Đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học là gì? Đặc điểm và vai trò của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học bao gồm những gì? Hãy cùng tailuanvan.com tìm hiểu trong bài viết này.
1. Khái niệm về đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học
1.1. Khái niệm đội ngũ cán bộ
Khái niệm đội ngũ ngày nay được sử dụng rộng rãi trong cả nói và viết: đội ngũ cán bộ, đội ngũ giáo viên, đội ngũ nhân viên, đội ngũ sinh viên…
Theo Đại từ điển Tiếng Việt (NXB Văn hóa thông tin) thì: “Đội ngũ là một khối đông người cùng chức năng nghề nghiệp, được tập hợp và tổ chức thành một lực lượng”[2].
Theo Từ điển Tiếng Việt (NXB Đà Nẵng – Viện Ngôn ngữ học): “Đội ngũ là một tập hợp gồm một số đông người cùng có chức năng nhiệm vụ hoặc nghề nghiệp hợp thành lực lượng hoạt động trong một hệ thống nhất định”[22].
Các khái niệm về đội ngũ tuy có khác nhau đôi chút nhưng đều giống nhau, đều thống nhất với nhau ở chỗ, đội ngũ là một nhóm người được tập hợp thành một lực lượng để cùng thực hiện một hay nhiều chức năng; họ có thể cùng hoặc không cùng nghề nghiệp nhưng đều có chung lý tưởng, cùng chung mục đích và gắn bó với nhau về quyền lợi vật chất và tinh thần.
1.2. Khái niệm nghiên cứu khoa học
Khoa học được hiểu là hệ thống tri thức về tự nhiên, xã hội và tư duy về những quy luật phát triển khách quan của tự nhiên, xã hội và tư duy. Nó giải thích một cách đúng đắn nguồn gốc của những sự kiện đó, phát hiện ra những mối liên hệ của các hiện tượng, vũ trang cho con người những tri thức về quy luật khách quan của thế giới hiện thực để con người áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
Theo Vũ Cao Đàm: “NCKH nói chung là nhằm thỏa mãn về nhu cầu nhận thức và cải tạo thế giới đó là khám phá những thuộc tính bản chất của sự vật, hiện tượng; phát hiện quy luật vận động của sự vật, hiện tượng; vận dụng quy luật để sáng tạo giải pháp tác động lên sự vật hiện tượng”[23].
Theo Nguyễn Văn Lê: “NCKH là sự tìm tòi, khám phá bản chất các sự vật nhằm thỏa mãn nhu cầu nhận thức, đồng thời sáng tạo ra các giải pháp tác động trở lại sự vật, biến đổi sự vật theo mục đích sử dụng”[14].
Nói một cách khái quát nhất thì NCKH là một hoạt động tìm kiếm, xem xét, điều tra, hoặc thử nghiệm. Dựa trên những số liệu, tài liệu, kiến thức… đạt được từ các thí nghiệm NCKH để phát hiện ra những cái mới về bản chất sự vật, về thế giới tự nhiên, xã hội và để sáng tạo phương pháp, phương tiện kỹ thuật mới cao hơn, giá trị hơn. Con người muốn làm NCKH phải có kiến thức nhất định về lĩnh vực nghiên cứu và cái chính là phải rèn luyện cách làm việc tự lực, có phương pháp từ lúc ngồi trên ghế nhà trường.
1.3. Khái niệm cán bộ nghiên cứu khoa học
Cán bộ NCKH là người thực hiện công việc nghiên cứu khoa học, mà ở đây là những cán bộ chuyên nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư hoặc một số người có thể không có văn bằng chính thức, song họ cũng làm các công việc tương đương như nhà nghiên cứu/nhà khoa học, tham gia vào quá trình tạo ra tri thức, sản phẩm và quy trình mới, tạo ra phương pháp và hệ thống mới.
1.4. Khái niệm đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học
Đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học là một nhóm người được tập hợp thành một lực lượng để cùng thực hiện công việc nghiên cứu khoa học.
Trong phạm vi của đề tài, tác giả muốn nhấn mạnh tới đội ngũ nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính và nghiên cứu viên cao cấp mà trong Quyết định số 11/2006/QĐ-BNV ngày 05/10/2006 của Bộ Nội vụ đã nêu rõ: “nghiên cứu viên là viên chức chuyên môn làm công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng có độ phức tạp đến mức trung bình (đề tài, dự án cấp cơ sở, hoặc một phần đề tài, dự án cấp Bộ) tại các tổ chức nghiên cứu và phát triển; Nghiên cứu viên chính là viên chức chuyên môn làm công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thực hiện hoặc chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu vì ứng dụng có độ phức tạp cao (chương trình, đề tài, dự án cấp bộ, ngành hoặc một phần chương trình, đề tài, dự án cấp nhà nước) tại các tổ chức nghiên cứu và phát triển; Nghiên cứu viên cao cấp Là viên chức chuyên môn làm công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức và chỉ đạo thực hiện các công trình nghiên cứu và ứng dụng có độ phức tạp cao (chương trình, đề tài, dự án lớn cấp Bộ và Nhà nước nhằm giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng của quốc gia tại các tổ chức nghiên cứu và phát triển.”
1.5. Khái niệm phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học
Phát triển đội ngũ cán bộ NCKH là sự vận động theo chiều đi lên của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trên các phương diện về số lượng, chất lượng, cơ cấu tổ chức nhằm hoàn thiện hơn, nâng cao hơn phục vụ cho nhu cầu tiến bộ trên lĩnh vực khoa học công nghệ của xã hội.
Trên quan điểm của phát triển nguồn nhân lực thì có thể hiểu phát triển đội ngũ cán bộ NCKH nằm trong đó, đội ngũ cán bộ NCKH là những người có trình độ cao cả về văn hóa và chuyên môn, họ có nhận thức sâu rộng về các vấn đề tự nhiên hay xã hội.
2. Đặc điểm của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học
Người cán bộ nghiên cứu khoa học là người có trình độ chuyên môn hóa:
Không thể nói rằng NCKH là công việc của những người có học thức và những người chưa đủ trình độ học vấn tối thiểu thì không thể NCKH được. Khi một người nào đó cần NCKH thì họ phải trau dồi, tìm hiểu thêm, học hỏi thêm về phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung, kiến thức cơ bản về chuyên môn nghiên cứu nói riêng. Nếu không thì những gì họ tìm thấy là mới, là đúng thì cũng chỉ dừng lại ở tri thức kinh nghiệm mà chưa chắc đã ứng dụng được vào thực tiễn khoa học cũng như ứng dụng vào thực tiễn lao động. Những kinh nghiệm quý báu ấy cần được kiểm tra, xác định phạm vi ứng dụng… của người có chuyên môn cao và đã có thời gian khảo sát, nghiên cứu về công trình nghiên cứu này. Ðôi khi người NCKH không những cần kiến thức của lĩnh vực mình mà còn cần kiến thức trong những lĩnh vực gần gũi hoặc có liên quan.
Ngoài ra, người làm công tác NCKH cần có kỹ năng sử dụng máy móc, thiết bị kỹ thuật để công việc được tiến triển nhanh hơn, kết quả chính xác hơn.
Người cán bộ nghiên cứu khoa học cần có phương pháp làm việc khoa học:
– Khả năng nghiên cứu và phương pháp tư duy khoa học: Tư duy khoa học là giai đoạn cao, trình độ cao của quá trình nhận thức, được thực hiện thông qua một hệ thống các thao tác tư duy nhất định trong đầu óc của các nhà khoa học (hoặc những người đang sử dụng các tri thức khoa học và vận dụng đúng đắn những yêu cầu của tư duy khoa học) với sự giúp đỡ của một hệ thống “công cụ” tư duy khoa học (như các ngôn ngữ và hình thức của tư duy khoa học) nhằm “nhào nặn các tri thức tiền đề, xây dựng thành những tri thức khoa học mới, dưới dạng những khái niệm, phán đoán, suy luận mới hoặc giả thuyết, lý thuyết, lý luận khoa học mới, phản ánh các khách thể nhận thức một các chính xác hơn, đầy đủ hơn, sáu sắc hơn, chân thực hơn.
– Khả năng phát hiện vấn đề và nhìn nhận vấn để nghiên cứu: là kỹ năng cần có của người nghiên cứu khoa học. Trước khi bắt đầu nghiên cứu một vấn đề gì, người nghiên cứu cần xác định được vấn đề đó có cần thiết, có cấp thiết cần phải nghiên cứu hay không. Điều này giúp cho các vấn đề nghiên cứu sát với thực tiễn và có tính ứng dụng cao.
– Khả năng thu thập và phân tích, xử lý số liệu: thu thập số liệu bằng phương tiện gì, cách thu thập, phân tích, lựa chọn và sàng lọc dữ liệu, biết sử dụng các công cụ hiện có để xử lý các dữ liệu đó.
– Có kế hoạch làm việc thật khoa học, tiết kiệm thời gian và kinh tế: khả năng lập kế hoạch là khả năng liệt kê các công việc cần phải làm, các mục tiêu cần hướng tới theo một trình tự nhất định và được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, cụ thể, việc này giúp việc nghiên cứu tiết kiệm được chi phí và thời gian nghiên cứu đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ nghiên cứu.
– Khả năng trình bày vấn đề khoa học: khi hoàn thành một nghiên cứu, việc ứng dụng nghiên cứu đó vào thực tiễn yêu cầu khả năng trình bày, diễn giải nghiên cứu đó sao cho dễ hiểu, logic nhằm mục đích thuyết phục người nghe chấp nhận các nghiên cứu của mình.
Ngoài ra cán bộ nghiên cứu khoa học cần phải có các đức tính của một nhà khoa học chân chính đó là:
– Có sự say mê nghiên cứu khoa học.
– Nhạy bén với những vấn đề nghiên cứu.
– Kiên trì nghiên cứu.
– Cẩn thận, tỉ mỉ trong quá trình nghiên cứu.
– Trung thực với kết quả.
3. Vai trò của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học
– Đội ngũ cán bộ NCKH có vai trò quan trọng trong việc đóng góp thành công của lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng – triển khai. Đội ngũ này đã chú trọng đến các vấn đề lý luận, phương pháp luận then chốt của khoa học nghiên cứu cơ bản làm cho các chuyên ngành khoa học được tiếp cận được với tri thức khoa học thế giới, đồng thời có những đóng góp mới phát triển khoa học công nghệ Việt Nam, góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp đổi mới phục vụ CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
– Đội ngũ cán bộ NCKH có vai trò “dấn thân” vì mục tiêu khám phá, truyền bá, và phổ biến sự thật. Một công trình nghiên cứu khoa học chỉ hoàn tất khi kết quả được công bố trên một tập san khoa học có đồng nghiệp bình duyệt và phản biện nghiêm chỉnh. Ở đây, tính minh bạch của NCKH rất quan trọng, vì nó chẳng những là một yêu cầu của khoa học mà còn là một khía cạnh để phân biệt khoa học với phi khoa học.
– Cán bộ NCKH có trình độ nghiên cứu lâu năm còn tham gia tích cực và đóng góp có ý nghĩa vào việc xây dựng các văn bản quan trọng về lĩnh vực nghiên cứu. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ NCKH còn trực tiếp thực hiện các yêu cầu nghiên cứu của các chương trình cấp Nhà nước có liên quan mà tập trung nhất về con người, văn hóa, giáo dục, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH.
– Nhìn lại những thành tựu NCKH trong những năm đổi mới có thể thấy đội ngũ cán bộ NCKH đã cố gắng tiếp tục xây dựng một nền kinh tế xã hội tương đối toàn diện, đồng bộ và cập nhật, góp phần đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp đổi mới kinh tế, giải quyết khá kịp thời nhiều vấn đề đa dạng của thực tiễn xã hội cả về cơ sở lý luận, cả về nội dung và cách thức thực hiện. Các công trình NCKH không chỉ đảm bảo cơ sở khoa học cho một số quyết sách, chủ trương quan trọng của các cấp ban ngành chủ quản mà còn đưa ra các giải pháp nhằm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về đổi mới khoa học, giải quyết nhiều nhiệm vụ chính trị bức xúc của các ngành.
Để lại một bình luận