chỉ được sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu.
+ Hàng hóa sẽ được quản lý và theo dõi bởi doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Bài viết trên là một số thông tin nhằm giải đáp thắc mắc kho bảo thuế là gì mà Tải Luận Văn muốn chia sẻ đến với bạn đọc. Hy vọng rằng qua đây sẽ giúp các bạn có thêm những kiến thức hữu ích và có cái nhìn toàn diện nhất về kho bảo thuế. Cảm ơn bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết này của chúng tôi.
Nguồn: tailuanvan.com
Để lại một bình luận