Trong bài viết dưới đây, tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn những nội dung cơ sở lý luận về tỷ giá hối đoái. Bao gồm: Khái niệm, phân loại, các yếu tố tác động và chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam.
1. Khái niệm và phân loại tỷ giá hối đoái
1.1. Khái niệm tỷ giá hối đoái
Trong chế độ bản vị vàng: Tỷ giá hối đoái là quan hệ so sánh 2 đồng tiền vàng của 2 nước với nhau hoặc là so sánh hàm lượng vàng của 2 đồng tiền 2 nước với nhau.
Ví dụ: hàm lượng vàng của 1 Bảng Anh là 2,488281 gam, 1 USD là 0,888671 gam, do đó quan hệ so sánh giữa GBP và USD là:
1 GBP = 2,488281/0,888671 = 2,80 USD
Trong chế độ bản vị hối đoái: Tỷ giá hối đoái là giá cả của một đơn vị tiền tệ của một nước tính bằng tiền tệ của một nước khác, hay là quan hệ so sánh về mặt giá cả giữa hai đồng tiền của 2 nước khác nhau. [1, tr.196]
Các cách yết giá:
Theo cách yết giá trực tiếp (ngoại tệ/ nội tệ) thì tỷ giá là giá của đồng ngoại tệ tính theo đơn vị nội tệ. Ví dụ tỷ giá EUR/VND trên thị trường Việt Nam ngày 27/07/2016 là 24.347 VND (EUR: euro, đồng tiền chung Châu Âu) và ở đây giá 1EUR đã được biểu hiện trực tiếp bằng VND.
Theo cách yết giá gián tiếp (nội tệ/ngoại tệ) thì tỷ giá là giá cả của đồng nội tệ tính theo ngoại tệ. Ví dụ: tại London, ngân hàng yết giá 1GBP = 1,7618 USD.
Trong tỷ giá EUR/VND, EUR đứng trước gọi là tiền yết giá và là một đơn vị tiền tệ; VND đứng sau là tiền định giá, là một số đơn vị tiền tệ và thay đổi phụ thuộc vào thời giá của tiền yết giá.
Xem thêm: Dịch vụ cung cấp tài liệu làm luận văn theo yêu cầu |
1.2. Phân loại tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái trên cơ sở thực tiễn đã được phân làm nhiều loại, dựa trên nhiều căn cứ khác nhau, người viết xin đưa ra một số cách phân loại tỷ giá tiêu biểu sau đây:
Căn cứ vào thời điểm thanh toán
Tỷ giá giao ngay: là tỷ giá dùng cho các giao dịch ngoại hối mà việc thanh toán được diễn ra ngay vào ngày hôm đó hoặc chậm nhất sau 2 ngày làm việc trừ ngày nghỉ cuối tuần và ngày nghỉ hàng tuần của các quốc gia hồi giáo.
Tỷ giá kỳ hạn: là tỷ giá được dùng cho các giao dịch kỳ hạn, thời gian giữa ngày ký hợp đồng và ngày giao tiền thường kéo dài từ 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hay 1 năm.
Căn cứ vào tính chất của tỷ giá
Tỷ giá danh nghĩa (norminal exchange rate): Tỷ giá danh nghĩa được hiểu là tỷ giá đo lường giá trị danh nghĩa của đồng tiền mà không phản ánh sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước trong trao đổi thương mại quốc tế.
Tỷ giá thực tế (real exchange rate): là tỷ giá danh nghĩa đã được điều chỉnh theo mức giá tương đối giữa các nước, có tính đến sức mua thực tế và quyết định tính cạnh tranh của hàng hóa quốc gia.
Tỷ giá danh nghĩa được công bố hàng ngày trên thông tin đại chúng trong khi tỷ giá thực tế phải được tính toán dựa trên tỷ giá danh nghĩa như sau:
Tỷ giá thực tế = Tỷ giá danh nghĩa * Mức giá nước ngoài/Mức giá trong nước
Căn cứ vào phương tiện thanh toán
Tỷ giá điện hối: là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng điện, là cơ sở xác định các loại tỷ giá khác.
Tỷ giá thư hối: là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng thư.
Căn cứ vào cơ chế quản lý ngoại hối
Ở những nước kém phát triển, ngoài thị trường ngoại hối chính thức còn xuất hiện thị trường chợ đen, tỷ giá được chia thành tỷ giá chính thức do ngân hàng trung ương quy định và tỷ giá chợ đen do quan hệ cung cầu ngoại hối quyết định.
Căn cứ vào hoạt động thanh toán ngoại thương
Tỷ giá xuất khẩu: tỷ giá xuất khẩu được tính bằng tỷ số của giá bán hàng xuất khẩu theo điều kiện F.O.B bằng ngoại tệ với giá bán buôn xí nghiệp cộng thuế xuất khẩu bằng nội tệ.
Tỷ giá nhập khẩu: tỷ giá nhập khẩu được tính bằng tỷ số giữa giá bán buôn hàng nhập khẩu tại cảng bằng nội tệ với với giá nhập khẩu bằng ngoại tệ. Khái niệm tỷ giá xuất khẩu và tỷ giá nhập khẩu chính xác hơn chính là tỷ suất phí của hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu. Để doanh nghiệp xuất nhập khẩu có lãi thì bất đẳng thức sau phải được thỏa mãn: tỷ giá xuất khẩu < tỷ giá chính thức < tỷ giá nhập khẩu.
Căn cứ vào chế độ tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái cố định (fixed exchange rate): là tỷ giá được nhà nước ấn định cố định trong tương quan giá cả giữa nội tệ và ngoại tệ.
Tỷ giá thả nổi hoàn toàn (freely floating exchange rate): tỷ giá thả nổi hoàn toàn được xác lập hoàn toàn dựa trên cung cầu ngoại hối.
Tỷ giá thả nổi có quản lý: Đây là loại tỷ giá được ưa chuộng nhất, là sự kết hợp giữa tỷ giá cố định và tỷ giá thả nổi, nó khắc phục được các nhược điểm của cả hai loại tỷ giá trên.
2. Các yếu tố tác động đến tỷ giá hối đoái
2.1. Các yếu tố dài hạn
Tương quan lạm phát giữa hai đồng tiền
Theo lý thuyết ngang giá sức mua, tỷ giá giữa hai đồng tiền phải biến động để phản ánh tương quan lạm phát giữa chúng theo công thức:
Qua đó, có thể nhận thấy tỷ giá biến động do lạm phát phụ thuộc vào mức chênh lệch lạm phát của hai đồng tiền và nước nào có mức độ lạm phát lớn hơn thì đồng tiền nước đó sẽ giảm sức mua hơn.
Ngoại hối có giá cả, bởi vì ngoại hối cũng là một loại hàng hoá đặc biệt. Giá cả của ngoại hối cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố làm cho nó biến động như mức độ lạm phát và giảm phát, cung và cầu ngoại hối trên thị trường…
Lạm phát rõ ràng là một nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá hối đoái, đặc biệt là tỷ giá hối đoái thực tế do tỷ giá này được xây dựng trên cơ sở tính toán lạm phát. Chính vì vậy, khi điều hành công cụ tỷ giá, cần phân tích kĩ động thái lạm phát nhằm tránh những tình huống xấu có thể xảy ra gây tổn hại nền kinh tế quốc gia.
Giá thế giới của hàng hóa xuất nhập khẩu
Giá thế giới của hàng hóa xuất khẩu tăng hay giá thế giới của hàng hóa nhập khẩu giảm đều có tác động cải thiện cán cân thương mại, khiến tăng cung, giảm cầu ngoại tệ, từ đó khiến cho tỷ giá giảm. Ngược lại, giá thế giới của hàng hóa nhập khẩu tăng hay giá thế giới của hàng hóa xuất khẩu giảm đều có tác dụng xấu tới cán cân thương, mại khiến giảm cung, tăng cầu ngoại tệ, từ đó khiến cho tỷ giá tăng.
Thu nhập thực của người cư trú và người không cư trú
Thu nhập thực của người cư trú tăng tương đối so với người không cư trú, sẽ kích thích tăng nhập khẩu ròng, làm tăng cầu ngoại tệ khiến cho tỷ giá tăng. Ngược lại, thu nhập của người không cư trú tăng tương đối so với người cư trú, sẽ kích thích tăng xuất khẩu ròng, làm tăng cung ngoại tệ, khiến cho tỷ giá giảm.
Thuế quan và hạn ngạch trong nước
Một quốc gia tăng mức thuế quan, hoặc áp dụng hạn ngạch đối với hàng nhập khẩu, làm giảm cung ngoại tệ, sẽ có tác dụng làm cho tỷ giá tăng. Ngược lại, phía nước ngoài giảm mức thuế quan, hoặc dỡ bỏ hạn ngạch đối với hàng nhập khẩu, làm tăng cung ngoại tệ, sẽ có tác dụng làm cho tỷ giá giảm.
Tâm lý ưa thích hàng ngoại
Khi người dân của một nước có tâm lý ưa thích hàng ngoại hơn hàng nội, nước đó sẽ có nhu cầu nhập khẩu tăng lên, làm tăng cầu ngoại tệ, từ đó khiến cho tỷ giá tăng.
Các nhân tố quyết định đến thu nhập từ người lao động nước ngoài
Các yếu tố như số lượng, mức lương và tỷ lệ tiết kiệm của họ, cũng như các nhân tố quyết định đến thu nhập từ đầu tư nước ngoài, như giá trị đầu tư nước ngoài trước đó và tỷ lệ sinh lời của đầu tư cũng ảnh hưởng đến cán cân thu nhập, từ đó tác động đến tỷ giá. Cán cân thu nhập ròng dương (thu lớn hơn chi) làm tăng cung ngoại tệ sẽ khiến tỷ giá giảm. Ngược lại, cán cân thu nhập ròng âm (thu nhỏ hơn chi) làm tăng cầu ngoại tệ, sẽ khiến tỷ giá tăng.
Những nhân tố trên tác động đến từng cán cân bộ phận của cán cân vãng lai (bao gồm cán cân thương mại, cán cân dịch vụ, cán cân chuyển giao một chiều và cán cân thu nhập), qua đó tác động đến xu hướng biến động tỷ giá trong dài hạn.
2.2. Các nhân tố thuộc về ngắn hạn
Tương quan lãi suất giữa hai đồng tiền
Theo lý thuyết ngang giá lãi suất, tỷ giá giữa hai đồng tiền phải biến động để phản ánh tương quan mức lãi suất giữa chúng, theo công thức:
Vì R và R* là mức lãi suất, nên tần suất thay đổi phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của NHTW. NHTW thường xuyên thay đổi lãi suất để tác động tích cực đến nền kinh tế, tần suất thay đổi lãi suất càng nhiều làm cho tỷ giá biến động càng nhanh. Chính vì vậy, tương quan lãi suất giữa hai đồng tiền quyết định xu hướng vận động của tỷ giá trong ngắn hạn. [1, tr.400]
Sự can thiệp của NHTW trên thị trường ngoại hối (Forex)
Động thái mua ngoại tệ vào của NHTW sẽ làm tăng cầu ngoại tệ trên Forex khiến tỷ giá tăng, ngược lại, động thái bán ngoại tệ của NHTW sẽ làm tăng cung ngoại tệ trên Forex, khiến tỷ giá giảm. Ngày nay, các NHTW thường xuyên can thiệp bằng cách mua bán ngoại tệ trên Forex để tỷ giá có lợi cho nền kinh tế.
3. Tác động của tỷ giá hối đoái đến hoạt động ngoại thương
3.1. Tác động của tỷ giá hối đoái đến hoạt động xuất khẩu
Xuất khẩu là một trong hai yếu tố cấu thành cơ bản nên hoạt động ngoại thương, tác động của tỷ giá lên ngoại thương sẽ được xem xét trước tiên thông qua tác động của biến động tỷ giá lên hoạt động xuất khẩu.
Ảnh hưởng của biến động tỷ giá lên kim ngạch xuất khẩu
Khi tỷ giá đồng nội tệ tăng lên, lượng ngoại tệ thu về từ hoạt động xuất khẩu sẽ giảm xuống, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu tính ra đồng nội tệ bị thu hẹp, xuất khẩu không được khuyến khích hay xu thế chung thường gặp là một sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu. Giả sử tỷ giá hối đoái đồng Việt Nam tăng từ 1 USD = 22.000VND lên 1USD = 20.000VND thì một nhà xuất khẩu A với doanh thu 100.000USD sẽ bị thiệt một khoản tiền là (22.000- 20.000)* 100.000 = 200.000.000 VND. Nếu tỷ giá diễn biến tăng liên tục trong một thời gian dài, lợi nhuận các doanh nghiệp xuất khẩu giảm dần, lượng hàng xuất khẩu sản xuất ra cũng sẽ trở nên khan hiếm, kim ngạch xuất khẩu do vậy sẽ liên tiếp sụt giảm cho đến khi trở về 0. Vấn đề này ảnh hưởng xấu đối với kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, khi tỷ giá đồng nội tệ giảm xuống thì một tương lai tươi sáng lại mở ra cho các nhà xuất khẩu, do lượng ngoại tệ thu về đổi ra được nhiều nội tệ hơn, kim ngạch xuất khẩu tăng lên, kích thích hoạt động xuất khẩu tăng trưởng và phát triển với điều kiện các chi phí đầu vào của sản xuất hàng xuất khẩu không tăng lên tương ứng. Nhà xuất khẩu A trong ví dụ trên sẽ được lãi thay vì lỗ 200 triệu VND nếu giá VND giảm từ 1USD = 20.000VND xuống 1USD = 22.000VND, hay USD (ngoại tệ) tăng giá.
Ảnh hưởng của biến động tỷ giá lên cơ cấu hàng xuất khẩu
Đối với cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, các mặt hàng nông sản thô, sơ chế dường như nhạy cảm hơn đối với mọi biến động tăng, giảm của tỷ giá hối đoái so với các mặt hàng như máy móc, thiết bị toàn bộ, xăng dầu…Lý do được đưa ra nhằm giải thích cho vấn đề này đó là độ co giãn của các mặt hàng nông sản, thô, sơ chế đối với giá xuất khẩu hoặc tỷ giá hối đoái áp dụng là rất cao, do đây là các mặt hàng có thể thay thế được trong khi độ co giãn của các mặt hàng máy móc, thiết bị toàn bộ, các mặt hàng không thể thay thế được như xăng, dầu … là rất thấp. Tỷ giá hối đoái tăng lên khiến giá hàng xuất khẩu bị đắt tương đối, các mặt hàng dễ bị thay thế là danh mục đầu tiên bị loại ra khỏi danh sách sử dụng của người tiêu dùng ngoại quốc và các mặt hàng này cũng sẽ mất dần trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Giả sử người tiêu dùng Mỹ thích ăn thịt bò đóng hộp của Việt Nam được bán với mức giá 22.000VND/hộp, ở mức tỷ giá 1USD = 22.000VND, chỉ cần 1 USD là người tiêu dùng Mỹ đã có thể mua được một hộp; nay tỷ giá tăng lên 1 USD = 11.000VND thì người Mỹ phải cần đến 2 USD mới có thể có thịt bò hộp của Việt Nam trong tay. Lúc ấy, thay vì sử dụng thịt bò từ Việt Nam, họ sẽ sử dụng thịt bò của Chile với giá rẻ hơn hoặc chuyển sang ăn thịt gà. Nếu giá VND vẫn giữ ở mức cao như vậy, cầu đối với thịt bò hộp của Việt Nam từ người dân Mỹ sẽ giảm dần và tiến tới bằng 0, trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam, sẽ không còn thịt bò đóng hộp nữa. Trái lại, khi tỷ giá giảm, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có thể sẽ trở nên phong phú hơn do tính cạnh tranh về giá, sự tăng doanh thu xuất khẩu khiến các nhà xuất khẩu đa dạng hóa mặt hàng…Đối với các mặt hàng không thể thay thế như xăng dầu thì tỷ giá có tăng hay giảm cũng hầu như không ảnh hưởng gì mấy đến cơ cấu cũng như tỷ trọng các mặt hàng này.
Ảnh hưởng của biến động tỷ giá lên tính cạnh tranh của xuất khẩu
Đối với cạnh tranh về giá hàng xuất khẩu, một sự tăng lên của tỷ giá nội tệ của nước này so với các đồng tiền nước khác sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu nước này trở nên kém tính cạnh tranh do giá cả đắt hơn, ngược lại nếu giá đồng nội tệ giảm tức tỷ giá giảm sẽ khiến giá hàng xuất khẩu trở nên rẻ tương đối, tính cạnh tranh về giá tăng lên. Trong cùng một thị trường tiêu thụ nếu chất lượng hàng hóa như nhau thì xu hướng chung, người tiêu dùng sẽ sử dụng sản phẩm nào rẻ hơn. Và giả sử chi phí sản xuất tại các quốc gia quy về cùng một đồng tiền là ngang nhau thì nước nào có mức giảm tỷ giá đồng tiền nước mình so với giá bản tệ của thị trường tiêu thụ lớn hơn thì tính cạnh tranh về giá của nước đó cao hơn, nước đó có cơ hội phát triển xuất khẩu nhiều hơn.
Tóm lại, giá đồng nội tệ giảm có lợi cho xuất khẩu, giá đồng nội tệ tăng ngược lại sẽ gây bất lợi. Xu hướng này hầu như đúng đối với các quốc gia thực thi chế độ tỷ giá thả nổi hoặc thả nổi có quản lý, còn đối với các quốc gia theo chế độ tỷ giá cố định, việc giảm, tăng tỷ giá chính là giảm, tăng tỷ giá danh nghĩa, không phải tỷ giá thực, do đó nếu một sự giảm tỷ giá mà vẫn khiến tỷ giá danh nghĩa cao hơn tỷ giá thực thì đồng nội tệ vẫn bị xem là định giá cao hơn giá trị thực, tác dụng thúc đẩy xuất khẩu sẽ không nhiều.
3.2. Tác động của tỷ giá hối đoái đến hoạt động nhập khẩu
Phần còn lại của ngoại thương chính là hoạt động nhập khẩu. Có người cho rằng để ngoại thương phát triển cần tăng cường xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, nhập khẩu làm tổn hại nền kinh tế, làm tiêu tốn ngoại tệ dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại. Quan niệm này dường như quá khe khắt bởi chính hoạt động nhập khẩu lại góp phần thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu là tiền đề cho xuất khẩu và đến lượt xuất khẩu lại cung cấp vốn cho nhập khẩu. Những ảnh hưởng của biến động tỷ giá hối đoái lên ngoại thương do đó cần phải xem xét cả trên hoạt động nhập khẩu.
Ảnh hưởng của biến động tỷ giá lên kim ngạch nhập khẩu
Trên phương diện kim ngạch nhập khẩu, xu hướng chung thường thấy là khi giá đồng nội tệ tăng hay tỷ giá nội tệ tăng, nhập khẩu sẽ được khuyến khích do giá nhập khẩu trở nên rẻ tương đối, chi phí nhập khẩu giảm, lượng nhập khẩu tăng lên dẫn đến sự tăng lên trong kim ngạch nhập khẩu. Giả sử giá một bộ hộp đựng bút tại Mỹ là 1USD, ở mức tỷ giá 1 USD = 22.000 VND, nhà nhập khẩu B của Việt Nam phải bỏ ra 100 USD (khoảng 2,2 triệu VND) để mua 100 hộp bút. Nếu tỷ giá tăng 1 USD = 21.000 VND, chi phí nhập khẩu 100 hộp bút sẽ giảm xuống còn 2,1 triệu VND (khoảng 5%). Điều này đồng nghĩa với việc giá nhập khẩu hộp bút rẻ đi 5%, theo quy luật cung cầu: giá giảm – cầu tăng, để tăng lợi nhuận, các nhà nhập khẩu có thể sẽ tăng lượng nhập khẩu kéo theo sự tăng lên tương ứng trong kim ngạch nhập khẩu hộp bút. Bên cạnh đó, khi tỷ giá giảm (đồng nội tệ giảm giá) sẽ gây bất lợi cho nhập khẩu, giá nhập khẩu trở nên đắt hơn, việc các nhà nhập khẩu phải bỏ nhiều tiền hơn để mua một lượng ngoại tệ như cũ sẽ dẫn đến việc giảm lợi nhuận các nhà nhập khẩu. Một khi lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí, cầu nhập khẩu giảm xuống, do đó kim ngạch nhập khẩu giảm.
Ảnh hưởng của biến động tỷ giá lên cơ cấu nhập khẩu
Trên phương diện cơ cấu nhập khẩu, tỷ giá hối đoái tăng sẽ khiến các nhà quản lý cân nhắc xem sẽ phải nhập khẩu những mặt hàng gì, những mặt hàng như nông sản có thể sẽ bị hạn chế, các mặt hàng như xăng, dầu, máy móc, thiết bị toàn bộ có thể sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục nhập khẩu, còn tỷ giá hối đoái giảm sẽ khiến cho các nhà quản lý cần nhắc cho chiều hướng ngược lại.
Ảnh hưởng của biến động tỷ giá lên tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu
Xét về tính cạnh tranh nhập khẩu, không một quốc gia nào muốn sản phẩm nhập khẩu lại có tính cạnh tranh cao hơn sản phẩm trong nước, khi tỷ giá tăng lên, sản phẩm nhập khẩu có lợi thế trong khi sản phẩm trong nước lại bất lợi về giá, khi tỷ giá giảm, cạnh tranh về giá của sản phẩm nhập khẩu không còn, việc tỷ giá giảm tương đương với việc đánh thuế lên hàng nhập khẩu do đó hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn, nếu tình trạng này kéo dài, hàng hóa nhập khẩu từ thị trường này có thể được thay thế bằng hàng hóa thị trường khác hoặc sản phẩm trong nước.
4. Chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam
4.1. Khái niệm và mục tiêu của chính sách tỷ giá
Chính sách tỷ giá là một bộ phận của chính sách kinh tế, nên về khái niệm, mục tiêu, nội dung và công cụ điều hành, chính sách tỷ giá phải nhất quán với chính sách kinh tế của chính phủ.
Theo nghĩa rộng, chính sách tỷ giá là những hoạt động của chính phủ (mà đại diện thường là NHTW thông qua một chế độ tỷ giá nhất định hay cơ chế điều hành tỷ giá) và hệ thống các công cụ can thiệp nhằm duy trì 1 mức tỷgiá cố định hay tác động để tỷ giá biến động đến một mức cần thiết phù hợp với mục tiêu chính sách kinh tế quốc gia. [1, tr.291]
Là một bộ phận của chính sách kinh tế, chính sách tỷ giá theo nghĩa rộng cũng phải có mục tiêu phù hợp với mục tiêu của chính sách kinh tế. Nhìn chung, mục tiêu của chính sách kinh tế của một quốc gia thường bao gồm:
- Ổn định giá cả
- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công ăn việc làm đầy đủ.
- Cân bằng cán cân vãng lai
Tỷ giá là một biến số kinh tế, tác động đến hầu hết các mặt hoạt động của nền kinh tế, nhưng hiệu quả ảnh hưởng của tỷ giá lên các hoạt động khác nhau là rất khác nhau. Trong đó, hiệu quả tác động của tỷ giá đến hoạt động xuất nhập khẩu là rõ ràng và nhanh chóng. Các quốc gia chính vì thế luôn sử dụng tỷ giá như là một công cụ hữu hiệu để điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của mình. Chính vì vậy, theo nghĩa hẹp, chính sách tỷ giá là những hoạt động của chính phủ thông qua cơ chế điều hành tỷ giá và hệ thống các công cụ can thiệp nhằm đạt được một mức tỷ giá nhất định, để tỷ giá tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của quốc gia. [1, tr.294]
Theo đó, khi nhắc đến mục tiêu của chính sách tỷ giá, người ta thường hiểu đó là mục tiêu điều chỉnh cán cân vãng lai, cụ thể là mục tiêu điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ của mỗi quốc gia.
4.2. Các công cụ của chính sách tỷ giá
Các công cụ này được chia thành hai nhóm là nhóm công cụ trực tiếp và nhóm công cụ gián tiếp.
Nhóm công cụ tác động trực tiếp lên tỷ giá
Thông thường, đó là hoạt động của NHTW trên Forex thông qua việc mua bán đồng nội tệ nhằm duy trì một tỷ giá cố định (chế độ tỷ giá cố định) hay ảnh hưởng làm cho tỷ giá thay đổi đạt tới một mức nhất định theo mục tiêu đã đề ra (chế độ tỷ giá thả nổi có điều tiết). Để tiến hành can thiệp, NHTW buộc phải có một lượng dự trữ ngoại hối đủ mạnh. Ngoài ra, thuộc nhóm công cụ trực tiếp, các biện pháp can thiệp hành chính của chính phủ có thể áp dụng như:
Biện pháp kết hối
Các quy định hạn chế đối tượng được mua ngoại tệ, hạn chế sử dụng ngoại tệ, hạn chế số lượng mua ngoại tệ, hạn chế thời điểm được mua ngoại tệ…
Nhóm công cụ tác động gián tiếp lên tỷ giá
Lãi suất tái chiết khấu: Lãi suất tái chiết khấu tăng sẽ khiến tăng mặt bằng lãi suất thị trường, thu hút luồng vốn ngoại tệ chảy vào làm cho tỷ giá giảm. Lãi suất tái chiết khấu giảm sẽ có tác dụng ngược chiều.
Thuế quan: Mức thuế quan cao có tác dụng hạn chế nhập khẩu, làm cho cầu ngoại tệ giảm, khiến tỷ giá giảm. Mức thuế quá thấp sẽ có tác dụng ngược lại.
Hạn ngạch: Hạn ngạch có tác dụng hạn chế nhập khẩu, do vậy có tác dụng lên tỷ giá giống như thuế quan cao, tức tỷ giá tăng. Hạn ngạch được dỡ bỏ có tác dụng ngược lại.
Giá cả: Chính phủ có thể trợ giá cho những mặt hàng xuất khẩu chiến lược hay những mặt hàng đang trong giai đoạn đầu sản xuất. Trợ giá xuất khẩu làm cho khối lượng xuất khẩu tăng, làm tăng cung ngoại tệ khiến tỷ giá giảm. Ngược lại, chính phủ có thể bù giá cho một số mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, kết quả là nhập khẩu tăng, tăng cầu ngoại tệ, khiến tỷ giá tăng.
Ngoài các công cụ gián tiếp trên, trong từng thời kỳ chính phủ có thể áp dụng một số biện pháp sau:
Điều chỉnh tỷ lệ dựng trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các NHTM.
Quy định mức lãi suất trần kém hấp dẫn đối với tiền gửi bằng ngoại tệ.
Quy định trạng thái ngoại tệ đối với các NHTM.
Trong số các công cụ gián tiếp này, công cụ lãi suất tái chiết khấu thường được sử dụng nhiều nhất và tỏ ra hiệu quả nhất.
4.3. Chế độ tỷ giá và vai trò của ngân hàng trung ương
Chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn
Khái niệm: Chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn là chế độ, trong đó tỷ giá được xác định hoàn toàn tự do theo quy luật cung cầu trên thị trường ngoại hối mà không có bất cứ sự can thiệp nào của NHTW [1, tr.300]
Đặc điểm: Trong chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn, sự biến động của tỷ giá là không giới hạn và luôn phản ánh những thay đổi trong quan hệ cung cầu trên thị trường ngoại hối.
Vai trò của NHTW: NHTW tham gia thị trường ngoại hối với tư cách là một thành viên bình thường, có thể mua hoặc bán một đồng tiền nhất định để phục vụ cho mục đích hoạt động của mình chứ không nhằm mục đích can thiệp lên tỷ giá hay để cố định tỷ giá.
Chế độ tỷ giá thả nổi có điều tiết
Khái niệm: Chế độ tỷ giá thả nổi có điều tiết là chế độ. Trong đó, NHTW tiến hành can thiệp tích cực trên thị trường ngoại hối nhằm duy trì tỷ giá biến động trong một phạm vi nhất định. [1, tr.301]
Đặc điểm: NHTW không cam kết duy trì cố định tỷ giá hay một biên độ giao động hẹp xung quanh tỷ giá cố định. Chế độ tỷ giá thả nổi có điều tiết được xem là chế độ tỷ giá hỗn hợp giữa chế độ tỷ giá thả nổi và chế độ tỷ giá cố định.
Vai trò của NHNN: NHTW tích cực và chủ động can thiệp lên tỷ giá.
Chế độ tỷ giá cố định
Khái niệm: Chế độ tỷ giá cố định là chế độ tỷ giá, trong đó, NHTW công bố cam kết can thiệp để duy trì tỷ giá cố định (gọi là tỷ giá trung tâm) trong một biên độ hẹp đã được định trước. [1, tr.301]
Đặc điểm: Tỷ giá được NHTW cam kết cố định trong một biên độ hẹp (thường từ 2% – 5%), không phụ thuộc vào quan hệ cung cầu trên thị trường ngoại hối.
Vai trò của NHTW: Trong chế độ tỷ giá cố định, NHTW buộc phải mua vào hay bán ra một đồng nội tệ trên thị trường ngoại hối nhằm duy trì cố định tỷ giá trung tâm và duy trì sự biến động của nó trong một biên độ hẹp đã định trước. Để làm được điều đó, NHTW buộc phải có sẵn nguồn dự trữ ngoại hối đủ lớn.
Để lại một bình luận