Trong bài viết sau đây, tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn đặc điểm, vai trò và các nhân tố cấu thành kinh tế du lịch.
1. Đặc điểm của kinh tế du lịch
Tính nhạy cảm
So với các ngành kinh tế khác ngành kinh tế du lịch có tính nhạy cảm hơn. Do ngành kinh tế du lịch gồm nhiều bộ phận tạo thành nên trong quá trình cung cấp dịch vụ đối với du khách nhà cung ứng cần bố trí chính xác về thời gian có kế hoạch chu đáo chi tiết về nội dung các hoạt động, cần phải kết hợp một cách hữu cơ, liên hệ chặt chẽ giữa các khâu đi lại, du ngoạn, ăn ở, vui chơi, giải trí, mua sắm… Giả sử một khâu nào đó không tuân thủ quá trình thì có thể gây ra hàng loạt phản ứng dây chuyền làm mất sự phối hợp nhịp nhàng trong cơ cấu tổ chức, ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ du lịch.
Mặt khác, các nhân tố thiên nhiên, chính trị, kinh tế, xã hội đều có ảnh hưởng đến ngành kinh tế du lịch như chiến tranh, nạn động đất, khủng bố kinh tế, đại dịch SARS hay nạn dịch cúm A, H1N1… đều ảnh hưởng lớn, gây cản trở đối với sự phát triển của du lịch.
Do đó, để khắc phục được “tính nhạy cảm” này ngành kinh tế du lịch cần phải chủ động để chiến lược đúng đắn trong hoạt động.
Tính thời vụ
Do ảnh hưởng của yếu tố địa lý thiên nhiên, thời tiết, khí hậu, nên du lịch hầu khắp các nước đều mang tính thời vụ.
Tại điểm du lịch, điều kiện khí hậu có ảnh hưởng rất lớn tới sự hình thành tính thời vụ du lịch. Ví dụ, loại hình du lịch biển thường là rất đông khách vào hè, vắng khách vào mùa đông; ngược lại, loại hình du lịch leo núi, trượt tuyết thì thường vắng khách vào mùa hè nhưng lại nhiều khách vào mùa đông.
Ngoài ra, tính thời vụ của du lịch có liên quan mật thiết tới việc sắp xếp ngày nghỉ của nhân viên; các kỳ nghỉ của các học sinh sinh viên; sự bố trí sắp xếp này có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của ngành kinh tế du lịch. Những nguyên nhân xuất phát từ yếu tố cung – cầu nên khiến hoạt động kinh doanh du lịch có tính mùa vụ rõ rệt, ảnh hưởng đến tỷ lệ cung và cầu của du lịch, gây ra hiện tượng mùa thịnh thì cung du lịch không đủ cầu du lịch, mùa suy thì thiết bị và nhân viên phục vụ nhàn rỗi.
Vì vậy, muốn tối đa hoá lợi nhuận người kinh doanh du lịch cần chú ý đầy đủ các đặc điểm này để tìm mọi cách áp dụng các thủ thuật và biện pháp hữu hiệu, cố gắng giảm thiểu sự chênh lệch giữa mùa thịnh, mùa suy, khai thác tối đa các thiết bị và tài nguyên du lịch nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Việc khắc phục tính mùa vụ trong kinh doanh du lịch luôn là vấn đề bức xúc cả về mặt thực tiễn cũng như về mặt lý luận trong lĩnh vực kinh doanh du lịch.
Tính tổng hợp cao
Hoạt động du lịch là hoạt động có tính tổng hợp cao, bởi vì trong quá trình hoạt động du lịch, khách du lịch có nhu cầu về ăn ở, đi lại, du ngoạn, vui chơi, giải trí, mua sắm… Để đáp ứng các nhu cầu đó nhà cung ứng dịch vụ cần cung cấp tuyến đi du lịch, cung cấp tư vấn tin tức, cung cấp các phương tiện giao thông, nhà nghỉ cho du khách… Vì vậy, sản phẩm của ngành kinh tế du lịch là sản vật tác dụng chung của nhiều bộ phận, là sản phẩm tổng hợp được biểu hiện ra bằng nhiều loại dịch vụ.
Phạm vi hoạt động của ngành kinh tế du lịch bao gồm các khách sạn du lịch, công ty du lịch, giao thông du lịch, đơn vị bán hàng lưu niệm du lịch… và có cả các bộ phận sản xuất tư liệu vật chất (công nghệ dệt, ngành xây dựng…) và một số bộ phận sản xuất tư liệu phi vật chất (văn hoá, giáo dục, tôn giáo, khoa học – kỹ thuật, hải quan, tài chính, bưu điện…).
Nắm được đặc điểm tổng hợp của ngành kinh tế du lịch có ý nghĩa thực tế vô cùng quan trọng đối với việc quản lý kinh doanh của ngành. Các bộ phận trong ngành kinh tế du lịch không chỉ có đặc tính hướng đích thông qua nút “thoả mãn nhu cầu của du khách” mà còn liên hệ chặt chẽ với nhau. Bất cứ hành vi chậm trễ hoặc bỏ lỡ dịp của bộ phận nào cũng sẽ ảnh hưởng tới số lượng khách du lịch. Do vậy, các bộ phận trong ngành kinh tế du lịch phải hỗ trợ lẫn nhau và cần thiết triển khai kinh doanh liên hợp. Nếu các doanh nghiệp du lịch theo đuổi lợi ích cục bộ, không phối hợp nhịp nhàng với các doanh nghiệp khác có liên quan thì hiệu quả kinh doanh của toàn ngành sẽ bị ảnh hưởng theo. Vì thế, thực hiện quản lý ngành nghề toàn diện trong ngành kinh tế du lịch là điều kiện hết sức cần thiết.
Tính đa ngành
Tính đa ngành được thể hiện ở đối tượng khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch như: sự hấp dẫn về cảnh quan tự nhiên, các giá trị lịch sử, văn hoá, cơ sở hạ tầng và dịch vụ kèm theo…
Du lịch sẽ không phát triển được nếu không có sự trợ giúp của các ngành kinh tế – xã hội khác như bảo hiểm, y tế, giao thông vận tải, công an, môi trường… Ngược lại, du lịch cũng mang lại nguồn thu cho nhiều ngành kinh tế khác nhau thông qua các sản phẩm cung cấp cho khách du lịch như: điện, nước, hàng nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, tranh ảnh, sách báo…
Nắm được đặc tính đa ngành trong hoạt động du lịch đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương cần phải có chính sách phối hợp, kết hợp chặt chẽ, nhằm tạo ra “xung lực” mạnh mẽ cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Tính đa thành phần
Biểu hiện ở tính đa dạng trong thành phần khách du lịch, những người phục vụ du lịch, các cộng đồng dân cư trong khu du lịch, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ tham gia vào các hoạt động du lịch.
Do đặc tính đa thành phần của ngành kinh tế du lịch mà nhiều loại hình du lịch khác nhau và dịch vụ đã mới ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu phong phú và đa dạng của du khách.
Tuy nhiên, đặc tính đa thành phần trong lĩnh vực du lịch, nếu không được khai thác một cách hợp lý sẽ dẫn đến sự bất đồng quan điểm giữa các cá nhân trong đoàn đi du lịch, cũng như mâu thuẫn trong nội bộ những người làm du lịch.
Tính chi phí
Mục đích đi du lịch của khách du lịch là hưởng thụ các sản phẩm du lịch chứ không phải với mục tiêu kiếm tiền. Du khách sẵn sàng trả khoản chi phi trong chuyến đi của mình về các khoản dịch vụ như: ăn, uống, ở, đi lại và nhiều các khác nhằm thực hiện mục đích vui chơi, giải trí, hưởng thụ vẻ đẹp của thiên nhiên, giá trị văn hoá, lịch sử…
Hiểu rõ đặc tính này, các quốc gia, các nhà kinh doanh cần có biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đa dạng các loại hình dịch vụ, nhằm thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Song, thực tế ở một số điểm du lịch nhiều nhà kinh doanh du lịch đã lợi dụng đặc tính này để đẩy mức giá dịch vụ lên cao, làm cho sự tin tượng của du khách đối với nhà cung ứng du lịch giảm sút. Những sai sót này sẽ lan truyền từ du khách này đến du khách khác làm ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành kinh tế du lịch trong con mắt của du khách.
Tính liên vùng
Biểu hiện thông qua các tuyến du lịch với một quần thể các điểm du lịch trong một khu vực, trong một quốc gia hay giữa các quốc gia với nhau.
Mỗi một điểm du lịch đều có những nét độc đáo, hấp dẫn riêng, song nó không thể tách khỏi xu thế thời đại và sự phát triển chung của khu vực, một quốc gia nào muốn phát triển du lịch cần phải đưa mình vào “quỹ đạo” chung của quốc tế và khu vực. Hoạt động du lịch ở một vùng, một quốc gia khó có thể phát triển nếu không có sự liên kết các tuyến, điểm du lịch trong phạm vi quốc gia cũng như trên toàn thế giới.
2. Các nhân tố cấu thành kinh tế du lịch
Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật
Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất – kỹ thuật là điều kiện không thể thiếu được để phát triển kinh tế du lịch. Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật có ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch bao gồm:
Mạng lưới và phương tiện giao thông vận tải, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thuỷ. Du lịch gắn liền với sự di chuyển của con người trong một khoảng cách nhất định, nó phụ thuộc vào giao thông, mạng lưới đường xá và phương tiện giao thông. Một địa bàn có thể có sức hấp dẫn đối với khách du lịch nhưng vẫn không thể khai thác được khi thiếu vấn đề giao thông. Việc phát triển giao thông nhất là tăng nhanh phương tiện vận chuyển cho phép mau chóng khai thác các tiềm năng du lịch. Chỉ thông qua mạng lưới giao thông thuận tiện, nhanh chóng thì du lịch mới trở thành hiện thực phổ biến trong xã hội, tạo điều kiện cho việc đi lại của khách một cách dễ dàng. Đồng thời tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng du lịch của một vùng, một địa phương và một đất nước.
Cơ sở vật chất kỹ thuật và thiết bị hạ tầng phục vụ ăn uống, lưu trú là cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm đảm bảo nơi ăn, chỗ ở cho khách du lịch. Đây là hai dịch vụ đặc trưng nhất của hoạt động kinh doanh du lịch, chúng đáp ứng nhu cầu bản năng của con người (ăn và ngủ) khi họ sống ngoài nơi cư trú thường xuyên của họ. Dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành của các sản phẩm du lịch.
Mạng lưới thông tin liên lạc, là một bộ phận quan trọng trong cơ sở hạ tầng của hoạt động du lịch. Nó là điều kiện cần thiết để đảm bảo giao lưu cho khách du lịch trong nước và quốc tế một cách nhanh chóng và kịp thời, góp phần đắc lực vào thực hiện giao lưu giữa các vùng, các khu vực và các nước. Nhu cầu thông tin liên lạc là những nhu cầu trao đổi các dòng tin tức khác nhau của xã hội, được thoả mãn bằng nhiều loại hình thông tin khác nhau.
Cơ sở y tế, nhằm mục đích phục vụ du lịch chữa bệnh và cung cấp dịch vụ bổ sung tại các điểm du lịch. Cơ sở vật chất – kỹ thuật ở đây bao gồm: các trung tâm chữa bệnh, các phòng y tế với các trang thiết bị như: sauna-massage, thẩm mỹ.
Cơ sở thể thao, là một bộ phận của vật chất – kỹ thuật du lịch, có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho kỳ nghỉ của du khách, làm cho nó trở nên tích cực hơn. Các cơ sở thể thao bao gồm các công trình thể thao, các phòng thể thao hay các trung tâm thể thao với nhiều loại khác nhau, các thiết bị chuyên dùng cho mỗi loại thể thao. Ngày nay, công trình thể thao là một bộ phận không thể tách rời cơ sở vật chất – kỹ thuật của các trung tâm du lịch. Chúng làm phong phú và đa dạng các loại hình hoạt động du lịch, làm tăng sự hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của khách, làm tăng hiệu quả sử dụng khách sạn, camping.
Mạng lưới bán hàng, là một thành phần trong cơ cấu vật chất kỹ thuật du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch về mua sắm, bằng việc bán hàng hoá đặc trưng của địa phương mình, của đất nước mình, hàng thực phẩm và loại hàng hoá khác. Cơ sở vật – chất kỹ thuật này bao gồm hai phần: một phần thuộc các trung tâm dịch vụ du lịch, phục vụ khách du lịch là chủ yếu. Phần khác thuộc mạng lưới thương nghiệp địa phương với nhiệm vụ phục vụ nhân dân địa phương, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng đối với phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của nó.
Các công trình phục vụ văn hoá thông tin, bao gồm các trung tâm văn hoá thông tin, phòng chiếu phim, câu lạc bộ, phòng triển lãm. Hoạt động văn hoá thông tin có thể được tổ chức thông qua các buổi dạ hội hữu nghị, dạ hội hoá trang, đêm ca nhạc, tuần biểu diễn, tổ chức các buổi gặp gỡ trao đổi giữa những người khách du lịch có cùng nghề, buổi chiếu phim, xem kịch, tham quan viện bảo tàng…
Cơ sở phục vụ các dịch vụ bổ sung khác, bao gồm trạm xăng dầu, thiết bị cấp cứu, hệ thống cung cấp điện – nước sạch, bưu điện, dịch vụ Internet,…
Như vậy, cơ sở hạ tầng và kết cấu hạ tầng là tiền đề, là đòn bẩy của mọi hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động du lịch. Cơ sở vật chất – kỹ thuật, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình tạo ra và thực hiện sản phẩm du lịch cũng như quyết định khai thác các tiềm năng kỹ thuật. Vì vậy, sự phát triển của ngành du lịch bao giờ cũng gắn liền với xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật – chất kỹ thuật.
Du lịch là một ngành “sản xuất” nhiều và đa dạng về thể loại dịch vụ, hàng hoá nhằm thoả mãn nhu cầu của khách du lịch. Do vậy, việc tiêu dùng dịch vụ, hàng hoá du lịch đòi hỏi phải có một hệ thống, các cơ sở, các công trình đặc biệt… trong đó tài nguyên du lịch chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong tiêu dùng của khách du lịch. Việc sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống các công trình. Từ đặc điểm trên có thể hiểu cơ sở vật chất – kỹ thuật du lịch bao gồm toàn bộ các phương tiện vật chất tham gia vào việc tạo ra và thực hiện hàng hoá du lịch nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách du lịch.
Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất – kỹ thuật du lịch bao gồm cơ sở vật chất – kỹ thuật của ngành du lịch và cơ sở vật chất – kỹ thuật của một số ngành kinh tế quốc dân tham gia phục vụ du lịch như thương nghiệp, dịch vụ. Sự kết hợp hài hoà giữa các tài nguyên với việc xây dựng các cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kỹ thuật giúp cho sự hoạt động có hiệu quả của các cơ sở phục vụ du lịch, kéo dài thời gian hoạt động trong năm. Vị trí của các tài nguyên du lịch là căn cứ để bố trí hợp lý cơ sở vật chất – kỹ thuật trên các vùng lãnh thổ của đất nước và là tiền đề căn bản để hình thành các trung tâm du lịch.
Hàng hoá du lịch
Hàng hoá du lịch là toàn bộ những hàng hoá có thể được trao đổi trên thị trường chung của xã hội như: Thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, tặng phẩm… có loại rất bình dân, có loại cao cấp.
Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao về chất lượng và chủng loại của các hàng hoá du lịch, việc cung ứng những hàng hoá du lịch để đáp ứng nhu cầu du khách là hết sức phong phú và đa dạng, tuỳ thuộc vào phong tục tập quán, lịch sử văn hoá xã hội của mỗi vùng, mỗi quốc gia, phụ thuộc vào sở thích cá nhân và độ tuổi… Chính vì thế làm xuất hiện xu hướng đa dạng hoá gắn liền với độc đáo hoá hàng hoá du lịch. Đó là xu hướng tất yếu đối với hoạt động du lịch ở các quốc gia.
Việc cung ứng các hàng hoá du lịch còn phải chịu tác động của việc thường xuyên thay đổi nhu cầu của du khách, do tác động của các nguyên nhân như: thời tiết, thay đổi “mốt” ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng, sự biến động về tình hình kinh tế, chính trị… Trong số các hàng hoá du lịch, du khách thường đặc biệt quan tâm đến các đặc trưng nhất như: thực phẩm, đồ lưu niệm, tặng phẩm… thường mang tính đặc thù, phụ thuộc vào tập quán, lịch sử, văn hoá và xã hội của mỗi vùng, mỗi nước và phụ thuộc vào chính sở thích của mỗi khách du lịch.
Dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật, một mặt tạo ra các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ có chất lượng cao, thuận tiện cho du khách, giá thành hạ, tạo khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Mặt khác chính sự tiến bộ khoa học – công nghệ cũng tạo ra cho du khách nhiều nhu cầu mới trong nghỉ ngơi, giải trí. Tất cả những nhân tố trên đòi hỏi các cơ sở du lịch ở mỗi quốc gia đều phải nỗ lực nhằm tạo ra những sản phẩm hàng hoá du lịch độc đáo, đa dạng, chất lượng cao để đứng vững trong thị trường du lịch.
Mấy năm gần đây một luồng khách tuy mới phát triển nhưng rất có triển vọng đó là luồng khách từ Tây sang Đông. Theo các chuyên gia, thế kỷ này được coi là thế kỷ châu Á – Thái Bình Dương. Một số người đến đây để tìm cơ hội làm ăn, ký kết hợp đồng, nghiên cứu điều kiện đầu tư… Một số khác đi du lịch vì cảnh quan, vì một nền văn hoá phương Đông kỳ bí và đầy bản sắc. Những công trình kiến trúc tuy không đồ sộ nhưng ẩn chứa một giá trị tinh thần to lớn, những phong tục tập quán khác lạ… Luôn góp phần tạo nên những sản phẩm hàng hoá du lịch độc đáo, hấp dẫn.
3. Vai trò của kinh tế du lịch đối với sự phát triển kinh tế – xã hội
3.1. Tác động đến phát triển kinh tế
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng mang nội dung văn hoá sâu sắc có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao. Phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng của người dân và khách du lịch quốc tế, góp phần làm nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế xã hội của đất nước cho nên hoạt động của ngành du lịch có mối quan hệ tương tác với các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Từ đó du lịch được sử dụng làm phương tiện để phát triển các lĩnh vực trên, nếu người ta biết phát triển du lịch một cách bền vững và đúng hướng.
Ngày nay mạng lưới du lịch đã được thiết lập ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các lợi ích kinh tế mang lại từ du lịch là điều không thể phủ nhận, thông qua việc tiêu dùng của du khách đối với các sản phẩm của du lịch. Nhu cầu tiêu dùng của du khách bên cạnh việc tiêu dùng các hàng hoá thông thường còn có nhu cầu tiêu dùng đặc biệt như: nhu cầu nâng cao kiến thức, học hỏi, vãn cảnh, nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí, thái độ người phục vụ…
Điểm khác biệt giữa tiêu dùng dịch vụ du lịch và tiêu dùng các hàng hoá khác là tiêu dùng sản phẩm du lịch xảy ra cùng lúc, cùng nơi với việc sản xuất ra chúng. Đây cũng là lý do làm cho sản phẩm du lịch mang tính đặc thù và không thể so sánh giá cả của sản phẩm du lịch này với sản phẩm du lịch kia một cách tuỳ tiện được. Sự tác động qua lại của quá trình tiêu dùng và cung ứng sản phẩm du lịch tác động lên lĩnh vực phân phối lưu thông và do vậy ảnh hưởng đến các khâu của quá trình tái sản xuất xã hội. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế khác, vì sản phẩm du lịch mang tính liên ngành và có quan hệ đến nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế. Khi một khu vực nào đó trở thành một điểm du lịch, du khách ở mọi nơi đổ về sẽ làm cho nhu cầu về mọi hàng hoá, dịch vụ tăng lên đáng kể (nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, xây dựng, giao thông, vận tải, bưu điện…). Xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng đó của du khách mà ngành kinh tế du lịch không ngừng mở rộng hoạt động của mình, thông qua mối quan hệ liên ngành trong nền kinh tế, đồng thời nó tác động làm biến đổi cơ cấu ngành trong nền kinh tế quốc dân. Hơn nữa hàng hoá vật tư cho du lịch đòi hỏi phải có chất lượng cao, phong phú về chủng loại, hình thức đẹp, hấp dẫn. Điều đó có nghĩa là hàng hoá phải được sản xuất trên một công nghệ cao, trình độ tiên tiến, do đó buộc các chủ xí nghiệp phải tích cực cải tiến, áp dụng các thành tựu khoa học – công nghệ mới vào sản xuất để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Trên bình diện chung, hoạt động du lịch có tác dụng làm biến đổi cân bằng thu chi ngoại tệ cho đất nước. Du khách vào mang theo ngoại tệ làm tăng thêm nguồn thu ngoại tệ cho đất nước mà họ đến. Trong phạm vi một quốc gia, hoạt động du lịch tác động mạnh mẽ đến quan hệ hàng hoá tiền tệ, điều hoà vốn từ vùng kinh tế phát triển sang vùng kém phát triển hơn, kích thích sự tăng trưởng kinh tế ở các vùng sâu, vùng xa.
Một lợi ích kinh tế của du lịch là việc thu hút sử dụng lao động xã hội. Du lịch tạo công ăn việc làm cho người lao động như: các nhân viên khách sạn, lái xe taxi, hướng dẫn viên du lịch, công nhân xây dựng, chiêu đãi viên, nhân viên nhà hàng, công nhân vận chuyển, các dịch vụ tư vấn du lịch… Bên cạnh đó ngành du lịch còn tạo ra các nguồn thu làm lợi cho dân cư địa phương nhờ việc phát triển các hoạt động kinh tế. Các khoản thuế thu từ kinh doanh du lịch do khách du lịch đóng góp giúp địa phương chi tiêu cho giáo dục, y tế và các dịch vụ khác. Tiền do khách chi tiêu ở các nhà hàng, khách sạn góp phần chi trả tiền lương cho nhân viên và công việc khác. Ngoài ra khách còn bỏ tiền mua các hàng hoá dịch vụ, đây chính là một hình thức xuất khẩu tại chỗ đem lại lợi ích kinh tế rất tốt cho đất nước.
3.2. Tác động đến phát triển chính trị – xã hội – văn hoá
Tác động đến chính trị
Trước hết phải khẳng định du lịch là chiếc cầu nối hoà bình giữa các dân tộc trên thế giới. Hoạt động du lịch giúp các dân tộc xích lại gần nhau hơn, hiểu về giá trị văn hoá của nước bạn. Mọi quốc gia đều phải khẳng định an ninh chính trị và an toàn xã hội là điều kiện không thể thiếu để phát triển du lịch. Trong phạm vi các mối quan hệ kinh tế quốc tế, sự trao đổi du lịch quốc tế ngày càng mở rộng và phát triển. Du lịch nói chung, du lịch quốc tế nói riêng chỉ có thể phát triển được trong bầu không khí hoà bình, ổn định, trong tình hữu nghị giữa các dân tộc. Chiến tranh, khủng bố, nạn phân biệt chủng tộc, xung đột tôn giáo, thiên tai, dịch bệnh, diễn biến hòa bình…không thể tạo dựng một môi trường đủ để du lịch tồn tại, chưa nói đến phát triển và phát triển bền vững. ở góc độ quốc gia, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành du lịch với các ngành hữu quan đảm bảo và gắn kết giữa phát triển và bảo vệ an ninh quốc phòng và an toàn trong kinh doanh du lịch.
Tuy nhiên không phải không có những ảnh hưởng tiêu cực của du lịch về an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Du lịch là một trong những con đường mà các thế lực phản động thường hay sử dụng để tuyên truyền, kích động gây chia rẽ nội bộ. Bên cạnh đó bọn phản động cũng thường đội lốt du khách để xâm nhập sâu vào trong nước, nhằm móc nối, xây dựng cơ sở để chống đối chính quyền nước sở tại. Buôn bán, vận chuyển ma tuý, hàng hoá nhập lậu để gây mất trật tự an toàn xã hội.
Tác động đến văn hoá – xã hội
Tính văn hoá trong các hoạt động kinh doanh nói chung và trong du lịch nói riêng không chỉ thể hiện ở hành vi và thái độ văn hoá hoặc đạo đức trong phục vụ hay trong giao dịch kinh doanh của người kinh doanh mà còn thể hiện ở các sản phẩm kinh doanh.
Tính văn hoá của sản phẩm du lịch được thể hiện trong toàn bộ chi tiết từ điểm du lịch, tuyến du lịch, các dịch vụ và phương tiện dịch vụ…Ví dụ đối với điểm du lịch, tính văn hoá được thể hiện qua các giá trị mà điểm du lịch có thể cung cấp cho du khách, như những giá trị thẩm mỹ, về vệ sinh, môi trường, về khả năng nâng cao thể chất và tri thức cho du khách… Có thể coi việc xây dựng, tu sửa tuỳ tiện làm mất đi tính xác thực lịch sử của di tích là một hành vi phi văn hoá. Điều đó không những không có tác dụng thu hút khách du lịch mà ở chừng mực nhất định còn làm phương hại đến hình ảnh chung về nền văn hoá của cả quốc gia.
Bản thân văn hoá đã mang tính đặc thù cho mỗi một quốc gia, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là các sản phẩm du lịch đã mang sẵn tính độc đáo. Khai thác tính đặc thù của văn hoá dân tộc để hình thành các sản phẩm du lịch chính là tạo nên những sản phẩm du lịch văn hoá độc đáo.
Một trong những ảnh hưởng tích cực nhất của du lịch là ý thức giao lưu văn hoá. Vì một trong những chức năng của du lịch là giao lưu văn hoá giữa các cộng đồng – sự tăng cường hiểu biết giữa con người thuộc các quốc gia, giữa các nền văn hoá khác nhau. Ngày nay cơ hội để trao đổi kiến thức, trao đổi quan điểm, trao đổi tập quán nhiều hơn bất cứ lúc nào trong quá khứ.
Khi đi du lịch khách muốn thâm nhập vào các hoạt động văn hoá của địa phương. Thưởng thức những vẻ đẹp của phong cảnh tự nhiên, những giá trị văn hoá, lịch sử của khu vực và quốc gia. Chính những nhu cầu của du khách đã kích thích chính quyền và nhân dân sở tại chú trọng đến việc bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo các giá trị di tích lịch sử văn hoá của dân tộc.
Thông qua du lịch mọi người có điều kiện tiếp xúc với nhau, gần gũi nhau hơn. Như vậy, du lịch đã góp phần làm tăng thêm tình đoàn kết cộng đồng. Những chuyến thăm quan tại các di tích lịch sử, các công trình văn hoá, có tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, được sự hướng dẫn, giải thích cặn kẽ của các hướng dẫn viên du lịch, du khách sẽ thực sự cảm nhận được giá trị mà thường ngày họ không để ý đến.
Mặt khác, cũng chính nhờ có du lịch cuộc sống cộng đồng trở nên sôi động hơn, các nền văn hoá có điều kiện hòa nhập với nhau, làm cho đời sống tinh thần của con người ngày càng phong phú.
Tuy nhiên ảnh hưởng của du lịch đến văn hoá còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Chẳng hạn như khi du khách có ý định thâm nhập tìm hiểu hoạt động văn hoá của địa phương, song sự xâm nhập đó bị lạm dụng và trở thành sự xâm hại. Mặt khác để thoả mãn nhu cầu của du khách, vì lợi ích kinh tế trước mắt, nên các hoạt động văn hoá, truyền thống được trình diễn một cách thiếu tự nhiên, cẩu thả làm trò cười cho du khách. Nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết về nguồn gốc ý nghĩa của các hành vi lễ hội, người ta giải thích một cách sai lệch thậm chí bậy bạ. Như vậy, giá trị truyền thống bị đem ra làm trò tiêu khiển và bị lu mờ bởi sự lạm dụng vì mục đích kinh tế.
Do chạy theo số lượng, không ít các mặt hàng truyền thống được chế tác, nhại lại để làm hàng lưu niệm cho du khách. Việc sản xuất cầu thả, kém chất lượng đã làm méo mó giá trị chân thực của truyền thống, làm sai lệch hình ảnh của một nền văn hoá bản địa.
Một ảnh hưởng tiêu cực nữa của du lịch đối với văn hoá là thông qua du lịch những kẻ xấu tuồn vào nội địa những sản phẩm văn hoá độc hại, khuyến khích dân bản địa cung cấp dịch vụ trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
3.3. Tác động của du lịch đến môi trường
Quan hệ giữa du lịch và môi trường là một mối quan hệ khăng khít mà ngày nay các quốc gia đều quan tâm giải quyết. Một mặt thông qua việc tiêu thụ các sản phẩm du lịch mà con người có điều kiện hiểu biết sâu sắc thêm về tự nhiên, thấy được giá trị thiên nhiên đối với đời sống con người. Điều này cũng có nghĩa là, bằng thực tiễn phong phú, du lịch góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục môi trường, một vấn đề toàn thế giới đang hết sức quan tâm. Bên cạnh đó xuất phát từ nhu cầu của du khách tại những nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên, đã kích thích các cơ sở du lịch và các quốc gia phải có chính sách tu bổ, tôn tạo, bảo vệ tự nhiên để tăng tính hấp dẫn của du khách. Mặt khác do hoạt động ồ ạt sẽ tạo ra nguy cơ làm suy thoái tài nguyên du lịch tự nhiên. Sự tập trung quá nhiều người và thường xuyên tại các địa điểm du lịch, làm cho thiên nhiên không kịp phục hồi và đi đến chỗ bị huỷ hoại. Sự có mặt của những đoàn người đã uy hiếp đời sống một số loài vật hoang dã. Ngày nay, khi đi thăm quan các điểm du lịch, nhất là các vườn quốc gia du khách khó có thể nhìn thấy các loại thú đặc trưng như; vượn, khỉ …Nhũ đá trong các hang động như: Thẳm Chăng Văng Viêng (tỉnh Viêng Chăn), Thẳm Piu (tỉnh Xiêng Khoảng)…đang bị mất dần vẻ tự nhiên hoang sơ. Chúng trở nên nhẵn nhụi do bị du khách va chạm nhiều lần hay bị phủ một lớp khói đen do đốt hương của du khách. Không ít người còn muốn để lại dấu ấn của mình tại các điểm du lịch. Tình trạng rác thải bừa bãi trong mùa du lịch tại các điểm du lịch đã lên mức báo động. Mặt khác sự gia tăng không có kế hoạch của các công trình phục vụ khách, quá với khả năng chịu tải của cơ sở hạ tầng, cũng góp phần làm cho mức độ ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng. Trước tình hình này, nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có nước Lào rất quan tâm đến việc “du lịch xanh” – một quan điểm phát triển du lịch lâu bền. Trong một số tài liệu về du lịch xanh được giải thích là một loại hình du lịch để đưa du khách đến với thiên nhiên, đến với màu xanh của tự nhiên. Tuy nhiên du lịch xanh không phải là một loại hình du lịch, mà là một quan điểm phát triển du lịch, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Chính vì vậy người ta còn gọi du lịch xanh là du lịch trách nhiệm, du lịch cân nhắc, du lịch sinh thái… Như vậy theo quan điểm này trước khi đưa một sản phẩm du lịch vào thị trường phải cân nhắc cả những mặt trái của nó để tránh hậu quả xấu cho môi trường. Vì vậy trong điều kiện của Lào nếu việc phát triển du lịch chỉ chú ý đến việc chạy theo số lượng khách mà không chú ý bảo tồn tài nguyên thì chính sự phát triển hôm nay lại phá hoại sự phát triển ngày mai của bản thân ngành du lịch, một ngành kinh tế đầy tiềm năng của đất nước.
Sự phát triển của du lịch có những ảnh hưởng mang tính hai mặt: tích cực và tiêu cực tới con người, nền văn hoá và lối sống của các sắc tộc trên thế giới. Lợi ích của du lịch về các mặt kinh tế, giáo dục và văn hoá là vô cùng quan trọng, không thể bỏ qua. Hội đồng lữ hành và du lịch thế giới (WTO) tin tưởng rằng du lịch sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhiều vấn đề kinh tế, xã hội hiện nay. Du lịch sẽ tạo nhiều công ăn việc làm mới, mở rộng giao lưu hàng hoá tiền tệ, giúp các nước đang phát triển thúc đẩy nền kinh tế, tăng cường phát triển công nghệ, đào tạo và giao lưu văn hoá.
Trả lời