Trong bài viết sau đây, tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn khái niệm, vai trò và đặc điểm của du lịch cộng đồng.
1. Khái niệm du lịch cộng đồng
Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, cộng đồng được hiểu là “một tập đoàn người rộng lớn có những dấu hiệu, những đặc điểm xã hội nói chung về thành phần giai cấp, về nghề nghiệp, về địa bàn cư trú. Cũng có những cộng đồng xã hội bao gồm một dòng giống, một sắc tộc, một dân tộc”. Như vậy khi nói đến cộng đồng xã hội bao gồm mang tính phổ quát nổi bật: Kinh tế, địa lý, ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo và lối sống.
Thuật ngữ du lịch cộng đồng xuất phát từ hình thức du lịch làng bản ngay từ những năm 1970 ở các nước thuộc khu vực châu Âu, châu Mỹ và châu Úc. Mục đích khái niệm này đầu tiên do du khách đưa ra. Khách du lịch tham quan các làng bản, tìm hiểu về đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán, khám phá hệ sinh thái của vùng núi non, các cuộc du ngoạn này thường được tổ chức tại các vùng rừng núi. Phần lớn còn mang tính chất hoang dã, địa hình hiểm trở, nhưng lại rất thưa dân cư, các điều kiện đi lại, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Những lúc như vậy, du khách cần tới sự giúp đỡ của những người dân bản địa như: Dẫn đường khỏi bị lạc, nơi nghỉ qua đêm … Khách du lịch thường gọi những chuyến đi đó là những chuyến đi có sự hỗ trợ của người dân địa phương. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển các loại hình DLCĐ như hiện nay. DLCĐ chính thức được hình thành và phát triển mạnh mẽ tại các nước Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc những năm 80 – 90 của thế kỷ trước. Sau đó lan rộng sang khu vực châu Á trong đó có các nước khu vực ASEAN như Indonesia, Philippin, Thái Lan, Việt Nam …
Ngày nay, DLCĐ được hiểu là cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động kinh doanh mang tính tự phát tại những nơi có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn hấp dẫn, các tuyến, điểm du lịch sẵn có của địa phương chứ chưa chú trọng tới quyền lợi cộng đồng địa phương và thu hút họ tham gia vào hoạt động du lịch. Trong nhiều trường hợp quyền lợi của các bên tham gia du lịch xấu đi và làm giảm sức hấp dẫn cho du khách.
Đến nay một số nhà nghiên cứu đã đưa ra các khái niệm cho thuật ngữ DLCĐ.
Theo quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới WNF:“ DLCĐ là loại hình du lịch mà ở đó cộng đồng địa phương có sự khảo sát và tham gia chủ yếu và sự phát triển và quản lý hoạt động du lịch và phần lớn lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch cho cộng đồng ” nguồn (Aigul, Shadanbekova, Marketing Specialist, Community – based tourism guidebook, 2004).
Năm 1997, Tổ chức du lịch Thái Lan “ Responsible Ecological Social tours” – một tổ chức du lịch chịu trách nhiệm về du lịch sinh thái – xã hội đã đưa ra khái niệm:“DLCĐ là phương thức tổ chức du lịch đề cao sự bền vững về môi trường và văn hóa xã hội. DLCĐ do cộng đồng sở hữu quản lý tài nguyên các hoạt động du lịch. Vì sự phát triển của cộng đồng và cho phép du khách nâng cao nhận thức cũng như học hỏi từ cộng đồng về những giá trị văn hóa, cuộc sống đời thường của họ ”.
Đối với Việt Nam, vấn đề phát triển du lịch cộng đồng lần đầu tiên được đưa ra tại“Hội thảo chia sẻ bài học kinh nghiệm phát triển DLCĐ Việt Nam – 2003”. Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia trong và ngoài nước đã thảo luận các vấn đề cơ bản về loại hình DLCĐ tại việt Nam. Theo đó Viện nghiên cứu phát triển miền núi đã đưa ra khái niệm về DLCĐ như sau: “DLCĐ là nhằm bảo tồn tài nguyên du lịch tại điểm đón khách. Vì sự phát triển du lịch bền vững dài hạn, DLCĐ khuyến khích sự tham gia cộng đồng địa phương trong du lịch và có cơ chế tạo các cơ hội cho cộng đồng. DLCĐ là một quá trình tương tác giữa cộng đồng và khách du lịch mà sự tham gia có ý nghĩa của cả hai phía, mang lại lợi ích, bảo tồn cho cộng đồng địa phương.” Như vậy DLCĐ nhấn mạnh đến tính tự chủ, vai trò chủ thể tham gia hoạt động du lịch là cộng đồng địa phương. Khái niệm DLCĐ không đồng nghĩa với du lịch sinh thái. DLCĐ nhấn mạnh đến chủ thể tham gia vào quy hoạch quản lý, quyết định các vấn đề phát triển du lịch, bảo vệ, khai thác tài nguyên và hưởng từ hoạt động du lịch là cộng đồng địa phương. Trong khi đó du lịch sinh thái nhấn mạnh đến quản lý khai thác, bảo tồn tài nguyên có trách nhiệm nhưng không rõ chủ sở hữu tài nguyên du lịch, cộng đồng địa phương được tham gia vào các hoạt động du lịch nhưng không được trực tiếp quyết định phát triển du lịch, tham gia một cách bị động, cộng đồng địa phương chỉ được chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch.
2. Vai trò của du lịch cộng đồng
DLCĐ góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bao gồm sự đa dạng sinh học, tài nguyên nước, rừng, bản sắc văn hóa… DLCĐ góp phần phát triển kinh tế địa phương thông qua việc tăng doanh thu và những lợi ích khác cho cộng đồng.
DLCĐ có sự tham gia ngày càng đông đảo và tích cực của cộng đồng địa phương, mang lại cho du khách một sản phẩm du lịch có trách nhiệm đối với môi trường xã hội. Có thể nói DLCĐ mang lại rất nhiều lợi ích về mọi mặt và có vai trò rất lớn đối với nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng, tài nguyên môi trường của quốc gia, khu vực và chính bản thân cộng đồng.
– Đối với công tác bảo tồn tài nguyên:
+ Góp phần bảo vệ vững chắc tài nguyên tự nhiên, môi trường sinh thái.
+ Bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng.
– Đối với du lịch:
+ Tạo ra sự đa dạng trong sản phẩm du lịch của một vùng, một quốc gia.
+ Góp phần thu hút khách du lịch.
+ Góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên du lịch nói riêng
– Đối với cộng đồng:
Mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ cho du khách. Đồng thời những thành viên khác của cộng đồng cũng được hưởng lợi ích từ sự tái đầu tư của nguồn doanh thu du lịch vào việc hỗ trợ, nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, góp phần thay đổi kinh tế xã hội của địa phương.
Như vậy có thể khẳng định việc phát triển DLCĐ có một ý nghĩa rất lớn đối với mọi mặt của xã hội. Tất nhiên bên cạnh những lợi ích đó nó cũng gây ra một số tác hại, ảnh hưởng xấu đối với cộng đồng địa phương và tài nguyên du lịch địa phương. Nhưng dù sao chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng đặc biệt của phát triển DLCĐ trên nhiều khía cạnh.
3. Đặc điểm du lịch cộng đồng
DLCĐ là một loại hình du lịch rất mới mẻ. Ở Việt Nam loại hình du lịch này rất được quan tâm và chú ý phát triển trong những năm gần đây. DLCĐ được coi là hướng đi tốt ở Việt Nam, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng núi, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn thì hoạt động du lịch sẽ từng bước cải thiện cuộc sống, tạo sinh kế mới, tạo thêm công ăn việc làm cho nhân dân. Từ đó có thể nhận thức một số đặc điểm của DLCĐ như sau:
DLCĐ là một loại hình du lịch mới khác với các loại hình du lịch khác bởi cộng đồng dân cư là những người được tham gia ngay từ đầu, từ khâu nghiên cứu, lập kế hoạch phát triển, triển khai các hoạt động kinh doanh du lịch, cung cấp các sản phẩm du lịch dịch vụ cho khách du lịch. Họ giữ vai trò chủ đạo phát triển và duy trì các dịch vụ. Hoạt động này tính đến hiệu quả và sự điều tiết của các quy luật kinh tế thị trường.
Địa điểm tổ chức phát triển du lịch dựa vào du lịch cộng đồng diễn ra tại nơi cư trú hoặc gần nơi cư trú của cộng đồng địa phương. Đây là những khu vực có tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, hấp dẫn có độ nhạy cảm về đa dạng sinh học, chính trị, văn hóa, xã hội và đang bị tác động của con người.
Cộng đồng dân cư phải là người sinh sống và làm việc trong hoặc liền kề các điểm tài nguyên du lịch. Đồng thời cộng đồng phải có trách nhiệm tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường nhằm hạn chế tác động tiêu cực chính từ việc khai thác tài nguyên du lịch của cộng đồng và hoạt động của du khách.
DLCĐ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Điều này được thể hiện ở việc DLCĐ có tác động tích cực đối với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ngành nghề và lao động. Trước khi tham gia DLCĐ người dân chủ yếu sinh sống trong điều kiện kinh tế tự cung tự cấp, nghề chính của họ là sản xuất nông nghiệp.
Khi DLCĐ phát triển người dân có điều kiện và các ngành nghề kinh truyền thống được duy trì và phát triển trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Từ đó việc tiêu thụ những sản phẩm tại chỗ được dễ dàng hơn. Thu nhập từ dịch vụ cho thuê phòng, bán hàng, chở khách, biểu diễn văn nghệ… giúp cải thi cuộc sống của nhân dân. Cùng với cơ cấu ngành nghề lao động cũng có sự thay đổi, hình thành các công việc mang tính du lịch mới.
DLCĐ là hoạt động thu hút cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch và được hưởng lợi từ hoạt động này nên đây là loại hình có tính chuyên môn thấp. Cộng đồng địa phương mời tham gia vào hoạt động du lịch nên chuyên môn nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, gặp khó khăn trong việc giao tiếp và hướng dẫn khách nước ngoài.
Đặc điểm lớn nhất của DLCĐ là người tổ chức du lịch và cư dân bản địa khai thác cái sẵn có của cộng đồng địa phương để kinh doanh du lịch.
Phát triển DLCĐ phải đảm bảo sự công bằng trong phân chia quyền lợi từ thu nhập du lịch cho các bên tham gia.
Phát triển DLCĐ góp phần làm đa dạng hóa các ngành nghề kinh tế, trong khi vẫn duy trì và phát triển các ngành kinh tế truyền thống.
DLCĐ còn bao gồm yếu tố trợ giúp, tạo điều kiện các bên tham gia trong đó vai trò của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các cấp quản lý nhà nước …
Để lại một bình luận