Trong bài viết sau đây, tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn một số nội dung liên quan đến tài nguyên du lịch bao gồm: Khái niệm, đặc điểm và phân loại.
1. Khái niệm tài nguyên du lịch
Trong cuốn Địa lý du lịch, Nguyễn Minh Tuệ và nnk. cho rằng: “Tài nguyên du lịch là tổng thể tự nhiên và văn hóa lịch sử cùng các thành phần của chúng góp phần khôi phục, phát triển thể lực, trí tuệ của con người, khả năng lao động và sức khỏe của họ. Những tài nguyên này được sử dụng cho nhu cầu trực tiếp và gián tiếp, cho việc sản xuất dịch vụ du lịch”( NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1997).
Khoản 4 (Điều 4, chương 1) Luật Du Lịch Việt Nam năm 2005 quy định: “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch”.
Nguyễn Minh Tuệ cho rằng tài nguyên du lịch là tổng thể tự nhiên, kinh tế – xã hội văn hóa được sử dụng để phục hồi sức khỏe, phát triển thể lực và tinh thần con người. Trên cơ sở này bà cho rằng địa hình, thủy văn, khí hậu, động – thực vật, di tích lịch sử văn hóa, văn hóa nghệ thuật, lễ hội,…là những tài nguyên du lịch. Song thực tế không phải bất cứ mọi dạng, mọi kiểu địa hình, tất cả các kiểu khí hậu các yếu tố khí hậu hay các giá trị văn hóa,…đều có khả năng hấp dẫn khách cũng như có khả năng kinh doanh du lịch.
Và THS.Bùi Thị Hải Yến đưa ra khái niệm tài nguyên du lịch trong cuốn Tài nguyên du lịch, tài nguyên du lịch: “là tất cả những gì thuộc về tự nhiên và các giá trị văn hóa do con người sáng tạo ra có sức hấp dẫn du khách, có thể được bảo vệ, tôn tạo và sử dụng cho ngành Du lịch mang lại hiệu quả về kinh tế – xã hội và môi trường”(NXB Giáo dục, 2009).
Ta thấy khái niệm của Nguyễn Minh Tuệ và khái niệm theo Luật Du lịch Việt Nam đưa ra có nhiều điểm giống nhau, cùng do yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử văn hóa, do quá trình lao động sáng tạo của con người, và phục vụ cho hoạt động du lịch. Khái niệm của THS. Bùi Thị Hải Yến về tài nguyên du lịch là khá đầy đủ và cụ thể, dễ hiểu, bà không chỉ nêu ra tài nguyên du lịch là gì mà còn nói đến việc bảo vệ, tôn tạo, sử dụng tài nguyên đó cho ngành du lịch không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế – xã hội mà còn về môi trường.
2. Đặc điểm của tài nguyên du lịch
Đặc điểm chung của tài nguyên du lịch:
Một số loại tài nguyên du lịch là đối tượng khai thác của nhiều ngành kinh tế xã hội. Tài nguyên du lịch có phạm trù lịch sử nên ngày càng có nhiều loại tài nguyên du lịch được nghiên cứu, phát hiện, tạo mới và được đưa vào khai thác, sử dụng. Tài nguyên du lịch mang tính biến đổi.
Hiệu quả và mức độ khai thác tài nguyên du lịch phụ thuộc vào các yếu tố: khả năng nghiên cứu, trình độ phát triển khoa học công nghệ, nguồn tài sản quốc gia. Tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng; có các giá trị thẩm mỹ, văn hóa lịch sử, tâm linh, giải trí; có sức hấp dẫn với du khách. Tài nguyên du lịch bao gồm các loại tài nguyên vật thể và tài nguyên phi vật thể. Tài nguyên du lịch là những loại tài nguyên có thể tái tạo được. Tài nguyên du lịch có tính sở hữu chung. Việc khai thác tài nguyên du lịch gắn chặt với vị trí địa lý.
Tài nguyên du lịch thường có tính mùa vụ và việc khai thác tài nguyên mang tính mùa vụ.
Tài nguyên du lịch mang tính diễn giải và cảm nhận.
3. Phân loại tài nguyên du lịch
Để tiến hành nghiên cứu, quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát triển và khai thác tài nguyên du lịch có hiệu quả theo hướng bền vững, cần phải tiến hành phân loại tài nguyên du lịch khoa học và phù hợp.
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO, 1997) đã xây dựng hệ thống phân loại tài nguyên du lịch thành 3 loại, 9 nhóm gồm: Loại cung cấp tiềm tàng (3 nhóm: văn hóa kinh điển, tự nhiên kinh điển, vạn động); loại cung cấp hiện tại (gồm 3 nhóm: đường sá, thiết bị, hình tượng tổng thể) và loại tài nguyên kỹ thuật gồm 3 nhóm tính năng: hoạt động du lịch, cách thức và tiềm lực khu vực.
Theo quan niệm các nhà khoa học về quy hoạch du lịch của Pháp Geogvgers Cazes – Robert Lanquar Yve Raynoum trong cuốn Quy hoạch du lịch đã quan niệm: Không tồn tại các tài nguyên tự thân du lịch mà chỉ có thể khai thác và sử dụng được trong các điều kiện kinh tế, công nghệ xác định. Theo các ông trong lĩnh vực du lịch tài nguyên có thể phân làm 3 loại chính:
Các tài nguyên thiên nhiên như khí hậu thuận lợi cho các loại hình du lịch, địa hình, phong cảnh núi sông, thực – động vật, biển hồ,…
Các nguồn tài nguyên văn hóa – xã hội như những cuộc trình diễn nghệ thuật, các liên hoan âm nhạc, các cuộc hòa nhạc, các cuộc triển lãm hội thảo quốc tế, khoa học kỹ thuật, các vật làm chứng, các đập nước hoặc máy móc hiện đại, các di sản văn hóa lịch sử, các điểm thắng cảnh.
Các nguồn tài nguyên thuộc nhóm kinh tế như: nhà máy, trung tâm kỹ thuật, các điều kiện kinh tế thuận lợi cho việc mua tài sản, dịch vụ giá rẻ, có sự ưu đãi về hải quan.
Tuy phân chia tài nguyên du lịch thành 3 loại chính, nhưng khi thống kê tài nguyên du lịch Geogvgers Cazes – Robert Lanquar Yve Raynoum lại thống kê tài nguyên theo các yếu tố đã được Tổ chức Du lịch Thế giới xác định gồm: Di sản thiên nhiên, di sản nhân văn, di sản văn hóa, những công trình hạ tầng và thiết bị cho giải trí và du lịch, các nguồn tài chính và kinh tế.
Và căn cứ vào nguồn gốc hình thành của tài nguyên, nhà khoa học Ngô Tất Hổ đã tiến hành phân loại tài nguyên du lịch gồm 3 hệ thống, 10 loại, 95 hình và 3 đẳng cấp là khu, đoạn, nguyên. Ông cho rằng 3 đẳng cấp này phản ánh độ lớn nhỏ của tài nguyên theo mấy loại hình dựa trên tính quan trọng và quy mô của tài nguyên.
Những cách phân loại tài nguyên du lịch trên đều dựa vào những đặc tính nhất định của tài nguyên du lịch, nhưng theo em, phân loại theo nguồn gốc hình thành: tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn là dễ hiểu hơn cả và trong khóa luận này em cũng sẽ áp dụng cách phân loại này để nghiên cứu.
3.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên
Theo Khoản 1 (Điều 13, Chương II) Luật Du Lịch Việt Nam năm 2005 quy định: “Tài nguyên du lịch tự nhiên gồm các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên đang được khai thác hoặc có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch”.
* Đặc điểm của tài nguyên du lịch tự nhiên
Nếu được quy hoạch, bảo vệ, khai thác hợp lý theo hướng bền vững thì phần lớn các loại tài nguyên du lịch tự nhiên được xếp vào loại tài nguyên vô tận, tài nguyên có khả năng tái tạo hoặc có quá trình suy thoái chậm.
Hầu hết việc khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên chịu ảnh hưởng nhiều vào điều kiện thời tiết.
Một số điểm phong cảnh và du lịch dựa vào tài nguyên tự nhiên thường nằm xa các khu đông dân cư.
3.2. Tài nguyên du lịch nhân văn
Theo Khoản 2 (Điều 13, Chương II) Luật Du Lịch Việt Nam năm 2005 quy định: “Tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hoá, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch”.
Nếu hiểu theo nguồn gốc hình thành có thể hiểu tài nguyên du lịch nhân văn là tài nguyên có nguồn gốc nhân tạo do con người sáng tạo ra. Tuy nhiên chỉ có những tài nguyên nhân văn có sức hấp dẫn với du khách và có thể khai thác phát triển du lịch để tạo ra hiệu quả xã hội, kinh tế, môi trường mới được gọi là tài nguyên du lịch nhân văn.
Tài nguyên du lịch nhân văn gồm các loại tài nguyên nhân văn vật thể như: các di tích lịch sử, các di tích lịch sử văn hóa, các công trình đương đại, vật kỷ niệm, bảo vật quốc gia. Tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể gồm các lễ hội, nghề và làng nghề truyền thống, văn hóa nghệ thuật, văn hóa ẩm thực, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết, tôn giáo, các nguồn thông tin và nguồn tri thức khoa học, kinh nghiệm sản xuất.
* Đặc điểm của tài nguyên du lịch nhân văn
Tài nguyên du lịch nhân văn do con người tạo ra nên chịu tác động của thời gian, thiên nhiên và do chính con người.Vì vậy dễ bị suy thoái, hủy hoại và không có khả năng tự phục hồi ngay cả khi không có sự tác động của con người. Vì vậy di tích lịch sử – văn hóa khi bị bỏ hoang cũng bị xuống cấp nhanh chóng; những giá trị văn hóa phi vật thể như những làn điệu dân ca, các vũ khúc, các lễ hội, các làng nghề truyền thống, phong tục tập quán,…khi không được bảo tồn và phát huy có hiệu quả sẽ bị mai một hoặc biến mất. Do vậy, khi khai thác tài nguyên du lịch nhân văn cho mục đích phát triển du lịch cần quan tâm đầu tư cho bảo tồn, tôn tạo thường xuyên, khoa học và có hiệu quả.
Tài nguyên du lịch nhân văn là do con người sáng tạo ra nên có tính phổ biến. Ở đâu có con người, ở đó có tài nguyên nhân văn. Vì vậy, các địa phương, các quốc gia đều có tài nguyên nhân văn, trong đó có nhiều loại có sức hấp dẫn với du khách, đã hoặc sẽ có thể sử dụng cho phát triển du lịch.
Tài nguyên du lịch nhân văn ở mỗi vùng, mỗi quốc gia thường mang những đặc sắc riêng. Do điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế – xã hội là những yếu tố nuôi dưỡng tạo thành tài nguyên du lịch nhân văn ở mỗi địa phương, mỗi quốc gia không giống nhau nên tài nguyên du lịch nhân văn ở mỗi khu vực, mỗi quốc gia có giá trị đặc sắc riêng, góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo có sức cạnh tranh và hấp dẫn du khách riêng. Do vậy, trong quá trình khai thác, bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn cần coi trọng việc bảo vệ, phát huy giá trị độc đáo của tài nguyên.
Tài nguyên du lịch nhân văn thường được phân bố gần các khu dân cư, đặc biệt tập trung nhiều ở những khu vực đông dân cư. Bởi nó được sinh ra trong quá trình phát triển xã hội và là sản phẩm do con người sáng tạo ra. Khác với tài nguyên du lịch tự nhiên, việc khai thác phần lớn tài nguyên du lịch nhân văn thường ít chịu ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết gây nên như mưa hay rét nên tính mùa vụ cũng ít hơn so với tài nguyên du lịch tự nhiên
Để lại một bình luận