Vị trí và vai trò của thế chấp quyền sử dụng đất đối với các tổ chức tín dụng là gì? Hãy cùng tailuanvan.com tìm hiểu nội dung này trong bài viết dưới đây.
1. Thế chấp QSDĐ tạo điều kiện cho người có QSDĐ giải quyết nhu cầu về vốn trong quá trình sử dụng đất
Vốn là yếu tố không thể thiếu trong hoạt động của bất kỳ doanh nghiệp nào, là công cụ để biến ý tưởng, dự án sản xuất kinh doanh thành hiện thực. Trong bối cảnh hội nhập, vốn là nhân tố quyết định tới việc tăng năng lực cạnh tranh – yếu tố sống còn của doanh nghiệp trên trường quốc tế. Thế chấp QSDĐ để vay vốn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh là cơ hội tốt nhất cho các nhà đầu tư giải quyết được yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất.
Vai trò của thế chấp QSDĐ đối với các nhà đầu tư không chỉ được biểu hiện ở khía cạnh kinh tế là giải quyết nhu cầu về vốn như đã nêu trên, mà chúng còn phát huy tác dụng trong việc thúc đẩy người vay vốn trả nợ tiền vay. Việc tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả nợ trước tiên là nhằm đáp ứng của bên cho vay theo những thỏa thuận và cam kết trong Hợp đồng thế chấp. Tuy nhiên, thực hiện nghĩa vụ trả nợ cũng nhằm đáp ứng chính yêu cầu của bên vay, bởi nếu không sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong kinh doanh và đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán; trong trường hợp này, QSDĐ của doanh nghiệp đặt trước nguy cơ của việc xử lý để bên cho vay thu hồi nợ. Ở tình thế này, chẳng những nguồn vốn vay đã không phát huy được tác dụng mà trái lại chúng còn tác động ngược chiều, có khả năng làm cho các doanh nghiệp lâm vào tình trạng “trắng tay”, “mất cả chì lẫn chài” do mất đi nguồn vốn đi vay và cả nguồn vốn đầu tư ban đầu – QSDĐ, sự nghiệp của doanh nghiệp cũng có thể bị chấm dứt từ đó.
Đối với kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là các hộ ở nông thôn thì thế chấp QSDĐ còn mang ý nghĩa thiết thực hơn. Với mức thu nhập bình quân trên đầu người được xếp vào hàng của các nước đói, nghèo so với chuẩn quốc tế, cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân ở các vùng nông thôn là hết sức khó khăn. Để đối phó với cuộc sống thường nhật, người dân phải xoay sở với nhiều công việc, nhiều ngành nghề khác nhau để mưu sinh, song trở ngại lớn nhất mà họ phải đối mặt là nguồn vốn huy động từ đâu để thực hiện được điều đó, khi mà khả năng cung ứng nguồn vốn của Nhà nước không đáp ứng đủ với nhu cầu. Trong trường hợp này, sự ghi nhận của pháp luật cho phép người sử dụng đất được thế chấp để vay vốn là một giải pháp linh hoạt để mở rộng kênh huy động vốn của người dân.
2. Hạn chế rủi ro phát sinh trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ
Hoạt động tín dụng là hoạt động cơ bản của ngân hàng, đem lại nguồn thu chủ yếu của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, vấn đề mà các ngân hàng thương mại đang phải đối mặt là rủi ro tín dụng. Rủi ro tín dụng là rủi ro phát sinh do khách hàng vay không thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng tín dụng, với biểu hiện cụ thể là khách hàng chậm trả nợ, trả nợ không đầy đủ hoặc không trả nợ khi đến hạn các khoản gốc và lãi vay, gây ra những tổn thất về tài chính và khó khăn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng, trong trường hợp nghiêm trọng hơn có thể làm cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng bị thua lỗ, thậm chí là phá sản ngân hàng.
Xuất phát từ đặc thù nguồn vốn cho vay là nguồn vốn huy động là chủ yếu nên hầu hết các TCTD đều dự tính trước rủi ro xảy ra, tuy nhiên trên thực tế thì không phải lúc nào bên cho vay cũng kiểm soát được rủi ro đó. Vì vậy, sự an toàn đối với mọi khoản vay là vấn đề cần được xem xét trước tiên. Việc cho vay có thế chấp QSDĐ không ngoài mục đích ngăn ngừa và giảm thiểu những tổn thất và rủi ro có thể xảy ra đối với bên cho vay.
Để lại một bình luận