Trong bài viết sau đây, tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn nội dung cơ sở lý luận về hệ thống phân phối sản phẩm. Bao gồm: Định nghĩa, vai trò và chức năng.
1. Định nghĩa hệ thống phân phối
Có rất nhiều khái niệm về kênh phân phối hay hệ thống phân phối. Tùy theo góc độ nghiên cứu khác nhau, người ta có thể đưa ra những khái niệm khác nhau về kênh phân phối. Có một số khái niệm về kênh phân phối hay hệ thống phân phối như sau:
Dưới quan điểm của các nhà quản lý vĩ mô, hệ thống kênh phân phối chính là một hệ thống kinh tế có chức năng làm phù hợp cung cầu hàng hóa trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế. [1,10]
Từ góc độ doanh nghiệp sản xuất, kênh phân phối là một tập hợp cá nhân DN và cá nhân độc lập và phụ thuộc lẫn nhau mà qua đó DN thực hiện hoạt động bán sản phẩm tới người sử dụng hoặc người tiêu dùng cuối cùng. Nói cách khác, kênh phân phối là hệ thống quan hệ của một nhóm các tổ chức và cá nhân tham gia vào quá trình đưa hàng hóa từ người sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng. Kênh phân phối là một hệ thống các mối quan hệ tồn tại giữa các tổ chức liên quan trong quá trình mua và bán hàng hóa. Kênh phân phối là đối tượng để tổ chức, quản lý như một công cụ marketing trọng yếu của các DN trên thị trường đồng thời là đối tượng nghiên cứu để hoạch định các chính sách quản lý kinh tế và thương mại ở tầm vĩ mô. Các kênh phân phối của các doanh nghiệp tạo nên hệ thống thương mại phức tạp trên thị trường quốc gia và quốc tế. [1,10-11]
Dưới góc độ người sử dụng, tiêu dùng thì hệ thống phân phối là tập hợp những trung gian bán hàng và họ phải mua sản phẩm có giá cao hơn của nhà sản xuất.
Hệ thống phân phối là tập hợp các cá nhân hay công ty tự gánh vác hay giúp đỡ chuyển giao cho một ai đó quyền sở hữu đối với một hàng hóa cụ thể hay một dịch vụ trên con đường từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Phân phối là những quyết định đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối với một hệ thống tổ chức, công nghệ điều hành, cân đối hàng hóa để tiếp cận và khai thác hợp nhất nhu cầu của thị trường, để đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến khách hàng cuối cùng nhanh nhất và nhằm đạt lợi nhuận tối đa.
Quan điểm của nhà quản trị ở các DN chủ yếu là công ty sản xuất và nhập khẩu: Hệ thống phân phối là một tổ chức hệ thống các quan hệ bên ngoài doanh nghiệp và cá nhân để quản lý các hoạt động phân phối tiêu thụ sản phẩm nhằm thực hiện các mục tiêu trên thị trường của doanh nghiệp. [1,7]
2. Vai trò và chức năng của hệ thống phân phối
2.1. Vai trò của kênh phân phối
Vì sao phải sử dụng trung gian marketing? [5,1]
Giới trung gian marketing, qua những tiếp xúc, kinh nghiệm, sự chuyên môn hóa và quy mô hoạt động của họ đã đem lại cho nhà sản xuất nhiều điều lợi hơn so với việc nhà sản xuất tự phân phối. Sử dụng giới trung gian phân phối có thể đem lại những sự tiết kiệm khá lớn (hình 1.1)
Ký hiệu quy ước: SX: Nhà sản xuất
KH: Khách hàng
Như hình vẽ cho thấy: Bốn nhà sản xuất trực tiếp làm marketing để phân phối cho bốn khách hàng đòi hỏi tới 16 lần tiếp xúc. Nhưng nếu sử dụng trung gian phân phối số lần tiếp xúc giảm xuống chỉ còn 8.
Như vậy, kênh phân phối đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng hiệu quả tiếp xúc.
Do tính chất của nền kinh tế thị trường – đó là sự phân công lao động xã hội ngày càng sâu sắc và cũng xuất phát từ những lý do để các nhà sản xuất chuyển giao một phần công việc tiêu thụ cho các nhà trung gian phân phối, việc chuyển giao đó làm giảm bớt rất nhiều cho các nhà sản xuất về chi phí, nguồn lực và đảm bảo được phân phối một cách rộng khắp và đưa sản phẩm đến thị trường mục tiêu một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Nhờ quan hệ tiếp xúc, kinh nghiệm và sự chuyên môn hóa quy mô hoạt động các trung gian phân phối sẽ làm lợi cho nhà sản xuất nhiều hơn là các nhà sản xuất tự đảm nhận công việc phân phối sản phẩm của mình.
Phân phối là một công cụ để cạnh tranh. Ngày nay để lựa chọn mua một sản phẩm không chỉ đơn thuần là sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả phù hợp mà người tiêu dùng còn mong muốn sản phẩm đó phải thuận tiện trong quá trình tiêu dùng dễ dàng để chọn lựa, dịch vụ công tác hậu cần chu đáo, đảm bảo cung cấp đúng thời gian và không gian yêu cầu. Hiện nay với tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật những lợi thế về công nghệ giá cả chi phí dần mất ưu thế. Việc thiết kế một hệ thống kênh phân phối phù hợp sẽ là một lợi thế về cạnh tranh, một công cụ hữu hiệu giúp công ty đứng vững trên thương trường.
Ngoài ra kênh phân phối còn có vai trò mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, điều hòa sản xuất và tiêu dùng về mặt không gian và thời gian, duy trì mục tiêu trong dài hạn cũng như quyết định có đạt được mục tiêu tổng thể của doanh nghiệp hay không.
2.2. Chức năng hệ thống phân phối
Chức năng cơ bản của hệ thống kênh phân phối với nền kinh tế:
Chức năng điều nghiên: Thu thập những thông tin cần thiết để hoạch định chiến lược marketing, tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi hàng hóa dịch vụ.
Chức năng cổ động: Là chức năng triển khai và phổ biến những thông tin có sức thuyết phục về sản phẩm đang kinh doanh và các sản phẩm mới.
Tiếp xúc, thiết lập quan hệ với khách hàng: Kênh phân phối thực hiện tìm kiếm và thông tin được với khách hàng tương lai.
Chức năng cân đối: Xác định nhu cầu và phân phối sản phẩm thích ứng với nhu cầu của khách hàng, gồm các hoạt động như: sản xuất, đóng gói hàng hóa.
Chức năng thương lượng, đàm phán: Cố gắng đi tới thỏa thuận về giá cả và các vấn đề quanh món hàng mà khách định mua để có thể bán được.
Chức năng phân phối vật chất: Vận chuyển, lưu trữ hàng hóa trong kho.
Chức năng tài trợ: Huy động và phân phối nguồn vốn cần thiết để dự trữ, vận chuyển, bán hàng và thanh toán các chi phí hoạt động của kênh phân phối.
San sẻ rủi ro: Chấp nhận các rủi ro có liên quan đến việc điều hành các hoạt động của kênh phân phối.
Các chức năng trên có thể thay đổi được giữa các thành viên trong kênh. Nếu nhà sản xuất thực hiện được các chức năng này thì chi phí sẽ tăng và giá cả sẽ cao hơn. Khi một số chức năng được chuyển sang cho giới trung gian thì chi phí và giá cả của nhà sản xuất sẽ thấp hơn, nhưng phải tính thêm chi phí cho nhà trung gian. Vấn đề ai phải thực hiện mỗi chức năng trên của kênh, chính là do năng suất và hiệu quả quyết định.
Tổng hợp các chức năng cơ bản của kênh phân phối đó là: mua, bán, vận chuyển, lưu kho, tiêu chuẩn hóa và phân loại, tài chính, chịu rủi ro, thông tin thị trường. Các thành viên tham gia vào kênh phân phối phải thực hiện các chức năng này. Các chức năng cơ bản này được thực hiện như thế nào và do ai làm có thể khác nhau giữa các quốc gia và các hệ thống kinh tế, nhưng chúng cần được thực hiện trong hệ thống kênh phân phối của mỗi nền kinh tế. [1,18-19]
Để lại một bình luận