Trong bài viết dưới đây, tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn những nội dung khái quát về khách du lịch quốc tế, bao gồm: Khái niệm, mục tiêu, ý nghĩa và các yếu tố tác động.
1. Khái niệm về khách du lịch quốc tế
Năm 1937, Uỷ ban thống kê của Hội Quốc liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc ngày nay) đã đưa ra khái niệm về khách du lịch quốc tế như sau:
Khách du lịch quốc tế là những người thăm viếng một quốc gia ngoài quốc gia cư trú thường xuyên của mình trong thời gian ít nhất là 24 giờ.
Theo khái niệm nêu trên, xét về mặt thời gian, khách du lịch quốc tế là những người có thời gian viếng thăm (lưu lại) ở quốc gia khác ít nhất là 24 giờ. Trên thực tế, những người đến một quốc gia khác có lưu trú qua đêm mặc dù chưa đủ thời gian 24 giờ vẫn được thống kê là khách du lịch quốc tế.
Khoản 3 (Điều 34, chương 1) của Luật Du lịch Việt Nam 2005 quy định: Khách du lịch quốc tế là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch; công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam ra nước ngoài du lịch.
Như vậy, nhóm khách du lịch quốc tế được phân thành 2 loại:
Khách du lịch quốc tế đi vào (Inbound Tourist): là người nước ngoài và người của một quốc gia nào đó định cư ở nước khác vào quốc gia đó đi du lịch. Loại khách này sử dụng ngoại tệ để mua hàng hoá dịch vụ.
Khách du lịch quốc tế đi ra (Outbound Tourist): Là công dân của một quốc gia và người nước ngoài đang cư trú tại quốc gia đó đi ra nước ngoài du lịch.
2. Động cơ của khách du lịch quốc tế
Động cơ đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá hành vi của cá nhân, vì rằng cá nhân không bao giờ hành động một cách vô cớ, mỗi hành động đều có những nguyên nhân của nó, có những yếu tố thúc đẩy con người hành động. Vì vậy khi xem xét hành vi của bất cứ cá nhân nào, người ta đều quan tâm đến động cơ của hành động. Vậy động cơ được hiểu là hệ thống động lực điều khiển bên trong cá nhân, thúc đẩy cá nhân hành động để đạt được những mục đích nào đó. Như vậy, động cơ đi du lịch chính là những yếu tố thúc đẩy con người đi du lịch, trong số các yếu tố này mục đích chính cần thoả mãn trong chuyến đi chính là yếu tố cơ bản tạo nên động cơ đi du lịch của con người ngày nay.
Nắm được động cơ đi du lịch của khách sẽ có những biện pháp khai thác và phục vụ tối ưu. Chẳng hạn cũng là những du khách đi du lịch từ Nhật Bản đến Việt Nam, nhưng với những động cơ khác nhau: như đi du lịch tham quan, giải trí, thăm viếng người thân hay dự hội nghị… thì họ có những nhu cầu và hành vi khác nhau.
Trong thực tế con người đi du lịch thường kết hợp nhiều mục đích khác nhau trong đó có những mục đích giữ vai trò chủ đạo và có những mục đích giữ vai trò phụ.
Xem thêm: Dịch vụ cung cấp tài liệu làm luận văn theo yêu cầu |
3. Ý nghĩa của việc thu hút khách du lịch quốc tế
3.1. Ý nghĩa về mặt kinh tế
3.1.1. Tăng GDP cho đất nước
Du lịch quốc tế phát triển sẽ góp phần tăng tỷ trọng GDP của ngành du lịch trong khu vực dịch vụ, theo đó làm tăng GDP của nền kinh tế quốc dân.
Ở đâu du lịch phát triển, đặc biệt là du lịch quốc tế thì ở đó diện mạo đô thị, nông thôn được chỉnh trang, sạch đẹp hơn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, mức sống của nhân dân được nâng cao. Hơn nữa, hoạt động du lịch quốc tế còn tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy các ngành khác phát triển, khôi phục nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước và từng địa phương, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu, mở rộng giao lưu giữa các vùng, miền trong nước và với nước ngoài.
3.1.2. Đem lại ngoại tệ cho đất nước
Khách du lịch quốc tế mang theo tiền kiếm được từ quốc gia cư trú đến tiêu ở nước đến du lịch, trong chừng mực nào đó được coi là xuất khẩu của nước đến du lịch, do đó giúp cải thiện cán cân thương mại quốc gia. Vì vậy, nếu du lịch quốc tế được duy trì một cách thường xuyên và phù hợp thì nó có thể được coi như một tác nhân giữ ổn định nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu. Các nước đang phát triển như Việt Nam cần du khách quốc tế đến đất nước đông hơn số công dân nước mình đi du lịch ra nước ngoài. Đây là lợi thế nhằm cải thiện cán cân thương mại do công dân trong nước có thu nhập thấp ít có điều kiện đi du lịch ra nước ngoài.
3.1.3. Là một hoạt động xuất khẩu đạt hiệu quả cao
Tính hiệu quả cao trong kinh doanh du lịch đặc biệt là kinh doanh du lịch quốc tế thể hiện ở chỗ du lịch quốc tế là một ngành “xuất khẩu tại chỗ” những hàng hóa công nghiệp, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, đồ cổ phục chế, nông lâm sản theo giá bán lẻ cao hơn giá xuất khẩu (nếu như bán qua xuất khẩu sẽ theo giá bán buôn). Thông thường, khách quốc tế khi đi ra nước ngoài du lịch, họ đều muốn mua những sản phẩm địa phương tại nước sở tại để mang về làm quà cho bạn bè, người thân hoặc để lưu giữ lại kỷ niệm của những vùng đất mà họ đã từng đặt chân đến. Vì thế, các hàng hóa mà được trao đổi thông qua con đường du lịch quốc tế sẽ được xuất khẩu mà không phải chịu hàng rào thuế quan mậu dịch quốc tế. Du lịch quốc tế không chỉ là ngành “xuất khẩu tại chỗ ”, mà còn là ngành “xuất khẩu vô hình” hàng hóa du lịch. Đó là các cảnh quan thiên nhiên khí hậu và ánh nắng mặt trời vùng nhiệt đới, những giá trị của những di tích lịch sử – văn hóa, tính độc đáo trong truyền thống phong tục, tập quán mà không bị mất đi qua mỗi lần “bán” mà thậm chí giá trị và uy tín của nó còn tăng lên qua mỗi lần đưa ra thị trường nếu như chất lượng phục vụ du lịch cao. Sở dĩ có hiện tượng đó là do chúng ta “bán” cho khách không phải là bản thân tài nguyên du lịch mà chỉ là giá trị các khả năng thỏa mãn nhu cầu đặc trưng của khách du lịch được chứa đựng trong tài nguyên du lịch. Khách du lịch quốc tế khi về lại nước mình sẽ quảng bá thêm cho nước mà khách đến du lịch qua con đường truyền miệng nếu chất lượng phục vụ du lịch mang lại sự hài lòng cho du khách.
3.1.4. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tăng cường hoạt động ngoại thương
Quy luật có tính phổ biến của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên thế giới hiện nay là giá trị ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn trong tổng sản phẩm xã hội và trong số người có việc làm. Do vậy, các nhà kinh doanh đi tìm hiệu quả của đồng vốn thì du lịch là một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn so với nhiều ngành kinh tế khác. Du lịch đem lại tỷ suất lợi nhuận cao vì vốn đầu tư vào du lịch tương đối ít so với ngành công nghiệp nặng, giao thông vận tải mà khả năng thu hồi vốn lại nhanh, kỹ thuật không phức tạp. Hơn nữa, du lịch quốc tế lại là một nguồn thu ngoại tệ đáng kể trong tổng doanh thu mà ngành du lịch mang lại, vậy nên việc thu hút khách du lịch quốc tế sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng và đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào ngành du lịch. Ngoài ra, hoạt động du lịch phát triển sẽ kéo theo sự mở rộng giao lưu kinh tế văn hoá giữa các vùng, miền và với quốc tế. Có thể nói, thông qua hoạt động du lịch quốc tế mà các giao dịch thương mại cũng như việc gặp gỡ, trao đổi thông tin, công nghệ giữa các quốc gia được đẩy mạnh. Điều này góp phần xúc tiến hoạt động ngoại thương và đem lại nguồn lợi lớn cho quốc gia.
3.2. Ý nghĩa về mặt xã hội
3.2.1. Tạo ra cơ hội việc làm
Vấn đề việc làm là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm của các quốc gia. Thu hút khách du lịch quốc tế giúp giải quyết công ăn việc làm cho người dân, cụ thể là tạo ra công việc trong các lĩnh vực quản lý, tài chính, điều hành, khoa học, thông tin, bán hàng và marketing. Tuy nhiên, phần lớn cơ hội việc làm ở phạm vi điều hành và tác nghiệp.
3.2.2. Tạo thu nhập cho người dân
Hoạt động du lịch nói chung và hoạt động du lịch quốc tế nói riêng phát triển sẽ tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
3.2.3. Giảm quá trình đô thị hóa
Các tài nguyên du lịch thường có ở khắp mọi nơi, đặc biệt là những nơi xa xôi, hẻo lánh hay các khu vực ven biển. Việc khai thác để đưa những tài nguyên này vào sử dụng đòi hỏi phải có đầu tư mọi mặt như giao thông, bưu điện, kinh tế, văn hóa, xã hội. Do vậy, việc phát triển du lịch quốc tế sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội ở các vùng đó, và cũng vì vậy mà góp phần dịch chuyển bớt lượng dân cư tập trung ở các trung tâm đô thị đến các vùng có hoạt du lịch phát triển.
3.3. Ý nghĩa về mặt văn hóa – chính trị
3.3.1. Mở rộng giao lưu văn hóa
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, hoạt động du lịch phát triển, khách du lịch quốc tế đến tham quan nhiều sẽ kéo theo sự mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các vùng miền và giữa các nước. Khi khách du lịch quốc tế đến tham quan một đất nước, họ sẽ được tiếp xúc với những người dân địa phương, được tìm hiểu và giao lưu văn hóa; ngược lại, họ cũng có cơ hội giới thiệu bản sắc văn hóa của họ khi họ đi du lịch ở các quốc gia khác.
3.3.2. Nâng cao dân trí, phát triển nhân tố con người
Hoạt động du lịch quốc tế góp phần tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu các di tích, di sản và nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, phát triển di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; khôi phục lễ hội, làng nghề truyền thống; truyền tải giá trị văn hoá đến các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế, tạo thêm sức hấp dẫn thu hút khách du lịch. Hoạt động du lịch quốc tế là quá trình đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các quốc gia và khu vực. Qua con đường du lịch quốc tế, các quốc gia khác nhau có thể trao đổi những kinh nghiệm, chính sách trong hệ thống giáo dục cũng như học tập những tinh hoa của dân tộc khác trong việc nâng cao tầm hiểu biết cho người dân, nâng cao trình độ dân trí, từng bước cải thiện nguồn nhân lực quốc gia.
3.3.3. Phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền của dân tộc
Khách du lịch quốc tế khi đến thăm một đất nước khác rất thích mua quà lưu niệm. Đó là các sản phẩm mang đậm tính văn hóa và đặc trưng của khu vực vùng miền ấy như các sản phẩm của các nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền. Khách du lịch văn hóa ngày một đông, họ thường đi tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa dân tộc. Do vậy, việc tôn tạo và bảo dưỡng các di tích đó ngày càng được quan tâm nhiều hơn, nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền dân tộc phục vụ cho các mục đích có điều kiện phục hồi và phát triển hơn.
3.3.4. Đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội
Quá trình phát triển du lịch quốc tế không chỉ hướng tới những mục tiêu kinh tế, xã hội mà còn nhằm đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh và đối ngoại. Từ các chủ trương đến các công việc điều hành cụ thể hoạt động du lịch quốc tế đều liên quan đến an ninh, quốc phòng và có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền. Phát triển du lịch quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia có cơ hội hiểu nhau, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau thông qua việc giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hóa, góp phần duy trì sự ổn định chính trị và hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Một quốc gia nếu muốn thu hút khách du lịch quốc tế thì cần quan tâm đặc biệt đến môi trường du lịch – điều này khẳng định tầm quan trọng của nền chính trị – xã hội ổn định, nhân văn. Chính vì lý do này mà họ sẽ đầu tư hợp lý vào an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội để đảm bảo an toàn cho du khách nước ngoài. Như vậy, hoạt động du lịch nếu được xúc tiến khoa học và có chiến lược thì sẽ giữ được an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hơn nữa, việc phát triển du lịch ở các vùng biên giới, hải đảo sẽ góp phần rất tích cực khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và đất liền.
4. Các yếu tố tác động đến việc thu hút khách du lịch quốc tế
4.1. Tài nguyên du lịch
Tài nguyên du lịch là tổng thể tự nhiên và văn hóa – lịch sử cùng các thành phần của chúng góp phần khôi phục và phát triển thể lực và trí lực của con người, khả năng lao động và sức khỏe của họ, những tài nguyên này được sử dụng cho nhu cầu trực tiếp và gián tiếp, cho việc sản xuất dịch vụ du lịch.
Khoản 4 (Điều 4, chương 1) Luật Du lịch Việt Nam năm 2005 quy định: “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử – văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch”.
Khoản 1 (Điều 13, chương 2) của Luật Du lịch Việt Nam 2005 quy định: “Tài nguyên du lịch gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn đang được khai thác và chưa được khai thác.
Tài nguyên du lịch tự nhiên gồm các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch.
Tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch”.
Tài nguyên du lịch là yếu tố cơ bản để tạo thành các sản phẩm du lịch. Để hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, các sản phẩm du lịch cần phải đa dạng, phong phú, đặc sắc và mới mẻ. Chính sự phong phú và đa dạng, đặc sắc của tài nguyên du lịch tạo nên sự phong phú đa dạng và hấp dẫn của sản phẩm du lịch. Như vậy, tài nguyên du lịch được xem như tiền đề để phát triển du lịch, là điều kiện cần thiết để thu hút khách du lịch nói chung và khách du lịch quốc tế nói riêng. Tài nguyên du lịch càng phong phú, đặc sắc và có mức độ tập trung cao thì càng có sức hấp dẫn với du khách và có hiệu quả kinh doanh du lịch càng cao.
4.2. Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật
4.2.1. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
Cơ sở vật chất kỹ thuật của tổ chức du lịch bao gồm toàn bộ nhà cửa và phương tiện kỹ thuật giúp cho việc phục vụ để thỏa mãn các nhu cầu củakhách du lịch như: khách sạn, nhà hàng, phương tiện giao thông vận tải các khu nhà giải trí, cửa hàng, công viên, đường sá, hệ thống thoát nước, mạng lưới điện trong khu vực của cơ sở du lịch (có thể là của một cơ sở du lịch, có thể là của một khu du lịch). Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm du lịch.
4.2.2. Cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng xã hội
Cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng lao động xã hội là những phương tiện vật chất không phải do các tổ chức du lịch xây dựng nên mà là của toàn xã hội. Đó là hệ thống đường sá, nhà ga, sân bay, bến cảng, đường sắt, công viên của toàn dân, mạng lưới thương nghiệp của khu dân cư, hệ thống thông tin viễn thông, hệ thống cấp thoát nước, mạng lưới điện, các rạp chiếu phim, nhà hát, viện bảo tàng.
Trong cơ sở hạ tầng kỹ thuật của xã hội, nhân tố phục vụ đắc lực nhất và có tầm quan trọng nhất đối với du lịch là hệ thống giao thông vận tải (đường không, đường bộ, đường thủy). Đây chính là cơ sở vật chất kỹ thuật bậc hai đối với du lịch. Nó được xây dựng để phục vụ nhân dân địa phương và sau nữa là phục vụ cả khách du lịch đến thăm đất nước hoặc vùng du lịch. Đây là cơ sở có tầm quan trọng đặc biệt vì nó nằm sát ngay nơi du lịch, nó quyết định nhịp độ phát triển du lịch và trong chừng mực nào đó còn quyết định chất lượng phục vụ du lịch.
4.3. Đội ngũ lao động
Đây là tác nhân quan trọng sử dụng các công cụ cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch để khai thác các tài nguyên du lịch, mang đến cho khách du lịch quốc tế các sản phẩm du lịch và dịch vụ tốt nhất. Lao động trong du lịch phần lớn là lao động kỹ thuật, đòi hỏi có sự chuẩn bị nghiệp vụ cao. Sự chuyên môn hóa thể hiện rõ rệt nhất ở các cơ sở phục vụ lưu trú, ăn uống, du lịch. So với lao động trong các ngành khác thì lao động trong ngành du lịch có cường độ thấp hơn, nhưng lại ở trong môi trường lao động phức tạp và phải chịu đựng tâm lý cao. Đặc điểm này thể hiện rõ nét đối với những người lao động có quan hệ trực tiếp với khách như: phục vụ buồng, bàn, bar, hướng dẫn viên du lịch, họ phải tiếp xúc với nhiều loại đối tượng khách du lịch mà khách lại có những đặc điểm tâm lý xã hội rất khác nhau. Vậy nên đội ngũ lao động có trình độ, có chuyên môn nghiệp vụ chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là đội ngũ ấy phải có tinh thần phục vụ tốt, làm việc hết sức chuyên nghiệp để tạo cảm giác thân thiện và thoải mái cho khách du lịch. Đội ngũ lao động hội đủ hai điều kiện trên chắc chắn sẽ là một tác nhân quan trọng để giúp thu hút khách du lịch quốc tế.
4.4. Chính sách phát triển du lịch
Các chính sách phát triển du lịch hợp lý sẽ đảm bảo phát huy được khả năng du lịch của quốc gia và địa phương. Đặc biệt các quy định và chính sách đa dạng hóa về tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế của nhà nước và cơ quan thẩm quyền địa phương luôn có tác động trực tiếp đáng kể đến việc thu hút này. Do vậy các chính sách và các quy định này phải được xây dựng và triển khai hợp lý để đảm bảo sự phù hợp giữa chính sách và khả năng thực hiện trên thực tế. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch quốc tế, tiềm năng du lịch sẽ không thể khai thác hiệu quả nếu công tác quy hoạch và tổ chức du lịch thiếu đồng bộ và không khoa học. Công tác quy hoạch và quản lý chuyên nghiệp sẽ cho phép du lịch phát triển theo đúng định hướng và giúp tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế.
4.5. Môi trường du lịch
Môi trường du lịch bao gồm môi trường du lịch tự nhiên và môi trường du lịch nhân văn. Bất kỳ hoạt động du lịch nào cũng chỉ diễn ra trong phạm vi môi trường du lịch. Hay nói cách khác, hễ ở đâu có du lịch thì ở đó có môi trường du lịch. Trong khi môi trường tự nhiên đòi hỏi việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên phải gắn liền với việc tôn tạo và giữ gìn môi trường, thì môi trường du lịch nhân văn đòi hỏi là du lịch mà ở đó không có nạn chèo kéo khách, không có tình trạng xô xát tranh giành khách, thay vào đó là sự tiếp đón ân cần và thân thiện của người dân địa phương. Vấn đề bảo đảm an toàn cho khách du lịch quốc tế là một vấn đề cần được quan tâm nhất. Đây là một trở ngại lớn nếu du lịch thực sự không được chuyên nghiệp hóa và khó đảm bảo thực hiện được ở những vùng có trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân còn khó khăn. Bên cạnh đó, khách du lịch quốc tế khi lựa chọn một nơi để đi du lịch, họ không chỉ xem xét đến các sản phẩm du lịch mà còn coi trọng yếu tố bảo vệ sự an toàn thân thể, tài sản, quan tâm đến tình hình an ninh chính trị của quốc gia đó. Cho nên vấn đề về chính trị, hòa bình, an ninh xã hội phải được đảm bảo. Đối với những vùng, quốc gia nơi có tình hình chính trị không ổn định như nội chiến, mâu thuẫn sắc tộc, đảo chính thì chắc chắn sẽ không thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế.
Để lại một bình luận