Tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là gì? Những đặc trưng và vai trò của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bao gồm những gì? Hãy xem ngay bài viết mà tailuanvan.com chia sẻ dưới đây.
1. Khái niệm, đặc trưng của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước
Tín dụng ĐTPT của Nhà nước là hoạt động vay trả giữa nhà nước và các tác nhân hoạt động trong nền kinh tế nhằm hỗ trợ vốn cho các đơn vị kinh doanh thực hiện đầu tư theo yêu cầu phát triển kinh tế của Nhà nước, thúc đẩy các đơn vị sử dụng vốn tiết kiệm có hiệu quả.
Tín dụng ĐTPT của Nhà nước là một biện pháp chuyển dần hình thức cấp phát của NSNN sang hình thức đầu tư tín dụng ưu đãi, cho vay có hoàn trả nhằm nâng cao trách nhiệm của người sử dụng vốn và hiệu quả sử dụng vốn. Nó làm cho các DN, các nhà đầu tư phải “tư duy”, “động não”, “suy tính” để hoạt động đầu tư, SX – KD có hiệu quả, hoàn trả được vốn vay, không trông chờ ỷ lại vào sự cấp phát của Nhà nước. Nó không chỉ là công cụ củng cố tiềm lực tài chính quốc gia mà còn là công cụ để Nhà nước có thể thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế.
Là loại hình tín dụng nên tín dụng ĐTPT có những đặc trưng cơ bản của tín dụng. Nhưng nó không phục vụ các đối tượng kinh tế đơn thuần mà nhằm vào các đối tượng vừa có tính chất kinh tế vừa có tính chất xã hội để thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước trong từng thời kỳ nhất định. Tuy nhiên, vì là một loại hình tín dụng đặc biệt nó có những đặc tính sau:
Một là, Tín dụng ĐTPT của Nhà nước chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực then chốt có vai trò quan trọng, đòn bẩy đối với nền kinh tế của đất nước hoặc của một ngành, của một khu vực, của một vùng.
Hai là, Tín dụng ĐTPT của Nhà nước tập trung vào lĩnh vực mà tín dụng thương mại với mục tiêu hàng đầu là lợi nhuận không thể giải quyết được do hiệu quả trực tiếp cho các nhà đầu tư không được đảm bảo, do quy mô nguồn vốn quá lớn do thời gian thu hồi vốn đầu tư quá dài, rủi ro cao… hoặc để giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước như công ăn việc làm, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo quy hoạch vùng lãnh thổ, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng… Các đặc tính này được cụ thể hóa bằng các điểm sau đây:
Mục đích của tín dụng ĐTPT của Nhà nước là hỗ trợ các dự án ĐTPT của các thành phần kinh tế thuộc một số ngành, lĩnh vực quan trọng, chương trình kinh tế lớn có tác động trực tiếp đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Nguồn vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước được hình thành từ các nguồn sau: Vốn NSNN hàng năm dành cho tín dụng ĐTPT; vốn huy động theo chủ trương của Chính phủ; vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vốn viện trợ quốc tế dành cho tín dụng ĐTPT; vốn thu hồi nợ vay (gốc và lãi) các công trình đã đầu tư trước đây đến hạn trả nợ; vốn huy động và các nguồn vốn khác theo quy định của Chính phủ.
Tuỳ theo mục đích điều tiết nền kinh tế trong từng thời kỳ của Nhà nước mà tín dụng ĐTPT của Nhà nước được tập trung cho các đối tượng nhất định thường là các ngành, các lĩnh vực then chốt, trọng điểm hoặc các vùng có khó khăn để tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Từng thời kỳ, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, hiện nay Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ quy định cụ thể danh mục các dự án, chương trình được vay vốn tín dụng ĐTPT
2. Vai trò tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường
Tín dụng ĐTPT của Nhà nước ra đời là một trong những cơ sở để tách các hoạt động tín dụng mang tính kinh tế – xã hội ra khỏi hoạt động có tính thương mại của khu vực trung gian tài chính, chuyển hoạt động kinh doanh của các tổ chức trung gian tài chính sang cơ chế hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường. Việc tách bạch tín dụng chính sách và tín dụng ngân hàng có tác dụng tích cực trong việc xử lý rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động của các NHTM.
2.1. Điều chỉnh cơ cấu kinh tế
Mục tiêu đặt ra với tín dụng ĐTPT của Nhà nước là thực hiện chức năng điều tiết vĩ mô nền kinh tế, một mặt phải tập trung vào những lĩnh vực, ngành nghề cần thiết cho phát triển kinh tế bền vững, nhằm trực tiếp hoặc gián tiếp phát triển cáclĩnh vực, ngành nghề, điều chỉnh cơ cấu kinh tế… Mặt khác, tín dụng ĐTPT của Nhà sẽ tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực công nghệ mới, có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng tăng năng suất lao động, tăng sản phẩm xã hội nhằm cải thiện đời sống, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước, loại trừ nguy cơ tụt hậu.
2.2. Nâng cao hiệu quả và xoá bao cấp trong đầu tư
Các cơ chế, chính sách quản lý tín dụng ĐTPT của Nhà nước được đưa ra chặt chẽ nhằm kiểm tra, giám sát trước, trong và sau quá trình đầu tư một cách nghiêm ngặt. Dưới các áp lực này, chủ đầu tư buộc phải chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nguồn vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước về khả năng tạo ra nguồn thu nhập cao hơn chi phí đầu tư để không chỉ bù đắp được các khoản chi phí đã bỏ ra mà phải trả lãi cho khoản tín dụng ĐTPT.
2.3. Giúp các doanh nghiệp mở rộng đầu tư phát triển SX – KD
Tín dụng ĐTPT của Nhà nước có tác dụng duy trì sự liên tục cũng như khả năng mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất của các đơn vị kinh tế:
Thứ nhất, các DN thuộc đối tượng tín dụng ĐTPT của Nhà nước sẽ có động lực để mở rộng SX – KD dưới các hình thức đầu tư mới hoặc đổi mới thiết bị công nghệ, tăng quy mô… thông qua việc trực tiếp nhận được các khoản vay tín dụng ĐTPT của Nhà nước hoặc sự bảo lãnh hay HTSĐT của Nhà nước.
Thứ hai, hoạt động đầu tư của Nhà nước sẽ khuyến khích và lôi kéo các thành phần kinh tế mở rộng SX – KD thông qua việc tạo ra các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sản xuất hoặc phát triển một khâu nào đó của chu trình sản xuất.
Vấn đề có nghĩa sâu rộng hơn là sự phát triển cơ chế tín dụng ĐTPT của Nhà nước đã tạo ra một thị trường tài chính năng động, thực hiện tốt chức năng chu chuyển, điều hòa các nguồn tài chính trong nền kinh tế đảm bảo việc duy trì liên tục và mở rộng phát triển nền sản xuất hàng hóa.
2.4. Điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua NHPT
Từ những năm 1990, đường lối cải cách kinh tế của Đảng và Nhà nước ngày càng được khẳng định rõ nét và đi vào thực tiễn sâu rộng. Trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm huy động tối đa các nguồn vốn thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đã được ban hành để thu hút vốn ĐTPT kinh tế – xã hội đất nước.
Thời kỳ này vốn NSNN dành cho đầu tư XDCB được thực hiện thông qua hai kênh là: Cấp phát trực tiếp cho DA đầu tư theo hình thức không hoàn lại và cho vay ưu đãi có hoàn trả theo kế hoạch của Nhà nước.
Khác với thời kỳ trước đổi mới, thời kỳ này đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia ĐTPT kinh tế – xã hội. Do vậy, vốn đầu tư thực hiện đã tăng cả về quy mô lẫn tốc độ, cơ cấu nguồn vốn huy động đạt được đều theo xu hướng tích cực hơn.
Năm 1990, chỉ có một đầu mối cho vay tín dụng ĐTPT của Nhà nước là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Đến năm 1995 khi thành lập Tổng cục ĐTTT có hai đầu mối cho vay tín dụng ĐTPT của Nhà nước cùng tồn tại. Năm 1996 và năm 1997, có thêm ba Ngân hàng Thương mại khác cũng được giao nhiệm vụ làm đầu mối cho vay đầu tư là: Ngân hàng Công thương Việt Nam; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Ngoài ra, một số DN còn trực tiếp ký các hợp đồng vay vốn với cơ quan tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính theo các dự án ODA. Như vậy, thực tế có sáu đầu mối cho vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi này.
Từ năm 2000, đầu mối cho vay được tập trung chủ yếu tại Quỹ HTPT. Quỹ HTPT được Nhà nước thành lập và giao nhiệm vụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua công cụ tín dụng ĐTPT Nhà nước với những nhiệm vụ huy động vốn, tiếp nhận và quản lý các nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách tín dụng ĐTPT thông qua hình thức: Cho vay đầu tư, BLTDĐT, HTSĐT, tín dụng hỗ trợ xuất khẩu; cho vay theo hiệp định của Chính phủ và thực hiện một số nhiệm vụ khác của Thủ tướng Chính phủ giao.
Sự ra đời và hoạt động của Quỹ HTPT và từ ngày 01/7/2006 chuyển thành Ngân hàng Phát triển Việt Nam là chủ trương đúng đắn và từng bước phù hợp với mục tiêu phát triển từng thời kỳ, phù hợp với nền kinh tế ngày càng tham gia hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn. Nguồn vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đến nay dư nợ tín dụng ĐTPT đạt 110.091 tỷ đồng, chiếm khoảng 10,24% tổng dư nợ tín dụng của toàn bộ nền kinh tế có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế biểu hiện trên các mặt chủ yếu sau:
Một là, góp phần tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao năng lực của nền kinh tế theo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đến hết 31/12/2012 tổng số dự án vay vốn tín dụng đầu tư Ngân hàng phát triển của 1.783 dự án với tổng số tiền là 110.091 tỷ đồng, trong đó đầu tư một số dự án lớn như: Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dự án Lọc dầu Dung Quất, dự án Thuỷ điện Sơn La và nhiều dự án có quy mô lớn trên toàn quốc, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, thu ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng để tái đầu tư phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội, các dự án đầu tư vay vốn Tín dụng đầu tư phát triển nhà nước tại Ngân hàng phát triển là cơ sở, điều kiện và tiền đề thu hút các nguồn lực khác cùng tham gia đầu tư. Nhờ vậy đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH – HĐH, tập trung hỗ trợ đầu tư những lĩnh vực, chương trình, DA, sản phẩm trọng điểm có ý nghĩa nền tảng của nền kinh tế, Hỗ trợ phát triển kinh tế vùng miền, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA thông qua việc cho vay lại và đảm bảo đủ nguồn vốn đối ứng để thực hiện DA. Cho vay lại vốn ODA tại Ngân hàng Phát triển đến 31/12/2012 với tổng số 432 dự án, tổng dư nợ 122.885 ngàn triệu đồng/tổng số cam kết cho vay là 11.069 triệu USD tương đương 230.235 ngàn triệu đồng góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Hai là, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh. Dư nợ cho vay bình quân cho vay từ 150 – 180 khách hàng từ năm 2006-2012 hàng năm 12.822 ngàn triệu đồng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dệt may, da giày và một số sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, thủy sản, gạo, cà phê, dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ,… vào các thị trường lớn như ASEAN, Mỹ, Nhật, EU…. góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu và làm tăng kim ngạch hàng tỷ USD mỗi năm, tăng khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng có lợi thế, cải tiến cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng các mặt hàng qua chế biến, giữ vững thị trường truyền thống, khai thác, mở mang thị trường mới.
Ba là, tạo sự chuyển biến về lượng và chất trong việc khai thác các nguồn vốn cho đầu tư, thúc đẩy phát triển của thị trường tài chính, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.
Tóm lại: Có thể khẳng định vai trò của tín dụng ĐTPT của Nhà nước trong thực hiện chủ trương đổi mới nền kinh tế như sau:
Đã thực hiện thành công chủ trương đổi mới trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng, xóa bỏ tư tưởng bao cấp nặng nề trong hoạt động đầu tư. Khắc phục một bước tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng cho ĐTPT trong khi nguồn NSNN còn nhiều khó khăn chưa có cách khắc phục. Cơ chế tín dụng ĐTPT của Nhà nước đã từng bước thực hiện vai trò là đòn bẩy quan trọng để đổi mới quản lý đầu tư và xây dựng.
Đã có đủ điều kiện để tập trung vốn đầu tư cho các chương trình lớn, các DA quan trọng và then chốt của nền kinh tế. Các tổ chức cho vay (TCCV) đã có kinh nghiệm trong khâu xét duyệt, ký kết hợp đồng, triển khai thực hiện, theo dõi và quản lý các DA đầu tư.
Hình thức thực hiện ngày càng đa dạng và phát triển theo hướng tiến bộ: Cho vay đầu tư, BLTDĐT; HTSĐT…. Nguồn vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước đã góp phần tăng đáng kể năng lực của các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Tuy hoạt động của tín dụng ĐTPT của Nhà nước đã đạt được những kết quả nhất định, song về cơ chế quản lý vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế, chưa phát huy được đầy đủ các mặt tích cực đối với công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế – xã hội của đất nước, đặc biệt những khó khăn trong thời gian qua . Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện nhằm củng cố về quan điểm và nâng cao nhận thức hoạt động thực tiễn, đảm bảo thực hiện vai trò hết sức quan trọng của tín dụng ĐTPT của Nhà nước trong sự nghiệp CNH – HĐH đất nước mà hệ thống Ngân hàng Phát triển là lực lượng nòng cốt.
Để lại một bình luận